ĐỊA DANH “GÀNH HÀO” & CÂY BÙ HÚT

Trong Gia Định thành thông chí (Quyển 2, mục Trấn Hà Tiên) của Trịnh Hoài Đức, Phạm Hoàng Quân dịch, chú và khảo chứng (Nxb Tổng Hợp Tp. HCM, 2019) có đoạn sau đây:

“Hào Ky cảng [cảng Gành Hào], làm ranh giới cực đông của trấn, cách phía đông đạo Long Xuyên 120 dặm rưỡi, phía tây nam hợp với dòng thượng lưu cảng Bồ Đề, tây bắc đổ ra cảng Đốc Huỳnh, đông nam chảy quanh quẹo 109 dặm rưỡi đến cảng Ba Thắc. Trong khoảng đó nhiều mương rạch thông nhau, nguồn lợi rừng đầm dùng hoài không ngớt.” (tr.124)

Cụm từ “Hào Ky cảng” được dịch giả Phạm Hoàng Quân chú và khảo chứng như sau:

“Hào ky cảng (蠔磯港), cửa biển Gành Hào [Hán hóa địa danh, Hào: sò, hàu; Ky: vách đá, gành đá], quyển 3, Cương vực chí viết là “䃄蠔” (Gành Hào), nơi giáp ranh tỉnh Bạc Liêu với tỉnh Cà Mau. HVNTDĐC 1806 (quyển 7) viết là “䃄[石毫]海門” (Gành Hào hải môn); XLQLTTL 1810 viết tên Nôm là “䃄蠔海門” (Gành Hào hải môn); TQDCHC 1840 viết là “䃄[石毫]海門” (Gành Hào hải môn); “Đại Nam nhất thống toàn đồ” (~ 1840) nơi cửa này ghi là “蠔磯” (Hào Ky). Bản đồ Tabert 1838 ghi là “Cữa Gành hàu”. TVK 1875 viết “Gành-hàu”; Di cảo TVK ghi tên tiếng Khmer Păm prêt prahut. Nay viết là Gành Hào, cũng là tên sông, tên thị trấn, sông Gành Hào chảy trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau, gặp sông Ông Đốc ở ngã ba Tắc Thủ (xã An Lợi, huyện Trần Văn Thời); thị trấn Gành Hào là huyện lỵ của huyện Đông Hải tỉnh Bạc Liêu (giáp giới huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau). Hiệu khám, bản dịch Nguyễn Tạo 1972 dịch là “CẢNG GHỀNH-HÀU”, bản dịch VSH 1999 dịch là “Ghềnh Hàu”, đều không đúng với tên gọi địa phương.” (tr.282)

Chẳng những 2 chữ “蠔磯” trong GĐTTC, “bản dịch Nguyễn Tạo 1972 dịch là “CẢNG GHỀNH-HÀU”, bản dịch VSH 1999 dịch là “Ghềnh Hàu”, 2 chữ “䃄[石毫]” trong HVNTDĐC cũng được dịch giả Phan Đăng phiên âm là “Ghềnh Hàu”.

Về mối liên hệ GÀNH ~ GHỀNH, Huỳnh Công Tín trong Chuyện địa danh và chữ nghĩa Nam bộ (Nxb Văn hoá – Văn nghệ, Tp. HCM, 2017) cho rằng ““Gành” là cách nói biến âm của từ “ghềnh” theo phương ngữ Nam bộ.” (tr.76). Nhưng trong bài ““Ghềnh hay “gành”?, học giả An Chi đã giảng như sau:

“[Gành và ghềnh] là ruột thịt nhưng cụ Gành là bậc tiền bối còn thằng Ghềnh thì chỉ là đứa sinh sau đẻ muộn. Chuyện này có thể thấy được qua mối quan hệ từ nguyên giữa các vần ANH ↔ INH ↔ ÊNH – mà chúng tôi từng nói đến – trong đó ANH > INH > ÊNH.” (https://www.facebook.com/notes/an-chi/gh%E1%BB%81nh-hay-l%C3%A0-g%C3%A0nh-n%C4%83ng-l%C6%B0%E1%BB%A3ng-m%E1%BB%9Bi-s%E1%BB%91-508-25-3-2016/1030870726952096/)

Từ lời giảng của học giả An Chi, chúng tôi tạm suy ra rằng: “gành” là một âm rất xưa mà người miền Nam còn giữ được, chứ không phải là “cách nói biến âm của từ ‘ghềnh’ theo phương ngữ Nam bộ” như lời của Huỳnh Công Tín.

Cụ Vương Hồng Sển, trong Tự vị tiếng nói Miền Nam (Nxb Trẻ, 1999), tiểu mục “Cửa Gành Hàu” và tiểu mục “Rạch Gành Hàu” cho biết (xin trích):

“- Hàu là con hàu, có sách viết Gành Hào là sai”.

“- Cơ Me: péam prêk prahut (theo di cảo Trương Vĩnh Ký chép lại trong Le Cisbassac của L. Malleret)

(Trong tự điển Miên Pháp J.B. Bernard thấy ghi:

Dòm prâhut: arbre qui sert pour la teinture (cây dùng làm thuốc nhuộm) (chừa người sau định đoạt).” (tr.270)

Như vậy, theo Trương Vĩnh Ký, tên tiếng Khmer của “cửa Gành Hàu” là “péam prêk prahut” (theo ghi nhận của Vương Hồng Sển) hoặc “Păm prêt prahut” (theo ghi nhận Phạm Hoàng Quân). Mặc dù không rành tiếng Khmer nhưng dưới đây chúng tôi cũng xin nêu vài ý kiến.

Péam prêk/ Păm prêt (ពាម ព្រែក): vàm rạch, cửa rạch.

Prahut (ព្រហូត): có thể là một hoặc vài loài cây được Việt hóa thành bù hút/ bò hút/ bồ hút. Chúng tôi nói như vậy là vì các lý do sau đây:

Theo J.B. Bernard”, trong Dictionnaire cambodgien-français (Impr. de la Société des Missions étrangères, Hongkong, 1902, p.247), “dòm prâhut” có nghĩa là “arbre qui sert pour la teinture” (“cây dùng làm thuốc nhuộm”). (https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k932766m/f299.item)

Chúng tôi đoán, chữ Khmer mà J. B. Bernard phiên âm là “prâhut” là chữ viết theo lối xưa, ngày nay được viết là “ព្រហូត” (Google phiên âm là “prohaut”). Và “ព្រហូត” (prohaut) là tên một loại cây lá to dày, giống măng cụt, trái tròn, chua, vỏ được dùng làm thuốc nhuộm màu vàng nâu; tên khoa học của loại cây này là Garcinia Vilersiana. (https://www.youtube.com/watch?app=desktop&v=ocBvALOX5-A). Mà loài cây có tên khoa học là Garcinia Vilersiana (thuộc họ bứa) chính là cây có tên tiếng Việt là cây VÀNG NHỰA (https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C3%A0ng_nh%E1%BB%B1a).

Cây Garcinia Vilersiana (Vàng nhựa) dùng làm thuốc nhuộm màu vàng nâu nêu trên, giáo sư Phạm Hoàng Hộ, trong cuốn Cây cỏ Việt Nam, quyển 1 (Nxb Trẻ, 1999) cho biết loài cây này phân bổ từ Huế đến Tây Ninh,…, Phú Quốc (tr.456). Cũng theo giáo sư Phạm Hoàng Hộ, trong chi Garcinia còn có 2 loài cây sau đây cũng được dùng làm thuốc nhuộm: – Garcinia handburyi/ Vàng nghệ/ Đắng hoàng, mũ dùng nhuộm vàng (Trảng Bom, Phú Quốc) (tr.453); – Garcinia lanessanii/ Bứa Lanessan, vỏ dùng nhuộm (Tây Ninh). (tr.454)

Theo cuốn Catalogue officiel des produits de la Cochinchine présentés à la Foire de Hanoï 1922, trong số các mặt hàng được trưng bày trong gian hàng của tỉnh Tây Ninh có vỏ tràm-sang, vỏ bù-hút, vỏ xai, vỏ vừng. Những loài cây có vỏ dùng để nhuộm này sinh sống trong các khu rừng ở các tổng Giai Hoá, Triêm Hoá, Hàm Ninh Thượng, Hoà Ninh và Chơn Bà Đen. Cư dân bản địa dùng nó để nhuộm vải.

– Vỏ tràm-sang tạo ra màu nâu đỏ (rouge-brun);

– Vỏ bù-hút tạo ra màu vàng nghệ/ vàng cam (jaune safran);

– Vỏ xai tạo ra màu xám nhạt (grisâtre)

– Vỏ vừng tạo ra màu nâu (marron).

(https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k1183328n/f94.item)

Rất có thể cây Garcinia vilersiana (Vàng nhựa) được người Khmer ở Tây Ninh gọi “Prahut/ Prohaut” và từ này được Việt hóa thành “Bù hút”. Cũng có thể cây Garcinia vilersiana (Vàng nhựa), cây Garcinia handburyi (Vàng nghệ/ Đắng hoàng) và một số cây thuộc chi Garcinia (họ bứa) khác nữa đều được người Khmer gọi chung là “Prahut/ Prohaut” và tùy theo địa phương mà từ này này được Việt hóa thành “Bù hút”, “Bò hút” hoặc “Bồ hút”.

Và rất có thể tên rạch “Bàu Hút” ở huyện Lai Vung tỉnh Đồng Tháp và tên rạch “Bàu Hút” (xưa thường gọi là rạch “Bù Hút”) ở huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp đều có nguồn gốc từ tiếng Khmer “Prâhut/ Prohaut” nghĩa là [cây] “bù hút/ bò hút/ bồ hút”. Theo NNC Đào Thái Sơn, cặp sông Sài Gòn khu Tân Hòa có suối Bò Hút, địa danh này cũng có nguồn gốc tương tự như rạch Bàu Hút/ Bù Hút ở Lấp Vò – Đồng Tháp.

Về vàm rạch Gành Hào thì rất có thể hồi xa xưa người Khmer bản địa gọi là “péam prêk Prahut” nghĩa là vàm rạch cây [cây] “bù hút/ bò hút/ bồ hút”, còn lưu dân người Việt khi đến đây thấy trên vách đá hay gành đá có rất nhiều con hàu đeo bám nên gọi là Gành Hàu/ Gành Hào”. Địa danh này được Hán hóa thành “Hào Ky”.

Nguồn:

Cá Vàng

Yêu thích  · 22 Tháng 10, 2023  · 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *