Đào Thái Sơn – MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ TẾT TRUNG THU

Hằng năm cứ vào ngày 15 tháng 8 âm lịch thì mọi người trên khắp các vùng miền đất nước ta lại hân hoan tổ chức đón tết Trung Thu. Trẻ em cũng như người lớn đều chung vui, chào đón nghi lễ này theo phong tục từ ngàn xưa truyền lại. Ở các trường học, học sinh được phát quà bánh, tham gia các trò chơi dân gian và được nghe kể về sự tích Tết Trung Thu. Nhưng hầu hết các thầy cô giáo hay cán bộ văn hóa đều cho rằng nghi lễ này có nguồn gốc từ Trung Hoa ! Và Tết Trung Thu ở Việt Nam như chịu ảnh hường hoàn toàn từ nền văn hóa của họ ! Sự thật của vấn đề như thế nào, trong bài viết ngắn này chúng tôi xin nêu vài ý như sau.

Trong sách Việt Nam Phong Tục, Phan Kế Bính viết: “ Tục treo đèn bày cỗ, chắc do điển vua Đường Minh Hoàng. Hôm ấy là ngày sinh nhật vua Minh Hoàng, truyền cho thiên hạ đâu đâu cũng treo đèn, bày tiệc ăn mừng, rồi ta cũng theo mà thành tục. Tục rước đèn thì do tự đời Tống. Vì tục truyền rằng: “ Trong đời vua Nhân Tôn, có con cá chép thành yêu, cứ đêm trăng hiện lên là con gái mà đi hại người. Bấy giờ có ông Bao Công mới sức cho dân gian làm đèn con cá giống như hình nó mà đem giong chơi ngoài đường, để cho nó sợ mà không dám hại người nữa”. Và trong sách Phong Tục Miền Nam, Vương Đằng cũng dựa vào Toan Ánh mà cho rằng : “ Tết Trung Thu, thời gian và nguyên ủy theo nguồn gốc Trung Hoa, Vua Duệ Tôn niên hiệu văn minh, gặp tiên ông cho du nguyệt điện nhằm đêm rằm tháng 8; lúc ấy trở về luyến tiếc mãi cảnh trên cung Hằng nên bày ra Tết Trung Thu để kỷ niệm”…Nếu dựa vào hai tài liệu này thì coi như Tết Trung Thu của Việt Nam hoàn toàn có nguồn gốc từ Trung Hoa. Nhưng thực tế lại là một vấn đề không hẳn như vậy !

Đầu tiên xin nói về chữ “ Thu” trong “ trung thu”. Thu là một từ Hán Việt (秋) được ghép bởi hai chữ “ hòa – lúa” ( bên trái) và “ hỏa – lửa” ( bên phải). Và chữ này trong các Từ điển Hán Việt cũng ghi rất cụ thể. Thiều Chữu: “ (1) Mùa thu, (2) mùa lúa chín”. Trần Văn Chánh: “ (1) Mùa thu, (4) Mùa màng, ( 5) bay nhảy, bay múa, bay lượn, múa lượn”. Nguyễn Quốc Hùng “ Mùa lúa chín – mùa thứ ba trong bốn mùa của một năm”…Qua các nghĩa trên, ta có thể thấy mùa thu là mùa của lúa chín, là thời điểm thu hoạch mùa màng trong năm. Mùa thu cũng là mùa của lễ hội múa hát. Chính vì vậy từ ngàn xưa ngoài lễ hội mùa xuân, dân gian còn có lễ hội mùa thu. Nếu mùa xuân lúc là bắt đầu cho mùa vụ mới thì mùa thu là thời điểm kết thúc và thu hoạch như một chu kỳ nhất định. Con người cũng như vạn vật trong vũ trụ đều phải tuân theo quy luật sinh tồn và hủy hoại không thể ngoại trừ. Một năm có 4 mùa luân chuyển, vạn vật cũng như con người đều chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nó. Mùa xuân con người thấy sung mãn, yêu đời, cây cối đâm chồi nẩy lộc, khí trời ấm áp…nên thuận tiện cho cày cấy gieo trồng. Mùa hạ nóng bức dễ bực bội, nhưng có mưa nhiều lại thuận lợi cho việc phát triển để chuyển qua giai đoạn mới trưởng thành. Mùa thu tất cả như vào độ chín, khí trời trong trẻo mơ màng, nên con người cũng dễ sinh ra mơ mộng và tưởng tượng. Mùa đông thì uể oải nên phù hợp với việc nghỉ ngơi…đợi đến mùa xuân kế tiếp…Và chúng ta đã biết Việt Nam là một quốc gia có nền văn minh nông nghiệp lúa nước từ rất lâu đời. Cư dân Việt cổ đã có nhiều nghi thức lễ hội khác nhau trong Lễ hội Mùa Thu và hiển nhiên là có Tết ( tiết) Trung Thu. Vấn đề này được thể hiện khá rõ trên hoa văn của trống đồng Ngọc Lũ. Mà theo Heger và một số nhà khảo cổ học Việt Nam thì loại trống đồng này có niên đại từ TK III – TK II TCN, tính đến ngày nay là trên dưới 2300 năm ! Đem so với tích “ du nguyệt điện” của Đường Minh Hoàng ( sinh 565- mất 762, trị vì từ 712-756 ) thì đã Tết Trung Thu của dân Việt cổ có trước ít nhất 1000 năm.

Khảo sát hoa văn trên bề mặt trống đồng Ngọc Lũ ta thấy có tất cả 16 vòng tròn đồng tâm có hoa văn bao bọc lấy nhau. Chính giữa mặt trống là hình ngôi sao nổi 14 cánh, xen giữa có những họa tiết hình tam giác. Ngoại trừ các vòng 1, 5, 11 và 16 chỉ là những hàng họa tiết hình chấm nhỏ; các vòng 2, 4, 7, 9, 13 và 14 là những vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến; vòng 3 là những biểu tượng gãy khúc nối tiếp; vòng 12 và 16 là hoa văn hình răng cưa….Thì “ các vòng 6, 8 và 10 là vành có hình người, động vật diễu hành xung quanh ngôi sao ( cũng có thể là mặt trời mặt trăng) và ngược chiều kim đồng hồ. Người mặc váy dài vừa đi vừa múa, có người tay cầm rìu, có người thổi khèn, có người cầm giáo. Hoặc có thể người đang quay mặt về phía nhà cầu mùa, xõa tóc, mặc váy hay có đôi trai gái đang cầm chày giã vào một chiếc cối, đầu chày có trang trí lông chim. Và hình nhà liên quan đến nghi lễ tôn giáo, có mái hình cung, hai đầu là hai trụ đứng để chắn phên. Hoặc có nhà hình thang nóc cong lên như hình thuyền, hai đầu có hình chim mắt to, hai bên có cột chống đỡ. Nóc nhà có hai con chim đậu, một con trong giống hình chim công, một con trông giống hình gà trống…Vòng 8 gồm hai nhóm, mỗi nhóm có 10 con hươu cách nhau bằng hai tốp chim bay, một tốp 6 con và một tốp 8 con. Cứ một con hươu đực thì đến một con hươu cái. Vòng 10 gồm 36 con chim, 18 con chim đậu và 18 con chim đang bay”…Qua những “ dấu vết văn hóa ” trên bề mặt trống, ta có thể thấy và hiểu lễ hội tập trung quan trọng nhất là sau khi thu hoạch lúa. Từ thời rất xa xưa cư dân Việt cổ đã thực hiện nghi thức, nghi lễ này theo định kỳ hằng năm trong đời sống lao động cũng như sinh hoạt tinh thần. Nó mang vừa mang ý nghĩa “ giao tiếp” với các đấng Thần linh bảo trợ mùa màng vừa mang ý nghĩa tổng kết mùa vụ và sinh hoạt cộng đồng. Còn từ “mùa thu” đến “trung thu” chẳng qua do vấn đề ảnh hưởng lẫn nhau của các dân tộc phía Nam Trung Hoa trong tiến trình lịch sử mà thôi. Và điều đó hoàn toàn không có nghĩa là phong tục Tết Trung Thu ở nước ta xuất phát nguồn gốc từ Trung Quốc. Thậm chí ngược lại là khác ! Việc sùng bái đại Hán, coi đó là mẫu mực mà không chịu hiểu chính mình thì không khác gì kẻ đi làm nô lệ tư tưởng cho nó vậy.

Nếu nói đến Tết Trung Thu thì phải nói đến bánh trung thu và múa sư tử chơi lồng đèn. Cái này không ít sử sách và các nhà làm văn hóa cũng cho là xuất phát từ Trung Hoa. Rồi đem truyền bá cho con cháu như thế ! Xin nói rằng những cái đó là của dân Việt hẳn hoi. Chúng ta đã biết chất liệu làm bánh trung thu cũng chính là những sản phẩm của cư dân nông nghiệp của nền văn minh lúa nước. Hình dáng của bánh “ vuông – tròn” là biểu tượng của trời đất, là sự chuyển hóa đúng theo quy luật của vũ trụ. Trung tâm của bánh có lòng trứng đỏ đó là biểu tượng của mặt trăng. Mà người xưa sử dụng âm lịch là lấy chu kỳ của mặt trăng để tính chứ còn gì khác ! Vì thế mà trăng vừa là biểu tượng linh thiêng vừa gần gũi, gắn liền với đời sống con người là vậy. Trò múa sư chẳng qua là ước mong hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Vì sao ? Vì cái đầu sư tử chẳng qua là biểu tượng của hổ phù. Hổ phù, là một hình ảnh từ tích chuyện về cuộc đấu tranh giành nước trường sanh giữa thần và quỷ. Khi con quỷ đang uống trộm nước trường sanh thì bị thần mặt trăng phát hiện và chém đứt ngang thân, nhưng nước trường sanh đã ngấm phần trên nên con quỷ không chết, ngược lại trở thành bất tử dù chỉ còn lại hai chi trước. Hình tượng mặt Hổ phù trở thành biểu tượng của sự no đủ, bền vững, chúng chiếm một vị trí đáng kể trong tạo hình của các nước Đông Nam Á…Cái vành môi cong của sư tử là biểu tượng của mặt trăng, cái đuôi của sư tử là mảnh vải đỏ phơ phất lên xuống tượng trưng cho dòng sinh lực của vũ trụ truyền xuống lòng đất mẹ. Mà dòng sinh lực đó chính là mưa. Người xưa muốn biết có mưa hay không là phải đoán sao. Lồng đèn ông sao có mặt là vì lẽ đó. Bên cạnh ông sao là lồng đèn con cóc ( Thiềm thừ), vì nghe cóc nghiến răng thì biết trời sẽ có mưa. Vậy đó lồng đèn con cóc là ước vọng có mưa mà thôi. Vì có mưa thì mới trồng được lúa nước. Bên cạnh đó còn có hình quả lôi được người ta cầm múa trước đầu sư tử. Lôi là sét, có sét là có mưa. Mà mưa xuống thì vạn vật sinh sôi..Sinh sôi phồn thực là biểu tượng Địa cầm quạt phe phẩy nhảy múa chứ còn gì khác nữa ! Tất cả những cái đó chính là tư duy nông nghiệp, ước mong nắng mưa đầy đủ mùa màng tốt tươi.

Chúng ta không phủ nhận Việt Nam chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa, nhưng không phải cái gì của dân Việt cũng đều có nguồn gốc từ Trung Hoa nhất là phong tục lễ tiết. Lễ hội mùa thu nói chung và Tết Trung Thu nói riêng đã có từ thời xa xưa của cư dân Việt cổ. Nó là sản phẩm tinh thần của nền văn minh lúa nước chứ không phải là gì khác. Nó là một trong những cách ứng xử của con người với Thần linh, ứng xử với cộng đồng, ứng xử với dòng tộc và ứng xử với chính mình. Phong tục này ngày nay đã có ít nhiều thay đổi và giao thoa với một số nền văn hóa khác. Việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy nó là hết sức hệ trọng, là niềm tự hào của văn hóa Việt. Tránh để nó bị lai căng méo mó, vì lai căng cũng đồng nghĩa với mất gốc mà thôi.

ĐÀO THÁI SƠN