ĐÔI ĐIỀU VỀ TỪ XẼO 沼

Theo Huình Tịnh Paulus Của, trong Đại Nam quấc âm tự vị (ĐNQÂTV) 1896, 刟 XẺO là “Cắt hớt, cắt lấy một thẻo” và 沼 XẼO là “Đàng nước vắn vắn, ngọn rạch nhỏ, như cái cựa gà”. (tr.579)

Gần đây có nhà căn cứ vào lời giảng trên mà cho rằng:

“…người miền Nam thường mắc lỗi phát âm không phân biệt thanh điệu, như thanh điệu “dấu ngã” đọc thành thanh điệu “dấu hỏi”.

Nguồn: Cá Vàng 

https://www.facebook.com/ca.vang.777/posts/pfbid0oPfYrdWWALprK4sqbrrPBXn7Uc5JJ3h9L4bWpAU1eirm1noP5w27d7nyfiPEk1cWl

Như địa danh “Xẻo Quít”. Kỳ thực, theo Đại Nam quấc âm tự vị, phân định rõ rành: XẼO (dấu ngã) 沼 là con rạch nhỏ (chú ý: trong ký tự 沼 có “bộ thủy” 氵thuộc về nước); còn XẺO (dấu hỏi) 刟 nghĩa là cắt bớt.

Viết đúng, phải là “XẼO Quít”, nhưng người trong Nam quen đọc thành dấu hỏi “Xẻo” rồi viết như rứa luôn.” (hết trích)

Theo chúng tôi, nếu chỉ căn cứ vào ĐNQÂTV mà cho rằng chữ (từ) có liên quan đến đường nước phải viết là XẼO (dấu ngã) mới đúng chính tả thì sức thuyết phục của lời khẳng định đó chưa cao lắm. Lý do: 2 chữ (từ) sau đây trong ĐNQÂTV đều được viết với “dâu hỏi”:

– “𣞻 Bẩy. n. Đồ máy, đồ làm léo lắc để mà bắt chim, muông…” (tr.26)

– “ Rổng. n. Trống, bộng; không chứa vật gì.” (tr.265)

nhưng ngày nay nhiều người viết với “dấu ngã”: BẪY [chim], [trống] RỖNG. Như vậy, nếu chỉ căn cứ vào ĐNQÂTV mà cho rằng phải viết BẨY [chim], [trống] RỔNG mới đúng chính tả, thử hỏi lời đó có đáng tin không?

Mặc dù về chính tả trong ĐNQÂTV có nhiều chữ (từ) cần tìm hiểu thêm, nhưng không vì vậy mà chúng ta vội bát bỏ ghi nhận của Huình Tịnh Paulus Của về chữ XẼO vì chữ này cũng được ghi nhận trong khá nhiều từ vị, tự điển, từ điển; đặc biệt là chữ XẼO viết kèm với chữ “沼” cũng được ghi nhận trong Dictionnaire Annamite-Français 1898 của J.F.M. Génibrel, trong Dictionnaire Annamite-Français 1899 của Jean Bonet, trong Đại tự điển chữ Nôm 2005 của Vũ Văn Kính…

Ngoài chữ “沼”, chúng tôi còn thấy chữ [氵巧] (gồm bộ “thuỷ” bên trái và chữ “xảo” bên phải) mà tôi phiên âm là XẼO, ví dụ như:

– “丐油[氵巧]” (Cái Dầu xẽo) (tờ 100- (79b)) được Lê Quang Định trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí 1806 (quyển 7, tiểu mục Ghi chép về Dinh Vĩnh Trấn). Phan Đăng 2005 dịch 3 chữ “丐油[氵巧]” là “rạch Cái Dầu”. Dịch như vậy sẽ khiến người đọc hiểu lầm là trong nguyên văn viết là “丐油瀝” (Cái Dầu rạch)

– Địa bạ thôn Bình Mỹ (tổng Định Thành, huyện Tuy Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang) lập năm 1836 có câu: “北近[氵巧]油又近永盛中村地分” (Bắc cận xẽo Dầu hựu cận Vĩnh Thạnh Trung thôn địa phận). Nguyễn Đình Đầu 1995 phiên âm 2 chữ “[氵巧]油” là “Sẻo Dầu”

Sở dĩ tôi phiên âm chữ [氵巧] là XẼO vì trong Dictionnaire Annamite-Français 1899, Jean Bonet chú thích “沼 Xẽo” là “Se transcrit aussi par le car. [氵巧]]” (tr.471). Tạm hiểu là: 沼 Xẽo cũng được viết là [氵巧].

Đến đây chúng tôi tạm cho rằng, chữ 沼 và chữ [氵巧] đều có thể phiên âm là XẼO (dấu ngã) với nghĩa là đường nước nhỏ. Mặc dù Huỳnh Công Tín trong Từ điển Từ ngữ Nam Bộ 2007 viết là XẺO (dấu hỏi) và ở miền Tây có khá nhiều cây cầu được ghi tên theo dạng thức “Cầu Xẻo + X”, nhưng theo chúng tôi, phải viết là XẼO (dấu ngã) mới đúng chánh tả vì khá nhiều tự vị, tự điển, từ điển viết là XẼO.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *