Cao Văn Nghiệp: TIỂU-CÂU ĐỒ-BÀ & RẠCH CHÀ VÀ

TIỂU-CÂU ĐỒ-BÀ & RẠCH CHÀ VÀ

Trong Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch (Nha Văn hoá, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hoá, 1972) có các đoạn sau đây nói về huyện Vĩnh An thuộc trấn Vĩnh Thanh:

“HUYỆN VĨNH-AN

Nguyên trước là tổng nay đổi làm huyện, lãnh 2 tổng, 81 thôn, phường; phía đông giáp huyện Vĩnh-bình lấy từ ngư-câu ngang đến tiểu-câu Đồ-bà[1] rồi đến cửa sông Cái-bồn làm giới-hạn; phía tây giáp phủ Nam-vang Cao-miên lấy cửa sông Tiền-giang ngang đến thượng-khẩu Hậu-giang làm giới hạn; phía nam giáp huyện Vĩnh-định lấy thượng-khẩu Hậu-giang xuống đến cửa sông Cái-bồn làm giới hạn; phía bắc lấy thượng-khẩu Tiền-giang bao cả những cù lao Cái Vừng, bãi Tê, bãi Tân, bãi Ngưu, bãi Long ẩn, Cai-nga, Tân-phụng, Vĩnh-long đến bờ nam nửa sông cái làm giới hạn.

(…)

TỔNG VĨNH-TRINH (mới đặt)

Có 29 thôn. Phía đông giáp tổng An-trung lấy thượng-khẩu sông Cái-tàu [57b] thẳng đến thủ Cường-oai làm giới-hạn; phía tây giáp phủ Nam-vang Cao-miên lấy thượng khẩu hai con sông (Tiền-giang, Hậu-giang) làm giới-hạn; phía-nam giáp huyện Vĩnh-định, lấy thượng-khẩu Hậu-giang, qua Châu-đốc đến thủ Cường-oai làm giới hạn; phía bắc từ thượng-khẩu Tiền-giang bao gồm các cù lao Cái-vừng, bãi Tê, bãi Tân, bãi Ngưu, đến thượng-khẩu sông Cái-tàu làm giới-hạn.

TÊN CÁC THÔN:

Tân phú-lâm thôn

Long-khánh thôn (mới lập)

Long-sơn thôn

Mỹ-lương thôn

Tân-hưng thôn

Tân-điền thôn

Tân-thuận thôn

Nhơn-hoà trung thôn (mới lập)

Tân-hoà thôn

Mỹ-hưng thôn

Mỹ-chánh thôn

Phú-hưng thôn

Phú-an đông thôn

Tân-thái thôn

Toàn-đức thôn

Toàn-đức đông thôn [58a]

Tân-phước thôn

Tân-tịch thôn

Tòng-sơn thôn

Mỹ-long thôn[2]

Mỹ-phú thôn

Bình-thành tây thôn

Bình-thạnh đông thôn

Bình-thạnh-hoà thôn

Nhơn-lợi- trung, Tân-an nhị thôn (mới lập)

Tấn-an thôn (mới lập)

Thái-bình thôn

Mỹ-khánh thôn

Tân-long thôn”

————–

TẠM CHÚ GIẢI:

1. Tiểu-câu Đồ-bà: có thể là rạch Chà Và.

2. Mỹ-long thôn: rất có thể, vào năm 1836, là 1 trong 9 thôn thuộc tổng An Toàn, huyện Đông Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang, và nguyên văn của thôn này được ghi trong Địa bạ tỉnh An Giang 1836 là “美隆村” mà Nguyễn Đình Đầu, trong Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – An Giang (Nxb Tp. HCM, 1995) lúc thì phiên âm là “Mỹ Long thôn” (tr. 63), lúc thì phiên âm là “Mỹ Luông thôn” (tr. 239, 240). Theo Nguyễn Đình Đầu, “Mỹ Luông thôn, ở xứ Chà Và (gần rạch Chà Và)”. (Sđd, tr. 239).

Năm 1924, làng Mỹ Luông (village de Mỹ-Luông 美隆) thuộc tổng Định Hoà, quận Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên (theo Victor Duvernoy, trong Monographie de la Province de Longxuyên (Cochinchine) 龍川省 (Éditions du Moniteur de l’Indochine, Hà Nội, năm 1924). (Nói thêm: theo học giả An Chi thì “luông” là âm xưa của “long”).

THẮC MẮC:

– Nguyên văn của địa danh “Đồ-bà” trong nguyên tác Gia Định Thành Thông Chí và nguyên văn của địa danh “Chà Và” trong nguyên tác Địa bạ tỉnh An Giang 1836 viết ra sao?

– Đồ-bà có phải là Chà Và không?

– Hai địa danh nêu trên có liên quan gì với là địa danh “Châm/Chăm Ba” [針𠀧] nêu trong Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí của Lê Quang Định không?

Lê Ngọc Quốc

Dạ anh, Cụ Tạo dịch : “tiểu-câu Đồ-bà” còn Thầy Lý Việt Dũng dịch là “ngòi nhỏ Đồ Bà” và chú là Chà Và.

Cá Vàng

Theo Đại Nam Nhất Thống Chí (Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn Hoá Bộ Quốc Gia Giáo Dục xuất bản, năm 1959) thì Đồ-bà là một trong các châu (bãi cát) trên sông Tiền (xin xem ảnh).

Như vậy, rất có thể con rạch nhỏ và cù lao trên bản đồ Tỉnh Long Xuyên (được đánh dấu trong hình chữ nhật) là “tiểu-câu Đồ-bà” được nêu trong Gia Định Thành Thông Chí và “châu (bãi cát) Đồ-bà” được nêu trong Gia Định Thành Thông Chí.

Cá Vàng

So sánh 2 bản dịch Đại Nam Nhất Thống Chí, ta thấy 2 chữ 闍 門+巴 được cụ Tạo dịch âm là “Đồ-bà”, còn cụ Lâu dịch âm là “Chà Và”!

Cá Vàng

ĐỊA DANH “CHÀ VÀ”/ “ĐỒ BÀ”

Trong địa bạ thôn Mỹ Phú (tổng An Toàn, huyện Đông Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang) có đoạn sau đây (theo lời dịch của Nguyễn Đình Đầu trong trong Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – An Giang, Nxb Tp. HCM, năm 1995):

“MỸ PHÚ thôn, ở xứ Chà Và

– Đông giáp địa phận thôn Mỹ Luông.

– Tây giáp địa phận thôn Kiến Thạnh.

– Nam giáp thôn Hội An (tổng An Thạnh, huyện Vĩnh An).

– Bắc giáp địa phận thôn Mỹ Luông.” (Sđd, tr.240)

Đối ứng với 2 chữ “Chà Và”, trong nguyên tác chép là 闍 [門+巴] (xin xem hình)

Tóm lại, nguyên văn của địa danh đang xét, trong Địa bạ tỉnh An Giang năm 1836 và trong Đại Nam nhất thống chí đều chép là 闍 [門+巴], và địa danh này được các dịch giả “dịch âm” là “Chà Và” hoặc “Đồ Bà”, cụ thể như sau:

– Trong Địa bạ tỉnh An Giang năm 1836: cụ Nguyễn Đình Đầu dịch âm là “Chà Và”,

– Trong Đại Nam nhất thống chí: cụ Nguyễn Tạo dịch âm là “Đồ Bà”, cụ Hoàng Văn Lâu dịch âm là “Chà Và”, cụ Lý Việt Dũng dịch âm là “Đồ Bà” và chú là “Chà Và”.

Cá Vàng

NÓI THÊM VỀ ĐỊA BẠ THÔN MỸ PHÚ:

Đối ứng với lời dịch “Tây giáp địa phận thôn Kiến Thạnh” của cụ Nguyễn Đình Đầu (NĐĐ), trong nguyên tác chép là: “Tây cận bổn tổng Kiến Hoà thôn địa phận” 西近本總建和村地分, nghĩa là: Tây giáp địa phận thôn Kiến Hoà của bổn tổng (tức tổng An Toàn).

Tại sao trong nguyên tác chép là “Kiến Hoà thôn” 建和村, lẽ ra phải dịch là thôn KIẾN HOÀ, nhưng cụ NĐĐ lại dịch là “thôn KIẾN THẠNH”? Có thể cụ NĐĐ đã đọc sai mà cũng có thể cụ đã “hiệu chỉnh” Kiến Hoà thành Kiến Thạnh.

Nếu cụ NĐĐ “hiệu chỉnh” Kiến Hoà thành Kiến Thạnh thì nguyên nhân có thể là do:

1. Tổng An Toàn không có thôn Kiến Hoà: Theo cụ NĐĐ thì tổng An Toàn 安全 gồm 9 thôn sau đây: Kiến Long 建隆, Kiến Thạnh 建盛, Mỹ Chánh 美政, Mỹ Hưng 美興, Mỹ Long 美隆 [đúng ra phải đọc là Mỹ Luông], Mỹ Phú 美富, Toàn Đức 全德, Toàn Đức Đông 全德東 và Tú Điền 秀田 (Sđd, tr. 162, 163), tức không có thôn Kiến Hoà.

