Đào Thái Sơn
1 ngày ·
ĐỒNG PAL – MỘT ĐỊA DANH LỊCH SỬ
Ở Tây Ninh có lẽ không ai không biết đến Đồng Pal. Đây là một địa danh đi vào lịch sử của tỉnh nhà. Trước đây, Đồng Pal thuộc về xã Thạnh Đông của huyện Tân Biên, nay là trung tâm Thị trấn của huyện Tân Châu.
Trước khi nói tới địa danh Đồng Pal, xin nói qua một chút lịch sử vùng đất của khu Thị trấn và một số phần lân cận của nó. Nếu khảo sát trên bản đồ Hạt tham biện Tây Ninh do Pháp vẽ năm 1896 thì toàn khu Thị trấn và một phần của hai xã Thạnh Đông và Tân Hiệp ngày nay thuộc về làng Cà Nhum của tổng Chơn Bà Đen. Căn cứ vào Từ điển Địa danh hành chính Nam Bộ của Nguyễn Đình Tư có thể lọc ra nhu sau: Tổng Chơn Bà Đen thành lập năm 1865 gồm có 5 làng là Cà Nhum, Ké Del, Rùng, Thùng và Ampil. Ngày 6-3-1891 thì làng Ampil giải thể, nhập vào làng Cà Nhum. Đến năm 1930 thì Cà Nhum thuộc quận Thái Bình, đến năm 1942 thì Thái Bình đổi tên là Châu Thành. Năm 1956 làng Cà Nhum được gọi là xã Cà Nhum. Đến 28-3-1957 thì xã Cà Nhum giải thể và nhập chung vào xã Khe Dol. Đến tháng 3 -1958 thì xã Khedol được đổi thành xã Tân Hưng. Lúc này Tân Hưng là một vùng đất vô cùng rộng lớn, gần như bao trùm cả Tân Châu ngày nay. Đến tháng 7-1958 xã Tân Hưng mới chia làm ba xã là Tân Hưng, Tân Hội và Tân Long. Lúc này Đồng Pal thuộc về xã Tân Hưng. Sau 1975 thành lập xã Thạnh Đông thì Đồng Pal thuộc về xã Thạnh Đông của huyện Tân Biên. Năm 1989 thành lập huyện Tân Châu, xã Thạnh Đông thuộc về huyện mới. Năm 1991 Thị trấn Tân Châu được thành lập trên một phần đất của Đồng Pal – Thạnh Đông và toàn bộ xã Tân Thạnh.
Nếu căn cứ vào năm chính thức thành lập làng thì Cà Nhum đã có hơn 150 năm tồn tại. Về tên gọi thì Cà Nhum là một địa danh gốc Khmer [ដើមក្រញូង – Đờm kronhung – cây trắc], làng có nhiều cây trắc mọc, hoặc có cây trắc cổ thụ. Đây là cách dùng mộc danh để đặt địa danh của người Khmer bản xứ xưa.
Xứ Cà Nhum thời Pháp thuộc chủ yếu là rừng già, và được J.C. Baurac miêu tả như sau: “Từ Ké-dol đi Cà Nhum đường khá dài; phải chú ý nhất là vào mùa khô, khi đi dường này bằng xe bò, thì nghỉ lại giữa đường, vì bụi bặm gây bất tiện cho du khách và ruồi trâu đông đen thường đốt mấy con bò, buộc chúng phải nằm xuống. Cà Nhum là một làng lớn nằm giữa rừng và chỉ có người Cao Miên. Một ngôi nhà duy nhất nổi bật giữa mọi nhà khác, đó là lớp học, xây bằng gạch, nơi mỗi ngày 40, 50 trẻ em Cao Miên tới theo học một thầy giáo được phải đến trung tâm này. Mọi làng Cao Miên đều giống nhau; làng Cà Nhum không phải là ngoại lệ. Nhà cửa dựng trên cọc và cách khá xa nhau; không có chợ, không có nhà việc chung. Cả làng sống hòa thuận dưới sự quản lý của một vài chức sắc. Hầu hết dân làm nghề đi rừng; rất nhiều gỗ họ đốn hạ được chở bằng xe bò lớn xuyên rừng, đến Bến Kéo rồi sau đó chuyển bè gỗ, đem bán ở Sài Gòn hoặc trong nội địa Nam Kỳ. Từ Cà Nhum đi Rùng và Sroc-Tranh mất 5 giờ, hai làng này chủ yếu là người Cao Miên, họ tập trung ở rìa hạt Tây Ninh, trên biên giới vương quốc Cao Miên. Đây là một trong những khu vực nhiều thú rừng nhất các tỉnh miền Đông và từ đây có thể nhìn thấy trên những cánh đồng rộng lớn và những khoảng rừng thưa nằm cạnh Rùng, những đàn nai sừng tấm mà người An Nam gọi là con-cà-tong; có ngày đếm được 32 con đi thành đàn và, không xa đó là 7, 8 con hươu cũng làm thành một đàn riêng biệt, dường như chúng sống rất hòa thuận với nai sừng tấm; có ba con bò rừng thong thả dạo bước ở bìa rừng cách lũ hươu chừng 50 mét” (Nam Kỳ và cư dân các tỉnh Miền Đông – J.C. Baurac – trang 431- NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh – 2022 – Huỳnh Ngọc Linh dịch).
Trên là khung cảnh hoang sơ của Cà Nhung mà Bác sỹ J.C. Baurac miêu tả vào năm 1887. Tức là sự hoang sơ đó đã cách nay 135 năm (tính tới năm 2022). Trở lại địa danh Đồng Pal, thì trong Nam Kỳ và cư dân các tỉnh Miền Đông phần tỉnh Tây Ninh không thấy tác giả nhắc tới. Nhưng trên bản đồ Hạt tham biện Tây Ninh 1896 thì có một địa danh hữu quan đó là “Cây Gõ Tha la” (thuộc về làng Cà Nhum). Trên bản đồ này, ta thấy “Cây Gõ Tha la” được viết liền nhau, nhưng trên thực tế thì từ “Cây Gõ” đến “Tha La” là đúng 3km, tức đây là hai địa danh khác nhau, chứ không phải là một.
Nếu Tha La là con suối Tha La ở cuối đường Lê Duẩn giáp xã Suối Dây, thì Cây Gõ chính là tại ngã tư Đồng Pal hiện nay. Vậy tại sao chỉ có một nơi mà lại mang hai tên vừa là Cây Gõ vừa là Đồng Pal ? Thực ra tại ngã ba Đồng Pal (lúc ấy chưa là ngã tư) xưa kia người Khmer làng Cà Nhum gọi là [Kompong Đờm Bêng – កំពង់ដើមបេង]. Trong cụm từ này, [Kompong] nghĩa là “bến”; Đờm Bêng nghĩa là “Cây Gõ” (loại cây gõ đỏ). Về sau người ta Việt hóa (không hoàn toàn) từ Đờm Bêng thành Đồng Pal. Và từ Đồng Pal được dùng phổ biến hơn so với từ Cây Gõ, cho nên Đồng Pal còn mà Cây Gõ mất chính là vậy. Và cũng xin nói thêm rằng, nơi ngã ba Đồng Pal xưa kia là nơi người Khmer tập kết gỗ rừng khai thác được, rồi sau đó mới vận chuyển theo đường sông Vàm Cỏ Đông để đi đến các nơi tiêu thụ ở Nam Bộ xưa. Y như J.C. Baurac đã nói ở phần trên.
