Trương Thái Du – Cây mè vừng hồ ma

Thái Du Trương

9 phút  · 

#Mè#Vừng

Cây mè/vừng được du nhập từ Tây Á vào Á Đông ở thời Hán, nên tên gọi cổ xưa nhất của nó là Hồ ma 胡麻 (cây mè xứ Hồ). Do biến âm a/e, Ma 麻 miền nam Việt Nam đọc thành Mè, tương đồng với một số ngữ chi Mân Việt. Cự thắng 苣蕂 (ghép bởi Thắng 勝 và bộ Thảo đầu) hoặc Xưng 䕝 (ghép bởi Xưng 稱 và bộ Thảo đầu) là tên khác của Mè ghi trong các cổ tịch hàn lâm như Loại Thiên, Tập Vận. Vừng ở miền bắc là âm Đường Tống trung đại từ chữ Thắng và/hoặc Xứng.

Vì hàm lượng dầu thực vật rất cao trong hạt mè nhỏ bé, nên phát sinh hai chữ Chi ma 脂麻 (mè dầu). Người Quảng Đông gọi Mè là Chi ma 芝麻 trong đó chữ Chi 芝 giả tá và ghi âm cho Chi 脂 (dầu, mỡ). Mè đen xay nhuyễn nấu với đường sẽ tạo thành Hồ 糊 (chất lỏng sền sệt, như hồ dán).

Chi ma hồ 芝麻糊 đọc theo tiếng Quảng Đông chính là món Chí mà phủ, Chí mè phủ, Chí mà phù… và được dịch nghĩa là Chè mè đen. Cũng xin nhắc lại, Chè là bạch thoại của chữ Điềm 甜, mang nghĩa gốc là ngọt.