2. Cai tổng khai bẩm báo sai: cũng theo cụ NĐĐ thì “Cai tổng đứng khai bẩm, vì dân làng xiêu tán hết” (Sđd, tr. 240), tức thôn Mỹ Phú khuyết chức Thôn trưởng nên Cai tổng (theo nguyên tác thì họ và tên của vị Cai tổng này là Nguyễn Văn Tường 阮文祥) phải đứng ra khai bẩm, và rất có thể vị Cai tổng này đã khai lầm thôn Kiến Thạnh thành thôn Kiến Hoà.

Vì cụ NĐĐ không giải thích tại sao trong nguyên tác chép là “Kiến Hoà thôn” 建和村 mà cụ lại dịch là “thôn Kiến Thạnh” nên chúng tôi mạo muội đoán mò như trên.

An Chi

Chữ 闍 có 3 âm Hán Việt là ĐÔ (không phải (đồ”), THÀ và CHA (Xin xem Khang Hy), dùng làm Nôm để ghi âm CHÀ. Hai chữ mà bạn đã nêu là CHÀ VÀ (Không thể đọc thành “Đồ Bà”).

Cá Vàng

Cám ơn bác An Chi đã góp ý. Tôi đã đưa đoạn này vào bài viết về thôn Mỹ Phú. Kính chúc bác luôn vui khoẻ.

An Chi

Cá Vàng Xin cám ơn bạn và mạn phép chờ những kết quả sưu tầm nghiên cứu thú vị và bổ ích khác của bạn. Chúc bạn một ngày chủ nhật vui.

Cá Vàng cùng với Lê Ngọc Quốc và

5 người khác

.

Yêu thích  · 3 Tháng 8, 2021  ·

RẠCH CHÀ VÀ & THÔN MỸ LUÔNG

(Nhân đọc lại bài ‘Tiểu-câu Đồ-bà & Mỹ-long thôn’ đã đăng từ 3 năm trước tại https://www.facebook.com/ca.vang.777/posts/2026989677325722

Trong Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, Phạm Hoàng Quân dịch, chú và khảo chứng (Nxb Tổng Hợp Tp. HCM, 2019) có đoạn sau đây nói về huyện Vĩnh An thuộc trấn Vĩnh Thanh (xin trích):

“Huyện Vĩnh An (永安縣) (trước là tổng Bình An, nay đổi làm huyện), lãnh 2 tổng, 81 thôn, phường. Đông giáp huyện Vĩnh Bình, lấy từ Ngư Câu (tục gọi là Cái Cá) [rạch Đuôi Cá] ngang tới rạch Chà Và[1], tới vàm Cái Vồn làm giới hạn; tây giáp phủ Nam Vang nước Cao Miên, lấy cửa trên sông Tiền ngang qua cửa trên sông Hậu làm giới hạn; nam giáp huyện Vĩnh Định, lấy cửa trên sông Hậu xuống tới vàm sông Cái Vồn làm giới hạn; bắc lấy cửa trên sông Tiền bao quanh các cù lao Cái Vựng châu [cù lao Cái Vừng], Tê châu [cù lao Tây], Tân châu [cù lao Giêng], Ngưu châu [cù lao Trâu], Long Ẩn châu [cù lao Xóm Chài], Cai Nga châu [cù lao Nga], Tân Phụng châu [cù lao Phụng], Vĩnh Tòng châu [cồn Chim], phân nửa bên phía nam sông lớn làm giới hạn.

Tổng Vĩnh Trinh (永貞總) (mới đặt), có 29 thôn. Đông giáp tổng Vĩnh Trung, lấy từ vàm Cái Tàu Thượng thẳng tới thủ sở Cường Thành (tục gọi Lấp Vò) làm giới hạn; tây giáp phủ Nam Vang nước Cao Miên, lấy cửa trên hai sông [Tiền, Hậu] làm giới hạn; nam giáp phủ Vĩnh Định, lấy từ Châu Đốc ở cửa trên sông Hậu tới thủ sở Cường Thành làm giới hạn; bắc lấy từ cửa trên sông Tiền, bao quanh cù lao Cái Vừng, cù lao Tây, cù lao Trâu, cù lao Giêng tới vàm Cái Tàu Thượng làm giới hạn.

Tổng Vĩnh Trinh, danh mục các thôn:

1. Tân Phú Lâm thôn (新富臨村) [Một phần trên cù lao Cái Vừng. Nay là tên xã (Phú Lâm), thuộc huyện Phú Tân, tỉnh An Giang].

2. Long Sơn thôn, mới lập (始立龍山村) [Một phần trên cù lao Cái Vừng. Nay tên phường, thuộc thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang].

(…)

20. Mỹ Luông thôn (美隆村) [Bản NT 1972, bản VSH 1999, bản LVD 2006 sai: Mỹ Long. Nay là tên thị trấn, thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang][2].

21. Mỹ Phú thôn (美富村).

(…)

29. Tân Long thôn (新隆村) (Sđd, tr.386-389)

TẠM CHÚ GIẢI

1. Rạch Chà Và: nguyên văn là “Chà Và tiểu câu” 闍[門+巴]小溝. NT 1972 (bản dịch của Nguyễn Tạo xuất bản năm 1972) phiên âm là “Đồ-bà tiểu-câu.

Về 2 chữ 闍[門+巴], học giả An Chi đã từng góp ý như sau: “Chữ 闍 có 3 âm Hán Việt là ĐÔ (không phải (đồ”), THÀ và CHA (Xin xem Khang Hy), dùng làm Nôm để ghi âm CHÀ. Hai chữ mà bạn đã nêu là CHÀ VÀ (Không thể đọc thành “Đồ Bà”).”

Chà Và cũng là tên xứ. Trong địa bạ thôn Mỹ Phú (1 trong 9 thôn thuộc tổng An Toàn, huyện Đông Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang) lập năm 1836 có câu: “Mỹ Phú thôn địa phận Chà Và xứ” (美富村地分闍[門+巴]處).

2. Mỹ Luông thôn (美隆村): Theo chú giải của Phạm Hoàng Quân thì bản NT 1972, bản VSH 1999 (tức bản dịch của Viện Sử học 1999), bản LVD 2006 (tức bản dịch của Lý Việt Dũng 2006) đều phiên âm sai là “Mỹ Long”.

Theo địa bạ lập năm 1836, Mỹ Luông thôn (美隆村) là 1 trong 9 thôn thuộc tổng An Toàn, huyện Đông Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Nguyễn Đình Đầu, trong Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – An Giang (Nxb Tp. HCM, 1995) lúc thì phiên âm là “Mỹ Long thôn” (tr. 63), lúc thì phiên âm là “Mỹ Luông thôn” (tr. 239). Và theo Nguyễn Đình Đầu, “Mỹ Luông thôn, ở xứ Chà Và (gần rạch Chà Và)”. (tr.239). Tiếc rằng chúng tôi không có bản photo địa bạ thôn Mỹ Luông lập năm 1836 nên không biết nguyên văn chép như thế nào.

Cá Vàng

Nguồn gốc tên cù lao Chà Và: Trong một chú giải về cù lao này, Phạm Hoàng Quân cho biết: “Di cảo TVK chép tên tiếng Khmer là Koh cvà [người Khmer gọi người Java (Đồ Bà) là Cva].” (tr.2161)

Từ lời chú giải trên tôi tạm phỏng đoán chữ Khmer là “កោះ ចាវ៉ា”; trong đó:

កោះ (Google phiên âm là “kaoh”) có nghĩa là cù lao, đảo, cồn.

ចាវ៉ា (Google phiên âm là “cha vea”) có nghĩa là người Java (hoặc đảo Java).

Tuan Vo

Chú Cá Vàng ơi, trở lại vấn đề “Doanh Châu” và Cù lao Giêng. Địa bạ thôn Toàn Đức (AG -15233) và Mỹ Hưng (AG-15222) tổng An Toàn đều ghi chung một xứ là Cù lao Nhiên và Nhiên Châu. Xin chú tra giúp có phải chữ Nhiên 燃 này không? Nếu đúng là chữ 燃 thì hương chức ở các thôn này họ tự gọi xứ họ là Cù lao Nhiên 燃 (có liên quan tới lửa, nhen nhóm lửa. Nếu đúng vậy thì liệu sẽ có sự liên hệ nào tới địa danh Doi Lửa ở phía đầu cù lao này không?). Điều này khác với ý của Trương Vĩnh Ký rằng cù lao Giêng là cù lao Đầu Nước.

Cá Vàng

Tuan Vo Nhiên Châu 燃 洲 và Phước Châu 福 洲 trong địa bạ thôn Toàn Đức 全 德 1836

(NHIÊN 燃 bộ “hỏa” 火)

Cháu có thể xem lại bài CÁC THÔN/ LÀNG/ XÃ TRÊN CÙ LAO GIÊNG tại https://www.facebook.com/ca.vang.777/posts/pfbid02pHbNUsCqXjNk6sNbYqUw93SkwGQqVKpzbjyJHSWGJUmK7ZnsJR3aepAoDAK6Y71jl

Cù lao Nhiên 燃 trong địa bạ thôn Mỹ Hưng 美 興 1836:

CÁC THÔN/ LÀNG/ XÃ TRÊN CÙ LAO GIÊNG

(Cập nhật ngày 5/8/2022)

Cù lao đang xét được Lê Quang Định ghi nhận trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (HVNTDĐC), quyển 2, với tên chữ là “Doanh châu” 溋 洲, tên tục là “cù lao Giềng” 岣 嶗 溋. (Chữ 溋 có âm Hán Việt là: doanh, âm Nôm là: doanh, duềnh, dềnh, giềng, đành; ở đây chúng tôi tạm chọn âm Nôm “giềng”). 

Còn Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí (GĐTTC) thì chép tên chữ là “Doanh châu” 瀛 洲, tên tục là “Cù lao Diên” 岣 嶗 涎. Ngoài cù lao “Diên”, trong GĐTTC, quyển 2: Sơn xuyên chí, Trịnh Hoài Đức còn cho biết phía nam của cù lao này còn có 2 cù lao nhỏ nữa, và trên cả 3 cù lao đó đều có thôn cư. Cụ thể như sau:   

– Trên cù lao “Diên” có 4 thôn: Toàn Đức 全 德, Mỹ Hưng 美 興, Toàn Đức Đông 全 德 東, Phú Hưng 富 興.

– Trên cù lao nhỏ ở phía tây nam có 3 thôn: Tân Phước 新 福, Phú An 富 安, Tân Tịch 新 席.

– Trên cù lao nhỏ ở phía đông nam có 1 thôn: Tân Thới 新 泰.

Trong số 8 thôn trên, chỉ có 7 thôn (không có thôn Phú An trên cù lao nhỏ ở phía tây nam) sau đây được liệt kê trong GĐTTC, Quyển 3: Cương vực chí, tiểu mục tổng Vĩnh Trinh (huyện Vĩnh An, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh): Toàn Đức 全 德, Mỹ Hưng 美 興, Toàn Đức Đông 全 德 東, Phú Hưng 富 興 (mới lập), Tân Phước 新 福 (mới lập), Tân Tịch 新 席, Tân Thới 新 泰.

Năm 1832, tỉnh An Giang được thành lập gồm 2 phủ, 4 huyện: phủ Tuy Biên gồm 2 huyện Đông Xuyên và Tây Xuyên, phủ Tân Thành gồm 2 huyện Vĩnh An và Vĩnh Định.  

Vào năm 1836, theo địa bạ tỉnh An Giang xác lập năm Minh Mạng thứ 17, huyện Đông Xuyên, phủ Tuy Biên gồm 4 tổng: An Lương, An Phú, An Thành, An Toàn. Lúc đó tổng An 安全 gồm 12 thôn:

– 9 thôn còn địa bạ: Kiến Long, Kiến Thạnh, Mỹ Chánh, Mỹ Hưng, Mỹ Luông, Mỹ Phú, Toàn Đức, Toàn Đức Đông, Tú Điền.

– 3 thôn mất địa bạ: Phú Toàn (ở phía đông thôn Mỹ Chánh), Tân Phước (ở phía đông thôn Toàn Đức Đông) và Kiến Hòa (ở phía đông thôn Mỹ Phú).

Trong số 12 thôn đó, có 6 thôn sau đây được cho là nằm trên địa bàn cù lao Giêng ngày nay:

1. Mỹ Hưng 美 興 ở xứ Cù lao Nhiên 岣 嶗 燃.

2. Toàn Đức 全 德 ở 2 xứ Nhiên Châu[1] 燃 洲 và Phước Châu 福 洲.

3. Toàn Đức Đông 全 德 東 ở xứ Sa Trước Đà[2] 沙 竹 沱.

(Theo GĐTTC, 3 thôn vừa nêu nằm trên cù lao “Diên”)

4. Tân Phước 新 福 (mất địa bạ, nằm ở phía đông thôn Toàn Đức Đông)

(Theo GĐTTC, thôn này nằm trên cù lao nhỏ phía tây nam)

5. Mỹ Chánh 美 政 ở xứ Đại Mông 大 檬.

(thôn này được ghi nhận trong ĐNNTC)

6. Phú Toàn 富 全 (mất địa bạ, nằm ở phía đông thôn Toàn Đức Đông).

Vì thôn Mỹ Hưng, theo GĐTTC nằm trên cù lao Diên, còn theo địa bạ 1836 thì thôn này ở xứ Cù lao Nhiên 岣 嶗 燃, nên chúng ta có thể nói rằng danh xưng cù lao Diên trong GĐTTC bao gồm luôn cả cù lao Nhiên. 

Vi thôn Toàn Đức, theo GĐTTC nằm trên cù lao Diên, còn theo địa bạ 1836 thì thôn này ở 2 xứ Nhiên Châu 燃 洲 và Phước Châu 福 洲. Trong đó:

– Xứ Nhiên Châu: Đông giáp địa phận 3 thôn Toàn Đức Đông, Tân Phước và Mỹ Chánh; Tây giáp sông và xứ Phước Châu; Nam giáp sông và giáp địa phận thôn Tân Phước; Bắc giáp địa phận 4 thôn Mỹ Hưng, Toàn Đức Đông, Tân Phước và Mỹ Chánh.

– Xứ Phước Châu: Đông giáp sông và xứ Nhiên Châu; Tây giáp sông nhìn sang địa phận thôn Mỹ Luông; Nam giáp sông; Bắc giáp sông. (Xin xem hình)

Từ các chi tiết trên, chúng tôi tạm cho rằng, xứ Phước Châu là xứ Cù lao Phước (còn gọi là Cồn Phước) và cù lao Phước này, theo GĐTTC là một thành phần của Cù lao Diên.

Đến đây chúng ta có thể nói rằng, địa danh Cù lao Diên trong GĐTTC bao gồm cả cù lao Nhiên và cù lao Phước (thường gọi là Cồn Phước).  

Đến năm 1839, huyện Đông Xuyên đổi thuộc phủ Tân Thành. Từ đó, tổng An Toàn trên cù lao Giêng thuộc huyện Đông Xuyên, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang. 

Theo ĐNNTC, trên cù lao “Diên” có 4 thôn. Đó là những thôn nào?

– Theo bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo (1959) thì là: Toàn Đức Đông, Mỹ Hưng, Mỹ Chánh, Tân Phước.

– Theo bản dịch của Phạm Trọng Điềm (2006) thì là: Toàn Đức, Đông Mĩ, Hưng Mĩ, Tân Phúc.

Chúng tôi không có nguyên bản ĐNNTC nên tạm đoán lời dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo có phần hợp lý hơn. Lý do:

– 2 thôn Mỹ Hưng và Mỹ Chánh (theo bản dịch Tu Trai Nguyễn Tạo) tiếp tục tồn tại mãi đến cuối năm 1939 mới bị giải thể (theo Nghị định ngày 7-11-1939). Chẳng những vậy, thôn Mỹ Hưng từng được ghi nhận trong GĐTTC.

– Còn 2 thôn Đông Mĩ và Hưng Mĩ thì có lẽ chỉ xuất hiện trong bản dịch của Phạm Trọng Điềm (Đào Duy Anh hiệu đính) mà thôi! 

Riêng về thôn Tân Phước, theo GĐTTC thì thôn này (và 2 thôn Phú An, Tân Tích) nằm trên cù lao nhỏ ở phía tây nam của cù lao Diên. Như vậy, theo ĐNNTC, địa danh Cù lao Diên gồm luôn cù lao nhỏ ở phía tây nam.   

Đầu năm 1853, cụ thể là ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (nhằm ngày 8/1/1953 dương lịch), 6 thôn sau đây nằm trên cù lao Giêng được vua Tự Đức ban sắc Bổn Cảnh Thành Hoàng:

“- Đình Mỹ Hưng thôn (nay là ấp Đông Châu, xã Mỹ Hiệp).

– Đình Mỹ Chánh thôn (nay là đình xã Mỹ Hiệp).

– Đình Phú Đa thôn (nay là đình Bình Phú, xã Bình Phước Xuân). 

– Đình Bình Đức Đông thôn (nay là đình Bình Trung, xã Bình Phước Xuân).

– Đình Tân Phước thôn (nay là đình Bình Phước, xã Bình Phước Xuân).

– Đình Tân Đức (nay là đình xã Tấn Mỹ).” (Theo Trần Văn Đông và Huỳnh Hồng Phượng, Địa chí hành chính các xã ở cù lao Giêng từ năm 1900 đến nay (in trong cuốn Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Lịch sử hành chính 105 năm huyện Chợ Mới (1917-2022), tr.49).

Lúc đó các thôn nêu trên đều thuộc huyện Đông Xuyên (trong các sắc thần không ghi tên tổng).

Chúng tôi chưa biết tổng An Toàn 安 全 đổi thành tổng An Bình 安 平 từ năm nào[3], chỉ thấy tên tổng An Bình được ghi nhận trong cuốn Niên giám Nam Kỳ 1870 in năm 1869 (Annuaire de la Cochinchine pour l’année 1970, Saigon, Imprimerie du Gouvernement, 1869, trang 192). Lúc đó, An Bình (gồm 6 làng) là 1 trong số 4 tổng thuộc hạt thanh tra Long Xuyên (Inspection de Long xuyen). 3 tổng còn lại là: Định Phước (17 làng), An Phú (7 làng) và Định Hòa (17 làng). 

Năm 1876, thôn đổi gọi thành làng (chữ Pháp là “village”, nhưng trong các tài liệu chữ Hán vẫn viết là “村” (thôn)), hạt thanh tra đổi thành hạt tham biện (Arrondissement).

Năm 1892, tổng An Bình, hạt tham biện Long Xuyên gồm 6 làng: Bình Đức Đông 平 德 東, Mỹ Chánh 美 正[4], Mỹ Hưng 美 興, Phú Xuân 富 春, Tấn Đức 進 德, Tân Phước 新 福. (Theo Nam Kỳ địa hạt tổng thôn danh mục – San định năm Nhâm Thìn 1892 của Tòa Thống đốc Nam Kỳ, Nguyễn Đình Tư dịch và chú thích, Trần Văn Chánh hiệu đính, Nxb Tp.HCM, 2017, tr. 55, [39a], [39b]).

Trước đó, theo Bản đồ địa hình hạt tham biện Long Xuyên 1886 (Plan topographique de l’arrondissement de Longxuyen 1886), tổng An Bình trên Cù lao Giêng cũng gồm 6 làng nêu trên. (Xin xem hình)

Đầu năm 1900, hạt tham biện Long Xuyên đổi thành tỉnh Long Xuyên (Province de Long-xuyen), theo Nghị định ngày 20/12/1899.

Năm 1911, tổng An Bình và 2 tổng Định Hòa, Phong Thạnh Thượng thuộc quận Chợ Mới (Circonscription de Cho-moi), tỉnh Long Xuyên. Chủ quận Chợ Mới là ông Tô Bảo Thanh, phủ hạng nhì. Lúc đó tổng An Bình cũng gồm 6 làng nằm trên địa bàn Cù lao Giêng: Bình Đức Đông, Mỹ Chánh, Mỹ Hưng, Phú Xuân, Tấn Đức, Tân Phước[5]; hội viên Hội đồng tỉnh (Conseiller provincial), đại biểu tổng An Bình, là ông Võ Hàm Ninh. (Theo Tổng niên giám Đông Dương 1911 (Annuaire Général de l’Indo-Chine 1911, partie Administrative, Imprimerie d’Extrême-Orient, Hanoi-Haiphong, 1911, tr.312, 313)

Rất có thể quận Chợ Mới được thành lập từ năm 1909 hoặc 1910. Điều này cần tìm hiểu thêm. 

Đầu năm 1920, làng Bình Phước Xuân được thành lập từ 3 làng cũ là Bình Đức Đông, Phú Xuân và Tân Phước (theo Quyết định ngày 13/12/1919). Do Quyết định này mà tổng An Bình chỉ còn 4 làng (giảm 2 làng): Bình Phước Xuân, Mỹ Chánh, Mỹ Hưng, Tấn Đức.

Năm 1924, theo Victor Duvernoy trong Địa chí tỉnh Long Xuyên, ấn bản năm 1924 (Monographie de la Province de Longxuyên (Cochinchine) 龍川省, Éditions du Moniteur de l’Indochine, Hanoi, 1924, trang 53-54), tổng An Bình, quận Chợ Mới (Délégation de Chomoi), tỉnh Long Xuyên gồm 4 làng, 17 ấp:

1- Làng Bình Phước Xuân 平福春 gồm 4 ấp: Bình Phú 平富, Bình Phước 平福, Bình Tấn 平進, Bình Trung 平中.

2- Làng Mỹ Chánh 美政 gồm 4 ấp: Mỹ Đông 美東, Mỹ Thị 美巿, Mỹ Trung 美中, Tây Thượng 西上.

3- Làng Mỹ Hưng 美興 gồm 2 ấp: Nhạn Châu 鴈球[6], Tây 西.   

4- Làng Tấn Đức 進德 gồm 7 ấp: Tấn An 進安, Tấn Bình 進平, Tấn Hòa 進和, Tấn Phú Hạ 進富下, Tấn Phú Thượng 進富上, Tấn Thuận 進順, Tấn Quới 進貴. 

Theo Nghị định ngày 7/11/1939 về việc điều chỉnh địa giới và địa danh hành chính thuộc tổng An Bình, 4 làng cũ Bình Phước Xuân, Mỹ Chánh, Tấn Đức và Mỹ Hưng giảm xuống còn 3 làng: Bình Phước Xuân (có thay đổi địa giới), Tân Mỹ và Mỹ Hiệp.

Sau 1956, làng đổi gọi thành xã và 3 làng Bình Phước Xuân, Tân Mỹ và Mỹ Hiệp tiếp tục tồn tại đến ngày nay.    

———

[1] Nhiên Châu: nguyên văn là 燃 洲. Trong cuốn Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – An Giang của Nguyễn Đình Đầu (Nxb Tp.HCM, năm 1995, tr.240) in sai thành “Nhiên Câu”.   

[2] Sa Trước Đà: nguyên văn là 沙 竹 沱. Nguyễn Đình Đầu phiên âm là “Sa Trúc Đà” (Sđd, tr. 241). Xứ Sa Trước Đà là xứ ở 2 bên bờ rạch Sa Trước, tên rạch này được ghi trên bản đồ địa hình hạt Long Xuyên 1886.

[3] Tổng An Bình: Theo Nguyễn Đình Tư, trong Tự điển địa danh hành chính Nam bộ (Nxb Chính trị Quốc gia, 2008), thì “An Bình [là] tổng thuộc huyện Đông Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang từ năm Minh Mạng thứ 20 do đổi tên từ tổng An Toàn, có 6 thôn Bình Đức Đông, Mỹ Chánh, Mỹ Hưng, Phú Xuân, Tân Đức, Tân Phước.” (tr.32). Nguyễn Đình Tư viết như vậy nhưng chúng tôi không dám tin.

[4] Mỹ Chánh 美 正: Có lẽ chữ “政” (chánh) bị chép lầm thành chữ “正” (cũng đọc là chánh).

[5] Tân Phước: Trong cuốn Tổng niên giám Đông Dương 1911 in là “Tan-phuc”, nhưng trong nhiều cuốn Tổng niên giám Đông Dương khác đều in là “Tan-phuoc”. Vì lý do này mà ở trên chúng tôi viết là “Tân Phước”.

[6] Nhạn Châu 鴈 球: Có lẽ là “鴈 珠” (Nhạn Châu) bị in lầm thành “鴈 球” (Nhạn Cầu).

Hien Nguyen Le

Theo tài liệu này thì Quận Chợ Mới thành lập trước năm 1911 có Quận trưởng, Sau hiện nay UBND H. C MỚI Hội thảo kỷ niệm thành lập Quận từ năm 1917..kỳ cục vậy. Mong Thầy có ý kiến

Cá Vàng

Hien Nguyen Le Một trong các mục đích của cuộc hội thảo là tìm hiểu xem quận Chợ Mới được thành lập từ năm nào. Về vấn đề này có 3 bài tham luận: 1. “Khu vực hành chính Chợ Mới được thành lập từ năm nào?” của tôi, 2. “Đơn vị hành chính thời pháp thuộc” của Cù Thị Dung và Trường Thành, 3. “Ý kiến đề xuất chọn năm thành lập khu vực hành chính huyện Chợ Mới thời Pháp” của Huỳnh Hồng Phượng. Theo như tôi thấy, “khu vực hành chính Chợ Mới” (Circonscription de Cho-moi) được ghi nhận trong cuốn Annuaire général de l’Indo-Chine 1911. Còn năm thành lập thì tôi phỏng đoán là năm 1909. Câu hỏi “Khu vực hành chính Chợ Mới được thành lập từ năm nào?” vẫn còn bỏ ngõ 🙂

Hien Nguyen Le

Cá Vàng Nhờ Thầy tìm hiểu Chợ Mới cất năm nào. Dời Chợ cũ từ trong đình Kiến An ra nên kêu Chợ Mới.

Cá Vàng

Hien Nguyen Le Có ý kiến cho rằng Chợ Mới được xây dựng năm 1905.

Cá Vàng

Tổng An Bình: Theo Nguyễn Đình Tư, trong Tự điển địa danh hành chính Nam bộ (Nxb Chính trị Quốc gia, 2008), thì “An Bình [là] tổng thuộc huyện Đông Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang từ năm Minh Mạng thứ 20 do đổi tên từ tổng An Toàn, có 6 thôn Bình Đức Đông, Mỹ Chánh, Mỹ Hưng, Phú Xuân, Tân Đức, Tân Phước.” (tr.32). Nguyễn Đình Tư viết như vậy nhưng chúng tôi chưa dám tin.