Tầm mấy mươi năm trước, xứ Đồng Pal hoang vắng lắm, đầy rẫy dấu vết bom đạn của chiến tranh. Quả đúng với tính chất của lịch sử là vậy. Chúng ta biết rằng, sau thất bại của cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất (1965-1966), quân đội Mỹ tổn thất nặng nề ở mặt trận này nhưng họ vẫn nung nấu tìm cách để giành thắng lợi bằng quân sự hòng giải quyết cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam. Khi bắt đầu vào mùa khô năm 1966 – 1967, quân đội Mỹ liền lập tức mở đợt phản công lần thứ hai ở khắp chiến trường Đông Nam Bộ, trong đó có cuộc càn quy mô lớn nhất, dài nhất mang tên Junction City đánh vào khu căn cứ Bắc Tây Ninh, sát biên giới Việt Nam và Campuchia kể từ 22/2/1967 đến 15/4/1967. Các trận càn này với mục đích là tiêu diệt cơ quan đầu não lãnh đạo kháng chiến ở miền Nam của ta, và hòng tiêu diệt Sư đoàn 9 chủ lực quân giải phóng và Đài Phát thanh giải phóng, cô lập biên giới, triệt phá kho tàng, dự trữ hậu cần của lực lượng cách mạng của quân và dân ta. Nắm chắc được ý đồ của địch, quán triệt sự chỉ đạo và phương châm tác chiến của Bộ Chỉ huy Quân sự Miền, Tỉnh ủy Tây Ninh đã đề ra nhiệm vụ xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân tại chỗ, sẵn sàng đánh địch trên trục lộ giao thông, đánh bất ngờ ở các cứ điểm quan trọng, đánh phá kho tàng, ấp chiến lược… và bẻ gãy cuộc hành quân Junction City của địch. Quân và dân Tây Ninh bảo vệ an toàn Căn cứ Trung ương cục và các cơ quan trọng yếu của quân giải phóng, tạo tiền đề vững chắc dẫn đến cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Tượng đài Chiến thắng Junction City được xây dựng tại Khu di tích lịch sử địa điểm lưu niệm Chiến thắng Junction City nay là thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu, tức là ngã tư Đồng Pal ngày nay. Di tích này ghi lại dấu ấn quan trọng của quân dân ta khi đánh bại cuộc hành quân Junction City lớn nhất của Đế quốc Mỹ ở chiến trường miền Nam. Tượng đài được xây dựng trên diện tích 6.760 m2, kinh phí hơn 19 tỷ đồng. Với những giá trị tiêu biểu, năm 2013, địa điểm lưu niệm Chiến thắng Junction City đã được Bộ VHTT-DL xếp hạng là Di tích quốc gia.
Sau 1986 vùng đất này mới bắt đầu thở hơi thở hồi sinh. Lúc ấy chưa thành lập huyện Tân Châu, đường từ Đồng Pal ra Thị xã chỉ là con đường lộ đất đỏ nhỏ, nắng bụi mưa lầy. Cặp bên con đường người ta thành lập cái chợ nho nhỏ, buôn bán đủ thứ từ nhà vườn đem ra. Phía trước chợ có một cái cổng bằng gỗ, trên sơn ba chữ “Chợ Đồng Pal”. Cái chợ này dùng chung cho hai xã Thạnh Đông và Tân Thạnh. Cặp bên chợ là cái bến xe. Mang tiếng là bến xe, chứ chỉ là cái bãi đất nhỏ đậu vài ba chiếc xe than. Muốn đi ra thị xã Tây Ninh thì phải đi loại xe này. Ai ngồi gần bình than phía sau thì không khác ngồi gần hỏa lò. Xe chạy ạch đụi từ sáng tới trưa mới ra đến Thị xã.
Trước khi lập huyện Tân Châu, xứ Đồng Pal còn thưa thớt lắm, mấy cái trảng nước sâu còn y nguyên, mùa mưa về cá rất nhiều, người dân giăng lưới giăng câu ngay dưới sàn nhà của mình. Về sau bà con Việt kiều bên Camphuchia lần lượt kéo về ở. Những ngôi nhà sàn ven trảng mọc lên ngày càng nhiều. Rồi mọc lên nhà máy chà lúa của bà Năm Sóc, tiệm chụp hình của ông Vĩnh, tiệm sạc bình ắc quy của ông Tư Tiên…các lò mì cũng dần dần thành lập. Không bao lâu sau xứ Đồng Pal trở nên đông đúc hẳn lên. Người ta đổ đất lấp dần các trảng nước, cưa hết cây rừng để làm nhà cửa. Bộ mặt của Đồng Pal đổi thay từ đó cho đến ngày hôm nay.
ĐÀO THÁI SƠN