Trần Thượng Xuyên người lập phố chợ Sài Gòn.

“Đền Trần Tướng Quân, ở thôn Tòng Chánh, huyện Bình Dương. Tướng quân họ Trần tên là Thượng Xuyên, người tỉnh Quảng Đông. Làm tổng binh triều Minh. Khi nhà Minh mất nước, tướng quân không thần phục nhà Thanh, bèn theo về bản triều, có công đánh dẹp Cao Mên, lại dựng phố chợ ở Sài Gòn, chiêu tập khách buôn bán, sau người ta nhớ công đức, dựng đền thờ. Các đời Minh Mạng, Thiệu Trị đều phong tặng làm Thượng đẳng thần, nay xã dân phụng thờ, đèn hương không từng gián đoạn.”

Trích: Đại nam nhất thống chí tập 5 (Quốc sử quán triều Nguyễn 1865 ~ 1883) phần tỉnh Gia Định, mục đền miếu.

Nguồn: Lê Ngọc Quốc 

https://www.facebook.com/lengocquoc.hungle/posts/pfbid0e1acHhnDBfmZXPdbUj2xxtiY6H33dyXt1Sc6ZB2dmEtMS3WHyQvuDiLpKxiQtgCHl

Cá Vàng

CHỢ SÀI GÒN

– Trong Đại Nam nhất thống chí (tỉnh Gia Định), Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính (Nxb Thuận Hoá, Huế, 2006), mục “Chợ và quán” có đoạn sau đây:

“Chợ Sài Gòn [Tức Chợ Lớn ngày nay]: ở cách huyện Bình Dương 12 dặm. Chợ họp ngay ở hai bên đường quan, đó là đường phố lớn…” (tr.267).

Và trong mục Đền miếu có đoạn sau đây:

“Đền Trần tướng quân: ở thôn Tùng Chính huyện Bình Dương (…) Tướng quân họ Trần tên là Thượng Xuyên (…) có công đánh dẹp Cao Mên, lại dựng phố chợ ở Sài Gòn [Tức Chợ Lớn], chiêu tập khách buôn bán…” (tr.274)

NHẬN XÉT:

– Trong Đại Nam nhất thống chí (tỉnh Gia Định), Tu Trai Nguyễn Tạo dịch (Nha Văn hoá Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, 1959), mục “Thị điếm 市店 (Chợ quán)” có đoạn sau đây:

“Sài-côn thị 柴焜市 (chợ Sài-gòn) – Cách huyện Bình-dương 12 dặm, ở phía tả và phía hữu đường quan lộ. Nơi chợ có đường thông ra tứ phía…” (tr.74)

Và trong mục “Từ miếu 祠廟” có đoạn sau đây:

“Trần tướng quân từ 陳將君祠 Ở địa phận thôn Tùng Chính huyện Bình Dương. Tướng quân họ Trần 陳 tên là Thượng Xuyên 上川 (…) đánh Cao Man có công, lại lập chợ phố ở Sàigòn chiêu tụ thương khách…” (tr.79)

Như vậy, đối ứng với lời dịch “Sài Gòn” và “chợ Sài Gòn” trong bản chữ Hán chép là “柴焜” (Sài Côn) và “柴焜市” (Sài Côn thị).

NGHI VẤN:

Vì không có bản chữ Hán nên tôi không biết nguyên văn chép như thế nào mà Tu Trai Nguyễn Tạo 1959 dịch là “… lại lập chợ phố ở Saigòn”, còn Phạm Trọng Điềm 2006 thì dịch là “… lại dựng phố chợ ở Sài Gòn”. Tuy lời dịch hơi khác nhau nhưng cả hai đều diễn cái ý Trần Thượng Xuyên là người “lập phố chợ ở Sài Gòn” (tức lập phố chợ ở Sài Côn). Mà “lập phố chợ ở Sài Côn” có nghĩa là gì? Có phải là “lập chợ Sài Côn” không?

Trần Minh Trí

Theo hiểu biết của Tui thì :

Công đức của Đức ông Trần Thượng Xuyên to lớn như thế… mà Lăng Mộ và Đền Thờ chưa xứng tầm ( nhứt là lăng mộ) !

Ban ngành có trách nhiệm phải quan tâm đến mộ phần Đức Ông hơn nữa !

Kính !

Trần Minh Trí

Giấy phiên âm Thần Chủ của đức ông Trần Thượng Xuyên !

( Ảnh lượm trên mạng…)

Lê Ngọc Quốc

Trần Minh Trí Bài vị gốc nè anh

Cá Vàng

ĐỀN TRẦN TƯỚNG QUÂN Ở ĐÂU?

– Theo Quốc sử quán triều Nguyễn trong ĐNNTC (Tỉnh Gia Định), Tu Trai Nguyễn Tạo dịch ((Nha Văn hoá Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, 1959), “Trần tướng quân từ 陳將君祠 ở địa phận thôn Tùng Chính huyện Bình Dương.” (tr.79)

– Theo Nguyễn Đình Đầu trong Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – tỉnh Gia Định (Nxb Tp.HCM, 1994), trong tỉnh Gia Định chỉ có thôn Tòng Chánh 從政 thuộc tổng Tân Phong Thượng 新豐上, huyện Tân Long 新隆, phủ Tân Bình 新平.

Về tứ cận của thôn Tòng Chánh, Nguyễn Đình Đầu cho biết:

“Đông giáp địa phận 2 thôn Nhơn Giang, Tân Kiểng, có cột gỗ làm giới.

Tây giáp địa phận 2 thôn Hoà Thuận, An Bình, có cột gỗ và lòng rạch làm giới.

Nam giáp địa phận ấp Tân Châu và các thôn An Bình, Tân Kiểng, Hoà Thuận, lấy lòng rạch làm giới.

Bắc giáp địa phận thôn Tân Hưng (tổng Bình Trị Thượng, huyện Bình Dương, có lập cột gỗ làm giới.” (tr.366).

– Theo Nguyễn Đình Tư trong Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ (Nxb Chính trị Quốc gia, 2008), “Thôn Tòng Chánh, tổng Tân Phong Thượng, huyện Tân Long, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định triều Minh Mạng, trải qua triều Thiệu Trị, Tự Đức đến đầu thời Pháp thuộc thì giải thể (tr.1215)

Từ các thông tin trên, tôi xin phỏng đoán như sau:

Rất có thể vào năm lập địa bạ, tức năm Minh Mạng thứ 17 (1836), thôn Tòng Chánh 從政, thuộc tổng Tân Phong Thượng, huyện Tân Long, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Về sau, có thể là đời Thiệu Trị hoặc đời Tự Đức, thôn Tòng Chánh này đổi thuộc huyện Bình Dương nên trong ĐNNTC (được cho là khởi soạn từ đời Tự Đức) mới chép: “Trần tướng quân từ 陳將君祠 ở địa phận thôn Tùng Chính huyện Bình Dương”. Và vì vào năm Minh Mạng thứ 17, phía bắc thôn Tòng Chánh giáp địa phận thôn Tân Hưng, tổng Bình Trị Thượng, huyện Bình Dương nên rất có thể vào đời Tự Đức, thôn Tòng Chánh thuộc tổng Bình Trị Thượng 平治上, huyện Bình Dương 陽平. Và rất có thể đến đầu thời Pháp thuộc thì thôn Tòng Chánh bị giải thể (theo ghi nhận của Nguyễn Đình Tư 2008). Sau khi bị giải thể thì địa bàn thôn Tòng Chánh bị sáp nhập vào thôn nào? Thú thật là tôi chưa biết.

Cá Vàng

PHỐ SÀI GÒN, CẦU PHỐ SÀI GÒN, CẦU PHỐ & CHỢ LỚN

Trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (Quyển 2) của Lê Quang Định, Phan Đăng dịch (Nxb Thuận Hoá, 2005) có đoạn sau đây:

“411 tầm, hai bên dân cư ở liền nhau, đến miếu Quan Đế, miếu này do người của hội thương mại phố Sài Gòn lập ra để thờ Hán Quan Vũ.

152 tầm, hai bên đường là phố xá liền nhau, ở đây bán đủ các mặt hàng của Nam Bắc, phía đông có chợ, quán xá ở chợ rất trù mật, chợ đông đến tối, tục gọi là Chợ Lớn, đến cầu phố Sài Gòn, cầu dài 6 tầm, trước đây cầu này ngắn và hẹp, tục gọi là cầu Thoái (Thối). Nay vì mở rộng kênh ra 6 tầm nên mới làm lại cầu này, gọi là Cầu Phố, phía nam của cầu này [64a] có đường phố, đi 105 tầm đến Cầu Đường” (tr.95)

Đối ứng câu “411 tấm, hai bên dân cư ở liền nhau, đến miếu Quan Đế, miếu này do người của hội thương mại phố Sài Gòn lập ra để thờ Hán Quan Vũ”, trong nguyên bản chép là: “Tứ bách thập nhất tầm, lưỡng bàng dân cư tương gian, chí Quan Đế miếu, kỳ miếu Sài Gòn phố thương mại nhân hội lập tự Hán Quan Vũ tôn thần” 四百十一尋, 兩傍民居相間. 庢關帝廟, 其廟柴棍庯商賣人會立祀漢關羽尊神. Tạm dịch: 411 tầm, hai bên dân cư ở kề nhau, đến miếu Quan Đế, miếu do người trong Hội Thương mại phố Sài Gòn lập ra để thờ tôn thần Hán Quan Vũ.

Đối ứng cú đoạn “152 tầm, hai bên đường phố xá liền nhau (…), phía đông có chợ, quán xá ở chợ rất trù mật, chợ đông đến tối, tục gọi là Chợ Lớn”, nguyên bản chép là “Bách ngũ thập nhị tầm, lưỡng bàng nhai hạng thiền liên (…) lộ chi đông hữu thị, điếm xá trù mật. tụ thương chung nhật, tục danh Chợ Mới” 百五十二尋, 两傍街巷蝉聯(…)路之東有市, 店舍裯密, 聚商終日, 俗名𢄂[巨/吝]. Tạm dịch: 152 tầm, hai bên đường cái đường hẻm liền nhau (…) phía đông con đường có chợ, quán xá trù mật, tụ họp mua bán đến tối, tên tục là Chợ Lớn.

Đối ứng “cầu phố Sài Gòn”, “Cầu Phố”, nguyên bản chép là “Sài Gòn Phố kiểu” 柴棍庯橋, “Phố kiều” 庯橋.

Về tên gọi “Sài Gòn”, trong Gia Định thành thông chí cũng chép là “柴棍” (chữ “Gòn” với bộ “mộc”), còn trong Đại Nam nhất thống chí, bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo 1959 chép là “柴焜” (chữ “Gòn” với bộ “hoả”).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *