THỊT KỲ ĐÀ

Chiến Tranh Biên Giới Tây Nam

5 Tháng 11, 2020  · 

#Hồi_ức_chiến_trường_k

THỊT KỲ ĐÀ

Vùng Campuchia là nơi rất nhiều cá , đồng thời cũng là nơi sinh ra rất nhiều kỳ đà , hầu như trận truy quét nào chúng tôi cũng gặp kỳ đà , chúng sống dọc theo suối từ đầu nguồn đến cửa sông . Nhìn làn da sần sùi , hoa văn loang lổ , dáng vóc gớm giếc, cặp mắt lấc láo , thi thoảng lại lè cái lưỡi chẻ đôi như lưỡi rắn , nhiều lính thấy ghê không dám sờ vào chúng .

Lần đầu tiên chúng tôi tổ chức tát cá trong một khúc suối gần phum kamparạ . Khi chưa cạn hẳn đã thấy cá quẫy nhiều vô kể , chúng tôi đã lao xuống bắt . Thằng Căn lính C5 bắt cá rất giỏi , Căn là một thanh niên ngoại ô Hà Nội , vốn là dân chài lưới dọc sông Nhuệ nên chuyện bắt cá khi có nước cũng không khó gì . Đang mò trong một hốc cây bỗng nó rú lên , nhảy chồm lên bờ , mặt cắt không giọt máu , ú ớ chỉ vào bọng cây mấp mé mặt nước :

– Con gì to lắm , có móng vuốt , da sần sùi .

Chúng tôi đoán già đoán non có thể là cá sấu . Tất cả hò nhau ra sức tát cạn mong bắt bằng được con vật lạ đang nằm dưới vũng nước kia , khi nước gần cạn để ăn chắc mỗi thằng chuẩn bi một cái gậy đề phòng nếu phải cá sấu thì phang thẳng cánh . Anh Tặm Bộ binh C5 người Hòa Bình nhìn cái đuôi ngúng nguẩy trong bọng cây anh reo to :

– Con kỳ đà hoa , con này vẫn còn nhỏ lắm !

Anh thò tay vào hốc cây lôi cổ nó ra , một con vật không khác cá sấu là bao có điều không có răng như cá sấu . Cái lưỡi chẻ đôi đen ngòm thò ra thụt vào , làn da sần sùi như vỏ cây , nặng khoảng 3 cân , không bõ ăn nên để cho anh Tặm mang về đơn vị nuôi dưỡng , đó là lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy con kỳ đà .

Lại một hôm vào mùa khô chúng tôi đi truy quét phía nam An long veng , trời nắng như đổ lửa chúng tôi bước vào rừng xanh gặp một con suối nhỏ , nước trong vắt , dưới đáy toàn sỏi nhỏ , hai bên bờ suối là một rừng mây gai đan kín thành vòm không thể vượt nổi nên cả tiểu đoàn cứ lội dọc theo dòng suối . Đi dưới vòm mây đan kín thật là đẹp , nước dưới chân mát rượi trong vắt , tôi đi đầu đoàn quân thả mắt quan sát hai bên bờ , rừng cây tĩnh mịch không có dấu hiệu của địch .

Bỗng phía dưới đoàn quân có tiếng động nước và tiếng nói cười xôn xao , tôi quay lại nhắc mọi người bí mật , nhưng tiếng nói càng lớn hơn có vẻ rất vui . Tôi vội kéo quân đi nhanh hơn thoát khỏi khúc suối , tôi vượt lên bờ suối tìm vị trí cao nhất để nghỉ giải lao . Một lúc sau tất cả mọi người cũng tập trung đông đủ nhìn thấy hai lính C6 khiêng một con kỳ đà khá to hai tay bị trói quặt ra đằng sau , mồm cũng bị buộc chặt bằng dây võng .

Con này to khủng khiếp phải được 20 kg , nó dài 1m rưỡi , hoa văn loang lổ , Ông Vẳng chính trị viên phó tiểu đoàn cho quân hạ trại nghỉ giải lao nấu nướng , làm thịt kỳ đà . Lính chỉ biết lột da , chặt khúc kho mặn , thịt kỳ đà trắng như thịt gà , mỗi người vài miếng chủ yếu lấy nước trộn cơm mới đủ bữa , tôi chưa cảm nhận hết được cái ngon của thịt kỳ đà .

Người ta bảo thịt kỳ đà ăn rất bổ , các bộ phận đều là những vị thuốc quý , mật kỳ đà chữa hen cho trẻ con , da phơi khô chữa bệnh mề đay . Cái đuôi là phần bổ dương nhất dành cho những đấng mày râu tăng cường sinh lực .

Có một lần vào mùa mưa tôi dẫn bộ binh C5 lên truy quét khu vực 547 , xa xa nơi dông 600 đông , nơi vách đá dựng đứng của dãy núi có một ngọn thác cao đổ nước từ trong cái hang trên sườn núi xuống tạo thành một sợi thác bạc đẹp tuyệt trần , đó là đầu nguồn sông Sen cung cấp nước cho ĂngCoWat . Ở đầu nguồn này vẫn chỉ là con suối nhỏ , chúng tôi chưa bao giờ được đặt chân đến gần ngọn thác vì hướng đó thuộc địa phận của trung đoàn 95 . Tôi vượt qua suối , bỗng thấy một con kỳ đà hoa lớn đang nằm phơi nắng trên một doi đất bằng phẳng .

Tôi đưa súng cho Toán đi phía sau tôi , rồi lao nhanh đến con kỳ đà , tay phải chộp cổ , tay trái đè lưng giữ trặt xuống đất , Toán bứt dây hà thủ ô quấn chặt cái miệng . Thằng Báu mở ba lô lấy dây võng trói ngược tay chân con kỳ đà lại , con này chỉ khoảng chục kg nhưng có vẻ rất mập mạp . Anh Hợi chính tri viên đại đội 5 cho nghỉ chân , cắt cử các trung đội cảnh giới các hướng . Trong đội hình có anh Thừm người dân tộc Mường quê ở Hòa Bình nhận nấu nướng , anh Thừm là người làm món ăn thú rừng rất bài bản , trong ba lô anh luôn có đầy đủ gia vị , anh cắt tiết , rồi đun nước sôi ,cạo vẩy , anh bảo :

– Da con kỳ đà là ngon nhất vậy mà mấy thằng lột bỏ da vứt đi , mấy chú nhìn anh làm mà học tập .

Anh dùng dao cạo bay lớp vẩy sừng , để lộ lớp da bóng mỡ , rồi anh nướng sơ trên than hồng , mổ bụng pha thịt đầy một xoong , tẩm ướp gia vị , xào lên thơm lừng, rồi chế nước ninh sình sịch . Một tiếng sau chúng tôi bắc nồi thịt ra chia về cho các trung đội , đó là bữa thịt kỳ đà ngon nhất mà chúng tôi từng được ăn , da kỳ đà giòn thơm , thịt ngọt đủ độ gia vị , vừa ăn vừa ngắm ngọn thác trên dãy Đăng Rếch , còn gì thú vị hơn . Lính chiến khổ trăm bề nhưng có ai sướng hơn lính trong những giây phút lãng mạn này .

Nguồn : Nguyễn Tuấn – ccb d8e29f307

#ĐBC

Phùng Tuấn

Bố tôi lính ở Đông Nam Bộ thời đánh Mỹ kể từng ăn thị kỳ đà nhiều. Đến năm 1972 đi thu dọn chiến trường ở cầu Cần Lê vào ban đêm, sau trận quân giải phóng chặn đánh quân Việt Nam cộng hòa đánh trên lộ 13 thì nghe tiếng lõm bõm dưới sông. Tổ 3 người cầm AK, B40 đi khom, đến gần nơi phát ra tiếng động thì thấy kỳ đà đang gặm vòng tròn quanh khớp gối, khuỷu tay xác lính VNCH rồi mỗi con tha 1 cánh tay, cẳng chân chạy. Từ đó không ăn thịt kỳ đà nữa

Bình Nguyên

Hồi ký chú Hiếu thấy bọn kỳ đà này chui vô bụng xác Pốt và từ đó chú ấy không nếm miếng thịt kỳ đà nào.

Bình Nguyên

Thai Pham Lúc đầu đọc hồi ký chú Tuấn thấy ăn thịt kỳ đà ngon mà (mình cũng ăn rồi). Sau đọc hồi ký chú Hiếu nghe kể bọn này cũng ăn xác chết mới biết nó ăn tạp.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *