NGUỒN GỐC ĐỊA DANH “ẤP CHÀ VÀ” Ở TRÀ VINH

Cá Vàng

Yêu thích  · 4 Tháng 9, 2023  · 

NGUỒN GỐC ĐỊA DANH “ẤP CHÀ VÀ” Ở TRÀ VINH

Theo Wikipedia tiếng Việt, xã Vĩnh Kim (thuộc huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) có 9 ấp: Chà Và, Trà Cuôn, Thôn Rôn, Cà Tum A, Cà Tum B, Giồng Lớn, Rẫy, Mai Hương, Vĩnh Cửu.

Trong bài “Nguồn gốc địa danh “Cà Tum” ở Trà Vinh” chúng tôi đã phỏng đoán như sau:

– Địa danh Trà Cuôn có thể do tiếng Khmer là “Trà-kuon” (ត្រកួន) nghĩa là rau muống.

– Địa danh Thôn Rôn có thể do tiếng Khmer là “Sam rôn” (សំរោង) nghĩa là cây trôm.

– Địa danh Cà Tum (ấp Cà Tum A, ấp Cà Tum B) có thể do tiếng Khmer “ttum” (ទទឹម) nghĩa là cây lựu[1].

Còn địa danh Chà Và thì sao? Nếu địa bàn ấp Chà Và từ xa xưa đến nay không liên quan gì đến người Chà Và thì nguồn gốc địa danh này rất có thể cũng do tiếng Khmer.

Người Chà Và vốn là từ để gọi những người đến từ đảo Java của Indonesia, tức Java nói trại thành Chà Và. Nhưng về sau, tất cả những người có màu da ngăm như Chà Bom Bay (Bombay, Ấn Độ), Chà Ma ní (Manila, Philippines), Chà Nam Dương (Indonesia) đều được gọi là người Chà Và. Trong bài “Tìm hiểu – thử giải thích địa danh Chà Và – thủy danh sông Chà Và”, bạn Tran Kong cho biết (xin trích):

“Những người Khmer lớn tuổi ở Vĩnh Kim gọi “chà và” là cái mái chèo (xuồng). Với sự giúp đỡ nhiệt tình của thầy Đào Thái Sơn thì cái mái chèo tiếng Khmer là chrava. Và cây mái chèo/mái dầm là slap chrava – ស្លាបច្រវា. Từ những đặc điểm của cây mái chèo hay mọc vùng ngã 3 sông, trên sình ven bờ kênh/rạch và cửa biển, có thể thấy rằng các địa danh/thủy danh có chữ Chà Và vốn gọi theo tên cây ស្លាបច្រវា – slap chrava. Việt hoá đã rụng mất slap và chỉ còn Chà Và. Việc gọi tên địa danh/thủy danh theo tên 1 loài cây vốn phổ biến trong cả cộng đồng Việt và Khmer.

“Thuyết Chà Và là từ người Java chỉ đúng duy nhất ở Sài Gòn và vùng có người Mã Lai – Cham sanh sống mà thôi. Hiện tôi quen biết rất thân thiết với cộng đồng Mã Lai – Cham. Các địa danh/thủy danh Chà Và nêu trên không hề có người Mã Lai – Cham mà chỉ có người Khmer từng sống trong quá khứ hoặc hiện tại.”[2]

Trong quá trình tìm hiểu thêm chúng tôi được biết:

CÂY MÁI DẦM: Tên khoa học là Cryptocoryne ciliata, thuộc họ Ráy (Araceae). Cây thảo thuỷ sinh có thân ngầm trong bùn, to 15mm. Lá đứng hình giáo thon cao đến 30cm, nhọn hai đầu, gân phụ xéo, không dày lắm; cuống dài đến 20cm. Cụm hoa giữa lá, mo thân đo đỏ, mép có rìa dài, ống dài 15 – 17cm, phù ở gốc; buồng nhỏ, có phần đực cách phần cái; bầu 6 – 7 noãn. Quả nang có cạnh tròn, to 3 – 4cm; hạt dài 8mm. Cây chịu nước, chịu đất ẩm có nhiều mùn và thủy triều thay đổi. Loài ưa bóng, chịu được độ mặn, phèn cao. Tái sinh chồi chủ yếu. Mùa hoa quả tháng 5 – 8. Cây sống ở cửa sông, lạch, mương và rừng ngập mặn ven biển, phân bố hầu khắp các tỉnh phía Nam, từ Bình Dương đến Kiên Giang. Cây được dùng làm thuốc. Thân rễ sắc uống giải nhiệt. Dùng trị kiết lỵ; phối hợp với cỏ gừng, cỏ Hàn the. Lá dùng ngoài trị rắn cắn (Viện dược liệu). Loài này cũng được dùng trị đòn ngã tổn thương, phong thấp, đau nhức xương, viêm dạ dày ruột cấp tính viêm đa khớp, tay chân rũ mỏi, lưng đùi đau nhức, bệnh cấp tính. (Theo http://www.vncreatures.net/chitiet.php?page=1&loai=2&ID=3927)

Ngoài việc dùng làm thuốc trị bệnh, nhiều người còn dùng thân ngầm của cây mái dầm để nấu canh chua.

Cây mái dầm (tên thực vật), Lê Ngọc Trụ 1959, trong Việt ngữ chánh tả, viết là “cây mái giầm” và mô tả: “Cây mái giầm lá giống như cái giầm bơi”.

