ĐỊA DANH “NGẢ BÁT” & “NGẢ CẠY”

Trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị (Quyển thứ nhứt) 1895, tác giả Huình Tịnh Paulus Của giảng về Bát và Cạy như sau (xin trích những đoạn có liên quan):

– “Bát: Tám, khiến thuyền đi bên tay mặt. Tiếng trợ từ. Cạy bát: Thường nói về sự chèo ghe, khiến đi qua tay mặt, hay là bên cọc chèo mũi, thì kêu là bát, khiến đi bên phía tay trái hay là bên cọc chèo bánh, thì kêu là cạy. Cái Bát: Tên riêng ngã rạch ở về phía tay mặt thuộc hạt Tây ninh. Ngã bát: Ngã phải đi bát.” (mục từ “捌 Bát”, tr.40)

Nguồn: Cá Vàng 

https://www.facebook.com/ca.vang.777/posts/pfbid0bLW699hLjvqvQKJ5McRDAf2bBkVpFtCEds3UQHPHwvXYM4zkpMrotot7MSK4ooWyl

– “Ngả: Nhánh đàng đi, chỉ về phía nào, ngỏ nào. Ngả bát: Ngả sông rạch ở phía tay hữu cũng là tên rạch. Ngả cạy: Ngả sông rạch ở phía tay tả cũng là tên rạch.” (mục từ “我 Ngả”, tr.78)

– “Cạy: Lấy cây, hoặc vật chi mà xeo nạy. Cạy bát: Bẻ bánh lái, hoặc chèo day mũi ghe qua phía tả hay là phía hữu. Bát lấy đáy, bát lấy nò: Tránh phía hữu, tránh phía tả, một bên có đáy, một bên có nò” (mục từ “𢭄 Cạy”, tr.91)

Nếu để ý chúng ta sẽ thấy, trong mục từ “我 Ngả”, Huình Tịnh Paulus Của viết: “Ngả bát: Ngả sông rạch ở phía tay hữu cũng là tên rạch. Ngả cạy: Ngả sông rạch ở phía tay tả cũng là tên rạch”; còn trong mục từ “捌 Bát” thì tác giả này lại viết: “Ngã bát: Ngã phải đi bát”, tức chỗ thì viết “Ngả bát”, chỗ thì viết “Ngã bát”. Theo chúng tôi, viết đúng chánh tả phải là Ngã (dấu ngã), Ngã bát, Ngã cạy. Do lẽ này mà chúng tôi mạo muội “hiệu đính” lời giảng của Huình Tịnh Paulus Của như sau:

NGÃ BÁT [我捌] lả ngã sông rạch ở phía tay hữu (tay mặt), cũng là tên rạch.

NGÃ CẠY [我𢭄] lả ngã sông rạch ở phía tay tả (tay trái), cũng là tên rạch.

Ý của chúng tôi là vậy, nhưng trong cuốn Chuyện địa danh và chữ nghĩa Nam Bộ (Nxb Văn hoá – Văn nghệ, Tp. HCM, 2017), TS Huỳnh Công Tín viết trong tiểu mục “Ngả bát” như sau:

“Ngả” viết với dấu hỏi là từ tiếng Việt có nghĩa: “lối đi theo một hướng nào đó”. “Bát” là từ dùng trong phương ngữ Nam bộ. Theo định nghĩa của Paulus Huỳnh Tịnh Của, từ này có nghĩa: “Quẹo phía bên phải theo hướng cột chèo mũi”. Nhưng nghĩa này có lẽ đã thay đổi chỉ còn giữ lại đặc trưng: “Quẹo phía bên phải”? Vậy “ngả bát” được hiểu là hiện trạng bên phải của một con sông, rạch nối liền với sự khởi đầu của một con rạch khác tạo thành “ngã ba” sông, rạch (“ngã ba” được viết dấu ngã vì đứng trước danh từ chỉ số).

“Thông thường hướng phải, trái được tính từ thượng lưu sông chảy về hạ lưu; nhưng cũng có đôi khi người ta gọi theo thói quen. Còn chuyện phải tính theo hướng cột chèo mũi cũng tuỳ thuộc hướng đi tới hoặc ngược lại của phương tiện. Nếu đi tới quẹo phải thì đi ngược lại quẹo phải sẽ được hiểu là hướng đối diện (phía bên kia).”

“Ngày nay, trong lớp địa danh Nam bộ co địa danh “bát” ở một số nơi, như “Bát Tân cảng” ở Cai Lậy (Tiền Giang)[1], “cầu Ngả Bát” ở Châu Thành (Hậu Giang). Địa danh “Cái Bát” còn có ở một số nơi, như Kinh Cái Bát, thị trấn Cái Bát, huyện Tân Hưng (Long An). “Cái bát” có thể mang nghĩa như đã nêu trên, chớ không thể có nghĩa là vật dụng để ăn cơm mà dân Nam bộ gọi là “cái chén”.” (tr.129, 130)

Trong tiểu mục “Ngả cạy”, vị tiến sĩ này cũng viết “Ngả” viết với dấu hỏi là từ tiếng Việt có nghĩa: “lối đi theo một hướng nào đó” (tr.131).

Chúng tôi không biết nhà ngôn ngữ học này căn cứ vào đâu mà khẳng định như vậy. Nếu chỉ căn cứ vào Đại Nam quấc âm tự vị thì chúng tôi xin thưa rằng, như ở trên chúng tôi đã nói, trong Đại Nam quấc âm tự vị có chỗ in là “Ngả bát”, chỗ thì in là “Ngã bát”. Và cũng trong tự vị chúng tôi còn bắt gặp những tự/ từ sau đây (xin lược trích):

“愈 Dủ: Hơn, càng hơn; khá, lành mạnh… (tr.245)

“我 Ngả: Ta, tôi.” (tr.78)

“省 Tĩnh… Nguyên nước Nam có 20 tĩnh là Hà-tiên, An-giang, Vĩnh-long…” (tr.446)

“井 Tĩnh: Giếng.” (tr.446)

Sở dĩ Huình Tịnh Paulus Của viết “Dủ” (dấu hỏi), “Ngả” (dấu hỏi), “Tĩnh” (dấu ngã), “Tĩnh” (dấu ngã) là có thể ông “nghe sao viết vậy”, chứ không phải các chữ 愈, 我, 省, 井 có âm Hán Việt là Dũ, Ngã, Tỉnh, Tỉnh, còn âm Nôm hay “từ tiếng Việt” (theo cách nói của Huỳnh Công Tín) phải là Dủ, Ngả, Tỉnh, Tỉnh. Vả lại, “Ngã” trong các địa danh Ngã Ba Cái Tàu, Ngã Ba Dinh, Ngã Ba Nhà Bè…, Lê Quang Định đều chép trong Hoàng Việt Nhất thống chí 1806 là “我” (Ngã), tức cùng một tự dạng với chữ “我” mà Huình Tịnh Paulus Của dùng để ký âm “Ngả” trong “Ngả Bát”, “Ngả Cạy”.

Khi nói về “tả” và “hữu” của sông rạch, người đọc thường liên tưởng đến TẢ NGẠN và HỮU NGẠN. Theo quy ước, “tả ngạn” và “hữu ngạn” lần lượt là bờ phía bên tay trái và bờ phía bên tay phải của người quan sát đi theo chiều nước ròng từ nguồn (ngọn) đến vàm (cửa) sông rạch. Còn đối với NGÃ BÁT và NGÃ CẠY thì người quan sát đi theo chiều ngược lại. Tức người quan sát đi từ vàm (cửa) đến ngọn (nguồn) đến một ngã ba, tức đến chỗ sông/ rạch bị chia làm 2 nhánh: nhánh bên phải là “ngã bát”, nhánh bên trái là “ngã cạy”, và địa danh tương ứng có thể là “Ngã Bát” và “Ngã Cạy”.

Để dễ hình dung về tay phải, tay trái, ngã bát, ngã cạy các bạn có thể quan sát Bản đồ địa hình hạt Tây Ninh 1896 (Plan topographique de l’arrondissement de Tayninh 1886 – https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/btv1b530295052/f1). Theo bản đồ này, nếu người quan sát ngược dòng sông Vàm Cỏ Đông (Vaïco Oriental) đến một ngã ba (thường gọi là Vàm Trảng Trâu), thì người đó sẽ thấy nhánh bên phải được gọi là “rạch Ngã Bát”, nhánh bên trái được gọi là “rạch Ngã Cạy”[2].

Có nơi gọi nhánh bên phải là “rạch CÁI BÁT”, nhánh bên trái là “rạch CÁI CẠY”. Theo Bản đồ địa hình hạt Tân An 1888 (https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/btv1b53167047j/f1), “R. Thi Ken” (một chi lưu của sông Vàm Cỏ Đông) có hai nhánh: “R. Cái Bác” (tức rạch Cái Bát) và “R. Cái Cạy” (tức rạch Cái Cạy) lần lượt nằm ở bên tay phải và tay trái của người quan sát đi từ vàm rạch “Thi Ken” đến ngã ba của rạch này.

Tuy nhiên, không phải có “Ngã Cạy” là có “Ngã Bát”. Ví dụ như trên Bản đồ địa hình hạt thanh tra Bến Tre 1882 – https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/btv1b531670698/f1, “R. Cai Trang” chỉ có nhánh bên trái được ghi là “R. Ngả Cạy”.

Mặc dù phần lớn các rạch Ngã Cạy đều là nhánh bên trái (đối với người quan sát đi từ ngoài vàm vào trong), nhưng cũng có ít nhất là 2 ngoại lệ: “R. Ngã Cạy” là nhánh bên phải của “R. Chanh” (một chi lưu của “Rạch Cái Răng) (theo Bản đồ địa hình hạt Cần Thơ 1890 – https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/btv1b53167076b/f1); “R. Ngã Cạy” là nhánh bên phải của “Rạch Nhà Phiêu” (một chi lưu của “Rạch Đường Kéo”) (theo Bản đồ địa hình hạt Bạc Liêu 1896 – https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/btv1b53029527s/f1).

Tóm lại: “Ngả Bát” và “Ngả Cạy”, viết đúng chánh tả là “Ngã Bát” và “Ngã Cạy”. Hầu hết các rạch Ngã Bát và rạch Ngã Cạy, lần lượt là nhánh bên tay phải (hữu) và bên tay trái (tả). Tay phải, tay trái ở đây là tay phải, tay trái của người quan sát đi từ ngoài vàm (cửa) vào trong ngọn (nguồn). Tuy nhiên trong thực tế cũng có trường hợp nhánh bên phải lại được gọi là rạch Ngã Cạy.

————

[1] “Bát Tân cảng” ở Cai Lậy (Tiền Giang): Rất có thể “cảng” này có liên quan đến “Bát Tân giang” 八津江 trong Gia Định thành thông chí 1820. Còn “bát” với nghĩa là đi về phía bên phải, trong sách này chép là “扒”.

[2] Ngã Bát và Ngã Cạy trên Bản đồ địa hình hạt Tây Ninh 1886: trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí 1806 chép là “丐撥” (Cái Bát) và “丐𢭄” (Cái Cạy).

Cá Vàng

Minh Lê Trong cuốn LÝ LỊCH DI TÍCH ĐÌNH ĐỊNH YÊN (Sở Văn hoá Thể thao & Du lịch – Bảo tàng Tổng hợp Đồng Tháp, Tháng 03 năm 2011) có đoạn sau:

“Đình Định Yên đầu tiên xây dựng vào năm nào thì không ai biết rõ. Căn cứ vào thôn Định Yên thuộc huyện Đông Xuyên tỉnh An Giang, thì đình được xây dựng vào khoảng thời vua Minh Mạng (1820-1840). Đình được xây dựng rất đơn sơ bằng tre lá trên nền đất cao. Điểm đầu tiên ở rạch Bàu Bùn, sau dời về địa điểm hiện nay ở vàm Ngả Cái, Ngã Bát.” (tr.4)

Theo tôi, lời đó cần được tìm hiểu thêm vì, theo Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán Triều Nguyễn, tỉnh An Giang được thành lập vào năm Minh Mạng thứ 13 (1832), tức trước đó chưa có tỉnh An Giang. Đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836), thôn Định Yên [定安] thuộc tổng An Phú [安富], huyện Đông Xuyên [東川], tỉnh An Giang [安江] (theo lời khai của thôn trưởng Trương Văn Phước [張文福] và dịch mục Nguyễn Văn Hạ [阮文下]).

Còn thôn Định Yên được thành lập từ năm nào thì tôi chưa biết.

Cá Vàng

BÁT trong “kênh CÁI BÁT” và “rạch CÁI BÁT” (theo ghi nhận của Hồ Văn Tuyên)

Trong cuốn Tên gọi sự vật sông nước miền Tây Nam Bộ (Nxb Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, 2023), tác giả Hồ Văn Tuyên cho biết:

“Thực vật được lấy làm cơ sở gọi tên nhiều nhất là dừa nước (còn gọi tắt là lá), cóc, giá, tràm, xoài, vắp, bần, vang, bằng lăng, bèo, chiếc, lá buôn, rau ráng, ô rô, mù u, gòn, bông súng, bình bát. Đây là thực vật đặc trưng vùng sông nước Nam Bộ. Ví dụ: rạch Lá (dừa nước), kênh Bằng Lăng, ngã ba Bần Quỳ (…), kênh Cái Bát (bình bát), rạch Cái Bát, kênh Cái Bèo (…)” (tr.97)

Như vậy, theo tác giả Hồ Văn Tuyên, BÁT trong “kênh Cái Bát” và “rạch Cái Bát”) là cây BÌNH BÁT!

Tran Kong

Cá Vàng dạ thầy: ở Cà Mau, huyện Phú Tân cũng có kênh Cái Bát. Do Cà Mau tôi đi quá ít nên chưa dám nói gì. Nếu biết đc thủy văn nơi đây , mực nước chảy từ đâu về đâu thời mới dám nói.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *