Đồng bằng sông Cửu Long có hai con sông nổi tiếng là Sông Tiền và Sông Hậu. Sông Tiền có tên gốc là Mê Kông – មេគង្គ – Mê là mẹ, là chính, Kông là dòng chảy – Mê Kông là dòng sông mẹ, dòng chính. Sông Hậu có tên gốc là Bassak ( theo cách ghi của người Pháp), người Khmer ghi là បាសាក់ – Người Nam Bộ phiên thành Ba Thắc. Ba Sak là một danh ngữ gốc Phạn, trong đó Ba – បា – là cha, là thế lực lớn thuộc phái nam; Sak trong tiếng Phạn là Sakti – शक्ति – សក្ដិ – nghĩa là quyền lực. Sông Ba Sak là dòng sông quyền lực của nam thần. Trong văn hóa Khmer, Ba – Mê là hai thế lực lớn đại diện cho nam và nữ.
Sen Đôn Ta – សែនដូនតា – là một lễ hội hết sức quan trọng trong năm của bà con Khmer. Trong danh ngữ này, សែន=Sen (cúng); ដូន=Đôn (bà); តា=Ta (ông). Không hiểu sao các báo cứ viết ” Sene Dolta “. Viết như thế vừa sai vừa vô nghĩa về mặt ngôn ngữ.
Lễ Sen Đôn Ta – សែនដូនតា – bà con Khmer thường làm bánh tét và bánh ít để cúng ông bà. Bánh tét gọi là Nom On Som (នំអន្សម), bánh tét đèn cầy gọi là Nom Tiên (នំទៀន); bánh ít gọi là Nom Côm (នំគម). Hai loại bánh này vừa tượng trưng cho sản phẩm nông nghiệp, vừa tượng trưng cho Âm – Dương. Với sự mong cầu sinh sôi nảy nở.
Bò Pía là một loại bánh của người Hoa. Tiếng Tiều Châu đọc là Pòh pía – 薄 餅 – âm Hán Việt là Bạc Bính. Bạc 薄 nghĩa là mỏng; Bính餅 là bánh. Loại bánh làm từ bột tráng mỏng để cuốn với các thức khác. Bò Pía ngoài phần bánh tráng còn có các nguyên liệu khác gồm lạp xưởng, trứng gà tráng, cà rốt, rau xà lách, củ sắn, su hào, tôm khô, rau thơm… tất cả thái nhỏ và cuộn trong bánh tráng làm từ bột mì. Gia vị dùng kèm là tương ớt trộn với đậu phộng rang giã nhỏ phi bằng dầu ăn với hành khô.
Bánh Piá là loại bánh nổi tiếng của người Tiều Châu ở Sóc Trăng. Cái tên này được ghi là 朥 饼 đọc theo âm Tiều ” hó pía “, âm Hán Việt là Lao Bính. Trong đó Lao ( có bộ nhục) – 朥 người Tiều chỉ mỡ heo, còn Bính là bánh hình tròn giẹt, nói cho cụ thể là Nguyệt Bính ( bánh trung thu ). Bánh Pía, vỏ bánh có nhiều lớp thơm giòn, nhưn bánh xưa kia làm từ thịt heo và lòng đỏ trứng muối. Nay, bánh Piá còn có nhưn đậu, nhưn sầu riêng…Bánh Pía hiện nay có mặt bốn mùa trên mọi miền đất nước.
Trong tiếng Khmer có rất nhiều từ thú vị, đặc biệt là tên con vật. Chẳng hạn, Khla (ខ្លា) là con cọp + Khmum (ឃ្មុំ) là con ong = Khla Khmum (ខ្លាឃ្មុំ) nghĩa là con gấu ; Tuk (ទូក) là chiếc ghe + Cà đam (ក្ដាម) là con cua = Cà đam Tuk (ក្ដាមទូក) nghĩa là con cà cuống; Cà đam (ក្ដាម) là con cua + ses (សេះ) là con ngựa = Cà đam ses (ក្ដាមសេះ) nghĩa là con ghẹ; Đomri (ដំរី) là con với + Tứk (ទឹក) là nước= Đomri tứk (ដំរីទឹក) nghĩa là con hà mã….