Cái giầm bơi, tức cái mái giầm dùng để bơi xuồng, thường gọi tắt là giầm, ví dụ như trong câu “buông giầm cầm chèo”. Câu tục ngữ này thường được dùng để mô tả người luôn bận rộn, chưa hết việc này đã tiếp việc kia, chẳng lúc nào được ngơi tay. Cái giầm cũng gọi là cây giầm. Mái giầm (dụng cụ dùng để bơi), J.F.M. Génibrel 1898, trong Dictionnaire Annamite-Français, viết chữ Nôm là “𠃅樳” và đối dịch ra tiếng Pháp là “pagaie”.

Người Khmer gọi là CÁI MÁI DẦM/ MÁI GIẦM (dụng cụ dùng để bơi) là “chrava” (ច្រវា). Nếu là động từ, “chrava” (ច្រវា) có nghĩa bơi (xuồng). Còn CÂY MÁI DẦM (tên thực vật), một người Khmer ở Tịnh Biên cho biết tên tiếng Khmer là “ដើមច្រវា”. Từ này Google phiên âm là “daem chrava”; trong đó: “ដើម” (daem) là cây (thực vật), “ច្រវា” (chrava) là cái mái dầm/ mái giầm (dụng cụ dùng để bơi). Như vậy, người Khmer dùng từ “ច្រវា” (chrava) để gọi cái mái dầm/ mái giầm và cây mái dầm.

“Chrava” cũng là thành tố của một loại cây thủy sinh khác, đó là “ស្លាបច្រវា” (slabchrava), tức cây mã đề nước (thành tố “nước” được dùng để phân biệt với cây mã đề mọc trên cạn). Mã đề nước có tên khoa học là Ottelia alismoides, họ Thủy miết (Hydrocharitaceae). Cây này có thể dùng làm rau, tuy nhiên ăn nhiều sẽ bị tê lưỡi.

Tạm kết:

Nếu quả thực trên địa bàn ấp Chà Và (xã Vĩnh Kim, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) vào thời xa xưa chỉ có người Khmer sinh sống và không liên quan gì đến người Chà Và thì nguồn gốc địa danh này có thể do tiếng Khmer là “Chrava” (ច្រវា) nghĩa là “cây mái dầm”, tên một loại cây thủy sinh có tên khoa học là là Cryptocoryne ciliata, thuộc họ Ráy (Araceae).

—————

[1] Các bạn có thể xem lại bài “Nguồn gốc địa danh “Cà Tum” ở Trà Vinh” tại https://www.facebook.com/ca.vang.777/posts/pfbid02zwVvaztHQToDREmUjRo3aQDYnSrre4LQNVrpTdXSRnweTUcopfSoHwFcA2YRZDeAl

[2] Các bạn có thể xem toàn văn bài bài “Tìm hiểu – thử giải thích địa danh Chà Và – thủy danh sông Chà Và” của Tran Kong tại https://www.facebook.com/kongfuson/posts/pfbid027qRmtPd8XTWwxMMpUQbjyZAj3tm2VDaLDVvnYUWLaa4PYNuenq8V4b8w6BfTAKnPl

Quy La

Trước 1931 ,phía sau Chợ Lớn Cũ (nay là Bưu điện Quận 5) ,có cây cầu Malabar bắc ngang kinh Tàu Hủ.

Đến năm 1931 ,cầu Malabar bị đập bỏ ,thay bằng cầu Chà Và cách cầu Malabar chưa đầy 100 mét.

Malabar là để chỉ người Ấn Độ.

Tran Kong

Quy La dạ , đúng là khu của người Ấn. Nhưng đây là Ấn Hồi giáo. Trong quá trình sanh sống , tương tác trong cộng đồng Hồi giáo nên bắt đầu có ng Indo , Chăm – Mã Lai (từ An Giang) lên làm việc và sống chung.

Sau năm 75 , những ng Ấn Độ bỏ về nước và những thánh đường Hồi giáo đó giao lại cho ng Chăm – Mã Lai ở An Giang tiếp quản. Vd như thánh đường kế bên chợ Xã Tây (q5) , thánh đường ở q1, thánh đường ở khu Bình Tiên (q6) , … 3 thánh đường nêu trên và còn nữa , nguồn gốc ban đầu do ng Ấn Độ lập và hiện nay quản lý là ng Chăm Hồi giáo.

Cá Vàng

CÂY HẸ NƯỚC

Tên khác: Cây hẹ thẳng

Tên khoa học: Vallisneria Americana

Họ: Hydrocharitaceae

Tên tiếng Khmer: “Sak neang” (សក់នាង);

trong đó: “sak” (សក់) là tóc, “neang” (នាង) là nàng, cô gái…

Cây hẹ nước thường dùng làm rau.

Huynh Sinh

Cá Vàng

Trên Củ Chi, Qlo 22 co Quán Cơm Phúc (Đoi dien Đien luc Củ Chi) van con món ăn truyền thống la Rau Hẹ nước cuộn lại chấm Cá Nục kho Lạt voi Hành lá.

Món ăn tạo thương hiệu cho Quán cơm Phúc

Tran Kong

Dạ

Cây hẹ nước là rau ngon (ăn kèm mắm kho, …) bán ở các chợ vùng đất phèn ngập nước như Đòing Tháp Mười và Miệt Thứ , Hậu Giang , vài nơi trong tứ giác Long Xuyên.

Hình hẹ nước bán ở chợ Vĩnh Thuận (Miệt Thứ)

Tran Kong

Dạ

Sông Chà Và ở Vĩnh Long chảy từ sông Măng Thít về sông Hậu , dọc theo sông là đất ng Khmer sống khá nhiều. Ngày nay họ vẫn sống ở đó và ng Việt vô sống xen kẽ.

Kênh Chà Và ở xã Mỹ Hội Đông – Chợ Mới cũng là vùng Việt hoá từ tiếng Khmer xưa (vài địa dânh Khmer ở đây).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *