BÔNG SÚNG/ BUNG SÚNG

Mặc dù bông súng là loài thực vật thuỷ sinh mọc hoang rất nhiều ở miền Tây sông nước, nhưng khi nhắc đến bông súng thì nhiều người nhớ đến 2 câu cao dao sau đây:

Muốn ăn bông súng mắm kho,

Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm.

Có một điều đặc biệt nữa ở Đồng Tháp mà chúng tôi muốn nói trong bài viết ngắn này là, hiện nay ở xã Tân Hoà, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp có một con rạch tên Bông Súng. Vào năm 1890, con rạch này nằm trên địa bàn làng Định Hoà, tổng An Trường, hạt Cần Thơ. Và trên Bản đồ địa hình hạt Cần Thơ 1890, con rạch này được ghi là “R. Bung Súng”. (https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/btv1b53167076b/f1)

Nguồn: Cá Vàng

https://www.facebook.com/ca.vang.777/posts/pfbid0VGByn7HHyjPJfwLe98WdqfgqkLoh2LJTe4k9y2fQKDpZ56upNwBfQ2LGbrV5bbJFl

Như vậy có phải các nhà lập bản đồ thời đó đã viết sai chánh tả? Theo chúng tôi thì không. Lý do đơn giản là vì ở miền Tây hiện nay vẫn còn rất nhiều người gọi “bông súng” là “bung súng”. Nói cách khác, rất có thể hồi xưa cư dân địa phương gọi tên con rạch là “Bung Súng” và những nhà lập bản đồ đã ghi đúng tên gọi đó.

Vấn đề còn lại là tại sao BÔNG SÚNG lại gọi là BUNG SÚNG thì chúng tôi không rõ. Tạm thời chúng tôi phỏng đoán như thể này: do ảnh hưởng âm UNG (của từ “súng”) mà âm ÔNG (của từ “bông”) bị biến đổi thành âm UNG, và/ hoặc âm UNG xưa hơn âm ÔNG.

Ở trên chỉ là những lời đoán mò của chúng tôi mà thôi. Rất mong quý vị và các bạn góp ý. Xin chân thành cám ơn trước.

Phi Hung Tang

Trước tiên mình bàn về con rắn có cái tên khá mỹ miều “rắn bông súng”, nhìn cái con này cũng khá giống cái bông súng đấy chứ, con này ở ngoài Bắc gọi là “rắn nước” zô trong miền Nam thì có tên là Rắn bông súng, còn quê tui thì gọi là Rắn bù lịch, ồ cái tên ngộ quá, “bù lịch” là cái gì? đố ai biết “bù lịch” nó hình dạng như thế nào, nhưng cũng con rắn bông súng này thì tiếng Khmer viết là ពស់ព្រលិត đọc theo âm tiếng Việt là Puos Prô Lứt trong đó: ពស់ = Puos = rắn, con rắn, tỵ, mãng xà, xà … ព្រលិត = Prô Lứt = cây súng, hoa súng, bông súng, súng. Vậy ពស់ព្រលិត dịch sang tiếng Việt là Rắn bông súng, Rắn hoa súng, Rắn súng. Vậy phải chăng “Rắn bông súng” chính là dịch nguyên bản từ tiếng Khmer mà bỏ luôn Rắn nước ở ngoài Bắc? Còn quê tui gọi con này Rắn bù lịch hoặc Rắn bù lựt, phải chăng người xưa đã gọi theo âm của tiếng Khmer mà thành? (Prô Lứt = Bù lịch, Bù lựt ???) Ngoài ra thì thấy có địa danh có tên “Bung Súng” thấy gì đó lạ lạ nên cũng tham gia cho có tụ. Phải chăng Bung súng chính là tên tiếng Khmer, trong tiếng Khmer có rất nhiều địa danh là បឹងព្រលិត tiếng Việt đọc là Bâng Prô Lứt = hồ súng, hồ hoa súng, hồ bông súng, … và chữ បឹង = Bâng đã được người xưa đọc trại thành Bung chăng? còn chữ ព្រលិត thì được dịch thành “bông súng”? nếu đúng vậy thì quả là thú vị.

Nguyen Ky Trung

Phi Hung Tang thân !

Nếu luận trên tuyến biến ngữ thì BÂNG biến thành BƯNG chớ không BUNG .như mầng biến thành Mừng ,vâng biền thành Vưng ,tâng bốc > tưng bốc

Phi Hung Tang

Nguyen Ky Trung dạ, nhiều khi cũng có gì đó ngoại lệ, dân dã Anh ạ, ví dụ Búng Bình Thiên, bâng biến thành búng, nên có khi bâng biến thành bung cũng có thể xảy ra Anh ạ

Cá Vàng

LÂY ÂM

Khi viết bài trên tôi có nhớ đến các mối tương quan Ô ~ U (như chim Bồ câu ~ chim Bù câu), ÔN ~ UN (như hôn hít ~ hun hít), ÔNG ~ UNG (như rau mồng tơi ~ rau mùng tơi). Riêng về cặp từ BÔNG SÚNG ~ BUNG SÚNG thì tôi chưa tìm thấy loại BÔNG nào khác cũng được gọi là BUNG.

Vì chưa tìm được loại BÔNG nào khác cũng gọi là BUNG nên tôi mới phỏng đoán “ÔNG (trong “bông súng”) > UNG (trong “bung súng”) là do “lây âm”[1]: âm của từ/ tiếng đứng trước “ăn theo” âm của từ/ tiếng đứng sau.

Có 2 ví dụ sau đây mà tôi cho là có liên quan đến sự “lây âm”:

– Một loại cây thuỷ sinh cũng được dùng làm rau có tên là “cù nèo”. Cây này cũng được nhiều người gọi là “kèo nèo”, tức Ù (trong “cù [nèo]”) > ÈO (trong “kèo [nèo]”)

– Một loại món bánh ngọt có tên là “甜料” (âm Hán Việt là “điềm liệu”) mà người Triều Châu gọi là “tề lèo”. Món bánh này ngày nay chúng ta thường gọi là “thèo lèo”, tức Ề (trong “tề [lèo]”) > ÈO (trong “thèo [lèo]”)[2].

———-

[1] Tôi tạm gọi là “lây âm” vì không biết các nhà ngôn ngữ học gọi là gì.

[2] Tài liệu tham khảo: Cuong Chung, “Lèo” trong “thèo lèo” & “nước lèo” có giống nhau không?, https://www.facebook.com/cuong.chung/posts/pfbid0zEpQE7Sks4xfrJ3yU2aY7wATPbCDxpqtGWUMPmWn7yyWapXptno4pz6e9evHYZH2l.

Tran Kong

Cá Vàng dạ gửi thầy vài ví dụ : ở huyện Long Phú – Sóc Trăng có địa danh Bâng Kol ; ở huyện Vĩnh Châu có địa danh Bâng Tung ; ở Trần Đề có địa danh Bưng Cóc. Giữa Bâng Kol và Bưng Cóc tôi chưa tìm ra mối liên hệ nhưng có thể lờ mờ hình dung Bâng => Bưng. Còn Bâng => Bung quả thiệt tôi chưa từng thấy, mặc dù cày gần nát hết từng mét đất Nam Kỳ.

Kính.

Phi Hung Tang

Nhân tiện đang đề cập đến từ បឹង biến thành các âm khác thì Hùng cũng tham gia góp ý thêm chút xíu cho vui. Hùng hoàn toàn đồng ý là âm Bâng thì thông thường sẽ biến thành âm Bưng (cái này có vô số VD cụ thể nên mình miễn bàn tiếp) nhưng bên cạnh đó thì cũng có trường hợp បឹង = Bâng biến thành Búng (Búng Bình Thiên) hoặc trường hợp បឹង = Bâng lại giữ nguyên âm Bâng (VD: địa danh Bâng Prọn = បឹងប្រក់). Bâng biến âm thành “Băng” VD: địa danh Băng Chrum = បឹងជ្រុំ ở Tây Ninh. Hoặc biến thành “Bang” là cách nói, cách viết khác của địa danh Bang Chrum = បឹងជ្រុំ ở Tây Ninh. Ngoài cách đa phần biến thành “Bưng” thì ở Nam Bộ có rất nhiều địa danh mà chữ បឹង = Bâng lại biến thành chữ Bàu (VD: địa danh Bàu Sen, Bàu Dài, …) và vượt ngoài suy nghĩ của Tôn Ngộ Không có 72 phép biến hóa thần thông thì chữ បឹង = Bâng còn hóa thân thành chữ “Bồ” VD: địa danh Bồ Com = បឹងក្រោម . Nói tóm lại Hùng thấy thì ngoài nguyên tắc như chúng ta đã biết thì thực tế ngoài đời còn có rất nhiều thứ bất quy tắc, cái này phát sinh ra chắc có nhiều nguyên nhân mà hậu thế chúng ta vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa mà Tiền nhân đã đặt tên (một vài ý kiến tham gia thêm để góp phần hiểu thêm ý nghĩa và trân trọng công ơn mà Cha ông chúng ta đã để lại cho hậu thế, nếu có gì chưa đúng, rất mong nhận được ý kiến phản hồi trên tinh thần xây dựng cùng phát triển của tất cả các Bạn). Trân trọng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *