ĐỊA DANH “LẤP VÒ” CÓ GỐC KHMER LÀ “TAK POR”?

Trong cuốn Tên gọi sự vật sông nước miền Tây Nam Bộ của Hồ Văn Tuyên (Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2023) có đoạn sau đây:

“Cửa Lấp Vò, sông Lấp Vò, kênh/ rạch Lấp Vò cũng nhiều giả thuyết tương tự như rạch Châu Đốc nói trên. Quan điểm (1), cho rằng “Lấp Vò” là xuất phát từ động tác của công việc trong nghề trám lấp chỗ rò của thuyền ghe, “rò” đã được nói chệch thành “vò”. Quan điểm này khó chấp nhận vì âm “r” người Nam Bộ không phát âm thành “v” mà chỉ thành “g”. Quan điểm (2) dễ chấp nhận hơn: “Lấp Vò” có gốc Khmer là “Tak Por”, nghĩa là trát thuyền.” (tr.133-134).

Nguồn: Cá Vàng

https://www.facebook.com/ca.vang.777/posts/pfbid02h44bRzXqzviB4FoLxdrWrpKrnjpYWwdwTqQTyUzTPtu7MNeD8UhVW2s2NrE7ii7bl

Nghi vấn:

Ngoài sông/ rạch/ kênh Lấp Vò[1] mà tác giả Hồ Văn Tuyên nói ở trên, nay thuộc huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi còn được biết ở xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, Tp. Cần Thơ cũng có rạch Lấp Vò (rạch này là một chi lưu ở bờ trái của rạch Thốt Nốt), và đặt biệt hơn nữa là ở tỉnh Bình Dương lại có núi Lấp Vò.

Nếu quả thật “Lấp Vò” có gốc Khmer là “Tak Por”, nghĩa là trát thuyền”, vậy thì có phải hồi xa xưa, người Khmer từng kéo ghe thuyền lên núi Lấp Vò[2] để trát? Hay là đối với sông/ rạch Lấp Vò thì nguồn gốc của nó là “Tak Por”, còn đối với núi Lấp Vò thì nguồn gốc của nó là một từ hoặc cụm từ khác? Mà “Tak Por” chữ Khmer viết ra làm sao? Tiếc rằng, chẳng những “Tak Por” mà tất cả các từ hay cụm từ khác, ví dụ như piam, prêk, Khmau, Mỳ xó, Baray, Trapeng, v.v… tác giả Hồ Văn Tuyên đều không viết chữ Khmer kèm theo!

———-

[1] Rạch Lấp Vò này, trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí 1806 (quyển 2) của Lê Quang Định chép chữ Nôm là “垃圩”, còn xứ Lấp Vò, trong địa bạ thôn Tân Bình (tổng An Phú, huyện Đông Xuyên, tỉnh An Giang) lập năm 1836 chép chữ Nôm là “立于” (âm Hán Việt là “Lập Vu”). Các bạn có thể tham khảo bài Lại nói về địa danh Lấp Vò tại https://www.facebook.com/ca.vang.777/posts/pfbid02dJCEpdw7TAzTHw6Tm17V9iBBmrg9kx8uhNzsN6GA8HiaAPUAZE53b9nH1kZjhPeUl.

[2] Tên núi Lấp Vò, trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chi 1806 (quyển 7) cũng chép chữ Nôm là “垃圩”. Tác giả Hồ Văn Tuyên từng là giảng viên Đại học Bạc Liêu, Đại học Thủ Dầu Một…, và trong số 12 “sách đã xuất bản” có cuốn Địa danh dân gian Bình Dương. Không rõ trong sách vừa nêu, tác giả này có đề cập đến núi Lấp Vò hay không?

Chau Rêt

Ta po là loại cây sung, cây thường mọc ven bờ suối. Ở xã Cô Tô huyện Tri tôn cũng có 1 áp cũng có tên Ta po nữa ạ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *