Cần Thay là con gì?

Nhân đọc quyển sách “Chuyện Đời Xưa Của Trương Vĩnh Ký – Người Giữ Lửa Cho Tiếng Việt Miền Nam” (Nguyễn Văn Sâm giới thiệu và chú giải, NXB Văn Học xuất bản 2020) trang 92 có câu chuyện “BỐN ANH HỌC TRÒ ĐẶT THƠ TRONG CHÙA”, với bài thơ:

Hớn-Vương ăn ớt mặt đỏ gây !

Bên kia Thái-tử đứng khoanh tay.

Thằng mọi râu rìa cầm cái mác.

Ngoài nầy cò quắm đạp cần thay.

Giáo sư Nguyễn Văn Sâm chú giải Cần Thay là con cần thay:[1]

Con cần thay: Loài rùa; trứng nó ngon, vua Cao Mên có lệ cấm dân không đặng ăn phải để dành cho vua.” (Huình-Tịnh Paulus Của – Đại Nam Quấc âm tự vị)

G. Hue cắt nghĩa Con cần thay là rùa sống trong sông và con cần đước là loài rùa sống ở ao hồ.

Còn theo PGS.TS Lê Trung Hoa trong nghiên cứu Địa danh – những tấm bia lịch sử – văn hoá của đất nước, số lượng từ chỉ cầm thú trong ngôn ngữ dân tộc thiểu số trở thành yếu tố của địa danh ở Nam Bộ khá phong phú. Có thể kể đến là Cần Đước (rùa), Cần Thay (giống rùa quý), Cần Thơ (cá sặt rằn)…[2]

Tác giả Phạm Hoàng Quân trong Gia Định Thành Thông Chí cũng có nhắc về con rạch Cần Thay trên địa bàn xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. [3]

Ấp An Thuận, xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang cũng có rạch Cần Thay và nhà thờ Cần Thay.

Theo những thông tin trên, ta chỉ biết con cần thay là một giống rùa quý, có trứng ngon và sống dưới sông. Tên của nó cũng được đặt tên cho một số con rạch.

Nhưng con cần thay thực tế là con gì?

Thử tìm từ Khmer កន្ធាយ [kɑntʰiey] trên google hoặc tra từ điển sẽ cho ra kết quả là con ba ba.[4] Từ កន្ធាយ [kantheay] phát âm rất gần với cần thay.

Con ba ba, con cua đinh (to hơn con ba ba) là các loài rùa quý, mai mềm và sống dưới sông.

Như vậy, cần thay là một từ gốc Khmer để chỉ một loài rùa quý, có mai mềm và sống dưới sông. Nó có thể là con ba ba, con cua đinh hoặc con giải trong tiếng Việt.

Ngoài ra, tên gọi gốc Khmer của loài rùa sống trên cạn hoặc ao hồ là cần đước hoặc càng đước (rùa răng).

Tóm lại:

Một số từ Hán Nôm liên quan đến rùa:

  • 鼇 ngao: con rùa biển, con ngao, con trạnh (một loại ba ba lớn ở biển)
  • 鼈 biết, miết: con ba ba, cua đinh
  • 黿 ngoan, nguyên: con giải, con ba ba, con rùa cực lớn
  • 鼇 áo: con ngao, con trạnh (một loại ba ba lớn ở biển)
  • 𩹰 trạnh: con ba ba lớn và dữ
  • 鰲 áo: con ngao, con trạch, con ba ba loại lớn
    • (Danh) Con ngao, con trạch, con ba ba loại lớn. § Cũng như chữ “ngao” . Xem thêm chữ “kình” . ◇Nguyễn Trãi : “Ngao phụ xuất sơn, sơn hữu động, Kình du tắc hải, hải vi trì” 山山海海 (Long Đại nham ) Con ba ba đội núi nổi lên, núi có động, Cá kình bơi lấp biển, biển thành ao.

Nguồn tham khảo:

[1] https://sites.google.com/site/nkltnguyenvansam/tuy%E1%BB%83n-t%E1%BA%ADp/v%C4%83n-h%E1%BB%8Dc-bi%C3%AAn-kh%E1%BA%A3o/chuy%E1%BB%87n-%C4%91%E1%BB%9Di-x%C6%B0a?pli=1#_ftnref553

[2] https://vnexpress.net/nhung-dia-danh-co-nguon-goc-dong-vat-o-nam-bo-3609050-p4.html

[3] Gia Định thành thông chí – Trịnh Hoài Đức (1765-1825)  Phạm Hoàng Quân (dịch, chú và khảo chứng) – NXB Tổng Hợp TPHCM 2019. Mục nói về Đàm giang [rạch Cái Đầm], chú giải số 738.

[4] https://kheng.info/search/?query=%E1%9E%80%E1%9E%93%E1%9F%92%E1%9E%92%E1%9E%B6%E1%9E%99

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *