Đào Thái Sơn – BA NGHI LỄ QUAN TRỌNG TRONG CHUỖI CHÔL CHHNĂM THMÂY CỦA NGƯỜI KHMER TÂY NINH

I. KHÁI QUÁT VỀ LỄ HỘI VĂN HÓA CỦA NGƯỜI KHMER

Nói đến văn hóa Khmer là nói đến lễ hội. Lễ hội bao gồm lễ hội Phật giáo và lễ hội dân gian, tiếp nối nhau theo định kỳ các tháng trong năm. Mỗi lễ hội đều có màu sắc, hình thức và ý nghĩa riêng, qua đó phản ánh cuộc sống vật chất, tinh thần và sự mong cầu của con người đối với thế giới tầng trên, chan hòa vạn vật. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, lễ hội là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân Khmer, nhưng bên cạnh lễ hội còn có một bộ phận quan trọng không kém đó là truyện kể dân gian. Truyện kể dân gian nhằm giải thích cho nghi thức lễ hội, còn lễ hội chính là phần diễn xướng cho truyện kể dân gian.

Trong năm, người Khmer có khá nhiều lễ hội, lễ hội Phật giáo và dân gian điển hình như cúng Neakta Srốk, Tảo mộ, Chôl chhnăm thmây, Phật Đản, Nhập hạ, Xuất hạ, Dâng y Kathina, Sen Đôn Ta, Ok ombok…ngoài ra còn có các nghi lễ vòng đời như hỏi cưới, tang ma, mừng thọ…Nhìn chung hầu hết các lễ hội này đều có nghi thức diễn xướng khác nhau và kèm theo bao giờ cũng có những câu truyện kể. Chẳng hạn trong Chôl chhnăm thmây có nghi thức rước đầu lâu của thần bốn mặt Maha Prum, người Khmer có câu chuyện kể về chàng Thomabal giải được câu đố hóc búa của thần “Buổi sáng cái duyên của con người ở đâu? Buổi trưa ở đâu? Và buổi tối ở đâu?”. Và sự chiến thắng của chàng Thomabal làm cho thần Maha Prum thua cuộc, thần ngước mặt lên trời gọi các nàng con gái của mình xuống để dặn dò là phải cất giữ đầu thần trên đỉnh núi Tudi, không để đầu của thần rơi xuống biển làm khô cạn đại dương, không để đầu của mình lơ lửng trên không trung vì như vậy thì không bao giờ có mưa và nếu để đầu mình rơi xuống đất thì đất sẽ khô cằn. Dặn dò xong, thần tự cầm gươm cắt phăng đầu của mình và giao ngay cho người con gái cả là Tung Sắc Têvi. Các cô gái làm đúng theo lời thần Maha Brum dặn, hàng năm, đúng vào thời khắc giao thừa, bảy cô con gái của thần đến núi Tudi, luân phiên nhau làm lễ rước đầu Maha Prum đi quanh núi theo hướng mặt trời ba vòng. Câu chuyện mang đậm dấu ấn của văn hóa Bà la môn, nhưng qua đó đề cao sức mạnh trí tuệ của con người, chiến thắng thiên nhiên, cải tạo thiên nhiên để có cuộc sống no ấm. Tương tự nghi lễ Đắp Núi Cát cũng có câu chuyện Sự tích đắp núi cát để giải thích, qua đó ca ngợi trí tuệ và tình yêu chân chính, đem lại hạnh phúc dài lâu.

Trong Sen Đôn Ta và Ok Ombok cũng vậy, nếu Sen Đôn Ta là cúng ông bà đi kèm với truyền thuyết về Đức Phật hướng dẫn bố thí cho ma quỷ, xá tội vong nhân, nhớ ơn ông bà tổ tiên và trách nhiệm của con cháu, thì trong Ok Ombok lạ có truyền thuyết về đại kiếp của Đức Phật hóa thành con thỏ… Sự từ bi bác ái luôn đem đến an vui hạnh phúc cho muôn loài muôn vật. Qua đó giáo hóa chúng sinh làm lành lánh dữ, tình yêu thương chan hòa rộng khắp.

Bên cạnh các nghi lễ chính thống, người Khmer còn có các lễ cúng khác như cúng Neakta, cúng Arak, cúng Thần Lúa, cúng vong nhân….những hình thức cúng này cũng xuất hiện rất nhiều câu chuyện kèm theo, nhất là cúng Neakta. Đối với người Khmer, Neakta – Ông Tà – là vị thần linh có mặt trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống như Tà giữ ruộng, Tà giữ chùa, Tà ngã ba, Tà bến sông, Tà cây đa, Tà trị bệnh, Tà chỉ mất trộm, Tà trị rắn cắn… Tùy theo mỗi địa phương khác nhau mà có những vị Tà khác nhau, mỗi vị Tà đều có sự tích riêng, hoặc có sự linh hiển riêng mà người dân luôn tôn kính.

Nói chung, lễ hội văn hóa của người Khmer là phần bản sắc hết sức quan trọng, hầu hết các nghi lễ đều có sự hòa quyện giữa yếu tố dân gian và Phật giáo. Qua đó góp phần giải thích nguồn gốc văn hóa dân tộc và giáo dục mọi người trong phum sóc về đạo đức cách ứng xử với muôn loài muôn vật cho đúng đạo lý.

II. BA NGHI LỄ QUAN TRỌNG TRONG CHUỖI CHÔL CHHNĂM THMÂY

Chôl chhnăm thmây là chuỗi lễ hội đầu năm mới của bà con dân tộc Khmer thường diễn ra từ ba đến bốn ngày vào trung tuần tháng tư dương lịch. Trong những ngày này, chủ yếu có ba nghi lễ chính, đó là rước Đại lịch, đắp Núi cát và tắm Phật tắm sư. Đây được xem là ba nghi lễ quan trọng nhất trong chuỗi lễ hội này.

Nghi lễ rước Đại lịch

Trước khi nói về nghi thức và sự tích rước Đại lịch, xin sơ lược qua một chút về lịch của người Khmer. Theo lịch âm dương của Khmer, thì một năm có 12 tháng, tháng Meakase (T1) có 29 ngày, tháng Pos (T2) có 30 ngày…và luân phiên chẵn lẻ như thế cho đến tháng Kadak (T12) có 30 ngày….như vậy một năm có 354 ngày, mỗi tháng trung bình có 29 ngày và ½ ngày của tháng sau. Người Khmer không ăn tết vào tháng giêng như những dân tộc khác, mà ăn tết vào tháng Chett (T5) tương đương khoảng thời gian từ ngày 13/-16/4 tháng tư dương lịch. Lý do thứ nhất là chu kỳ của mặt trăng giáp vào tháng này, thứ hai là tháng Chett đã hoàn thành công việc gặt hái, mọi nhà rãnh rỗi không bận bịu công việc đồng áng. Bên cạnh đó, đây là thời điểm của mùa nắng ráo, phum sóc sạch sẽ, phù hợp cho mọi người vui chơi sinh hoạt và nghỉ ngơi. Cho nên từ ngàn xưa, Chôl chhnăm thmây được tổ tiên của người Khmer ấn định vào tháng này là vì lẽ đó.

Đại lịch trong tiếng Khmer được gọi là [Moha Sankran – មហាសង្ក្រាន្ត]. Đây là loại lịch cổ truyền do các Hô Ra (Chiêm tinh gia) soạn ra để sử dụng trong một năm. Đại lịch này ghi rõ các ngày tháng và thời khắc diễn ra tất cả các lễ hội, mưa nắng, điềm tốt xấu trong một năm cụ thể… Người Khmer dựa vào Đại lịch để tổ chức giao thừa, thời khắc vào năm mới và bói điều hung kiết trong năm. Nếu như Chhnăm là tính theo sự vận chuyển của mặt trời và đánh dấu bước đầu vào năm mới, thì Chôl là tính theo sự vận chuyển của mặt trăng và đánh dấu việc thay đổi của 12 con giáp trong một chu kỳ. Nếu dựa vào sự tính toán của các Hô Ra trong Đại lịch, thì năm 2024 thời khắc giao thừa sẽ diễn ra vào 22 giờ 17’ ngày 13/4 tức là năm 2568 Phật lịch. Và ngày 13/4 lại là ngày thứ bảy, nên Quản Thế Thiên [Têvôđa Roksamonusslok – ទេវតារក្សាមនុស្សលោក] của năm Rông (Rồng) sẽ là người con gái thứ bảy của Đại Phạm Thiên [Pres Moha Prum – ព្រះមហាព្រហ្ម], nàng tên Mahathăria Têvy xuống cai quản trần gian.

Vấn đề này, xin nói thêm, Đại Phạm Thiên có bảy người con gái theo thứ tự từ cả đến út có tên như sau: Tungsa Têvy (cả); Khôrakhă Têvy (2); Riakhayasa Têvy (3); Monthia Têvy (4); Kếrếnây Têvy (5); Kếmira Têvy (6) và Mahathăria (7). Nếu năm nào giao thừa rơi vào ngày thứ mấy thì sẽ tương ứng người con gái thứ ấy của thần Maha Prum sẽ xuống trần gian đảm nhiệm chức Quản Thế Thiên. Ví dụ năm nay 2024 giao thừa rơi vào ngày thứ bảy, nên Quản Thế Thiên là tiên nữ Mahathăria Têvy vậy. Và đi cùng Quản Thế Thiên xuống trần gian còn có các vị Thiên tôn của Ngọc Đế Indra. Các Thiên tôn này đều được thay đổi mỗi năm chiếu theo 12 con giáp trong một kỷ. Khi xuống trần gian các Thiên tôn cưỡi thú, trang phục, ăn uống, sử dụng pháp khí đều khác nhau theo từng năm. Các Hô Ra của người Khmer dựa vào tính tình và cách ăn uống, trang phục, sử dụng pháp khí của Quản Thế Thiên và các Thiên tôn này để bói ra điềm lành dữ của năm để mà có hướng liệu tính cho khoảng thời gian của tương lai năm mới.

Để chuẩn bị cho nghi lễ rước Đại lịch, gần chiều bà con Khmer tắm gội cho sạch sẽ và thay y phục truyền thống, trang điểm đẹp đẽ, rồi mang nhang đèn lên chùa để làm lễ rước Đại lịch Moha Sankran mới. Tại sân chùa, dưới sự hướng dẫn của vị Kru Achar (chủ lễ của phum sóc), bà con Khmer xếp thành hàng tư, hàng năm, khi tiếng trống nổi lên thì đoàn người cũng bắt đầu đi nhiễu vòng quanh chánh điện ba vòng để thể hiện sự cung kính đối với đức Phật và đón chư thiên năm mới. Xong, Kru Achar đội mâm lễ vật trên đầu gồm: quyển Đại lịch, baisây, slathor, nhang đèn, hoa quả…cùng mọi người vào chánh điện để vị sư cả tiếp nhận quyển Đại lịch, đặt lên bệ thờ, tụng kinh đón Quản Thế Thiên của năm mới và tụng kinh cầu an cho tất cả dân làng… Đối với những gia đình không có điều kiện tham gia rước Đại lịch tại chùa thì thực hiện hiện nghi thức đón năm mới tại nhà của mình. Bà con Khmer thường tổ chức hành lễ trước sân nhà với khay lễ gồm quyển Đại lịch, một đôi baisây, một đôi slathor, nước ướp hương, nhang, đèn cầy, cốm nổ, hoa quả, bánh trái… Khi đến thời khắc giao thừa, tiếng trống hiệu của nhà chùa trỗi lên, thì cả nhà tập trung về nơi hành lễ, thắp nhang đèn, phát tâm thanh sạch, tiến hành nghi thức đón chư thiên tại gia đình.

Lễ rước Đại lịch của bà con Khmer Tây Ninh cũng không khác gì mấy so với Khmer Nam Bộ. Nghi lễ này có ý nghĩa tương tự lễ đón giao thừa trong tết Nguyên Đán của các dân tộc khác như Việt – Hoa … nhằm tiễn đưa những điều xui xẻo trong năm cũ, gửi gắm ước vọng vào những điều mới mẻ, may mắn, tốt lành trong năm mới. Tống tiễn Quản Thế Thiên và Chư thiên của năm cũ để nghinh đón Quản Thế Thiên và Chư thiên của năm mới, qua đó bói ra những điềm hung kiết để liệu tính, trấn an, khắc phục những hạn chế để có cuộc sống tốt đẹp hơn trong khoảng thời gian phía trước. Nếu như lễ đón giao thừa của người Việt thường tổ chức cố định vào lúc không giờ ngày mùng một tháng Giêng âm lịch thì lễ rước đại lịch đón năm mới của đồng bào Khmer lại không cố định về thời gian, luôn thay đổi tùy từng năm, đó chính là nét riêng và một phần bản sắc của văn hóa Khmer vậy.

Nghi lễ đắp Núi cát

Nếu trọng tâm của ngày thứ nhất là lễ rước Đại lịch thì ngày thứ hai với nghi lễ dâng cơm và đắp núi cát để tìm phúc duyên là tưng bừng hơn cả. Vào ngày lễ thứ hai này, buổi sáng, các gia đình Phật tử làm lễ dâng cơm cho các sư sãi. Tục này gọi là lễ “Đặt bát”. Sau khi thọ thực, các nhà sư, đáp lại bằng lễ tạ ơn cho những người làm ra hạt thóc, cũng như đưa những vật thực đến những linh hồn thiếu đói chưa được siêu thăng, tiếp theo là các sư làm lễ chúc phúc cho các Phật tử. Buổi chiều, bà con tập trung làm lễ đắp núi cát gọi là Puôn phnom khsach.

Thường thì các chùa hiện nay mua vài khối cát đổ thành một đống cách chùa khoảng 500m. Khi đến giờ thực hành nghi lễ thì mọi người kéo đến ngồi tụ xung quanh đống cát thắp nhang đọc kinh theo sự hướng dẫn của người chủ lễ. Sau khi xong các bài kinh, mỗi người tìm cho mình một ít cát sạch đem về chùa, dưới sự chỉ dẫn của vị Achar, tất cả mọi người cùng đi diễu hành quanh ngôi chánh điện ba vòng theo chiều kim đồng hồ. Sau đó những người có mặt sẽ đổ cát vào một nơi đã chuẩn bị sẵn để tiến hành đắp núi. Thông thường núi cát được đắp thành tám ngọn núi nhỏ ở tám hướng và một ngọn lớn ở chính giữa. Núi cát là tượng trưng cho vũ trụ và núi thứ chín ở giữa là trung tâm của thế giới. Cũng có nơi đắp 4, 5 ngọn hoặc 7 ngọn, tùy theo phong tục hoặc thói quen truyền đời của làng. Tiếp theo phần đắp là phần trang trí và làm lễ quy y cho núi, đến ngày hôm sau thì làm lễ xuất thế. Về tục đắp núi cát xin xem thêm Sự tích đắp Núi cát ở Phụ lục 2.

Đây là câu chuyện hết sức nhân văn, vì mưu sinh mà đôi khi chúng ta gây ra nghiệp ác, nhưng trong cuộc sống biết hướng thiện là điều quý nhất. Con người ai cũng muốn thoát khỏi mọi khổ đau để đi đến bến bờ hạnh phúc. Và chỉ có đức từ bi và tinh thần trí tuệ mới giúp chúng ta giải thoát vậy. Tục đắp núi cát còn có ý nghĩa ngăn trở ma quỷ và những điều xấu xa tội lỗi, đồng thời cũng là một thông điệp nhắc nhở mọi người nên tích phúc để mỗi ngày hồng phúc một cao vời, lớn lao như núi và lan dần ra khắp bốn phương, tám hướng, điều tốt lành tràn ngập cả vũ trụ yêu thương.

Ngoài ra, nghi lễ đắp núi cát ở chùa đối với bà con dân tộc Khmer còn nhằm thể hiện công sức và lòng thành kính của những người tham gia. Như chúng ta đã biết, trước đây, cát dùng để đắp núi được bà con Khmer đi lấy ngoài thiên nhiên, họ sẵn sàng lội suối lặn sông hoặc ra ngoài các doi vịnh giữa trưa nắng để gánh về đổ trong sân chùa. Chính vì vậy, việc đắp núi cát còn thể hiện ước mơ, mong cầu cho năm mới trở nên giàu có, của cải chất, sản vật mùa màng làm ra chất cao như núi. Cũng như việc tích góp công đức, đắp mỗi hạt cát như là một sự sám hối, như vơi đi được một tội lỗi nào đó mà ta đã vô tình gây ra trong một năm qua khi bươn chải mưu sinh. Bên cạnh ý nghĩa về đạo đức tôn giáo, nghi lễ đắp núi cát còn có ý nghĩa lớn lao khác là vấn đề bảo vệ môi trường của chúng ta đang sống. Biết giữ gìn bảo vệ muôn thú để cân bằng sinh thái, tránh việc giết chóc bừa bãi, làm tổn hại đến môi trường thiên nhiên và tổn hại ngay đến cuộc sống của chính chúng ta.

Lễ tắm Phật tắm sư

Thực ra, Lễ tắm Phật không phải chỉ có riêng ở Phật phái Nam tông Khmer, mà ở nhiều Phật phái khác cũng có nghi lễ này. Có thể nói, lễ Tắm Phật bắt nguồn từ tích truyện Thích Ca sơ sinh và được biểu tượng hóa thành hình cậu bé ngộ nghĩnh thơ ngây, mình trần mặc váy cũn cỡn đứng trên đài sen, tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất với ý nghĩa hài hòa hợp lẽ âm dương. Biểu tượng này không những chỉ ghi nhớ việc thánh nhân xuất thế, mà còn là tuyên ngôn của Phật giáo trong suốt hơn hai ngàn năm trăm năm qua. Với 7 bước đi tương ứng với con số nhiều của văn hóa Ấn Độ, hàm ý ngài bước vào toàn vũ trụ này, đem phúc lành để hóa giải khổ đau cho muôn loài muôn vật. Chữ “Ngã” trong lời nói đầu tiên của ngài “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”, hoàn toàn không phải là cái tôi, mà chính là đại ngã trường tồn, là pháp thân chân thực, không bị lệ thuộc vào hình, danh, sắc, tướng. Đó chính là Đạo thể nhiệm màu của Phật giáo. Tương truyền khi Đức Thích Ca lọt lòng bà mẹ Ma Da thì có 9 con rồng và Chư Thiên đến phun nước thơm tẩy rửa mọi uế tạp cho ngài. Đó cũng là tắm Phật đầu tiên của nhân loại vậy.

Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng có nhiều tài liệu ghi lại việc vua chúa và nhân dân tự ngày xưa đã thực hiện nghi thức Tắm Phật vào dịp lễ Phật Đản. Sách Đại Việt Sử Ký toàn thư chép: “Vào ngày mồng tám tháng tư năm Nhâm Tý (1072) vua Lý Nhân Tông đã ra chùa Diên Hựu dự lễ tắm Phật.” Sách Lĩnh Nam Chích Quái còn ghi thêm sự kiện : “Ngày mồng tám tháng tư âm lịch, Man Nương tự nhiên thác hóa, nhân dân lấy ngày đó làm ngày sinh của Bụt.” Hàng năm cứ đến ngày này thiện nam tín nữ khắp nơi tập hợp về chùa để dâng lễ và thực hành nghi thức Tắm Phật.

Đối với người Khmer, nghi lễ Tắm Phật được tổ chức vào buổi chiều cuối cùng của tết Chôl Chhnăm Thmây. Trước lễ Tắm Phật một ngày, các dòng họ trong làng lần lượt mời sư đến nhà để thực hiện lễ tắm cho ông bà, cha mẹ. Trước khi tắm cho ông bà, cha mẹ, con cháu thực hiện nghi thức tạ lỗi và xin tha thức mọi lỗi lầm của mình trong năm cũ. Sau đó mới dâng quà và dùng nước thơm, sạch để tẩy trần cho các vị. Nghi thức này, vừa mang ý nghĩa báo hiếu, vừa thể hiện sự mong cầu gột rửa bụi bặm, phiền não và những điều không tốt cho những đấng sinh thành dưỡng dục để họ được mạnh khỏe, sống lâu cùng con cháu.

Lễ Tắm Phật tại chùa bao giờ cũng được chuẩn bị rất kỹ lưỡng với sự tham gia của rất nhiều người. Các pho tượng Phật nhỏ trong chùa được thỉnh ra ngoài và đặt ở một khoảng sân rộng để thuận tiện thực hiện nghi thức tắm Phật. Đối với những tượng Phật lớn trong chánh điện, sala không thể di dời thì thực hiện những động tác tắm tượng trưng lên một bộ phận nào đó trên pho tượng mà thôi. Lễ Tắm Phật bắt đầu bằng ba hồi trống nhằm thông báo cho mọi người cùng biết. Trước hết, vị Achar dẫn đầu đoàn người thực hiện nghi thức diễu hành ba vòng xung quanh chánh điện, sau đó, mọi người sẽ tập trung tại bên trong để tụng kinh và làm lễ cầu an, cầu siêu. Tiếp theo, mọi người tập trung trước các bức tượng Phật, vị sư cả tiến hành làm lễ và thực hiện nghi thức tắm Phật bằng các nhành hoa thơm, rồi lần lượt đến các vị tỳ khưu, sadi… cuối cùng là đến các Phật tử. Sau lễ tắm Phật là nghi thức tắm sư. Khi tắm Phật, tắm sư mọi người dùng bình nước thơm để tắm các bức tượng Phật, và trên người các sư thể hiện đức tin của mình với Tam Bảo, đồng thời mong cầu có nhiều phước báu, tẩy rửa mọi điều không may mắn trong năm cũ, sang năm mới với một thân thể mới, bình an đến bản thân và gia đình. Sau lễ Tắm Phật, tắm sư tại chùa, thì mọi người trở về thực hiện tắm Phật tại nhà của mình.

Nói về ý nghĩa sâu xa của lễ Tắm Phật, thì không chỉ dừng lại ở sự cầu mong phước báu hay gột rửa những điều không may mắn, mà ở đó còn gửi gắm một thông điệp hết sức uyên áo khác đó chính là pháp thân thanh tịnh. Theo Phật giáo thì Phật tánh vốn tiềm ẩn trong mỗi người, nhưng vì cuộc sống phải mưu sinh trăm bề, va chạm mọi thứ, nên thân tâm thường bị bao lớp bụi bặm phiền não, tham sân, ô uế che lấp mất. Vì lẽ đó mà Phật tánh không thể hiển lộ ra được. Cho nên, muốn hiển lộ Phật tánh, phải mượn nước sạch thơm để tẩy rửa. Có nghĩa là nhắc nhở với tất cả mọi người phải thường xuyên gột rửa thân tâm của chính mình, để trở nên thanh tịnh sáng suốt. Có như thế mới xa lìa được phiền não và cái xấu ác trong cuộc sống thường nhật.

Có thể nói, lễ Tắm Phật của bà con Khmer và của nhiều Phật phái khác là một nghi lễ có từ rất lâu đời. Nghi lễ này vừa tưởng nhớ thánh nhân xuất thế vừa mang thông điệp giáo dục cộng đồng hết sức nhân văn. Con người vì mưu sinh mà phải chịu không ít vướng mắc, thân tâm vốn trong sáng nhưng lại bị bụi trần ô trọc che lấp mất. Chính vì thế, muốn xa lìa xấu ác, tránh đi mọi tham sân ái dục thì phải luôn biết cách làm sạch thân tâm của chính mình. Đó là con đường đi đến chánh đạo vậy.

III. KẾT LUẬN

Tây Ninh là vùng đất phên dậu của Tây Nam Tổ quốc, hiện có trên dưới mười ngàn người Khmer sinh sống. Trong dòng chảy của lịch sử, văn hóa Khmer Tây Ninh có nhiều giai đoạn bị đứt gãy bởi chiến tranh và điều kiện kinh tế. Nhưng trong những năm gần đây, các phum sóc Khmer trong tỉnh có sự phát triển về nhiều mặt, nên nhiều giá trị văn hóa được phục hồi, nhất là các lễ hội được tổ chức bài bản và đầy đủ các nghi thức quan trọng. Một điều đặc biệt là gần đây du lịch Tây Ninh phát triển mạnh, du khách bắt đầu có sự quan tâm đến văn hóa dân tộc Khmer, cộng thêm là nhờ sự quảng bá của các nhà văn, nghệ sỹ nhiếp ảnh và các phương tiện thông tin đại chúng đã góp phần đưa hình ảnh con người và lễ hội văn hóa Khmer đến với mọi miền đất nước. Chúng tôi tin rằng, nếu có sự đầu tư bài bản, kết hợp lễ hội với du lịch thì văn hóa lễ hội Khmer Tây Ninh sẽ còn bay bổng hơn nhiều. Từ đó giúp mọi người nhận thức được những đặc trưng của đất và người Tây Ninh hơn, góp phần phát triển toàn diện hơn những gì chúng ta đang và đã thực hiện trong bấy lâu nay.

ĐÀO THÁI SƠN

Tài liệu tham khảo chính:

1. Văn hóa Khmer cùng đồng bằng sông Cửu Long – Viện Văn hóa – NXB Văn hóa dân tộc – 1993

2. Phum Sóc Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long – Nguyễn Khắc Cảnh – NXB Giáo dục – 1998

3. Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859-1954) – Nguyễn Đình Tư – NXB Tổng hợp TpHCM 2017

4. Địa danh gốc Khmer ở Sóc Trăng – Trần Minh Thương (bản thảo – 2022)

5. Lễ hội truyền thống của người Khmer Nam Bộ – Tiền Văn Triệu – Lâm Quang Vinh – NXB Khoa học Xã Hội – 2015

6. Từ điển Địa danh hành chính Nam Bộ – Nguyễn Đình Tư – NXB Chính Trị Quốc Gia – 2008

7. Nam Kỳ và Cư Dân các tỉnh Miền Đông – J.C. Baurac – Hoàng Ngọc Linh dịch – NXB Thành phố Hồ Chí Minh – 2022

8. Chân Lạp phong thổ ký – Chu Đạt Quan – Hà Văn Tấn dịch – NXB Thế Giới – 2017

9. Từ điển Khmer – Việt – Bộ Giáo dục và Đào tạo – Trường Đại học Trà Vinh –

NXB Chính trị Quốc gia sự thật – 2020

10. Từ điển Văn học bộ mới – NXB Thế Giới – 2004