Đào Thái Sơn
Yêu thích · 7 giờ ·
Xã Tân Hưng được xem là cội rễ của Tân Châu. Sau khi các làng của tổng Chơn Bà Đen sáp nhập thì lập ra xã Khedol năm 1956. Đến năm 1957 thì xã Khedol đổi tên thành xã Tân Hưng. Lúc ấy Tân Hưng vô cùng rộng lớn. Cuối năm 1957 thì Tân Hưng chia làm 3 là Tân Hưng, Tân Hội và Tân Long. Sau đó Tân Hưng chia ra lập xã Tân Phú. Còn Tân Long nhập vào Kà Tum, lập Tân Đông. Sau cắt ra Suối Ngô và Tân Hoà.

NHỮNG TRẦM TÍCH VĂN HÓA BÊN DÒNG VÀM CỎ ĐÔNG
Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có hai dòng sông lớn chảy qua đó là sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông. Nếu như sông Sài Gòn với một vị trí khá khiêm tốn thì ngược lại dòng Vàm Cỏ Đông có một vị trí rất quan trọng, dòng sông này có ảnh hưởng đến nhiều mặt về đời sống, kinh tế, văn hóa…của người dân ở hai phía tả ngạn và hữu ngạn từ xa xưa cho đến nay. Đặc biệt là những di chỉ khảo cổ phát lộ vô vàn minh chứng cho những trầm tích lịch sử của hơn ngàn năm trước, tạo nên những dấu ấn thiêng liêng không thể phai mờ trên xứ sở này.
Sông Vàm Cỏ Đông thuộc hệ thống sông Đồng Nai và là một chi lưu của sông Vàm Cỏ. Sông này bắt nguồn từ lãnh thổ Campuchia với tên gọi là Piek Kongpung Spean ( tức là suối bên bến có cầu), chảy vào huyện Châu Thành – Tây Ninh, sau đó chảy qua các huyện Bến Cầu, Hòa Thành, Gò Dầu và Trảng Bàng với thủy trình khoảng 98 km. Vàm Cỏ Đông cũng là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Tây Ninh, Long An. Sau đó kết hợp với sông Vàm Cỏ Tây tạo nên sông Vàm Cỏ để đổ vào sông Soài Rạp và cuối cùng là đổ ra biển Đông. Nếu căn cứ trên bản đồ, ta thấy Vàm Cỏ Đông khởi nguồn từ hai nhánh là Cái Bắc ( Cái Bát ) ở hướng Bắc và Cái Cậy ở hướng Tây. Hai nhánh này hợp nhau tại ranh giới hai xã Phước Vinh và Biên Giới để thành dòng chính từ Vàm Trảng Trâu.
Xưa kia sử cũ nhà Nguyễn gọi Vàm Cỏ Đông là sông Quang Hóa: “ Ở thượng lưu sông Thuận An ( Bến Lức) cách trấn về phía Tây 160 dặm rưỡi. Thủ sở ở bờ phía Bắc sông lớn này, có người nước ta, người Tàu và người Cao Miên ở chung làm ăn với nhau, có tuần ty coi việc thâu thuế cước và phòng giữ biên giới. Từ đây chảy 24 dặm rưỡi đến cửa sông Khê Lăng, 91 dặm rưỡi đến thủ sở Quang Phong giáp ranh giới Cao Miên. Đây là đường sứ thần Cao Miên sang cống phải đi qua. Dọc theo sông ruộng đất mới vỡ, còn nhiều rừng rú, ngược lên hướng Tây sông chia làm hai nhánh : nhánh phía Bắc tục gọi Cái Bát đi hơn 100 dặm đến cuối nguồn nhập rừng Quang Hóa, nhánh phía Tây tục gọi Cái Cạy ( Cậy) đi hướng Tây hơn 150 dặm cũng đến cuối nguồn. Tới đây đều là rừng núi Quang Hóa liền nhau.” ( Gia Định Thành Thông Chí – Trịnh Hoài Đức, trang 49, bản dịch Lý Việt Dũng). Đó là cách gọi theo sử cũ, còn ngày nay thì thống nhất gọi là sông Vàm Cỏ Đông. Với tên gọi này có người cho rằng tại vì ở hai bên vàm sông có nhiều cỏ nên gọi là Vàm Cỏ. Chính vì hiểu “ Cỏ” trong danh ngữ này là cây cỏ nên một số tài liệu mới dịch ra âm Hán Việt là “ Thảo giang” ( sông cỏ). Vấn đề này, ta còn bắt gặp cách giải thích của TS Lê Trung Hoa trong Từ điển từ nguyên địa danh Việt Nam như sau: “ Vàm Cỏ nửa Khmer nửa TV. Vàm là từ gốc Khmer, nguyên dạng là piêm, vốn nghĩa là “ ngã ba sông, rạch”. Cỏ là một loài thực vật, dùng làm thức ăn cho bò, trâu, ngựa…Vậy Vàm Cỏ là ngã ba sông, rạch có nhiều cỏ”. Cách giải thích trên rất thiếu cơ sở. Thực ra chữ “ Cỏ” trong Vàm Cỏ ( Đông) không phải là cây cỏ thực vật gì cả, mà là một cách gọi chệch âm từ tiếng Khmer. Người Khmer ở vùng này trước đây gọi Vàm Cỏ ( Đông) là Piêm Tunle Vaico, tức là “ Vàm sông đánh ( chăn lùa) bò”. Trong đó : Piêm là vàm; Tunle là sông; Vai là đánh; co (cô) là con bò. Vấn đề này còn được ghi rất cụ thể trong một số tư liệu, bản đồ của các học giả người Pháp trước đây.
Như chúng ta đã biết vùng đất Tây Ninh xa xưa kia thuộc Tiểu quốc “ Chinh Phục Từ Đầm Lầy” của Vương quốc Phù Nam. Tiểu quốc này chủ yếu trên địa bàn các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Long An, Thành phố Hồ Chính Minh và Tây Ninh ngày nay. Chính vì vậy mà khu vực này có nền văn hoá chung đó là Óc Eo, trong đó Tây Ninh thuộc Óc Eo muộn, hay còn gọi là Hậu Óc Eo. Lý do Tây Ninh thuộc Óc Eo muộn là bởi vì nhóm dân cư của Tiểu quốc này có xu hướng đi ngược từ khu vực đất thấp lên khu vực đất cao hơn. Bằng chứng rõ nét nhất là các di chỉ khảo cổ thuộc trung lưu sông Vàm Cỏ Đông có niên đại muộn hơn so với các nơi khác trong cùng một Tiểu quốc.
Qua hơn trăm năm khai quật và nghiên cứu, cho đến nay ta thấy các di tích văn hóa Óc Eo ở Tây Ninh phân bố chủ yếu ở những vùng đất ven sông Vàm Cỏ Đông tạo thành trục Trảng Bàng – Bến Cầu – Gò Dầu – Châu Thành và một phần của Tân Biên. Mà tiêu biểu nhất có thể thống kê qua các cụm như: cụm di tích Thanh Điền ( Châu Thành), cụm di tích Bình Thạnh ( Trảng Bàng), cụm di tích Bến Đình ( Bến Cầu) và cụm di tích Chót Mạt ( Tân Phong – Tân Biên). Tất cả các di chỉ này hầu hết được các nhà khảo cổ xác định thuộc giai đoạn Óc Eo muộn ( Hậu Óc Eo), tức là có niên đại cách đây trên 1200 năm tuổi.
Cụm di tích Thanh Điền thuộc xã Thanh Điền huyện Châu Thành. Cụm này gồm nhiều gò đất trên bậc thềm phù sa cổ cao khoảng 5m so với mực nước biển dọc theo bờ bên phải của Rạch Cái Răng, phân bố theo hàng dài trên dưới 3km theo hướng Bắc – Nam. Tất cả là 11 di tích đã được khảo sát khai quật. Nổi bật nhất trong cụm di tích này là khu di tích Gò Cổ Lâm. Đây là khu di tích có quy mô lớn nhất trong 11 di tích của xã Thanh Điền. Cụ thể bên hông chùa Cổ Lâm, phía Tây tìm được 6 phế tích kiến trúc đền tháp được xây bằng gạch cổ ( 32 x 16 x 7cm) và nhiều hiện vật liên quan khác như yoni, linga, đầu tượng, thân tượng, đế tượng…Phía đông gò còn phát hiện bàu nước vuông ( tượng trưng cho biển sữa) với diện tích 240m x 180m, cách trung tâm gò 65m. Những phát hiện này được xác định niên đại là thuộc giai đoạn cuối văn hóa Óc Eo. Đó là một trung tâm thờ các vị thần Wishnu và Shiva thời cổ xưa.
Cụm di tích Bến Đình thuộc xã Tiên Thuận huyện Bến Cầu. Đây là khu phế tích xây dựng đền tháp cổ sát bờ Vàm Cỏ Đông. Tại nơi đây các nhà khảo cổ đã phát hiện ít nhất là bốn chân tháp trên gò cao 5m, hiện là trung tâm miếu Bà. Cũng tại nơi này đã thu được các dữ kiện khác như gốm, chân đèn, bệ đá nắm tay tượng thần…có niên đại thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ IX – X sau Tây lịch. Mới đây ( 10.2019) Trung tâm khảo cổ, Viện khoa học xã hội vùng Nam Bộ tiếp tục khai quật, thám sát vùng lõi của khu di tích và phát hiện nhiều dấu tích có hơn 1000 năm tuổi. Trên khu gò, các nhà nghiên cứu tiếp tục mở thêm sáu hố khai quật, tổng diện tích hiện tại khoảng 300m2. Khu vực xung quanh Bến Đình có 14 hố thám sát, tổng cộng 30m2. Đặc biệt là phát hiện nền móng kiến trúc tháp có điêu khắc hoa văn trên gạch rất cầu kỳ tỉ mỉ. Mô típ này tương tự với các tháp Bình Thạnh và Chót Mạt, nhưng độ công phu thì hơn nhiều. Khu di tích Bến Đình được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 72/QĐ-CT ngày 13.6.1998 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh. Có thể nói, đây là cụm di tích lớn của Tây Ninh. Những phát hiện tại khu vực này đã phần nào hé lộ một phần bức tranh đời sống, văn hóa, tín ngưỡng của con người đã sống ở đây từ hơn mười thế kỷ trước.
Khu di tích Tháp Bình Thạnh nằm trên địa phận ấp Bình Phú, xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng. Tháp này có tên là Prey Prasath ( tháp giữa rừng), tháp được xây trên một khu gò đất đắp cao hình vuông, mỗi chiều 100m. Tháp cao 10m, mỗi cạnh dài 5m, mặt chính quay về hướng đông, trông ra một bàu nước phía trước. Tháp này được phát hiện vào năm 1909, khi ấy phần đỉnh tháp đã bị hư đổ, năm 1938 H. Mauger đã tiến hành tu sửa, người Pháp đã đúc một tấm đan bằng xi măng trám trên đỉnh để nước mưa không đổ vào trong lòng tháp. Bên cạnh đó, họ đã tiến hành nghiên cứu tháp và đã kết thúc từ những năm 40 của thế kỷ trước. Năm 1994 các nhà khảo cổ học Việt Nam lại tiếp tục khai quật trên khu tháp Bình Thạnh và kết quả đã phát hiện hai kiến trúc khác cũng xây bằng gạch đã hoàn toàn sụp đổ trong lòng đất. Kiến trúc thức nhất nằm song song với tháp Bình Thạnh, hơi lệch về phía đông và cách ngôi tháp hiện hữu khoảng 4m. Bình đồ của kiến trúc này gần như vuông, chiều bắc nam dài 7,7m, chiều đông tây dài 8,2m, cửa cũng quay ra hướng chính đông. Kiến trúc thứ hai nằm song song với kiến trúc thứ nhất về hướng bắc, bình đồ cũng hình vuông mỗi chiều 6m. Ở kiến trúc thứ hai này người ta còn tìm thấy tượng thần Vishnu.
Qua những kết quả khảo cổ mới nhất, chúng ta có thể khẳng định xưa kia tháp Bình Thạnh là một cụm tháp có ba ngôi tháp xây kế tiếp nhau theo trục bắc – nam. Tất cả các cửa chính của tháp đều quay ra bàu nước hướng chính đông ( nay là ruộng của người dân). Và ba ngôi tháp này dùng để thờ Trimurti hay còn gọi là Tam thần Ấn giáo. Đó là ba vị thần tối cao trong Ấn Độ giáo bao gồm Brahma là đấng tạo hóa, Vishnu là đấng bảo hộ, còn Shiva là đấng hủy diệt. Cả ba tạo thành bộ tam thần Trimurti, thường được gọi là Brahma-Vishnu-Maheshwara. Họ là những dạng khác nhau của một người được gọi là Đấng Tối cao hay Svayam Thế Tôn / Thần Krishna / Parabrahman. Cụ thể là tháp giữa thờ Brahma, tháp phía bắc thờ Vishnu và ngôi tháp hiện còn cho đến ngày nay là thờ Shiva. Như vậy có thể nói tháp Bình Thạnh là chứng nhân lịch sử, là bệ đỡ trên hành trình nghiên cứu văn hóa lịch sử về một nền văn minh cổ xưa trên đất Tây Ninh chứ không hề đơn giản.
Bên cạnh di chỉ quý giá trên còn có một ngôi tháp khác cũng cùng niên đại với tháp Bình Thạnh, đó là tháp Chót Mạt. Khu đền tháp này được xây dựng trên một nền đất gò giữa cánh đồng, nay thuộc ấp Xóm Tháp xã Tân Phong huyện Tân Biên. Tháp Chót Mạt, được xác định xây dựng khoảng thế kỷ thứ VIII sau Tây Lịch thuộc nền văn hóa Óc Eo, và nó được phát hiện chính thức cùng tháp Bình Thạnh vào những năm đầu của thế kỷ XX. Và ngôi tháp này được trùng tu nhỏ lần đầu vào năm 1938. Qua tài liệu báo cáo khảo cổ học Tây Ninh của viện nghiên cứu khảo cổ Đông Dương thì kiến trúc tháp được xây bằng gạch có bình diện vuông 5m x 5m đỉnh tháp cao 10m, mỗi chiều kiến trúc tháp đều bị hư hại mất gần một nửa, hai mặt tường tháp ở phía tây và bắc hầu như bị sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn phần móng tường chân đế tháp, các hoa văn trang trí bị nứt nẻ chỗ còn chỗ mất. Năm 2003 Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh quyết định phê duyệt dự án đầu tư trùng tu tôn tạo bảo tồn di tích tháp Chót Mạt và được tiến hành triển khai trùng tu tôn tạo phục hồi, trưng bày mở hố khai quật và đưa vào sử dụng. Cần phải nói thêm rằng tháp Chót Mạt cũng không phải là dạng tháp đơn lẻ, mà vào thời điểm phát hiện ra nó, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một ngôi tháp khác ở hướng bắc đã hoàn toàn sụp đổ trong lòng đất. Vậy đây cũng chính là một cụm tháp, nếu ở cụm tháp Bình Thạnh là tam tháp thì ở Chót Mạt là tháp chính và tháp phụ. Có thể ngôi tháp bị sụp chôn vùi hoàn toàn kia là ngôi tháp phụ thờ Thần Lửa, còn ngôi tháp phía nam còn lại ngày nay là thờ Shiva vì người ta phát hiện khá nhiều biểu tượng sinh thực khí là Linga và Yoni. Mà Linga là vật tổ tượng trưng cho Đấng Shiva – vị thần hủy diệt để sáng tạo ra cái mới trong Ấn giáo.
Có thể nói, ngoài hai ngôi tháp Bình Thạnh và Chót Mạt còn khá nguyên vẹn ( đã được trùng tu) thì hai bên tả hữu ngạn của sông Vàm Cỏ Đông còn khá nhiều di chỉ khác. Từ Phước Chỉ đến Bình Thạnh, từ Gò Soài, gò Miễu Bà, gò chùa Thầy Lưỡng qua gò Cổ Lâm cho đến tận Tân Biên là cả một hệ thống dày đặc các phế tích đền tháp cổ của đất Tây Ninh. Từ các nhà học giả người Pháp của Trường Viễn Đông Bác Cổ xưa kia cho đến Phân Viện Khảo cổ hiện nay đã thống kê trên bốn mươi di chỉ khảo cổ thuộc nền văn hóa Óc Eo muộn có mặt trên mảnh đất này. Điều đó đã chứng minh khu vực trung lưu sông Vàm Cỏ Đông nói riêng và Tây Ninh nói chung đã từng là địa bàn nối tiếp từ văn hóa Đồng Nai của 5000 năm trước cho đến hậu Óc Eo sau này. Và cũng nói thêm và khẳng định rằng, nền văn hoá Óc Eo là nền văn hóa gắn liền với lịch sử phát triển của vương quốc Phù Nam cổ xưa. Vương quốc này đã từng tồn tại từ thế kỷ thứ I cho đến thế kỷ thứ VI – VII trên miền đất Nam bộ. Sau Óc Eo – Phù Nam là cuộc chinh phục của phiên quốc Chân Lạp, tạo ra cuộc chiến tranh kéo dài liên miên và đã làm cho văn hoá Óc Eo bị lụi tàn, cộng với các đợt tấn công của đế quốc phương Bắc vào các nước Đông Nam Á trong thế kỷ 13 đã đưa Nam bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng trở thành hoang hoá, đổ nát. Và mãi cho đến khi những cư dân người Việt đến khẩn hoang vào thế kỷ 17 vùng đất này mới thực sự hồi sinh và phát triển rực rỡ cho đến ngày nay.
ĐÀO THÁI SƠN

VỀ CHÂU THÀNH MÙA NƯỚC NỔI
Châu Thành hiện nay là huyện thuộc phía tây của tỉnh Tây Ninh. Huyện có 14 xã được chia thành hai phần đất xấp xỉ nhau ở hai bờ tả hữu của sông Vàm Cỏ Đông. Chính vì địa thế như vậy, nên vào mùa mưa một phần diện tích đất không nhỏ của Châu Thành bị chìm trong biển nước, cảnh tượng này không khác gì hình ảnh đồng bằng sông Cửu Long mùa nước nổi.
Nếu tính diện tích đất tự nhiên, thì Châu Thành hiện nay có 580,9km2, tức là chỉ bằng một nửa diện tích của huyện Tân Châu cùng tỉnh. Nhưng trong quá khứ thì Châu Thành là vùng đất vô cùng rộng lớn bao quanh trung tâm tỉnh lị, gồm cả Bến Cầu, Hòa Thành, Dương Minh Châu và cả Tân Biên – Tân Châu hiện nay. Trước đây, Châu Thành vốn có tên là quận Thái Bình, từ năm 1942 mới đổi lại là Châu Thành, gồm 7 tổng 33 làng. Sau này vì nhiều lý do khác nhau mới chia cắt lại địa giới hành chính các huyện. Và từ sau 1975, Châu Thành mới ổn định cho tới ngày hôm nay.
Xem trên bản đồ Tây Ninh (TL 1: 70.000), ta thấy Sông Vàm Cỏ Đông chảy dọc từ đầu huyện cho tới cuối huyện. Nếu tính từ ngã ba Vàm Trảng Trâu, sông Vàm vốn đã nhận nước từ hai dòng lớn là Cái Bắc và Cái Cạy đổ vào, rồi tiếp theo lại nhận thêm nước từ rạch Sóc Om, rạch Nàng Dình và rất nhiều con suối khác, cho nên vào mùa mưa dòng chính và các dòng phụ đều phình to ra tạo thành biển nước với một màu lênh láng. Các xã chịu ngập lụt chủ yếu phần nhiều là các xã cặp ven hai bên bờ sông.
Nói cho công bằng thì lũ là hại, nhưng nó cũng có nhiều cái lợi ích nhất định của nó như đem phù sa về cho đồng ruộng, tẩy đi mầm sâu bệnh và đặc biệt là đem về lượng tôm cá rất lớn. Nếu như trước mùa lũ, bà con ở đây chủ yếu trồng lúa, thì chuẩn bị mùa nước nổi về bà con chuyển qua trồng các loại khác như bắp nếp, đậu xanh, dưa leo, cây công nghiệp ngắn ngày và trồng các loại rau nước như nhút, sen, súng, điên điển. Ngoài ra còn kết hợp với nuôi trồng thủy sản như nuôi cá lồng bè, nuôi cá ao hầm, nuôi lươn, nuôi tôm và có thể kết hợp với các dịch vụ du lịch sông nước. Bên cạnh đó nhiều hộ gia đình chuyển từ nghề trồng lúa sang nghề giăng lưới bắt cá, đặt lọp tép, vớt ốc bươu, cua đồng, săn chuột đồng.. gọi chung là các nghề mưu sinh mùa nước nổi.
Nếu ai đã từng đến Châu Thành và đã từng đi thuyền trên sông thì mới cảm nhận được những thôn làng ở hai bên bờ Vảm Cỏ Đông đẹp và thơ mộng đến mức nào. Dọc theo miền đất này có những cái bến sông rất nổi tiếng đã đi vào lịch sử như bến Tầm Long, bến Băng Dung, bến Trường, bến Gò Nổi, bến Lồ Cồ, bến Đồi Thơ…Đứng trên cầu Phước Trung ngắm Vàm Trảng Trâu, nhìn hoàng hôn buông dần bên nước bạn trong lòng khó mà ngăn được nỗi niềm hoài cảm về một cõi biên thùy xưa xa, một cảm giác bồi hồi khó tả.
Châu Thành cũng là huyện có rất nhiều di tích văn hóa như các ngôi chùa Nam tông Khmer ở các xã Ninh Điền, Thành Long và Hòa Thạnh có lối kiến trúc rất đẹp. Ở những ngôi chùa này đều có những nét rất riêng như chùa Svay có khu vườn mộ độc đáo, chùa Phụm Ma có hàng cây xoài cổ thụ rất lớn, che mát tượng Phật nằm sát đường vành đai biên giới, chùa Phước Quang thì mới xây dựng lò thiêu cũng rất hoành tráng để phục vụ cho nghi lễ vòng đời cuối cùng của bà con Khmer.
Nếu men theo đường 786 cặp rạch Tây Ninh ra tới vàm Cái Răng thuộc xã Thanh Điền và chịu khó lùi lại một chút lịch sử mới thấy vùng đất này đã là một trung tâm văn hóa tín ngưỡng từ hơn một ngàn năm trước. Hiện tại trong phạm vi xã Thanh Điền, giới nghiên cứu đã khai quật, phát lộ được tổng cộng 11 di tích đền tháp có niên đại thời văn hóa Hậu Óc Eo. Di tích rõ nét và dễ thấy nhất là khu gò tháp chùa Cổ Lâm gồm nền móng tháp gạch, bàu vuông và khá nhiều tượng thần và các mảnh vỡ của yoni – linga. Một điều đặc biệt là hệ thống di tích khảo cổ ở khu vực này là rất dày, khoảng cách mỗi điểm khai quật cách nhau chừng 500m. Điều đó cho thấy văn hóa Phù Nam đã hiện diện khu vực này là khá sớm và rất có thể đây là một trung tâm tín ngưỡng của người xưa.
Bên cạnh các di tích cổ xưa, về Châu Thành cũng là về với vùng đất có nhiều địa chỉ đỏ như Rừng Cầy Hòa Hội – Căn cứ của bộ đội Sivotha do Ngô Thất Sơn lãnh đạo, di tích Đồng Khởi ở xã Đồng Khởi. Và đặc biệt mới đây Châu Thành đã đón nhận hai di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đó là “Địa điểm thành lập cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh Tây Ninh tại Giồng Nần” và “Địa điểm vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn”. Địa điểm thành lập cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh Tây Ninh tại Giồng Nần được thành lập 3/2/1930, nay thuộc ấp Long Đại, xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành. Hoạt động của cơ sở Đảng Giồng Nần đã làm thức tỉnh tinh thần đấu tranh cách mạng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, từ đó dẫn đến sự ra đời và phát triển của các cơ sở Đảng khắp nơi trong tỉnh sau này. Còn Địa điểm vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn được hình thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là nơi đế quốc Mỹ chọn để xây dựng căn cứ quân sự loại lớn, vừa là hậu cần cho nhiều căn cứ khác như Đồng Pan, Thiện Ngôn, vừa là căn cứ chỉ huy tiền phương nhằm triệt phá căn cứ của cách mạng của ta. Trước mưu đồ của đế quốc Mỹ, cuối năm 1965, Tỉnh ủy Tây Ninh đã chủ trương thành lập thế trận bao vây xung quanh căn cứ Trảng Lớn và tạo thành vành đai diệt Mỹ. Từ tháng 10/1965 đến tháng 4/1972, Đảng Bộ và nhân dân tỉnh Tây Ninh đã lập nhiều chiến công hiển hách, góp phần cùng cách mạng toàn miền Nam làm thất bại hai gọng kìm “Tìm diệt” và “Bình định” của kẻ thù xâm lược.
Về Châu Thành mùa nước nổi mới cảm nhận và thấu hiểu được cuộc sống của người dân ở nơi đây. Đó là những sinh phận sống lênh đênh trên những chiếc xuồng nhỏ bé, những ngôi nhà chìm phân nửa ven sông, nhưng từ bao đời nay họ vẫn bám đất bám làng, tùy theo từng mùa nắng mưa mà bươn trải. Trong chiến tranh, họ không ngại gian khổ hi sinh tiền của lẫn sinh mạng của mình để bảo vệ Tổ quốc. Trong hòa bình họ là những nông dân chân lấm tay bùn, lam lũ và rất đỗi hiền lành như nhành hoa ngọn cỏ. Có về Châu Thành mùa nước nổi mới cảm nhận được bao nỗi yêu thương.
ĐÀO THÁI SƠN
Báo Giác Ngộ – Số 1273
Tạp bút: TUỔI THƠ ĐI HÁI MĂNG RỪNG
Ngày nay nếu nhìn dòng Tha La đổ từ thượng nguồn nước bạn Camphuchia về hướng Lòng Hồ thì chỉ thấy một màu nước bạc mênh mông như dòng sữa của bà mẹ đất. Nhưng xưa kia, hai bên bờ suối này là rừng rậm, tre gai mọc rất nhiều không kể xiết, rừng tre gai đan thành một thảm thực vật xanh đến ngút ngàn. Mùa mưa đến cơ man nào là măng mọc. Và cũng là mùa của bọn trẻ chúng tôi đi hái măng, đó cũng là một thời hồn nhiên đến bay bổng và đáng nhớ.
Đi học về, ăn vội ba miếng cơm hay khoai mì luộc gì đó là chuẩn bị khăn gói lên đường. Thằng Quý sau nhà gọi inh ỏi. Nhà nó có đôi trâu, sáng ba nó đi cày, chiều nó có nhiệm vụ thả xuống suối cho ăn cỏ. Quý da đen như cục than hầm nên tôi gọi nó là Quý Mun, nhưng nó rất thương bạn. Ngày nào cũng vậy, nó rủ tôi cùng nó đi chăn trâu và bẻ măng tre. Mới đầu tôi rất sợ trâu, không dám lại gần, nhưng Quý nó tập cho tôi từ từ. Thằng bạn này hay lắm, nó cưỡi con trâu dữ, nó chỉ cần vỗ vỗ vào đầu là con trâu tự quỳ chân trước xuống, nó bước lên giữa hai sừng rồi nhảy tót lên lưng trâu gọn như một tay làm xiếc vậy. Còn tôi phải leo từ nhượng chân sau con trâu hiền, nắm đuôi rồi khó khăn lắm mới leo lên được lưng. Ấy vậy từ từ rồi cũng thành thạo. Mới đầu ngồi trên lưng trâu da nó trơn trơn sợ té, nhưng dần quen rồi thì cũng như ngồi trên ghế.
Ngày nào tôi và Quý cũng vác theo một cái bồng, một cái liềm có cán dài và chục cần câu cắm. Cưỡi trâu đến bờ suối, thằng Quý không hề cột trâu, mà nó nói nói cái gì đó vào tai hai con trâu rồi thả cho đi ăn lang thang, nhưng chiều là tự động về lại chỗ cũ để chủ nó cưỡi về. Thật là tài, tôi thường hay chọc thằng Quý: “Mày thành mục đồng ba đời hồi nào vậy Quý ? Mày nói trâu nghe là thành mục đồng rồi đó, mà thằng nào đắc quả mục đồng cũng khùng khùng hết nghen…”. Thế là thằng Quý cười nắc nẻ vô tư…Hồi ấy suối Tha La nhiều cá lắm, tôi và Quý xua các đám cỏ bắt vài chục con cào cào nhỏ làm mồi cắm câu. Chiều nhổ câu về thế nào cũng được một mớ cá, chia nhau về kho ăn cơm. Cắm câu xong, hai chúng tôi bắt đầu đi bẻ măng. Nói thì nghe dễ, chứ lấy được măng tre gai không hề dễ đâu. Bụi tre gai nào cũng phủ đầy nhánh gai, đầu tiên phải dùng liềm cắt thành một cái lỗ để chui vô tận gốc, rồi mới dùng liềm cắt măng. Măng tre gai cơ bản có hai loại là măng ống và măng nanh. Măng ống rất to và chui thẳng lên từ lòng đất, khoác chiếc áo lông nhung nâu nhìn rất đẹp. Còn măng nanh là xỉa ra từ phần thân gốc tre, nhìn y chang như một cái răng nanh heo màu xanh vậy. Bẻ măng nanh thì rất dễ vì nó thường mọc ở ngoài rìa, còn măng ống thường mọc giữa bụi tre, có khi không đưa liềm vào cắt được, mà phải leo lên thân tre rồi chui vào giữa bụi mới lấy được nó, rất cực. Nhưng đi lấy măng tre không sợ cực mà sợ bị gai đâm, gai quào. Gai tre gai rất độc, bị nó đâm vào chân rất đau nhức. Vấn đề này nghe ông bà xưa kể lại câu chuyện rất thú vị: “Ngày xưa ở vùng đất nọ có một vị sư từ nơi xa đến, dựng chùa tu hành phụng sự Phật pháp. Chùa dựng trên một giồng đất cao ráo, có rất nhiều tre trúc mọc quanh. Ngày đêm nhà sư tụng kinh gõ mõ. Giáo lý nhiệm mầu đã thu phục được cả các loài vật, trong đó có rắn. Những con hổ mây to cỡ khạp da bò, hổ đất nhỏ cỡ cườm tay, thân mình đen màu của đất, rắn lục toàn một màu xanh lá cây, đến chùa tu. Rồi một ngày kia, giữa các loài rắn đã xảy ra chuyện. Rắn hổ đất tranh ăn với rắn lục, chúng phun mang, trợn mắt làm náo loạn cả vùng. Chẳng những muông thú mà đến con người cũng bị đe doạ, vạ lây. Nhà sư trụ trì tay nâng tràng hạt mà bảo rằng: Đây là nơi từ bỏ dục vọng. Tránh sát sanh, tại sao các ngươi núp bóng áo nâu sồng lại còn phạm giới. Nói xong, nhà sư dùng trượng đuổi chúng khỏi chùa. Rắn hổ đất biết lỗi bò ra bụi tre gần đấy khạc bỏ nọc độc rồi trườn xuống nước, biến thành loài rắn hiền lành, mà dân gian gọi là Rắn Nước. Rắn lục cũng ra bụi tre những chỉ sống quanh quẩn trên nhánh, trên đọt, nhất quyết không xuống đất, bởi ở đấy đã có rắn hổ rồi. Riêng bụi tre, từ khi xảy ra chuyện ấy, gai nó dường như nhọn hơn, và ai đó lỡ dẫm phải thì rất đau nhức, vết thương sưng tẩy, người ta cho là rắn hổ đã bỏ nọc vào đó”. Câu chuyện kể rất nhân văn, con người cũng vậy, chỉ khi nào xả bỏ hết tham dục xấu ác trong lòng thì mới thật sự sống tốt, sống có ý nghĩa với bản chất lương thiện của chính mình… Bọn tôi chui hết bụi này đến bụi khác kiếm măng cho đến khi nặng bồng mới thôi.
Hái măng đầy, tôi và thằng Quý ra bờ suối lột vỏ măng rửa sạch đất cát rồi cho lại vào bồng. Xong xuôi đâu đó hai chúng tôi nhảy ùm xuống suối bơi lội tắm mát thỏa thích. Bóng chiều ngả dần về tây, tôi và Quý ngồi dựa vào gốc cây trâm đợi trâu về. Những chú chim gõ kiến vẫn kiên trì gõ đều nhịp cộc cộc vào các thân tre khô nghe như có một ngôi chùa tụng kinh đâu đó vậy. Tiếng gió đưa xa đưa gần, hai chúng tôi ngồi ngắm những đàn chim le le bay về trong cái nắng chiều, chúng sà xuống những cái bàu gần đó trông rất đẹp “ Chim bay về núi tối rồi / Chị em toan liệu lấy nồi nấu cơm”. Lòng tôi chợt bâng khuâng, không biết cái cảnh thần tiên này sẽ còn ở bên mình được bao nhiêu lâu nữa. Cái ý nghĩ của trẻ thơ thoáng đến rồi cũng vội đi…giờ nhớ lại thấy tiếc lắm, nhưng đã quá xa xăm rồi…
Bóng hoàng hôn dần xuống, bờ suối mang cái vẻ quạnh hiu như chuẩn bị bước vào chiều đêm cô tịch. Tôi và Quý nhổ câu vác măng và cá rồi cưỡi trâu về. Hai con trâu ngoan của Quý ăn no cỏ, nó bước đi chậm rãi cà rịch cà tang, cái chuông cổ lắc lư kêu toong toong hòa điệu cùng ngày sắp hết nghe thật là vui tai…Nhà Quý tương đối khá, nên Quý để măng nhà ăn không bán. Còn tôi thì khác, về đến nhà đưa cá cho má tôi làm rồi kho, còn mình thì lấy củi đốt bếp, lấy nồi luộc măng, rồi ngâm nước để sáng mai đem chợ bán, kiếm được đồng nào hay đồng đó. Ở đời mà, làm gì cũng có mánh khóe của nó. Thằng Quý nói với tôi, măng mày đi bán thì cần gì mày phải gọt cho hết khúc măng già ! Mày luộc xong bỏ tí bột nghệ vô thì non già gì giống hệt, tao thấy nhiều người làm vậy đó. Tôi nghe có lý nên định làm vậy để bán cho nhiều cho nặng cân. Nhưng khi Quý về rồi bà Nội tôi mới nói: “con à, cái gì mình ăn được thì mới bán cho người ta ăn được, măng già mà đem trà trộn vô bán vậy là có tội lắm, ở đời mà cứ sống gian lận riết thành thói quen, sau này con lớn con sẽ không thành người tốt được”. Tôi nghe lời nội. Hơn ba mươi năm rồi, nội tôi đã là người thiên cổ, nhưng lời nội dạy tôi vẫn ghi khắc trong lòng. Sống giả dối thì chỉ gặp toàn giả dối mà thôi.
Tuổi thơ giờ thực sự quá xa xôi, những kỷ niệm ngày xưa cứ sống dậy trông tôi mỗi khi mùa mưa đến. Quý giờ bận rộn đi làm ăn tận xứ Sài Gòn, ít khi bạn bè gặp lại. Chuyện đi chăn trân bẻ măng câu cá nhưng một giấc chiêm bao hòa vào dòng thời gian trôi biệt. Hai bên bờ suối Tha La cây, tre gai bị con người tận diệt. Dòng nước chảy xuôi lắm khi cũng mang một nỗi u buồn về thân thể mình trong quá khứ. Còn tôi, tôi yêu mảnh đất này, nó đã gắn với biết bao buồn vui mà năm tháng tuổi thơ tôi đã trải qua. Suối Tha La vẫn còn đó, bạn xưa đã đi xa, tuổi trẻ không còn…Giờ đây chỉ còn trang kỷ niệm ướt mờ trong những đêm mưa.
ĐÀO THÁI SƠN

Đào Thái Sơn
Yêu thích · 3 ngày ·
Loại gạo này của người Khmer trồng và gọi là Ongkor smách – អង្ករស្មាច់. Rất có thể địa danh Lò Gò Xa Mát là để chỉ nơi trồng loại lúa gạo này của người Khmer làng Tà Nốt xưa.

Đào Thái Sơn
Yêu thích · 4 ngày ·
Kà Tum là tên xã từ năm 1972. Sau 1975 đổi là Tân Đông. Hiện nay còn Khẩu Kà Tum, Đồn biên phòng Kà Tum, cầu Kà Tum. Xã Kà Tum xưa gồm 16 phum sóc Khmer, trong đó Phum Kà Tum ở vị trí trung tâm xã hiện nay. Nền chùa Kà Tum cũ hiện còn ở ấp Đông Thành, chùa bị bom sập năm 1967. Địa danh Kà Tum xuất phát từ mộc danh – Khtum / Ktum/ Kà tum – ខ្ទម្ព – là một loại cây thân gỗ mọc ở vùng đất thấp, có hoa vàng hình cầu, người Khmer lấy làm thuốc giảm đau, người Việt gọi là cây gáo trắng.

Đào Thái Sơn
Yêu thích · 6 ngày ·
Bạn nào cần thì cứ lấy nha.
BÀ ĐEN – TỪ TÊN NÚI ĐẾN TÊN THẦN
Trong những năm gần đây, có rất nhiều nhà nghiên cứu quan tân tâm đến văn hóa Tây Ninh, trong đó có núi Bà Đen. Vấn đề đặt ra có hai khía cạnh là tên núi và tên thần có đồng nhất hay không? Vì lâu nay chưa thấy tài liệu nào phân biệt giải thích một cách rõ ràng. Trong bài viết ngắn này, chúng tôi xin mạn phép trình bày vài ý như sau.
Vấn đề tên núi Bà Đen, có khá nhiều tài liệu ghi chép, về mặt văn tự tuy có chỗ còn chưa thống nhất, nhưng độ lệch không cao. Có thể dẫn ra vài tài liệu tiêu biểu như sau. Theo sách Hoàng Việt thống nhất dư địa chí của Lê Quang Định thì gọi núi này là Mụ Đen, cụ thể : “ …Lại đi 520 tầm đến Thủ sở đạo Quang Hóa; lệ đặt ở đây một thuyền tinh binh và ba đội thuộc binh, có đồn Lộ Cô thu thuế đầu nguồn. Lại đi 5300 tầm đến rạch Khe Răng. Từ cửa rạch này mà đi 13200 tầm đến Thủ sở đạo Thuận Thành; lệ đặt ở thủ này một đội thuộc binh. Từ đó cho đến cuối là giáp với suối Vàng Chanh ở Mụ Đen. 19740 tầm thì đến Thủ sở đạo Quang Phong…” (sđd, trang 123-124, NXN Thế giới 2021; Phan Đăng dịch). Trong đoạn này, có lẽ Phan Đăng dịch chưa thật sát nghĩa, vì không có địa danh “suối Vàng Chanh” mà chỉ có “suối Vàng / suối Vàng Cạn” mà thôi. Còn “chanh” là một âm khác của “Chơn/ Chiêng” trong “ Chơn Bà Đen / Đinh/ Đênh”.
Theo Gia Định thành thông chí thì Trịnh Hoài Đức gọi là Bà Đinh: “Bà Đinh Sơn (núi Bà Đinh) (Bà Đen – Điện Bà). Cả trấn đều kính ngưỡng, ở cách trấn về phía tây 261 dặm rưỡi. Núi này đất đá lởm chởm cao, cây cối xanh tốt, có suối nước ngọt, đất đai màu mỡ, trên có chùa Vân Sơn, dưới có chằm hồ, cảnh trí thực là u nhã, rừng rú, hang hố sâu thẳm, có thôn xóm của người Thổ và người Việt ở la liệt, nhân dân đều nhờ món lợi của núi rừng. Ở đây, người ta thường đào được các vật xưa bằng vàng ngọc, tương truyền có khi trông thấy cả chiêng vàng ở trong hồ, cũng giống như việc cái khánh nổi ở bến sông Tứ hay chuông tìm được ở sông Trường Giang vậy, nhưng đến gần thì biến mất. Có đêm trời quang mây tạnh lại thấy có thuyền rồng bềnh bồng, hát múa du dương, hoặc có khi thấy con rùa vàng lớn hơn 1 trượng, ẩn hiện bất thường, là do linh khí tụ lại, chứ không phải việc quái đản” (sđd, trang 41, NXB Tổng hợp Đồng Nai 2006; Lý Việt Dũng dịch và chú giải, TS Huỳnh Văn Tới hiệu đính và giới thiệu). Cũng ở trang này, phần chú thích (1) có ghi: “Núi Bà Đinh tức núi Bà Đen cũng gọi là Chơn Bà Đen hay Chiêng Bà Đen. Di cảo của Trương Vĩnh Ký gọi theo tên cũ của Khơ Me là Phnom Cơn Bà Đèn. Người dân địa phương cũng như khách hành hương đều thành kính gọi kiêng húy là núi Bà Thâm”. Sau Gia Định thành thông chí, sách Đại Nam nhất thống chí có chép thêm “ Núi Linh Sơn: …Núi này có một tên nữa, gọi là núi Điện Bà. Năm Tự Đức thứ ba (1850), đổi tên là Linh Sơn, có ghi vào Tự điển” (sđd, trang 1675, tập 2, NXB Lao động – Trung tâm văn hóa Đông Tây 2012, Hoàng Văn Lâu dịch).
Trên là cách ghi tên núi của các bộ sách dư địa chí, lịch sử xưa và phổ biến nhất. Về mặt từ điển thì Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của có chép: “Núi Chiêng Bà Đen. Tên núi ở phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định, trên có chùa thờ bà thần tên là Đen” (sđd, trang 19, Q1 – 1895). Ở mục từ này Huỳnh Tịnh Của đã đồng nhất “Đen” trong tên núi và chữ “Đen” trong tên thần là một. Trong sách Tự vị tiếng nói Miền Nam của học giả Vương Hồng Sển cũng có ghi: “Bà Đinh Sơn: đd, tên Hán của núi Bà Đinh (PCGBCTTVK). (Chữ “đinh” viết thay chữ “đen”. Đúng ra là núi Bà Đen, ở Tây Ninh, Cơ Me gọi là Pnom Yeay Khmau (Khmau là đen). Vì có công nên vua Gia Long phong “ Linh Sơn Thánh Mẫu” ( sđd, trang 52, NXB Trẻ Thành phố HCM 1999).
Và cũng trong sách này, ở trang 447, mục từ “ Núi Bà Đinh” cụ Vương Hồng Sển ghi chi tiết hơn: “Núi Bà Đinh: đd., núi Bà Đen, Linh Sơn Thánh Mẫu ở Tây Ninh, c.g. Chiêng Bà Đen (PCGBCTVK). (Viết bà đinh mà đọc Bà Đen, theo tôi, vì e hiểu lầm và đổi ra Hán Tự thành Hắc Sơn. Người Cơ me gọi bà này là “yéay khmau” (yéay: mụ, lão bà; khmau: đen. Tỷ dụ: Tưk khmau: Cà Mau: xứ nước thâm đen). Tương truyền bà là một nữ thần gốc người Thổ (Chàm hay Miên) vì có công trợ giúp chúa Nguyễn buổi mông trần, nên khi tức vị rồi thì phong bà là “Linh Sơn Thánh Mẫu”, và vì chữ “linh” và chữ “vân” gần giống nhau, nhứt là tôi ghi (sic) bản gỗ bên Trung Quốc khắc đem về, đã lầm lạc rồi, nên ông Aubaret và ông Nguyễn Tạo đều dịch “Vân Sơn” (GĐTTC, tập 1, tr.37, chùa Vân Sơn)…( xin không chép đoạn Pháp văn vào đây – ĐTS)…Núi Bà Đinh: đd. Th. Tây Ninh; Bà Đinh Sơn (PCGBCTVK). Cũng gọi là Chơn Bà Đen hay Chiêng Bà Đen. Aubaret v. Ba Din. Cơ Me: Phnom con bà đèn (di cảo TVK tr. Le Cisbassac). Chiêng do choeung, choeung phnom là chưn núi, vì kiêng không ở trên núi, chỉ ở dưới chân núi. Bà Đinh, không nói Bà Đen, vì sợ dịch “đen” ra “hắc”. Đỉnh chót núi, Cơ Me gọi là kompul choeung. Miên gọi Phật Bà Tây Ninh là “yeay khmau”. Gia Long phong bà là “Linh Sơn Thánh Mẫu”, Nguyễn Tạo đọc lầm “Linh” ra “Vân” và dịch Vân Sơn là không đúng. Chữ “Chiêng” thường thấy trong địa danh Miên. “Chiêng” cũng viết và là biến thể chữ “Châng”. Châng kran: fourneau, foyer portative, đúng là “chưn cà ràng”. Cà ràng là lò miên làm bằng đất nung để chụm củi, ngày xưa bày bán ở Cái Răng, gần Cần Thơ, rồi thành địa danh luôn. Cái Răng là kran, chớ không phải “chợ của chú cai tên Răng?” (trang 447 – 448).
Qua đoạn văn trên của cụ Sển, chúng tôi xin mạo muội xin nói thêm rằng người Khmer không gọi “đỉnh chót núi” là “kompul choeng”. Bởi vì [kompul – កំពូល] nghĩa là “đỉnh” còn [chơn – ជើង] nghĩa là “chân”, hai từ này ghép lại không bao giờ có nghĩa là “đỉnh chót núi” như trên đã nêu cả. Bên cạnh đó âm “châng” trong danh từ [châng kran – ចង្ក្រាន] cũng hoàn toàn khác với [chơn / chân – ជើង].
Trở lại vấn đề tên núi, ta thấy núi Bà Đen (hiện nay) đã từng có nhiều tên gọi khác nhau như đã ghi nhận ở trên. Bên cạnh đó là những tên gọi khác trong dân gian nay ít dùng như núi Một, Phnom keo ondek, núi Chiêng…Có thể nói, tùy theo giai đoạn và tâm lý của bộ phận cư dân mà họ chọn cách gọi tên núi sao cho phù hợp. Nhưng độ bền vững nhất cho đến nay vẫn là tên núi Bà Đen. Vậy Bà Đen ở đây (ở khía cạnh tên núi) có nghĩa là gì ? Xin trở lại ở chỗ Trương Vĩnh Ký được các học giả tiền bối dẫn vào “theo tên cũ của Khơ Me là Phnom Cơn Bà Đèn”(Phnom chơn Bà Đen). Thực ra người Khmer không ai gọi là “Phnom chơn Bà Đen” cả. Vì cách gọi “nửa nạc nửa mỡ” này người Khmer bản địa xưa không dùng, mà cái họ vẫn còn gọi một cách thường xuyên từ bao đời nay là [Phnom Chơn Mê đeng – ភ្នំជើងមេដែង]. Trong đó, [Phnom ភ្នំ ] là núi; [chơn – ជើង] là chân; [Mê đeng -មេដែង] là nhóm người phụ nữ. Vậy “Phnom Chơn Mê đeng” là núi có (dấu) chân của nhóm người phụ nữ. Nhưng trong quá trình Việt hóa, từ “Mê đeng” lại được dịch thành Bà Đen, trong đó yếu tố “Mê” được chuyển thành “Bà” và yếu tố “đeng” (vốn không có nghĩa độc lập) được giữ khá nguyên vẹn thành “Đen”, về sau nhiều người cho đó là tên riêng của “Bà” rồi đọc thành “Đen / Đênh/ Đinh” như thường thấy ở nhiều tài liệu hữu quan.
Và cũng xin nói thêm rằng sở dĩ người Khmer bản địa xưa gọi núi là “Phnom Chơn Mê đeng” là có liên quan mật thiết với truyền thuyết thi đắp núi của hai phe nam và nữ, phe nào thua thì phải đi cưới bên kia. Truyền thuyết này vẫn còn được bà con Khmer nằm lòng: “Chuyện kể rằng xưa có một vị Nữ Vương nối nghiệp cha cầm quyền thiên hạ. Nữ Vương xinh đẹp tuyệt trần, khắp cả nước không nơi nào sánh kịp. Nàng tên là Srey Actya, lên ngôi báu năm vừa hai mươi tuổi. Lúc ấy, oai thế Nữ Vương vang dậy khắp nơi. Đáng lẽ Actya sung sướng với địa vị mình lắm, nhưng trái lại nàng có một điều thắc mắc khó giải quyết được dễ dàng. Ấy là vấn đề hôn nhân của nàng. Theo tục lệ người con trai phải đi dạm hỏi và xin cưới cố gái, vì trước uy lực của nhà vua nên không ai dám ngỏ ý cầu hôn…Actya chờ lâu quá không thấy người nào đến hỏi, bèn tự ý quyết định tìm một người chồng. Sau một thời gian lựa chọn, nàng cưới một chàng trai trẻ trong dân gian và sống êm đềm đến mãn đời…Hành động đột ngột của Srey Actya thành một tục lệ trong thời ấy. Phụ nữ phải đi cưới chồng như người đàn ông đã cưới với ngày trước. Sauk hi nữ vương Actya băng hà, đại đa sô phụ nữ không bằng long giữ thủ tục trái ngược ấy. Họ hội nhau lại bàn cãi và đề cử một bà lanh lợi nhất đứng lê hô hào: “ Vì tôn kính Đức Vua nên chúng ta đã vâng theo tục lệ Ngài ban bố mấy mươi năm nay. Bây giờ Nữ-vương đã về Trời chủng ta xét rằng việc làm ấy không thuận theo định luật của Hóa Công, nên phải tìm cách hủy bỏ nó. Không có gì nhục nhã cho phái phụ nữ chúng ta là phải đi cưới đàn ông, và cung phụng đám người lưng lớn và làm biếng. Chúng ta nhất định phản đối đến cùng. Chị em có bằng lòng không ?”. Tất cả đàn bà, con gái có một điều giơ tay hưởng ứng. Bà ấy tiếp: “Tôi đưa ra một kế hoạch, chúng ta đố bọn đàn ông thi tài với chúng ta bằng cách đua nhau đắp hai hòn núi trong một đêm. Chúng ta gọi người của phái yếu, còn bọn họ gọi hết người của phái mạnh, bắt đầu từ mặt trời lặn cho đến lúc sao mai mọc thì tính ăn thua. Nếu chúng ta đắp núi cao hơn họ thì kể từ đây về sau bọn đàn ông phải cưới hỏi chúng ta. Trái lại, nếu họ đắp núi cao hơn ta thì ta phải cưới họ như cũ. Ngoài ra kế này có chị em nào biết cách khác xin cứ trình bày để chúng ta lựa chọn. Không người nào nghĩ ra mưu gì hay hơn liền chấp thuận chước ấy. Lập tức phái yếu cử người đến thách bọn đàn ông. Phái mạnh không chịu thua, bằng lòng thi tài ngay buổi chiều hôm sau. Hai bên qui tụ nhân viên đầy đủ rồi, chờ mặt trời lặn thì bắt đầu đắp núi. Mọi người hăng hái gánh đất, khiêng đá, hì hục trong đêm tối không trăng sao. Đến nửa đêm, hai bên đã đắp được hai ngọn đồi. Bên phe đàn bà có người nghĩ ra một chước nhiệm mầu, bí mật chặt một cây tre thật cao, tước bỏ nhánh lá, đem trồng cách đó một khoảng xa. Trên ngọn tre, người ấy treo một ngọn đèn, rồi lẳng lặng trở về gánh đất như cũ. Bọn đàn ông đang chăm chỉ làm việc bỗng thấy ánh sáng leo lét đàng xa tưởng rằng Sao Mai đã mọc bèn gọi nhau về ngủ chờ sáng sớm sẽ ra đo núi mình với núi của phe đàn bà. Phải yếu thấy mình đắc kế, hăng hái làm việc bằng hai. Gà gáy sáng, bọn đàn ông thức dậy thấy Sao Mai mọc nữa ! Họ lấy làm lạ không hiểu tại sao trong một đêm mà vì tinh tú ấy mọc đến hai lần, bèn chạy ra xem. Khi thấy ngọn núi của họ thấp hơn núi của phe đàn bà và cây đèn treo lủng lẳng trên ngọn tre, họ mới bật ngửa ra mắng thầm mình là đồ ngu và làm biếng. Phe đàn bà gạt được đối phương, cố ý để cây đèn cho bọn đàn ông biết sự khờ dại của mình vừa cười vào mũi họ. Thua cuộc, đàn ông phải vâng theo đề nghị của phái yếu bãi bỏ tục lệ chờ đàn bà đến cưới mình. Từ đó đến bây giờ đàn ông Khmer phải đi hỏi cưới đàn bà mới được vợ. Hai ngọn đồi nhân tạo ấy vẫn còn ở làng Anpin, quận Brey Chor, tỉnh Kompong Cham. Ngọn đồi cao tên là Phnom Srey nghĩa là núi đàn bà, ngọn đồi thấp tên Phnom Prok nghĩa là núi đàn ông. (theo Truyện cổ Cao Miên của Lê Hương, trang 116-119, tập 1, Khai Trí 1969). Từ câu chuyện này, về sau trở thành một mô típ. Người Khmer Tây Ninh có chuyện Núi Bà – Núi Cậu cũng cùng mô típ này.
Bên cạnh tên núi là “Phnom chơn Bà Đen”, thì tên nữ thần được thờ trên núi cũng gọi là “Bà Đen”. Nhưng “Bà Đen” tên thần là được dịch thẳng từ [Yeay Khmau – យាយខ្មៅ], trong đó [ Yeay – យាយ – Bà], [Khmau – ខ្មៅ – Đen ( màu sắc)], đúng như Vương Hồng Sển đã ghi nhận. Đối với tên nữ thần này người Khmer còn có cách gọi khác mang tính nhẹ nhàng hơn là [Đôn mao – ដូនម៉ៅ] hoặc [Niêng Khmau – នាងខ្មៅ]. Vậy [Yeay Khmau – Đôn Mao – Bà Đen] là ai ?
Trong sách Người Việt gốc Miên – 1969 của Lê Hương, ở trang 36, có chép: “Néang Khmau, gọi là Bà Đen, vốn là nữ thần Kali là một vị nữ thần coi sóc một vùng và được sung bái như Ông Tà. Người Việt quen gọi là Bà Chao”. Cùng với quan điểm cho rằng Bà Đen có nguồn gốc từ nữ thần Kali, sách Đình Nam Bộ xưa & nay của hai tác giả Huỳnh Ngọc Trảng – Trương Ngọc Tường có chép: “Linh Sơn Thánh Mẫu là nữ thần núi Bà Đen (Tây Ninh). Đây là một dạng tín ngưỡng có nguồn gốc đa tạp: Dây Khamau (Bà Đen) của người Khmer (một biến dạng của nữ thần Kali/ Bà la môn giáo)…” (sđd, trang 137, NXB Văn hóa –Văn nghệ – 2018).
Về cá nhân chúng tôi xét thấy nếu cho rằng Bà Đen (Yeay Khmau) có nguồn gốc từ nữ thần Kali là chưa thật hợp lý! Trong Từ điển tôn giáo của Marguerite – Marie Thiollier có chép cụ thể về nữ thần Kali như sau: “Trong Ấn Độ giáo, “Mẹ” (nữ thần đen). Ngài là Devi, sức mạnh của sự sống, nữ thần Phồn thực lớn, đồng thời là nữ thần chết và Hủy diệt; ngài cũng là Durga , người sánh đôi với Shiva. Có nguồn gốc bí hiểm từ trong những sự thờ cúng rất cổ không phải của người aryen, ngài được biểu hiện dưới một vẻ quái đản với làn da đen, mắt đầy máu đỏ ngầu, lưỡi lè ra, răng nhọn hoắt, lòng bàn tay đỏ hoét, vai chảy máu, mang một chiếc vòng xâu những hộp sọ, với những thi hài móc trên tại, những vòng hoa đầy rắn chung quanh hai cánh tay và nhảy múa trên một thi hài. Ngài tượng trưng cho tất cả những đau khổ của con người. Đền thờ ngài nổi tiếng nhất là đền thờ Kalighat (Calcutta, thành phố Kali). Ngài được rất nhiều người sùng kính, họ hiến cho ngài những con dê bị chặt đầu bằng một nhát kiếm, chủ yếu là vào những ngày lễ lớn Kali- Puja, hay Durga-Puja, diễn ra trong những ngày u ám tháng mười một. Ngài cũng có những phép thần bí lớn, như Ramakrishna” (sđd, trang 356, NXB Khoa học xã hội – 2001, Lê Diên dịch). Rõ là Yeay Khmau – Bà Đen trong văn hóa Khmer không có nét chức năng nào giống nữ thần Kali cả, ngoài yếu tố “Đen” !
Theo chúng tôi Yeay Khmau – Bà Đen có nguồn gốc từ Tara thì hợp lý hơn. Và gần đây vào năm 2020, tại Lễ kỷ niệm 20 năm Hội KHLS Đồng Tháp, chúng tôi có buổi trao đổi lại với nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường về nguồn gốc Bà Đen, và chính ông cũng khẳng định đó chính là Tara được Khmer hóa. Theo Từ điển Tôn giáo của Marguerite Marie Thiollier cho biết “Tara – Nữ thần trong Phật giáo Mật tông. Ở Tây Tạng, các Tara là những thần linh hai mặt, khi thì kinh khủng và tàn bạo (mang màu vàng hay lam), khi thì dịu dàng và thông cảm (mang màu lục hay trắng). Trong trường hợp sau, họ được coi là những hóa thân của Avalokiteqvara và thể hiện hai người vợ Trung Quốc và Nepal của vua Srong Tsa Gam Po, ông được hai bà vợ cải đạo sang Phật giáo” (sđd, trang 604, NXB Khoa học xã hội 2001, Lê Diên dịch).
Cũng xin nói thêm, trước khi đón nhận Phật giáo, người Khmer đã có một thời gian rất dài chịu ảnh hưởng Bà la môn giáo. Và về sau này trong Phật giáo Nam tông Khmer cũng còn tích hợp khá nhiều các vị thần của Bà la môn giáo. Cho nên việc Khmer hóa Tara cũng là chuyện rất bình thường. Theo Phật giáo Tây Tạng cũng như quan niệm của người Khmer, Tara còn có nghĩa là “ngôi sao”, là ánh sáng soi đường cho những người bị lạc đường, là hiện thân của năng lượng ánh sáng. Thần Tara là người mẹ giàu lòng thương yêu và cũng là người bảo vệ mạnh mẽ, kiên cường, chinh phục những khó khăn. Ánh sáng của thần sáng như ánh chớp khiến cho quỷ thần cũng phải kinh sợ. Trong vô số màu sắc hình tướng thì Tara Xanh và Tara Trắng là quyền năng hơn cả. Và người Khmer đã Khmer hóa Tara Xanh thành Yeay Khmau, Tara Trắng Thành Mê So. Đó chính là Bà Đen và Bà Trắng vẫn được tôn thờ ngày nay.
Nói tóm lại, tới thời điểm này, theo những gì chúng tôi tìm hiểu được qua tư liệu và điền dã thực tế từ bà con Khmer, thì “Bà Đen” từ tên núi đến tên thần là một sự trùng hợp lý thú. Một, từ “Phnom Chơn Mê đeng” và một, từ “Yeay Khmau”. Và tạm cho rằng đó là trường hợp cùng âm nhưng không cùng nghĩa vậy.
ĐÀO THÁI SƠN
Bà Lý Thị Thiên Hương là lớp sương mù sau này phủ lên Bà Đen của người Khmer (Tây Ninh) trước đó mà thôi. Đem hai vị này đồng nhất thành một thì rõ là sai lầm gốc tích văn hóa tín ngưỡng. Người viết ở Tây Ninh đi theo lối mòn pha tạp này khá nhiều.