Cả ba miền Bắc – Trung – Nam đều có món TÀO PHỚ. Tào phớ là món ăn của người Hoa, nguyên tên gốc được ghi là – 豆 腐 花 – Tầu phùa phá, âm Hán Việt đọc là Đậu Phụ Hoa. Trong đó Đậu Phụ còn gọi là Đậu Hủ, làm từ đậu nành xay nhuyễn lọc bỏ xác và nấu với nguyên liệu cho đông lại; Hoa ngoài cái nghĩa là bông hoa, xinh đẹp còn có nghĩa là non. Vậy, Tầu phùa phá – Tào phớ – Đậu phụ hoa có nghĩa là Tàu Hủ Non. Món này ăn với nước đường nấu với gừng và nước cốt dừa nấu với lá dứa… rất thơm ngon.
Về Sài Gòn lang thang trong xóm nghe văng vẳng CHÍ MÀ PHỦ đây… thì biết đó là tiếng rao bán món chè của người Hoa. Chí Mà Phủ viết là 芝 麻 糊, âm Hán Việt là CHI MA HỒ. Chi ma – 芝 麻 – là mè đen; Hồ – 糊 – là bột nấu sền sệt, là chè. Chí mà phủ là chè mè đen. Mè xay nhuyễn nấu với nước dừa, bột lọc, đường cát và gừng… rất thơm ngon.
Về Sài Gòn đến các khu ẩm thực của người Hoa – Quảng Đông thấy món chè LỤC TÀU XÁ. Tên món này nếu đọc theo âm Hán Việt là 綠 豆 沙 – Lục Đậu Sa. Trong đó Lục Đậu nghĩa là đậu xanh; Sa nghĩa đen là cát, nghĩa phái sinh là làm cho nhuyễn ra. Vậy LỤC TÀU SÁ chính là món chè đậu xanh đánh được chế biến theo cách của người Hoa, có vị bùi của đậu, ngọt của đường cát, béo của dừa và thơm the của trần bì (vỏ quýt). Bên cạnh LỤC TÀU XÁ còn có HỒNG TÀU XÁ là chè đậu đỏ.
Trước đây và bây giờ, người Nam Bộ, nhất là các nhậu sỹ thường khoái món XÍ QUÁCH. Tên món này là Việt hóa từ âm tiếng Quảng Đông, viết là 豬 骨, âm Hán Việt là TRƯ CỐT, nghĩa là xương heo hầm. Nhưng càng ngày Xí Quách không chỉ riêng cho xương heo nữa, mà xương bò, xương dê hay xương gà người ta cũng gọi là xí quách cả. Ăn xí quách là ăn thịt còn lại bám vào xương, đầu gân hầm mềm và hút tuỷ trong xương ống. Hảo vị của giới nhậu sỹ bình dân.
Người Nam Bộ khi nói đến cái gì đó một cách đích thực, đúng nguồn gốc thì dùng hai chữ CHÍNH CỐNG. Chính Cống là một từ mượn, phiên âm trực tiếp từ tiếng Hoa, mà âm Hán Việt của nó là TINH CÔNG – 精 工. Nghĩa là công nghệ tinh xảo, đồ chính hãng, đồ tốt…. không phải hàng giả, hàng nhái.
Mè Láo là tên một loại bánh nổi tiếng của người Hoa miệt Sóc Trăng. Tên MÈ LÁO vốn gốc tiếng Tiều Châu được Việt hóa 50%. Tiếng Tiều viết là 麻 粩 và đọc là Mua luáu. Trong đó, Mua 麻 âm Hán Việt đọc là Ma, nói tắt của Hồ Ma 胡 麻 nghĩa là mè (vừng). Âm này được Việt hóa thành Mè và giữ nguyên âm Luáu nghĩa là bánh, ghép vào ra 2 chữ Mè Láo. Bánh này bên trong làm từ bột nếp và bột khoai môn xốp thơm, ngoài áo mạch nha, rồi lăn qua mè trắng. Đúng là hảo vị.
Trước đây, nhiều người gọi bột ngọt là MÌ CHÍNH. Mì chính là âm gốc tiếng Quảng Đông , viết là 味精, âm Hán Việt là VỊ TINH. Vị là gia vị là thức để nêm nếm; Tinh là tinh chất. Tinh chất được chế biến dùng cho việc nêm nếm thức ăn. Người Khmer gọi bột ngọt là Bi Chênh – ប៊ីចេង – âm này cũng được mượn trực tiếp từ 味 精 trong tiếng Hoa. Còn trên bao bì nilon gói bột ngọt của Ajinomoto thì ghi là VỊ TỐ – 味 素 – nghĩa là bản chất của hương vị.
Lạp xưởng, món ăn gọi theo tiếng Quảng Đông, viết là 臘 腸, âm Hán Việt là LẠP TRƯỜNG. Lạp gọi tắt của Lạp Nguyệt tức là tháng Chạp ( tháng 12 ); Trường là ruột. Nghĩa chung hiểu là món ăn chế biến từ ruột heo, đem phơi dưới nắng tháng Chạp để chuẩn bị ăn tết. Người Chăm vùng An Giang không ăn thịt heo, nên làm món Lạp xưởng bò gọi là Tung Lò Mò. Còn người Khmer thì gọi Lạp xưởng là – sách krok – សាច់ក្រក – nghĩa là thịt sấy, phơi khô.
Hoành thánh, món ăn có nguồn gốc từ người Hoa – Quảng Đông, viết là 雲 吞, đọc Wành thánh, âm Hán Việt là VÂN THÔN, nghĩa là nuốt mây. Mỹ hiệu này tương truyền do vua Càn Long đặt cho. Cùng loại còn có HÁ CẢO ( hà giáo – 蝦 餃 ) nghĩa là bánh nhưn tôm; SỦI CẢO ( thuỷ giáo – 水 餃 ) bánh hấp nhưn thịt heo.
Bánh DÒ CHÁO QUẨY, âm gốc tiếng Quảng Đông, viết là 油 炸 鬼. Âm Hán Việt là DẦU TRÁC QUỶ. Dầu là tinh dầu; Trác là chiên; Quỷ là con quỷ. Nghĩa chung là con quỷ chiên dầu. Loại bánh này có liên quan đến tích Tần Cối hãm hại Nhạc Phi ( đời Tống ) người dân căm ghét tên bán nước này nên làm bánh đặt tên như thế là để trù, chửi hắn.
Người ta hay nói TẢ PÍN LÙ để chỉ cái gì đó có tính hổ lốn, thập cẩm. Từ này vốn gốc Quảng Đông, chỉ món ăn viết 打邊 爐, âm Hán Việt là ĐẢ BIÊN LÔ nghĩa là ăn bên lò. Về sau âm LÙ biến thành âm LẨU. Ngày nay từ LẨU cũng mang cái nghĩa là đủ thứ hàm pà lằng.
Phá lấu là món ăn ưa thích của nhiều người. Tên món ăn này có nguồn gốc từ tiếng Tiều Châu là PHÁ LẤU , viết là 打 鹵 – âm Hán Việt là ĐẢ LỖ. Trong đó ĐẢ là làm là chế biến; LỖ là muối. Ý nói chế biến ruột heo, bao tử, thú linh…heo qua muối, sau đó ướp gia vị, xì dầu rồi um với nước dừa tươi. Món phá lấu vốn ăn rất ngon nhưng làm rất cực – hảo vị của giới bình dân.
Trời nóng bức, người ta hay ăn SƯƠNG SÁO – SƯƠNG SA. Tên hai món ăn này có nguồn gốc từ tiếng Tiều Châu được Việt hóa là XIÊN SÁO 仙 草 , âm Hán Việt là TIÊN THẢO và XIÊN SA 仙 纱 , âm Hán Việt là TIÊN SA. Sương sáo là tên một loại cây để chế biến ra thạch đen; Sương sa là tên một loại rong biển để chế biến ra rau câu. Cả hai món này giờ rất phổ biến và được nhiều người ưa thích.
Người ta hay nói đến hai chữ BẢO KÊ. Vậy bảo kê xưa và nay có gì khác? Bảo kê là âm gốc tiếng Tiều Châu, viết là 保 家 , âm Hán Việt là BẢO GIA. Ban đầu hai chữ Bảo kê được hiểu như từ BẢO HIỂM, tức là người làm công việc bảo đảm bồi thường thiệt hại theo khế ước thoả thuận. Bảo kê nhân thọ, bảo kê xe cộ, bảo kê sức khoẻ… Nhưng ngày nay BẢO KÊ được hiểu là việc làm không chính đáng, thậm chí vi phạm pháp luật của những băng nhóm đứng ra thu tiền làm mặt rô cho các vũ trường, karaoke, khách sạn, quán bia ôm…sẵn sàng ra tay khi cần. Chính vì vậy mà BẢO KÊ nó đã đi lệch với nghĩa ban đầu của nó.
Trong tiếng Việt có từ THẦU như nhà thầu, chủ thầu, thầu đề… Vậy THẦU là gì? Thực ra, THẦU là dạng nói tắt của cụm từ THẦU KÊ. Thầu kê là âm Tiều Châu, âm Hán Việt là ” Đầu gia – 頭 家 ” nghĩa là ông chủ. Ngày nay hiểu THẦU là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trong công việc chung.
Người Nam Bộ mình ai cũng biết TÀU HỦ. Món ăn này người Tiều Châu gọi là TÀU HÙ – 豆 腐 – âm Hán Việt là ĐẬU PHỤ, nghĩa là đậu nành làm nát nhuyễn ra và chế biến thành món ăn. Bên cạnh TÀU HỦ còn có món TÀU HỦ KY. Món này người Triều Châu, Phước Kiến họ gọi là “豆 枝 – tàu ky ”, “腐 枝 – hù ky ” hoặc là “豆 腐 枝 – tàu hù ky ”. Trong danh ngữ ” Tàu hù ky “, chữ – 枝 – ky – âm Hán Việt đọc là CHI , có nghĩa là cành nhánh cây. Bởi vì khi người ta nấu TÀU HỦ KY thường dùng một que tre để vớt váng tàu hủ vắt lên cho khô ráo vậy. Món TÀU HỦ nhập qua Camphuchia, người Khmer gọi là Taohu – តាវហ៊ូ và giải thích là ” môsau sonđek siêng cok – ម្សៅសណែ្ដកសៀងកក – nghĩa là bột đậu nành làm đông.
Người Nam Bộ giờ quen gọi NƯỚC TƯƠNG. Nhưng trước đây hay gọi là XÌ DẦU hay TÀU VỊ YỂU. Theo âm tiếng Quảng Đông, gọi XÌ DẦU viết là 豉 油, âm Hán Việt là “thị du” (thị là đậu thị; du là tinh dầu). Theo âm tiếng Triều Châu, gọi TÀU VỊ YỂU viết là 豆 味 油, âm Hán Việt là “đậu vị du” (đậu là hạt đậu; vị là gia vị; du là tinh dầu). Một điều thú vị hai chữ XÌ DẦU còn được ẩn dụ chỉ máu mũi. Người ta hay nói bị đấm xịt xì dầu… Chứ không ai nói bị đấm xịt tàu vị yểu.
23 tháng Chạp đưa Ông Táo về trời có món THÈO LÈO. Thèo lèo là Việt hóa âm Tiều Châu ” Tè lèo” , âm Hán Việt là TRÀ LIỆU – 茶 料. Trà là nước trà, liệu là thức nhắm để uống nước trà vậy. Thèo lèo xưa chứa nhiều mạch nha, Ông Táo ăn sẽ bị dính răng, hạn chế tâu những điều không hay của gia chủ lên Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Thường ngày mọi người thường ăn HỦ TIẾU. Vậy, hủ tiếu là gì? Hủ tiếu là cách ghi trong Từ điển thống nhất toàn dân. Còn người Nam Bộ xưa gọi là HỦ TÍU. Từ này được Việt hóa từ âm Tiều Châu là Củi Tíu. Âm Hán Việt là “Quả điều – 粿 條”. Quả là bánh làm từ bột; Điều là vật có hình sợi nhỏ và dài. Món hủ tiếu khi được truyền qua Camphuchia thì người Khmer gọi là Cui Tiêu – គុយទាវ – và nổi tiếng với món hủ tiếu Nam Vang – គុយទាវភ្នំពេញ – Cui tiêu Phnom Pênh.
Tại sao gọi là XÀ BẦN ? Từ này là Việt hóa âm Tiều Châu là ” Chạp bần – 雜 拼 “. Chạp bần âm Hán Việt là ” Tạp bính “, trong đó ” Tạp ” là nhiều thứ lộn xộn khác nhau, không thuần nhất; ” Bính ” là kết hợp lại. Vậy nhiều thứ lộn xộn khác nhau được kết hợp lại thì gọi là XÀ BẦN vậy.
Tại sao người Nam Bộ gọi chết là ” Xí lắt léo ” ? Từ này vốn gốc Tiều Châu là ” Xí léo – 死 了 ” âm Hán Việt là ” Tử liễu ” nghĩa là chết rồi. Người Nam Bộ mượn âm Tiều Châu rồi khôi hài chơi chữ thêm từ ” lắt ” vào thành ra ” Xí lắt léo ” với nghĩa là chết là bỏ mạng, vô phương cứu chữa.
Núi Bà Đen còn có một cái tên mà giờ ít ai biết đó là Phnom Keo Onđet [ ភ្នំកែវអណ្ដែត ] nghĩa là Viên Ngọc Nổi (bồng bềnh trong mây). Tên này do bà con Khmer ở biên giới đặt từ rất xa xưa. Vì khoảng cách quá xa nên bà con chỉ thấy cái đỉnh núi ẩn hiện trong mây như một viên ngọc nổi.
LƯỢM ĐƯỢC MỘT SỐ TỪ KHMER CÓ LIÊN QUAN ĐẾN “GIÀ” …HÀNG TỰ CHỌN NHA…
– ចាស់ : chăs – già
– ចាស់ស្រុក : chăs sorốk – già làng
– ចាស់ទុំ : chăs tum – già cả
– ចាស់ជរា : chăs chô ria – già lụm khụm.
– ចាស់វៃ: chăs veay – già trí thức.
– ចាស់កន្រ្ដាក់អារម្មណ៍ – chăs con đo rat a rom mô – già giật gân.
– ចាស់ញ៉ែ : chăs nhe – già dê, già chọc gái.
– ចាស់ព្រើល : chăs pô rơl – già lựu đạn.
– ចាស់ជ្រលួស : chăs chôro luas – già cà chớn.
– ចាស់រំបល់យក៍ : chăs rom bol yok – già mắc dịch.
– តាកញ្ចាស់ឥតមាយាទ : ta canh chăs ât mia diat – già mất nết.
– ចាស់កំហូច : chăs com hôch – già quỷ.
Huyện Tân Biên có xã Mỏ Công, địa danh này có nguồn gốc từ ấp Gò Đá. Tại khu Gò Đá này có rất nhiều mũi đá dưới đất trồi lên, người Khmer xưa gọi là Thomo Cong – ថ្មកង់ , trong đó Thomo là đá, Cong là khoanh, khứa, lớp. Nghĩa chung là đá trồi lên từng lớp. Thomo Cong về sau được Việt hóa thành Mỏ Công.
Rừng Chàng Riệc có nhiều con suối, nhưng nổi tiếng nhất là Suối Chò, trên bản đồ Tây Ninh ghi là Chor. Thực ra, Chò ở đây không phải là cây chò, mà là chhôr – ឈរ nghĩa là nơi đứng chân, nơi đóng quân.
Địa đầu phía bắc huyện Tân Biên có địa danh Suối Kđuốch. Đây là con suối chảy từ Camphuchia qua rừng Chàng Riệc. Tên này gốc Khmer [Kđuoch – ក្ដួច] nghĩa là củ nần. Suối có nhiều dây củ nần mọc.
Ở Bến Cầu có địa danh Rạch Bảo. Con rạch này chảy qua Ấp Bảo của xã Long Giang. Bảo (đồn) đây là Bảo Định Liêu đắp năm Thiệu Trị thứ III – 1843. Bảo Định Liêu phòng thủ biên giới và bảo vệ từ xa cho Bảo Quang Hóa đắp năm Minh Mạng thứ V – 1824 tại Cẩm Giang. Hai di tích đồn bảo này còn khá rõ nét tại Tây Ninh.
Xã Hoà Thạnh (Châu Thành – Tây Ninh) có địa danh Bưng Rã Miệt, Cầu Rã Miệt. Địa danh này lấy theo tên làng Praha Miệt thời Pháp thuộc. Praha là từ do Pháp ghi sai tiếng Khmer – ព្រះវិហារ – Presvihear – nghĩa là ngôi Chánh điện. Còn Miệt là Meas – មាស – nghĩa là vàng. Praha Miệt/ Presvihear Meas – là ngôi Chánh điện có tượng Phật bằng vàng. Ngôi này là tiền thân của Chùa Mongkol Reangsi ( មង្គលរង្សី – Phước Hiệp – វត្តសិរីអង្គរជុំថ្មី ) ngày nay.
Tại xã Suối Dây có địa danh Ngã tư Khu Vực. Thế thì có ý nghĩa gì? Thực ra, Nông trường mía của Dương Minh Châu xưa kia chia thành 5 khu vực trồng, khu vực 1,2,5 nay chìm dưới đáy hồ, khu vực 4 thuộc Bưng Bàng (Suối Bà Chiêm), khu vực 3 thuộc Đồng Rùm. Chính vì vậy mà cái ngã tư đi vào khu vực 3 được gọi là Ngã tư Khu vực.
Xã Tân Hưng có Xóm Bàu Bắc. Vài người lý giải cái bàu ở hướng bắc của núi nên ta gọi vậy. Thực ra Bắc là biến âm của Pro vấc – ប្រវឹក – Bâng Pro vấc បឹងប្រវឹក – nghĩa là bàu có nhiều chim le le.
Xã Suối Đá huyện Dương Minh Châu có Trảng Đồng Xuồng. Địa danh này gốc Khmer – វាលកំពង់ស្នួល – Veal kongpong snuôl – nghĩa là khu trảng có bến cây trắc đen.
Địa danh Mộc Bài ở Tây Ninh có 2. Một là Bàu Mộc Bài ở biên giới ấp Bến Cừ xã Ninh Điền – Châu Thành, hai là cửa khẩu Mộc Bài ở Lợi Thuận – Bến Cầu. Quan sát bản đồ Hạt tham biện Tây Ninh 1896 có tổng cộng 30 cột mốc biên giới với Campuchia. Rất có thể năm 1870 Nam Kỳ và Campuchia xác định lại biên giới, hai cột mốc 24 và 28 có sự điều chỉnh vị trí, nên mới cắm Mộc Bài lại. Mộc là gỗ, Bài là tấm ván ghi vị trí biên giới của hai quốc gia.
Xã Tân Hòa có Sóc Con Trăng, làng này lập từ 1862. Pháp ghi là Con Trang, người Việt quen gọi là Con Trăng. Người Khmer gọi là Srok Côn Treang – ស្រុកគូនទ្រាំង – nghĩa là làng mọc nhiều cây lá buông nhỏ.
Lâm Vồ địa danh ở Trà Vinh, Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp và Tây Ninh. Ở Tây Ninh có xóm Lâm Vồ, suối Lâm Vồ và nổi tiếng hơn hết là Ngã ba Lâm Vồ. Những địa danh này có nguồn gốc từ mộc danh Khmer là Đơm Pô – ដើមពោធិ៍ – người Việt gọi là cây bồ đề (loại lá có đuôi nhọn).
Địa danh Sài Gòn có lẽ xuất hiện sớm nhất là năm 1776 trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn với sự kiện Nguyễn Dương Lâm đánh Chân Lạp phá vỡ lũy Sài Gòn vào năm 1674. Về hai chữ Sài Gòn, Huỳnh Tịnh Của giải thích là củi gòn; Vương Hồng Sển giải thích theo âm Quảng Đông là Thày Ngồn tức Đề Ngạn; Pháp giải thích là Tây Cống… những cách giải thích này quả là không được thuyết phục, chỉ để tham khảo. Thực ra, Sài Gòn được Việt hóa từ danh ngữ Pray Nôkôr – ព្រៃនគរ – một từ gốc Phạn (Nôkôr) – Pray nghĩa là rừng, đọc trại ra thành Sài, còn Nôkôr rụng đi Nô còn Kôr và đọc trại ra thành Gòn. Vậy Sài Gòn – Pray Nôkôr – nghĩa là thành phố trong rừng vậy.
Ở An Giang có xã Cần Đăng gốc là Mót Stưng – មាត់ស្ទឹង – nghĩa là cửa sông. Ở Tây Ninh có cầu Cần Đăng gốc là Canđal – កណ្ដាល – nghĩa là giữa, trung tâm. Đây là dạng Việt hóa tiếng Khmer mang tính đồng âm ở hai địa phương khác nhau.
Xã Hưng Thuận – Trảng Bàng có ấp Bùng Binh. Đây không phải là vòng xoay ở ngã sáu ngã bảy, mà là khúc sông rộng và tròn. Giờ gọi sông Sài Gòn, xưa gọi sông Đục, năm 1836 vua Minh Mạng đổi lại sông Thanh Lưu.
Bản đồ Hạt tham biện Tây Ninh vẽ 1896
Năm 1877 tổng Khán Xuyên được thành lập bên hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông. Tổng này có làng Đát Pô, bản đồ Hạt tham biện Tây Ninh 1896 ghi là Đốc Bò. Đây là tên một loại cây trong tiếng Khmer gọi là – ដកព – Đót Pô – người Việt gọi là cây thiết đinh. Làng này sau 1916, Pháp cắt cho Campuchia. Ngày nay là phần đất giáp xã Biên Giới huyện Châu Thành.
Xã Tiên Thuận huyện Bến Cầu có Xóm Khuất. Địa danh này xuất phát từ mộc danh là ដើមមង្ឃុត – Đơm Mông Khút – nghĩa là cây măng cụt. Làng có cây măng cụt to.
Xã Tân Đông xưa gọi là Kà Tum. Nay còn các địa danh như cửa khẩu Kà Tum, đồn Kà Tum. Địa danh này có nguồn gốc từ mộc danh – ក្ទម្ព – chữ Khmer gốc Phạn: Ktom – Đơm Ktom người Việt quen gọi là cây gáo trắng.
Gần Hải quan Kà Tum có địa danh Tung Thngay. Tiếng Khmer là – ទទឹងថ្ងៃ – nghĩa là ngược sáng. Vì chiến tranh chết chóc nhiều và kỵ ngược hướng ánh sáng nên bà con Khmer bỏ không ở nữa và lập làng mới Kà Ốt ngày nay.
Khu gần Đồn Kà Tum ( xã Tân Đông) có xóm Chà Rì. Chà Rì người Khmer gọi là Chrây – ជ្រៃ. Đơm Chrây nghĩa là cây đa. Xóm có cây đa to.
Ở Lộc Hưng – Trảng Bàng có khu bàu gọi là bàu Tầm Đinh. Đây là một từ Khmer được Việt hóa từ hơn 100 năm trước. Bàu Tầm Đinh gốc là Bâng onđeng – បឹងអណ្ដែង – nghĩa là bàu cá trê.
Cầu Cần Đăng bắc qua rạch Bến Đá ở Thị trấn Tân Biên. Cần Đăng gốc Khmer là Canđal – កណ្ដាល – nghĩa là trung tâm. Cây cầu ở trung tâm của huyện vậy.
Xã Tân Đông có địa danh Tầm Phô (ấp). Có người cho rằng do Tà Phol đọc chệch mà thành. Nhưng thực ra, Tầm Phô vốn là mộc danh thành địa danh – អំពិល – Ompil – nghĩa là cây me. Làng này có từ thời Pháp thuộc, là một trong năm làng xưa của Tổng Chơn Bà Đen 1865.
Xã Đôn Thuận có cây cầu ghi tên là Cá Chúc. Chẳng ai hiểu là loại cá gì ở con rạch nhỏ này. Thực ra phải là Cả Chúc, Cả là ông Hương Cả, một chức sắc của làng xưa, còn Chúc là tên riêng của ông . Nhà ông Cả Chúc ở gần đầu cầu này, nên người ta mới gọi vậy.
Lình Huỳnh – địa danh ở Hòn Đất – Kiên Giang, Tịnh Biên – An Giang và Châu Thành – Tây Ninh. Ở Tây Ninh, Gò Lình Huỳnh thuộc xã Phước Vinh, gò đất này là nền chùa Khmer cũ. Người Khmer gọi những địa danh này là Prek Ongkunh (ព្រែកអង្គុញ) hoặc Veal Ongkunh (វាលអង្គុញ) nghĩa là rạch chàm, trảng chàm – nơi mọc nhiều dây chàm còn gọi là dây đậu dẹt, hột dùng làm trò chơi ném chàm trong tết Chôl Chhăm Thmây. Lình Huỳnh là cách Việt hóa từ Ongkunh trong tiếng Khmer, cả 3 địa danh kể trên đều đồng nhất như vậy cả.
Cá Vàng
Một người bán nồi, xon, cà ràng… bằng đất nung cho biết, những người Khmer ở Tri Tôn dùng HỘT TRÁI CHÀM để nghè lòng cái xon cho thật dẽ dặt, trơn láng trước khi đem nung.