Cao Văn Nghiệp – “GIA ĐỊNH KINH” LÀ GÌ?

Trong Đại Nam nhất thống chí (tỉnh Gia Định, mục Kiến trí duyên cách) của Quốc Sử quán triều Nguyễn, bản dịch của Nguyễn Tạo 1959[1] có các đoạn sau đây:

“Xưa nước Phù-nam 扶 南 sau bị Chân-lạp thôn tính, gọi là Thủy Chân-lạp, gọi là Giản-phố-trại 柬 埔 寨. Đầu năm Kỷ-vị (1739) vua Thái-tông Hiếu-triết-Hoàng-Đế (bản triều) mệnh tướng mở biên cảnh, lập đồn dinh ở Tân-mỹ. Năm mậu-dần (1758) (sic) vua Hiển-Tông-Minh Hoàng-Đế[2] lại mệnh Thống-suất chưởng-cơ Nguyễn-hữu-Cảnh kinh lược đất ấy, đặt phủ Gia-định lấy xứ Sài-côn làm huyện Tân-bình, dựng dinh Phiên-trấn đặt chức Giám-quân cai-bộ và ký-lục để cai trị, năm Bính-thân (1776) bị Tây-sơn hãm lấy. Năm Định-dậu (1777) Thế-tổ Cao-Hoàng-Đế cử binh Long-xuyên thu phục Sài-côn[3]. Năm Kỷ-hợi (1780) vua khiến tu định địa-đồ lập địa-giới dinh Phiên-trấn. Năm canh-tuất (1790) bắt đầu đắp thành Bát-quái trên gò cao thôn Tân-khai, tổng Bình-dương gọi là Gia-định-Kinh. Niên hiệu Gia-long nguyên-niên (1802) cải tên phủ Gia-định làm trấn Gia-định đặt Trấn quan để thống trị[4]. Năm thứ 7 cải làm Gia-định thành đặt một Tổng-trấn, 1 Hiệp-tổng-trấn và 1 Phó-tổng-trấn thống trị trấn Phiên-an, Biên-hòa, Định-tường, Vĩnh-thanh, Hà-tiên, lại kiêm lãnh trấn Bình-thuận ở xa nữa.

Dinh Phiên-an đổi làm trấn Phiên-an, quan chức cũng nhưng (sic) cựu đặt Trấn-thủ, Cai-bộ, ký-lục.

Huyện Tân-Bình thăng lên làm phủ; 4 tổng (Bình-dương, Tân-long, Thuận-an, Phước-lộc) thăng lên làm huyện” (tr.48)

Đối ứng câu “Năm canh-tuất (1790) bắt đầu đắp thành Bát-quái trên gò cao thôn Tân-khai, tổng Bình-dương gọi là Gia-định-Kinh”, Phạm Trọng Điềm 2006 dịch như sau:

“năm Canh Tuất (1790) mới đắp thành Bát Quái ở trên gò cao thuộc địa phận thôn Tân Khai, tổng Bình Dương gọi là kinh Gia Định.” (tr.234)

Vì không có bản chữ Hán nên tôi phỏng đoán, đối ứng lời dịch “Gia-định-Kinh” của Nguyễn Tạo 1959 và lời dịch “kinh Gia Định” của Phạm Trọng Điềm 2006, nguyên văn là “嘉定亰” (Gia Định kinh). Có lẽ vì chữ “kinh” 亰 thường được hiểu là kinh đô, thủ đô, thủ phủ nên tác giả bài Thành Bát Quái đã viết như sau:

“Tháng 8 năm Mậu Thân (7 tháng 9 năm 1788), lợi dụng khi quân Tây Sơn đang bận tái lập trật tự Bắc Hà và đánh quân Thanh, Nguyễn Ánh đánh chiếm được Sài Gòn và biến nơi đây thành cơ sở chống lại Tây Sơn.

Hai năm sau, 1790, Nguyễn Ánh chọn đất Sài Gòn làm kinh đô, tên là Gia Định kinh…” (https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A0nh_B%C3%A1t_Qu%C3%A1i)

Có điều đáng tiếc là tác giả bài Thành Bát Quái không cho biết sự kiện “Nguyễn Ánh chọn đất Sài Gòn làm kinh đô” được rút ra từ tài liệu nào, mà chúng cũng chưa tìm thấy tài liệu nào nói như vậy.

Căn cứ vào Gia Định thành thông chí (qua lời dịch của Nguyễn Tạo 1959 và lời dịch của Phạm Trọng Điềm 2006), “Gia Định kinh” (kinh Gia Định) có thể là: một là “thành Bát Quái”, hai là “gò cao”. Theo một số trang mạng chữ Hán, từ “kinh” 亰 cũng có nghĩa là cái gò rất cao, nơi rất cao. Do nghĩa này chúng tôi tạm phỏng đoán “kinh” 亰 là “gò cao” ở Tân Khai, tổng Bình Dương. Và do lúc đó thôn Tân Khai, tổng Bình Dương thuộc huyện Tân Bình, dinh Phiên An, phủ Gia Định, nên cái gò cao đó được gọi là “Gia Định kinh”, nghĩa là gò cao Gia Định. Còn cái nghĩa là thành Bát Quái thì chúng tôi tạm loại trừ vì chúng tôi chưa thấy tài liệu ghi nhận từ “kinh” 亰 cũng có nghĩa là thành trì.

Đến năm Gia Long thứ 7 [1808], phủ Gia Định đổi làm thành Gia Định.

Năm Gia Long thứ 15 [1816], trấn Phiên An có một phủ duy nhất là phủ Tân Bình với 4 huyện: Bình Dương, Tân Long, Phước Lộc, Thuận An. Lúc đó, thôn Tân Khai thuộc tổng Bình Trị (mới đặt), huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, trấn Phiên An, thành Gia Định.

Năm Minh Mạng thứ 13 [1832], vua Minh Mạng bãi bỏ “Gia Định thành”, chia “Ngũ trấn” (Năm trấn: Phan An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường, Hà Tiên) thành “Lục tỉnh” (Sáu tỉnh: Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Về sau, tỉnh Phiên An đổi tên thành tỉnh Gia Định.

Đến đây chúng ta có thể nói rằng: “Gia Định” 嘉定 là địa danh hành chính, lần lượt là tên “phủ” 府, tên “trấn” 鎭, tên “thành” 城, tên “tỉnh” 省.

Ngoài ra, “Gia Định” cũng là tên “kinh” 亰. Nếu “kinh” 亰 là “gò cao” ở thôn Tân Khai thì “Gia Định” này là địa danh chỉ địa hình.

Về thôn Tân Khai và thành Bát Quái, trong Tự điển địa danh hành chính Nam Bộ (Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2008), tác giả Nguyễn Đình Tư cho biết:

“Tân Khai. Thôn thuộc tg.Bình Trị, h.Bình Dương, p.Tân Bình, tr.Phiên An, triều Gia Long. Triều Minh Mạng thuộc tg.Bình Trị Thượng vẫn huyện, phủ cũ t.Gia Định. Trải qua triều Thiệu Trị, Tự Đức đến đầu thời Pháp thuộc lọt vào địa bàn tp.Sài Gòn (Xt). Tại đây năm Canh Tuất (1790) Nguyễn Ánh cho xây thành Bát Quái, còn gọi là thành Quy. Năm Minh thứ 15 triệt phá để xây thành Phụng tức thành Gia Định bị Pháp chiếm ngày 7-2-1859 và triệt phá. (tr.1006-1007)

Tóm lại, theo chúng tôi phỏng đoán, “Gia Định kinh” (kinh Gia Định) là tên cái gò cao ở thôn Tân Khai thuộc phủ/ trấn/ thành Gia Định, tức nơi đắp thành Bát Quái năm 1790.

Vì thiếu tài liệu khả tín nên chúng tôi tạm đoán mò như vậy. Rất mong quý vị và các bạn trợ giúp. Xin chân thành cám ơn trước.

———-

[1] Đại Nam nhất thống chí – Lục tỉnh Nam Việt, Tập Thượng, dịch giả Tu Trai Nguyễn Tạo, Nha Văn hóa – Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Tập số 2, 1959.

[2] Năm Mậu Dần đời Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng đế, tức chúa Nguyễn Phúc Chu là năm 1698 (không phải 1758). (Chúa Nguyễn Phúc Chu trị vì từ năm 1691 đến năm 1725).

[3] Không rõ nguyên văn chép thế nào mà Nguyễn Tạo 1959 dịch hoặc phiên âm là “Sài-côn”, còn Nguyễn Trọng Điềm 2006, trong Đại Nam nhất thống chí, Tập 5, Tái bản lần thứ hai (Nxb Thuận Hóa, Huế, 2006), thì dịch là “Sài Gòn”.

[4] Các tác giả Đại Nam thực lục (Đệ nhất kỷ, Quyển XVI) cũng cho rằng, phủ Gia Định đổi làm trấn Gia Định vào năm Gia Long thứ nhứt [1802]. Nhưng Trịnh Hoài Đức, trong Gia Định thành thông chí 1820 (Quyển 3), lại bảo phủ Gia Định đổi làm trấn Gia Định vào năm Canh Thân [1800].


Tuan Vo

Chú Cá Vàng, con thấy Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đệ nhất kỷ, quyển 04 ghi 己丑築嘉定土城 … 舊堡 … 嘉定京 “Ngày Kỷ sửu, đắp thành đất Gia Định. Vua thấy thành cũ ở thôn Tân Khai chật hẹp … Thành xong, gọi tên là kinh thành Gia Định [Gia Định Kinh]. “

Tuan Vo

Bản Buy Minh Thị 1873 và bản Keio 1961 đều in giống nhau:

Tuan Vo

Trang 37 bản Keio: https://drive.google.com/file/d/16sOW4mQaxaMQr_PNvA1Y2ckatU8YIzDN/view?fbclid=IwZXh0bgNhZW0CMTAAAR01htF9wwr6DGkbugYkB4u0Alb5zgQzCKNUM6riAuLWT6ROCvCQOgRZ93k_aem_ml9q-38eDDBnoQhRkSlbbA

Cá Vàng

Trong Đại Nam thực lục – Chính biên – Đệ nhất kỷ – Quyển IV – Thực lục về Thế tổ Cao Hoàng đế (bản Keio) có câu sau đây nói về việc xây dựng thành Bát quái ở thôn Tân Khai:

“城成號曰嘉定亰” (tr.359 (69b).

Tạm phiên âm: Thành thành hiệu viết Gia Định kinh.

Tạm dịch: Thành [Bát quái] xây dựng xong, được gọi là kinh thành Gia Định.

Tuan Vo

Chú Cá Vàng ơi, sao con thấy cả 2 bản ĐNTL đều in 京 chứ không phải 亰 như chú ghi?

Cá Vàng

Cám ơn bạn đã phát hiện. Nhân đây tôi xin nói thêm: các chữ 亰, 京, 𢂋, … là những dị thể của nhau

(Theo https://www.zdic.net/hant/%E4%BA%AC_

Cá Vàng

Yêu thích  · 4 ngày  · 

LẠI NÓI VỀ “GIA ĐỊNH KINH”

(Cập nhật ngày 18/10/2024)

Trong Đại Nam nhất thống chí (tỉnh Gia Định, mục Kiến trí duyên cách) của Quốc Sử quán triều Nguyễn, bản dịch của Nguyễn Tạo 1959[1] có câu sau đây:

“Năm canh-tuất (1790) bắt đầu đắp thành Bát-quái trên gò cao thôn Tân-khai, tổng Bình-dương gọi là Gia-định-Kinh.”

Đối ứng với câu trên là câu sau đây trong bản dịch của Phạm Trọng Điềm 2006[2]:

“…năm Canh Tuất (1790) mới đắp thành Bát Quái ở trên gò cao thuộc địa phận thôn Tân Khai, tổng Bình Dương gọi là kinh Gia Định.” (tr.234)

Để hiểu “Gia Định kinh” (kinh Gia Định) có nghĩa là gì, chúng ta có thể tham khảo đoạn các đoạn sau đây trong Đại Nam thực lục Chính biên (Đệ nhất kỷ, Quyển IV: Thực lục về Thế tổ Cao Hoàng đế) qua lời dịch của Nguyễn Ngọc Tỉnh 2002[3]:

“Canh tuất, năm thứ 11 [1870] (Thanh – Càn Long năm thứ 55), mùa xuân, tháng giêng, lấy Vệ úy vệ Tiền trực Trung quân là…” (tr.255)

