ĐỊA DANH “LONG CHỮ” Ở TÂY NINH

1/- Trong Từ điển địa danh hành chính Nam bộ (Nxb Chính trị Quốc gia, 2008), tác giả Nguyễn Đình Tư viết về địa danh hành chính này như sau:

“Long Chữ – Thôn thuộc tg.Giai Hoá, h.Quang Hoá, p.Tân Bình, t.Gia Định từ năm Minh Mạng thứ 19. Trải qua triều Thiệu Trị, Tự Đức, đến đầu Pháp thuộc vẫn tổng cũ, đặt thuộc hạt tht.Trảng Bàng rồi Tây Ninh. Từ 5-1-1876 gọi là làng, đổi thuộc hạt thb.Tây Ninh. Từ 1-1-1900 thuộc t.Tây Ninh. Thập niên 20 thế kỷ XX thuộc q.Thái Bình, cùng tỉnh. Năm 1942 đổi thuộc q.Châu Thành, cùng tỉnh. Sau 1956 gọi là xã, vẫn tổng cũ, đổi thuộc q.Phước Ninh, cùng tỉnh. Sau 30-4-1975 đổi thuộc h.Bến Cầu, t.Tây Ninh. Là tên xã hiện nay.” (tr.553)

Nguồn: Cá Vàng

https://www.facebook.com/ca.vang.777/posts/pfbid0iVAyDSnVvK8pK55EyedgNhm4JeyroffZPtqMGsoWjEdUv7AKceksuV8enMuS7eTCl?cft[0]=AZUXatRcchYUh6F19B783qTu86A3VtbpKW_3NnOTN79zN3ZLXnz0TQUtu_7N2cNDeBZs__nQZ-fVLotfePfQRoxnK6oD1sneAUlaklUA5B1_9tdzhPbErcZceHuIRXSDcmCnVZaXDQqiig_4-AG_iyBTGqLjavWui5PZlTYWRI9pIdv3Dv_QSM4_Vy7mLDjd_xQwFIBmF0U3I6pTFoy23maekFexN46hPWPJaeovCh_Q&tn=%2CO%2CP-R

2/- Trong Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc 1859-1954 (Nxb Tổng Hợp Tp. HCM, 2017), tác giả Nguyễn Đình Tư viết về quận Trảng Bàng và quận Thái Bình như sau:

“Năm 1903 không rõ ngày tháng năm nào thành lập quận Trảng Bàng gồm 4 tổng là: (…) Tổng Giai Hoá có 6 làng: Long Chữ, Long Giang, Long Khánh, Long Thuận, Ninh Điền, Tiên Thuận. (tr.539)

“Năm 1930 không rõ ngày tháng năm thành lập quận Thái Bình gồm 7 tổng là: (…) Tổng Giai Hoá với 6 làng: Long Chữ, Long Giang, Long Khánh, Long Thuận, Ninh Điền, Tiên Thuận (tổng này tách từ quận Trảng Bàng qua)…” (tr.539)

Về hạt tham biện (hạt thb) Tây Ninh, chúng tôi thấy “Arrondissement de Tay-ninh” được ghi nhận trong cuốn Annuaire de la Cochinchine pour l’année 1874 (Saigon, Imprimerie du Gouvernement, 1874, p.147). Vì không có cuốn Annuaire de la Cochinchine pour l’année 1872 và cuốn Annuaire de la Cochinchine pour l’année 1873 nên chúng tôi tạm cho rằng, hạt thanh tra Tây Ninh (Inspection de Tay-ninh) đổi thành hạt tham biện Tây Ninh (thường gọi tắt là hạt Tây Ninh) trễ lắm là vào năm 1874.

Về quận Trảng Bàng, chúng tôi thấy “Poste administratif de Trang-bang” được ghi nhận trong cuốn Annuaire général de l’Indochine 1903 (Hanoi, Imprimerie Typo-Lithographique F.- H. Schneider, 1903, p.444). Lúc đó, người đứng đầu Poste administratif (quận) này là “Nguyen-vang-Buu, huyên de 2e classe” (có thể hiểu viên quan bổn xứ Nguyen-vang-Buu, [ngạch] huyện, [trật] hạng nhì). Về tổng Giai Hoá, “Pham-van-Sau, chef de canton de 1re classe” (có thể hiểu viên quan bổn xứ Pham-van-Sau [ngạch] cai tồng, [trật] hạng nhứt); “Nguyên-van-Hoai, Conseiller provincial” (có thể hiểu Nguyên-van-Hoai là nghị viên hội đồng tỉnh, đại diện tổng Giai Hoá). Cũng theo cuốn Annuaire général de l’Indochine 1903, Chef de la provinve (Chủ tỉnh) của tỉnh Tây Ninh là “M. Cudenet (Louis Victor), administrateur de 4e classe” (Ông Louis Victor Cudenet, [ngạch] tham biện [trật] hạng tư). Tên ông này không được Nguyễn Đình Tư ghi nhận trong Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc 1859-1954, tiểu mục Tên các quan chức đứng đầu tỉnh.

Về quận Thái Bình, chúng tôi thấy “Circonscription de Thái Bình” được ghi nhận trong cuốn Thời sự cẩm nang tuế thứ Nhâm Tuất niên 時 事 錦 囊 歲 次 壬 戌 年 1922 (Saigon, Imprimerie de l’Union Nguyễn Văn Của, 1922, tr.495). Lúc đó, người đứng đầu Circonscription (quận) này là ông “Vỏ-văn-Bữu, Huyện 1re classe, M.H.A.2” (tức ông Võ Văn Bửu, Huyện hạng nhứt, Ngân bội tinh nhị hạng (Médaille d’honneur en argent de 2e classe)). Như vậy, quận Thái Bình được thành lập trễ lắm là vào năm 1922. Cũng theo sách này, quận Thái Bình gồm 6 tổng (canton) Hoà Bình, Hàm Ninh Thượng, Giai Hoá, Khăn Xuyên, Bang-Chum, Tabel-Yul; tổng Giai Hoá gồm 6 làng Long-chữ, Long-giang, Long-khánh, Long-thuận, Ninh-điền, Tiên-thuận; Nguyễn-văn-Vàng Ban biện, Phó tổng; Nguyễn-văn-Khéo, Conseiller provincial. (Về chức danh “Ban biên”, theo học giả An Chi, phải viết Bang biện (với Bang có g) mới đúng chính tả).

Về việc thôn đổi thành làng, trong cuốn Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc 1859-1954 có câu: “Từ ngày 5-1-1876 các xã, thôn, phường, hộ đều gọi là làng (Villages).” (tr.119). Nhưng trong tiểu đoạn 3 và tiểu đoạn 4 ở dưới, chúng ta sẽ thấy từ “村” (thôn) vẫn còn được sử dụng và từ “commune” cũng được dùng với nghĩa là “làng”. Chúng tôi còn thấy, “Tha La xóm đạo” được L. De Coincy, trong cuốn Quelques mots sur la Cochinchine en 1866 (Challamel Ainé éditeur, Libraire Commissionnaire pour la marine, les colonies et l’orient, Paris, 1866, p.24) gọi là “Village de Tha-la”.

3/- Theo cuốn Nam Kỳ địa hạt tổng thôn danh hiệu mục lục – San định năm Nhâm Thìn 1892, Nguyễn Đình Tư dịch và chú thích, Trần Văn Chánh hiệu đính (Nxb Tổng Hợp Tp. HCM, 2017), tổng Giai Hoá, hạt Tây Ninh gồm 8 thôn sau đây: thôn Ninh Điền 寜田村, thôn Long Vĩnh 隆永村, thôn Long Chử 龍渚村, thôn Long Giang 隆江村, thôn Long Khánh 隆慶村, thôn Long Thuận 隆順村, thôn Tiên Thuận 先順村, thôn Tiên Điền 先田村 (lời dịch trên trang 80, nguyên văn chữ Hán trên trang được đánh số 59a)

Nếu để ý chúng ta sẽ thấy, trong số 5 thôn bắt đầu bằng âm Hán Việt là “Long”, chỉ có thôn “Long Chử” 龍渚 được viết chữ Hán là “龍” (nghĩa là con rồng), 4 thôn còn lại đều viết chữ Hán là “隆” (nghĩa là dày, thịnh). Vì “Chử” 渚 có thể hiểu là bến nước hoặc bãi nhỏ nên “Long Chử” 龍渚 có thể hiểu là “Bến Rồng” hoặc “Bãi Rồng”. Do Nghị định ngày 6-3-1891, làng Tiên Điền bị nhập vào làng Tiên Thuận, làng Long Vĩnh bị nhập vào làng Ninh Điền (theo Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc 1859-1954, tr.537) nên năm 1892, tổng Giai Hoá chỉ còn 6 làng: Ninh Điền, Long Chử, Long Giang, Long Khánh, Long Thuận, Tiên Thuận.

4/- Theo Bảng kê làng, ấp, tổng, quận, tỉnh Tây Ninh – năm 1923 của Viện Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội, tổng Giai-hoá có 6 Communes (6 Làng), 25 Hameaux (25 Ấp); trong đó, “Làng Long-chữ 廊隆渚” [gồm] “ấp Xóm Mới 邑坫買, – Xóm Dầu 坫油, – Xóm Bàu Bàng 坫泡旁, – Xóm Bàu Năng 坫泡能”. Cũng theo bảng kê này, thành tố “Long” của các làng Long-giang, Long-khánh, Long-thuận cũng được viết chữ Hán là “隆”.

5/- Trong bài Đình làng ở Tây Ninh (in trong Tây Ninh đất và người, Tái bản lần thứ nhất, Nxb Thanh Niên, 2021) của Phí Thành Phát và Nguyễn Thanh Lợi có đoạn sau đây:

“Đặc biệt, ở đình Long Khánh (huyện Bến Cầu) có năm bài vị thờ linh thần của 5 xã: “靇神隆江社” (Linh thần Long Giang xã), “靇神隆順社” (Linh thần Long Thuận xã), “靇神隆慶社” (Linh thần Long Khánh xã), “靇神隆永社” (Linh thần Long Vĩnh xã), “靇神隆諸社” (Linh thần Long Chử xã).” (tr.714, 715)

Nếu quả thật địa danh hành chính đang xét được viết trên bài vị là “隆諸” thì chữ sau có 2 âm “Chư” và “Gia” (theo https://hvdic.thivien.net/whv/%E8%AB%B8). Vì lý do này nên chúng tôi ngờ rằng người viết bài vị đã viết sai chữ “渚” (bộ thuỷ) thành chữ “諸” (bộ ngôn). Và vì sau năm 1956, thôn/ làng mới được đổi thành xã nên chúng tôi ngờ rằng cả 5 bài vị nói trên được viết sau năm 1956.

6/- Trong bài Vài nét về địa danh ở Tây Ninh (in trong Tây Ninh đất và người, Tái bản lần thứ nhất, Nxb Thanh Niên, 2021), Lê Trung Hoa và Nguyễn Thanh Lợi cho biết:

“Long Chữ là xã của huyện Bến Cầu. Long Chữ có lẽ có dạng gốc là Long Chử, từ tố Hán Việt, nghĩa là “bãi lớn/ thịnh vượng”. Do người ta không biết nghĩa của từ Chử và rất quen với từ Chữ nên viết sai.” (tr.24)

Rất có thể Lê Trung Hoa và Nguyễn Thanh Lợi muốn nói, địa danh đang xét viết đúng chính tả là “Long Chử” (với “Chử” dấu hỏi) và chữ Hán tương ứng là 隆渚. Về vấn đề viết sai hỏi ngã, theo chúng tôi là do các cụ hồi xưa thường nghe sao viết vậy, thậm chí trong Đại Nam quốc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng có mấy từ bị viết sai mặc dù vị học giả này giải thích đúng ý nghĩa, ví dụ như: “愈 Dủ: Hơn, càng hơn; khá, lành mạnh… (tr.245), “我 Ngả: Ta, tôi.” (tr.78). “省 Tĩnh… Nguyên nước Nam có 20 tĩnh là Hà-tiên, An-giang, Vĩnh-long…” (tr.446), “井 Tĩnh: Giếng.” (tr.446). Chúng tôi thấy một số địa danh hành chính, ví dụ như Vĩnh Long, Mỹ Xuyên, trong nhiều tác phẩm viết vào thời Pháp thuộc in là “Vỉnh-long”, “Mỷ Xuyên” nhưng về sau, không rõ là từ năm nào, 2 địa danh hành chính này được sửa lại thành “Vĩnh-long”, “Mỹ-xuyên” và nay được viết là “Vĩnh Long”, “Mỹ Xuyên”. Vậy thì tại sao địa danh hành chính đang xét, xưa viết “Long Chữ” mà nay vẫn viết y chang như vậy? Nếu bảo là do không biết ý nghĩa thì chỉ đúng một phần thôi vì trong Hán ngữ không có chữ nào được phiên âm lả “Chữ” (dấu ngã), còn âm “Chử” (dấu hỏi) thì ngoải chữ 渚 (dị thể là 陼) còn có các chữ 杵 nghĩa là cái chày, 楮 nghĩa là cây dó, 煑 (dị thể là 煮) nghĩa là nấu. Như vậy, dù cho thành tố sau viết được chữ Hán ra sao, ý nghĩa thế nào thì đều có thể sửa “Long Chữ” thành “Long Chử”.

NÓI THÊM

Nếu quả thật địa danh đang xét, tên viết bằng chữ Hán là “隆渚”, vậy thì tại sao chữ “渚” được cho là phải phiên âm là “Chử” (dấu hỏi) mới đúng chính tả? Lý do có thể như thế này:

Chữ “渚”, theo Khang Hi tự điển, Đường vận: “Chương dữ thiết” 章與切, Ngọc Thiên: “Chi dữ thiết” 之與切, tịnh âm “Chử” 煮 (https://www.zdic.net/hans/%E6%B8%9A).

Theo học giả Nguyễn Hiến Lê, tiếng đầu “chương” (trong “Chương dữ thiết”) hoặc “chi” (trong “Chi dữ thiết”) cho phụ âm đầu là “ch”, tiếng sau “dữ” cho vận là “ư”. Vì tiếng đầu không có dấu thanh nên nó thuộc “bực bổng”, tiếng sau có dấu ngã nên nó thuộc “thượng thanh”, mà “Thượng thanh bực bổng phù hợp với giọng hỏi của ta (tiển)” nên âm của chữ “渚” củng “phù hợp với giọng hỏi của ta”. (Theo Cách đọc chữ Hán của học giả Nguyễn Hiến Lê trong Tự học – Một nhu cầu của thời đại, Nxb Thanh Tân, 1964. Các bạn có thể xem lại bài “Diễm hay Diệm?” tại https://www.facebook.com/ca.vang.777/posts/7410945148930121).

Cá Vàng

CHỮ 渚 TRONG TRUYỆN KIỀU – BẢN DUY MINH THỊ 1872

Trong Truyện Kiều – Bản Duy Minh Thị 1872, An Chi phiên âm, chú giải và thảo luận (Nxb Tổng Hợp Tp. HCM, 2020) có trên 70 chữ “渚” (âm Hán Việt là CHỬ). Tuỳ theo ngữ cảnh, chữ “渚” được phiên âm là chả, chã, chớ, chở, chưa, chửa, ví dụ như:

Một lời nói CHỬA kịp thưa (c.119)

Dưỡng sinh đôi nợ tóc tơ CHƯA đền (c.228)

Một tường tuyết CHỞ sương che (c.367)

Thân còn CHẢ tiếc, tiếc gì đến duyên (618)

Một mình thì CHỚ hai tình thì sao (c.860)

Nhìn càng lã CHÃ giọt hồng (c.875)


https://www.facebook.com/ca.vang.777/posts/pfbid02p5xoeC7BJFFTtoh2jVE96yLL1E4SNhBGXeqcr6G36QDukkQX9F5WQvYzpNDxMxu4l

DIỄM hay DIỆM?

Nhờ đọc bài “Tên khai sanh của học giả Trần Phong Sắc và thói quen xải thanh nặng của dân Nam” của bạn Le Cong Ly mà chúng tôi được biết: “Trần Phong Sắc tên khai sanh Trần Đình Diệm, nhưng coi trên mộ bia thân mẫu ngài thấy ghi 孝子陳艳 (hiếu tử Trần Diễm), tức ngài tên Diễm [dấu ngã] chớ hông phải Diệm [dấu nặng].” (https://www.facebook.com/le.congly.71/posts/7305009189530663). Như vậy, tên đúng của học giả Trần Phong Sắc là 艳 (gồm bộ “phong” 丰 bên trái và chữ “sắc” 色 bên phải), tức không phải là “焰” (bộ “hoả” 火) như được ghi trên Wikipedia.

Chữ “艳” (bộ phong) được các từ điển Hán Việt đang lưu hành trên mạng phiên âm là DIỄM (dấu ngã), và các từ ghép 艳丽, 娇艳, 妖艳 được phiên âm là diễm lệ, kiều diễm, yêu diễm (https://hvdic.thivien.net/whv/%E8%89%B3). Có lẽ vì lý do này mà bạn Le Cong Ly cho rằng, tên của học giả Trần Phong Sắc là “Diễm” (dấu ngã) chứ không phải là Diệm (dấu nặng).

Chúng tôi thấy, để đọc một chữ Hán, nhiều nhà tra tự điển để biết phiên thiết, rồi từ phiên thiết đó suy ra âm Hán Việt của nó.

Về phiên thiết của chữ 艳, chúng thấy một số trang mạng viết là “以贍切” (Dĩ Thiệm thiết) (Theo https://www.zdic.net/zd/yy/sgy/%E8%89%B3 và theo https://dict.variants.moe.edu.tw/…/word_attribute.rbt…)

Về “Cách đọc chữ Hán”, trong cuốn Tự học – một nhu cầu của thời đại (Nxb Thanh Tân, 1964), học giả Nguyễn Hiến Lê từng viết như sau (xin trích):

“Các nhà Nho thời xưa khi dạy học, không chỉ rõ ràng cách phiên âm trong các tự điển Trung Hoa, và nhiều khi ta thấy hai nhà phiên âm khác nhau, do đó cùng một chữ mà đọc hơi khác nhau.

Học giả Lê Ngọc Trụ là người đầu tiên đã tìm ra được qui tắc phiên âm rất chính xác, dựa trên những luật về ngữ âm, và đã đem phổ biến trong nhiều tạp chí. Bài Lối đọc chữ Hán của ông đăng trong tạp chí Văn Hữu số 21 (năm 1962) là một tài liệu quí cho những người nghiên cứu chữ Hán, nhưng có phần hơi khó hiểu đối với những bạn mới bắt đầu học. Vả lại tôi chắc nhiều bạn tìm số Văn Hữu đó không ra, cho nên dưới đây tôi xin tóm tắt những điều quan trọng để bổ túc đoạn Dùng tự điển Trung Hoa trong chương VIII.

1. Trước hết bạn nên nhớ những thanh nào của Trung Hoa phù hợp với những thanh nào của ta.

Trung Hoa có bốn thanh: bình, thượng, khứ, nhập. Mỗi thanh lại có hai bực bổng và trầm.

Bình thanh bực bổng phù hợp với giọng ngang của ta (như tiên)

trầm phù hợp với giọng huyền của ta (như tiền)

Thượng thanh bực bổng phù hợp với giọng hỏi của ta (như tiển)

trầm phù hợp với giọng ngã của ta (như tiễn)

Khứ thanh bực bổng phù hợp với giọng sắc của ta (như tiến)

trầm phù hợp với giọng nặng của ta (như tiện)

Nhập thanh bực bổng phù hợp với giọng sắc của ta (như tiếc)

trầm phù hợp với giọng nặng của ta trong những tiếng có c, ch, p, t ở cuối (như tiệc)

Vậy bực bổng có: ngang, hỏi, sắc.

bực trầm có: huyền, ngã, nặng.

2. Rồi bạn phải nhớ qui tắc này.

Tiếng trước cho âm khởi đầu và định bực của thanh (bổng hay trầm).

Tiếng sau cho vận và định loại thanh (bình, thượng, khứ hay nhập).” (Hết trích)

Từ lời giảng của học giả Nguyễn Hiến Lê, chúng tôi tạm suy ra âm Hán Việt của chữ “艳” với thiết âm “以贍切” (Dĩ Thiệm thiết) như sau:

* Tiếng trước Dĩ (以) cho ta:

– âm khởi đầu là d

– bực trầm (vì chữ “dĩ” dấu ngã)

* Tiếng sau Thiệm (贍) cho ta:

– vận iêm

– loại khứ thanh (vì chữ “thiệm” dấu nặng)

Vì “Khứ thanh bực trầm phù hợp với giọng nặng của ta (như tiện)” nên âm Hán Việt của chữ “艳” là DIỆM (dấu nặng).

Như vậy, nếu chữ “艳” chỉ có mỗi một phiên thiết là “以贍切” (Dĩ Thiệm thiết), và nếu lời suy đoán của chúng tôi là đúng, thì chữ “艳” chỉ có âm Hán Việt là DIỆM (dấu nặng).

Nếu quả thật chữ “艳” chỉ có âm Hán Việt là DIỆM (dấu nặng), vậy thì tại sao các từ điển Hán Việt đang lưu hành trên mạng chỉ ghi nhận âm là DIỄM (dấu ngã) và không ghi nhận âm DIỆM? Như vậy có phải tại chúng tôi hiểu sai lời hướng dẫn của cụ Nguyễn Hiến Lê?

Cuong Chung

以贍切 – dĩ thiệm thiết => “dĩ thiệm” -> nói láy ra là “diệm thĩ”, “diễm thị” đều được. Nên là “艳” đọc là “diễm” hay “diệm” cũng đều được. 😃

Cuong Chung

Cá Vàng : chữ này 艳 đọc âm Hán Việt giống như tiếng Quảng Đông – đọc ra âm “Diệm”. Tuy nhiên ở một số vùng của Quảng Đông lại đọc ra âm “Diễm”. Chú coi ở đây.

https://www.zdic.net/zd/yy/yy/%E8%89%B3

Lưu Hồng Sơn

theo cháu, muốn biết cách đọc của ng vn thì tra từ điển chữ nôm sẽ thấy rõ hơn. theo đó, chữ 艳 được đọc cả âm diệm và diễm. nhưng hiện thời, 2 âm này có xu hướng tách bạch, để biện biệt 2 nghĩa khác nhau: diệm thì chỉ về nam tính, khói lửa; diễm thì chỉ về nữ tính, nhan sắc. tính chất hiện đại hoá, việt hoá mới này khiến ng vn dễ hình dung nghĩa hơn đối với những chữ hán việt vốn xưa quen nay lạ. như xưa đọc “chung vô diệm” thì nhiều ng hiểu, còn nay đọc “chung vô diễm” thì ngta dễ hiểu dễ hình dung nghĩa hơn.

Le Cong Ly

Dạ, v/v thiết âm như vậy em đã thắc mắc từ lâu: Thiết âm đó dành cho người Hoa nói tiếng Hoa chớ có phải cho người Việt đọc từ Hán Việt đâu, mà sao thấy nhiều thầy hây cớ vô đó để nêu cách đọc chữ Nho cho người Việt.

Chẳng hạn: 艳 phiên thiết thành 以贍, mà người Bắc Kinh đọc 以贍 là Yǐ shàn, gần giống ‘dì sán’ chớ có đọc ‘dĩ thiệm’ như người Việt mình đâu ạ!

Nay kỉnh!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *