Trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Huình Tịnh Paulus Của giảng về “cạy” 𢭄, “bát” 捌, “ví” 圍, “thá” 世 như sau:
“Cạy bát: Thường nói về sự chèo ghe, khiến đi qua tay mặt, hay là bên cọc chèo mũi, thì kêu là bát, khiến đi bên phía tay trái hay là bên cọc chèo bánh, thì kêu là cạy.” (tr.40)
“Thá ví: Tiếng kẻ cầm cày khiến trâu đi bên tả hay là bên hữu.” (tr.355)
Nguồn: Cá Vàng
Như vậy, theo Huình Tịnh Paulus Của, khiến ghe thuyền đi qua tay trái thì kêu “cạy”, đi qua tay mặt thì kêu “bát”[1]; khiến trâu bò đi qua tay trái thì kêu “thá”, đi qua tay mặt thì kêu “ví”[2].
“Thá” có nơi gọi là “phá”. Do lẽ này mà trong Từ điển Từ ngữ Nam Bộ (Nxb Khoa học Xã hội, 2007), Huỳnh Công Tín đã giảng như sau:
“Thá (…), vắt, vặt, tiếng hô để cho trâu, bò khi cày đi vòng về phía tay trái. “Muốn cho trâu đi về phía bên trái, anh chỉ cần hô “thá… thá…” là được.” (tr.1134)
“Phá (…) thá, vắt, tiếng hô cho trâu, bò khi cày ruộng đi ngoặt sang phía bên trái. “Muốn cho nó đi phái bên phải mà anh kêu phá thì làm sao nó đi được.” (tr.982).
Còn từ “ví” thì Huỳnh Công Tín cũng giảng tương tự như Hùinh Tịnh Paulus Của, cụ thể như sau:
“Ví (…) tiếng hô điều khiển trâu, bò đi quanh qua bên phải. “Kêu nó đi qua trái mà cứ la “ví…, ví…” hoài làm sao nó đi đúng cho được.” (tr.1301)
Đến đây chúng ta có thể nói rằng, theo Huình Tịnh Paulus Của và Huỳnh Công Tín, “thá/ phá” là tiếng điều khiển trâu bò đi sang phái tay trái, “ví” là tiếng điều khiển trâu bò đi sang phía tay phải.
Có lẽ quy ước chung thì như vậy, nhưng J.F.M. Génibrel trong Dictionnaire Annamite-Français 1898 lại giải thích ngược lại. Cụ thể là trong mục từ Thá 世, tác giả này đã viết như sau:
“Thá ví: (Cri des charretiers). Hue! Dia!” (tr.802)
Tạm dịch: Thá ví (Tiếng hô của người đánh xe). Qua phải! Qua trái! (Người Pháp khi đánh xe hô “Hue” để ngựa rẽ sang phải, hô “Dia” để ngựa rẽ sang trái).
Theo nhiều vị cao niên ở Thốt Nốt (Cần Thơ), “phá” và “ví” được dùng theo nghĩa qua phải, qua trái (tức tương đồng lời giải thích của J.F.M. Génibrel.
Cũng theo các vị này, trong việc cày ruộng bằng trâu hoặc bò[3] thì người và vật đều đi theo chiều ngược với chiều kim đồng hồ, bắt đầu vòng ngoài (sát bờ ranh, bờ ven) đi lần từ ngoài vào trong, tức đường cày đầu tiên là đường cày nằm ngoài cùng. Muốn cho trâu hoặc bò đi qua bên trái thì hô “ví”, muốn trâu hoặc bò đi qua bên phải thì hô “phá”. Mà đi qua bên trái (ví) hoặc qua bên phải (phá) trong lúc đi cày thì cũng đồng nghĩa với “đi vô” hoặc “đi ra”. Do lẽ này mà nhiều nói “ví vô”, “phá ra”.
Ngoài các từ “ví”, “phá”, “ví vô”, “phá ra”, nhiều người còn dùng 2 cụm từ “vọng ví”, “vọng phá”. Ví dụ như cầu thang được xây theo chiều nghịch với chiều kim đồng hố, tức người đi từ dưới lên trên chỉ quẹo trái, thì cầu thang đó được gọi là đi theo “vọng ví”, còn nếu cầu thang đi theo chiều kim đồng hồ thì gọi là đi theo “vọng phá”. Con lân trên lư hương, nếu quay mặt về tay trái thì cũng gọi là quay theo “vọng ví”, quay ngược lại gọi là “vọng phá”.
Đến đây chúng tôi xin nói gọn lại là, theo Huình Tịnh Paulus Của, “thá ví” là tiếng hô của người điều khiển con vật đi sang phía tay trái hoặc phía tay phải (thá – trái, ví – phải); còn J.F.M. Génibrel thì giảng ngược lại (thá – phải, ví – trái). Tại sao hai nhà này lại hiểu ngược lại nhau như vậy? Lý do có thể là vì Huình Tịnh Của thu thập cặp từ “thá ví” ở địa phương mà cư dân ở đó hô “thá” hoặc “ví” để điều khiển trâu bò đi sang tay trái hoặc tay phải, còn J.F.M. thì thu thập cặp từ “thá ví” ở địa phương mà cư dân ở đó dùng từ “thá” và từ “ví” theo nghĩa ngược lại.
Vì “thá” có nơi gọi là “phá” nên Huỳnh Công Tín thu thập cả hai, còn về ý nghĩa của “thá/ phá” và “ví” thì vị tiến sĩ giải thích tương tự như lời giảng của Huỳnh Tịnh Paulus Của, tức không xét đến những nơi, ví dụ như ở Thốt Nốt[4], các từ “phá”, “ví” được dùng theo nghĩa ngược lại.
———-
[1] Theo Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí 1820, tục gọi ghe thuyền đi phía tay trái là cạy, đi phía tay phải gọi là bát (“tả hành viết cạy, hữu hành viết bát” 右行曰扒, 左行曰扒).
[2] Cũng theo Huình Tịnh Paulus Của, “Dò” 𣺺 là tiếng hô cho trâu dừng lại. (tr.237).
[3] Nếu dùng trâu để cày thì chỉ cần 1 con, còn nếu dùng bò để cày thì phải dùng hai con (một đôi). Do bò có con hay đi lệch trái, có con hay đi lệch phải nên người sử dụng bò để cày, bừa… phải chọn một cặp có cùng khuynh hướng đi lệch trái (đi theo vọng ví) hoặc cùng khuynh hướng đi lệch phải (đi theo vọng phá) thì mới dễ điều khiển.
[4] Ở quê tôi – Vĩnh Trạch, Thoại Sơn, An Giang – các từ “phá”, “ví” cũng được sử dụng y chang như ở Thốt Nốt – Cần Thơ.
Dạ , gởi thầy Cá Vàng : hình như khi chèo xuồng ( loại ko có bánh lái ) thì chèo ở mũi và chèo ở phía sau ( lái ) thường ngược nhau.
Vd : ở mũi muốn quẹo phải thời chèo bên phải. Nhưng ở lái muốn quẹo phải thời phải chèo bên trái.
Cơ bản là vậy. Với dân chèo lâu ngày , họ sẽ tự cảm giác tay mà chèo. Tuy nhiên vẫn dựa theo cơ bản vd trên.
Do đó nói tới chèo ghe , xuồng thì phải xét coi ở lái hay ở mũi.
Tran Kong CHÈO MŨI – CHÈO LÁI. Nếu tôi không lầm thì:
– Ghe 2 chèo (1 mũi, 1 lái): cột chèo mũi ở bên phải, cột chèo lái (cột chèo bánh) ở bên trái.
– Ghe 3 chèo (2 mũi, 1 lái): cột chèo gần mũi nhất cũng ở bên phải, cột chèo lái cũng ở bên trái.
– Ghe 4 chèo (2 mũi, 2 lái): cột chèo gần mũi nhất cũng ở bên phải, cột chèo lái gần lái nhất cũng ở bên trái. (Cần tìm hiểu thêm)
Do lẽ mà Huình Tịnh Paulus Của mới giảng như thế này:
“Cạy bát: Thường nói về sự chèo ghe, khiến đi qua TAY MẶT, hay là bên CỌC CHÈO MŨI, thì kêu là bát, khiến đi bên phía TAY TRÁI hay là bên CỌC CHÈO BÁNH, thì kêu là cạy.” (tr.40)
Quê tui Lấp Vò: phá – phải, ví – trái.
Dạ thầy, Em ở Trấn Định, không cầm cày cũng chẳng đánh xe nhưng theo quan sát em nhớ thì từ vị trí điều khiển con bên phải là thá, con bên trái là ví ( con thá thường mạnh hơn con ví do phải đi dưới rỗng cày và vận động nhiều ở 2 đầu vạc). Muốn qua trái người điều khiển phải hối con thá đi nhanh lên nên hô thá ( có thể nhịp mông con thá 1 roi) là thầy trò quẹo trái ngay. Lưỡi cày luôn lật đất về bên phải ( bên con thá), đi ngược chiều kim đồng hồ nên đất úp hướng chân bờ là cày vọng thá. Cày nhiều mùa vòng bờ bị gò phải chuyển qua cày vọng ví ( cùng dạng với cày mô trồng rẩy). Phân ngay giữa vạc đi theo chiều kim đồng hồ, tới cuối vạc thì hối con ví đặng quẹo phải rồi quẹo phải nữa để 2 đường cày úp lại thành cái mô. Cày vọng ví mệt hơn vọng thá nhưng thỉnh thoảng phải cày để trả đất gò xuống trũng. Cày vọng thá đất úp vô bờ, cày vọng ví đất lật ra ngoài.
Giao nguyên kèo nhà 2 mái thợ mộc có qui ước phải theo vọng ví tức là kèo mái trước nằm bên trái, kèo mái sau nằm bên phải.
Tóm lại ví là bên trái, thá là bên phải nhưng muốn quẹo trái thì phải hô “thá” đặng con thá đi nhanh mới quẹo trái được chứ hô ” ví” làm sao quẹo trái được đúng như 2 cụ từ điển vậy. Kêu tên con thá ( hoặc con ví) là chỉ để hối nó đi nhanh thôi chứ không phải biểu nó quẹo ( ví dụ trên đường cày thẳng) nhưng nhờ tập thành thói quen hễ tới cuối đường cày thợ cày hối con này rồi xách cày quăng ra đường cày mới thì tự động con kia đi chậm lại. Kính
Van Minh Nguyen Thầy Sáu tả rất kĩ, hây quá! Nhưng chỗ em ví lạ là con trâu bên phải, cày ngược chiều kim đồng hồ nên con ví phải rướn nhanh mạnh hơn khi quẹo. Lúc quẹo là lúc con ví phải cố sức, nên thợ cày phải thúc ép bằng roi + miệng thẩy la ‘VÍ…VÍ…VÍ…!’. Chánh vì vậy mà thẩy la ‘VÍ’ nhiều hơn la ‘THÁ’.
Nay kỉnh!
Theo Trò nếu cày 1 con Trâu, muốn nó quẹo hướng nào thì giật dây dàm bên đó cho đầu con Trâu quay sang hướng đó, ắt con Trâu quẹo hướng đó, và Người thợ cày nhấc cày hướng ngược lợi để quẹo…!
Kính !
Le Cong Ly ví với thá, có chỗ kêu dí, phá hồi nhỏ em có coi trâu cày nghe người ta hô dí, phá, dọ mà con nít đâu có để ý. Sau này nghe mấy ông già xưa nói chuyện con lân trên bộ lư “vọng ví” hay “vọng thá/phá” mới hay vòng quay của con chim lạc trên trống đồng với vòng đi cày của con trâu cùng một chiều ngược chiều kim đồng hồ. Con lân trên bộ lư mà quay mặt về bên trái tức ngược chiều kim đồng hồ là con lân “vọng ví”, con quay mặt theo chiều kim đồng hồ là “vọng thá/phá”.
Cá Vàng các thầy phân tích quá tường tận và tỉ mỉ quá có khi lại đi quá xa sức hiểu của con trâu, em đã từng thấy đi cày bằng trâu rất đơn giản, muốn nó quẹo trái thì hô Dí, quẹo phải thì hô Thá, muốn nó đứng lại thì hô Dọ. Do cày đi ngược chiều kim đồng hồ nên luôn luôn quẹo trái do đó hô dí nhiều hơn hô thá, khi đi thẳng lúc nào con trâu nó đi lệch luống cày thì mới hô dí hay thá để chỉnh nó đi ngay lại. Dí là quẹo trái, thá là quẹo phải, chữ ví/ dí nghĩa nó là vòng vây, bao lại thì ví/dí là đi vô phía trong ruộng để bao lại thành một luống cày, thá là đi ra bờ ranh, dí vô, thá ra, cũng theo ý ví là vô, thá là ra nên mấy ông già xưa chọn lân vọng ví với hàm ý ví vô nhà không chọn phá/ thá vì người ta nghĩ thá là đi ra nên hông tốt.(Cái này là em lượm lặt lại ý của người lớn tuổi với chuyện em thấy trâu cày ngoài ruộng mà kể lại góp vui chớ hông phải ý cá nhân em, còn những địa phương khác có làm theo cách khác hay không thì em không biết, chớ em không dám huơ đũa cả nắm.)