“Tháng 3, lấy Chưởng cơ Thủy dinh Trung quân là…” (tr.257)

“Ngày Kỷ sửu, đắp thành đất Gia Định. Vua thấy thành cũ ở thôn Tân Khai[4] chật hẹp, bàn mở rộng thêm. Dụ rằng: “Vương công giữ nước, tất phải đặt nơi hiểm yếu trước. Nay đất Gia Định mới thu phục, cần giữ thành trì cho bền vững để chỗ ở được vững mạnh.” Bấy giờ mới huy động quân dân để khởi đắp, hẹn trong mười ngày phải đắp xong. Thành đắp theo kiểu bát quái, mở tám cửa, ở giữa là cung điện, bên tả dựng nhà Thái miếu, phía sau miếu là kho tàng, bên hữu đặt Cục chế tạo, chung quanh là nhà tranh, cho cho quân túc vệ ở. Giữa dựng kỳ đài ba tầng, trên dựng nhà vọng đấu[5] bát giác, ban ngày kéo cờ, ban đêm thì kéo đèn làm hiệu lệnh cho các quân. Thành xong, gọi tên là kinh thành Gia Định.” (tr.257)

Đối ứng với lời dịch “Thành xong, gọi tên là kinh thành Gia Định”, bản Keio chép là: “城成號曰嘉定京” (tr.359 (69b). Tạm phiên âm: Thành thành hiệu viết Gia Định kinh. Tạm dịch: Sau khi thành xây dựng xong, nó được gọi là kinh thành Gia Định.

Còn bản Duy Minh Thị 1873 thì chép là “工竣謂之嘉定京”. Tạm phiên âm: Công thuân vị chi Gia Định kinh. Tạm dịch: Sau khi xây dựng xong, [thành] được gọi là kinh thành Gia Định.

Như vậy, theo Đại Nam thực lục, “Gia Định thổ thành” 嘉定土城 (thành đất Gia Định), tức “Bát Quái thành” 八卦城 (thành Bát Quái), ở thôn Tân Khai, sau khi xây dựng xong, được gọi là “Gia Định kinh” 嘉定京. “Gia Định kinh” ở đây có thể hiểu là “kinh thành Gia Định”. Ngoài các công trình có liên quan đến việc phòng thủ, trong kinh thành này còn có “cung điện” 宮殿 (thường được hiểu là nơi ở của vua) và “Thái miếu” 太廟 (thường được hiểu là nơi thờ tổ tông của vua).

“Cung điện” và “Thái miếu” nói trên, trong Gia Định thành thông chí 1820 (quyển 6) của Trịnh Hoài Đức chép là “行在所” (Hành tại sở) và “太廟” (Thái miếu) và cho biết, sau khi thu phục “富春京” (Phú Xuân kinh), vua ra dụ dỡ Thái miếu này. Vì “Hành tại” thường được hiểu là nơi ở tạm của vua, và vì sau khi thu phục “Phú Xuân kinh” (thường được dịch là “kinh đô Phú Xuân), vua ra lệnh Thái miếu ở kinh thành Gia Định, nên chúng tôi tạm cho rằng, “Gia Định kinh” 嘉定京 là kinh thành hay kinh đô “tạm” lúc chúa Nguyễn Ánh ở Gia Định.

Nói thêm về ngày đắp thành đất Gia Định:

Trong bản dịch Đại Nam thực lục của Nguyễn Ngọc Tỉnh 2002 có câu: “Ngày Kỷ sửu, đắp thành đất Gia Định”; trong bản Keio có câu: “己丑築嘉定土城” (Kỷ sửu trúc Gia Định thổ thành), nghĩa là: [ngày] Kỷ sửu đắp thành đất Gia Định. Ngày Kỷ sửu ở đây là ngày Kỷ sửu tháng 3 năm Canh tuất (theo Âm lịch Việt Nam của Hồ Ngọc Đức, là ngày mùng 9 tháng ba năm Canh Tuất, nhằm ngày 22/4/1790 dl); trong bản Duy Minh Thị 1873 lại có câu: “庚戌十一年春二月築嘉定土城” (Canh tuất thập nhất niên xuân nhị nguyệt trúc Gia Định thổ thành), nghĩa là: tháng 2, mùa xuân, năm Canh tuất thứ 11, đắp thành đất Gia Định.

Theo Gia Định thành thông chí 1820 (Quyển 6), ngày bắt đầu đắp thành bát quái ở gò cao thôn Tân Khai đất huyện Bình Dương là: “庚戌十三年春二月初四日” (Canh tuất thập tam niên xuân nhị nguyệt sơ tứ nhật), nghĩa là: ngày mùng 4, tháng 2, mùa xuân năm Canh tuất thứ 13 [1790] (theo Âm lịch Việt Nam của Hồ Ngọc Đức, là ngày Kỷ mão tháng 2 năm Canh tuất, nhằm ngày 19/3/1790).

———

[1] Đại Nam nhất thống chí – Lục tỉnh Nam Việt, Tập Thượng, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch (Nha Văn hóa – Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Tập số 2, 1959).

[2] Đại Nam nhất thống chí, Tập 5, Tái bản lần thứ hai, Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính (Nxb Thuận Hóa, Huế, 2006).

[3] Đại Nam thực lục, Tập 1, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính (Nxb Giáo Dục, 2002)

[4] Thôn Tân Khai: vào năm 1790 thuộc tổng Bình Dương, huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn, phủ Gia Định.

[5] Vọng đấu: Đài có lan can hình cái đấu để trông xa. Có nóc là vọng lâu. (Chú thích trong bản dịch Nguyễn Ngọc Tỉnh 2006).


Tuan Vo

Chú Cá Vàng ơi, sẵn chú đang có 2 bản in Đại Nam thực lục chữ Hán (Duy Minh Thị & Keio), con nhờ chú cho ý kiến về tên húy của Gia Long. Bản dịch nxb Giáo Dục tập 01, Đệ nhất kỷ – Quyển I – Thực lục về Thế tổ cao hoàng đế: “… tên huý là Chủng, lại là Noãn (Đầu là Duệ Tông bảo vua rằng chữ này là tượng của mặt trời khi giữa trưa, nhân đó mà đặt tên). Lại tên húy nữa là Ánh …”. Bản Keio (20b trang 310) có 3 chữ húy bị bỏ trống. Bản Duy Minh Thị (trang 2r) ghi 4 chữ húy Ánh, Chủng, Noãn, Cảo. Vậy thì Gia Long có 3 hay 4 tên húy? Và chữ húy nào có nghĩa là “chữ này là tượng của mặt trời khi giữa trưa”?

Tuan Vo

Bản Duy Minh Thị

Cá Vàng

Tuan Vo Trong số bốn tên húy Ánh 暎, Chủng 種, Noãn 暖, Cảo 杲 (theo bản Duy Minh Thị), tôi chưa tìm thấy tài liệu nào khác giải thích là “tượng của mặt trời khi giữa trưa”. (Wikipedia chỉ ghi nhận 3 tên Ánh 暎, Chủng 種, Noãn 暖)

Tuan Vo

Dạ con cảm ơn chú Cá Vàng . Có lẽ Duy Minh Thị đoán chữ “tượng của mặt trời khi giữa trưa” là chữ Cảo nên điền vào chỗ khuyết.

Tuan Vo

Chú Cá Vàng ơi, con đoán chữ “tượng của mặt trời khi giữa trưa” là chữ Ánh 映 : https://hvdic.thivien.net/whv/%E6%98%A0

Tuan Vo

6. (Danh) Giờ Mùi 未. ◇Lương Nguyên Đế 梁元帝: “Nhật tại Ngọ viết đình, tại Vị viết ánh” 日在午曰亭, 在未曰映 (Toản yếu 纂要) Ngày vào giờ Ngọ gọi là Đình 亭, vào giờ Mùi 未 gọi là Ánh 映.

Tuan Vo

Thắc mắc: chữ Ánh 映 này cũng mang nghĩa: “⑤ (văn) Ánh mặt trời xế bóng.” Và “Mùi (ngôi thứ 8 trong 12 địa chi): 未時 Giờ mùi (từ 1 đến 3 giờ chiều).” Nên chưa chắc chắn được chữ Ánh 映 này có đúng với ý “tượng của mặt trời khi giữa trưa”. Chữ Đình 亭 có vẻ đúng với ý đó hơn.