Cá Vàng cùng với Lê Ngọc Quốc và 11 người khác.
Yêu thích · 24 Tháng 1, 2023 ·
ĐỊA DANH CHÂU ĐỐC
Châu Đốc là tên sông/ rạch, tên đạo, tên xứ, tên sở thủ ngự, tên đồn, tên bảo, tên hạt, tên tỉnh, tên thị xã, tên thành phố…
1/. Sông/ rạch Châu Đốc: Lê Quang Định, trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí 1806 (quyển 1 và quyển 7) gọi là rạch Châu Đốc (Châu Đốc rạch 朱篤瀝). Lúc đó rạch này thuộc dinh Vĩnh Trấn. Đến năm 1808 (năm Gia Long thứ 7), dinh Vĩnh Trấn đổi thành trấn Vĩnh Thanh. Trịnh Hoài Đức, trong Gia Định thành thông chí 1820 (quyển 2) gọi là sông Châu Đốc (Châu Đốc giang 朱篤江). Năm 1832 (năm Minh Mạng thứ 13), tỉnh An Giang được thành lập. Trong Đại Nam nhất thống chí (An Giang tỉnh), Quốc sử quán triều Nguyễn cũng gọi là sông Châu Đốc (Châu Đốc giang 朱 篤 江).
Sông Châu Đốc được Trịnh Hoài Đức mô tả trong Gia Định thành thông chí 1820 (quyển 2) như sau (lời dịch của Phạm Hoàng Quân, Nxb Tổng Hợp Tp. HCM, 2019):
“Châu Đốc giang[714], ở phía tây thượng lưu sông Hậu, rộng 70 tầm, sâu 9 tầm, cách trấn lỵ về phía tây 327 dặm, thủ sở Châu Giang[715] ở bờ đông sông Hậu. Đồn Châu Đốc[716] ở bờ phía tây sông Châu Đốc, thủ phủ Mật Luật[717] nước Cao Miên ở bờ phía đông sông Châu Đốc, là nơi giáp giới giữa trấn Vĩnh Thanh và nước Cao Miên…” (tr.105)
Dưới đây là chú giải của Phạm Hoàng Quân:
“[714] Châu Đốc Giang (朱篤江), sông Châu Đốc, thuộc địa bàn thành phố Châu Đốc và huyện An Phú, tỉnh An Giang, đoạn thượng lưu mang tên Prek Meat Chruk[1] trên đất Campuchia. HVNTDĐC 1806 (quyển 2) viết là “朱篤瀝” (Châu Đốc rạch); Di cảo TVK ghi tên tiếng Khmer là “Tonlé mót cruk”[2]. (tr.238).
“[715] Châu Giang thủ (朱江守), thủ Châu Giang, đối ngạn đồn Châu Đốc. Không thấy thủ Châu Giang trong danh sách 15 đạo thủ thuộc dinh Vĩnh Định[3] năm 1806 (chép trong HVNTDĐC).” (tr.238)
“[715] Châu Đốc đồn (朱篤屯), tức cũng gọi là sở thủ ngự Châu Đốc, đặt thời chúa Nguyễn, Mạc thị gia phả 1818 có nói đến một cửa quan [đồn ải] ở vàm sông là “朱篤關” (Châu Đốc quan/ cửa khẩu Châu Đốc)”. (tr.238)
“[717] Mật Luật phủ (密律府), phủ Mật Luật, Mật Luật là tên ký âm từ tiếng Khmer Meat Chruk [Chhuk], ngoài tên phủ, tên vùng đất xưa được ghi chép trong thư tịch cổ Việt Nam, Mật Luật cũng là tên con sông cùng dòng với sông Châu Đốc, đoạn thương lưu, tức Prek Meat Chruk trên đất Campuchia ngày nay. Có thuyết cho rằng Chuk [Chhuk] là từ nguyên của địa danh Châu Đốc, tức ngoài cách ký âm Meat Chruk thành Mật Luật, lại ký âm Chruk thành Châu Đốc [meat chruk nghĩa là mỏ heo].” (tr.238)
2/. Đạo Châu Đốc & xứ Châu Đốc: Theo Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (quyển 7), châu Định Viễn gồm các tổng Bình Dương, Tân An, Bình An; châu này thống quản 15 đạo (道) là Đông Khẩu, Tân Châu, Chiến Sai, Châu Đốc, Trấn Di, Trấn Giang, Tà Ôn, Tân Thắng, Cường Uy, Kiên Thắng, Quang Phục, Vũng Liêm, Cường Thành, Hùng Sai, Vàm Nao, và 5 đồn cửa biển là Bãi Ngao, Băng Côn, Cổ Chiên, Ba Thắc và Mỹ Thanh. Còn theo Gia Định thành thôngt chí (quyển 3), vào năm 1757, Thế Tông Hiếu Võ hoàng đế (Nguyễn Phúc Khoát) lấy xứ Sa Đéc làm đặt làm đạo Đông Khẩu, xứ Cù lao Giêng ở sông Tiền đặt làm đạo Tân Châu, xứ Châu Đốc (Châu Đốc xứ [口朱][口篤]處)[4] ở sông Hậu đặt làm đạo Châu Đốc (Châu Đốc đạo 朱篤道).
3/. Thủ sở đạo/ Thủ sở Châu Đốc: Theo Hoàng Việt nhất thống chí 1806 (quyển 7), thủ sở đạo Châu Đốc (Châu Đốc đạo thủ sở 朱篤道守所), thuộc tổng Bình An, ở bờ bên trái của sông Hậu. Lúc đó tổng Bình An thuộc châu Định Viễn; đến năm 1808 (năm Gia Long thứ 7), châu Định Viễn đổi làm phủ Định Viễn, dinh Vĩnh Trấn đổi làm trấn Vĩnh Thanh, tổng Bình An đổi làm huyện Vĩnh An. Thủ sở đạo Châu Đốc, trong Gia Định thành thông chí 1820 (quyển 6) gọi là thủ sở Châu Đốc (Châu Đốc thủ sở 朱篤守所) và cho biết thủ sở này ở nơi đầu doi đất, thường bị nước lụt xói lở, mà sóng gió ồ ạt, thuyền buôn dừng ghé không tiện, năm 1818 (năm Gia Long thứ 17) vua cho dời lên thượng lưu cách chỗ cũ 1 dặm, đắp một đồn đất vuông gọi là đồn Châu Giang.
4/. Đồn Châu Đốc và bảo Châu Đốc: Theo Gia Định thành thông chí (quyển 6), năm Gia Long thứ 14 (1815), vua sai trấn thủ Vĩnh Long Lưu Phước Tường đắp đồn Châu Đốc (Châu Đốc đồn 朱篤屯) ở bờ tây sông Châu Đốc theo hình lục giác, khởi công ngày 14 tháng 12. Đến năm 1834, vua Minh Mạng cho triệt phá phía đông đồn để xây cất tỉnh thành An Giang. Vì lý do này mà các tác giả Đại Nam nhất thống chí (An Giang tỉnh) gọi đồn Châu Đốc là đồn cũ Châu Đốc (Châu Đốc cố đồn 朱篤故屯). Cũng theo Đại Nam nhất thống chí (An Giang tỉnh), tỉnh thành An Giang thuộc địa phận huyện Tây Xuyên, nguyên trước đó là bảo Châu Đốc, đắp năm Gia Long thứ 15 (1816). Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) đặt làm lỵ sở của tỉnh, năm thứ 15 (1834) đắp thành đất ở phía đông của bảo ấy.
5/. Tỉnh Châu Đốc: Năm 1853 (năm Tự Đức thứ 5), tỉnh An Giang gồm 3 phủ, 10 huyện: Phủ Tuy gồm 3 huyện Tây Xuyên, Phong Phú, Hà Đương, Hà Âm; phủ Tần Thành gồm 3 huyện Vĩnh An, An Xuyên, Đông Xuyên; phủ Ba Xuyên gồm 3 huyện Phong Nhiêu, Phong Thạnh, Vĩnh Định. Vì lỵ sở của tỉnh An Giang thời nhà Nguyễn đặt tại Châu Đốc nên người Pháp gọi tỉnh này là tỉnh Châu Đốc (Province de Chaudoc).
6/. Hạt thanh tra/ hạt tham biện/ tỉnh/ thị xã/ thành phố Châu Đốc: Sau khi Pháp chiếm trọn các tỉnh miền tây, Pháp chia tỉnh Châu Đốc (tức tỉnh An Giang cũ) thành nhiều hạt thanh tra (inspection), trong đó có hạt thanh tra Tuy Biên gồm 2 huyện Đông Xuyên và Hà Dương. Theo Quyết định ngày 16-8-1867, hạt thanh tra Tuy Biên đổi thành hạt thanh tra Châu Đốc. Về sau, theo Nghị định ngày 1-7-1870, huyện Đông Xuyên được tách ra để lập hạt thanh tra Đông Xuyên. Theo Nghị định ngày 8-9-1870, tổng Định Thành bị chia thành 2 tổng: tổng Định Thành Thượng thuộc hạt thanh tra Châu Đốc, tổng Định Thành Hạ thuộc hạt thanh tra Đông Xuyên.
Khoảng năm 1876, hạt thanh tra đổi thành hạt tham biện (arrondissement), thường gọi tắt là hạt (轄). Theo Nghị định ngày 20-8-1888, hạt Châu Đốc được sáp nhập phần đất của hạt Hà Tiên giải thể. Bốn năm sau, theo Nghị định ngày 27-12-1892, phần đất vốn thuộc hạt Hà Tiên được tách ra để tái lập hạt Hà Tiên. Đầu năm 1900, hạt đổi thành tỉnh (province). Theo Nghị định ngày 8-2-1913, tỉnh Châu Đốc được sáp nhập phần đất thuộc tỉnh Hà Tiên giải thể. Tám năm sau, phần đất vốn thuộc tỉnh Hà Tiên lại được tách ra để tái lập tỉnh Hà Tiên.
Năm 1955 tỉnh Châu Đốc có 5 quận: Châu Phú, Tân Châu, Tri Tôn, Tịnh Biên, Hồng Ngự. Ngày 17-2-1956, quận Hồng Ngự ra khỏi tỉnh Châu Đốc để nhập vào tỉnh Phong Thạnh mới thành lập (sau đó lại đổi tên thành tỉnh Kiến Phong). Ngày 22-10-1956, hai tỉnh Châu Đốc và Long Xuyên hợp nhất thành tỉnh An Giang. Ngày 1-10-1964 các quận Châu Phú, Tân Châu, An Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên được tách ra khỏi tỉnh tỉnh An Giang để lập tỉnh Châu Đốc.
Sau 30-4-1975, tỉnh Châu Đốc bị giải thể và sáp nhập vào tỉnh An Giang. Lúc đó Châu Đốc là thị xã thứ hai của tỉnh An Giang sau tỉnh lỵ Long Xuyên. Theo Quyết định ngày 19-7-2013, thành phố Châu Đốc được thành lập gồm 5 phường: Châu Phú A, Châu Phú B, Núi Sam, Vĩnh Mỹ, Vĩnh Ngươn và 2 xã Vĩnh Châu, Vĩnh Tế.
7/. Nguồn gốc địa danh Châu Đốc: Ngoài thuyết cho rằng “Chuk [Chhuk] là từ nguyên của địa danh Châu Đốc, tức ngoài cách ký âm Meat Chruk thành Mật Luật, lại ký âm Chruk thành Châu Đốc [meat chruk nghĩa là mỏ heo]”, theo ghi nhận của Phạm Hoàng Quân, chúng tôi còn thấy 3 thuyết nữa. 3 thuyết đó được nêu trong đoạn đây trong Chuyên khảo về tỉnh Châu Đốc của Hội Nghiên cứu Đông Dương, 1902, Nguyễn Nghị – Nguyển Thanh Long dịch (Nxb Trẻ, 2017):
“Nguồn gốc của tên gọi Châu-đốc cho đến nay vẫn còn là một vấn đề tranh cải. Một số người cho rằng tên gọi này chỉ là cách nói trại ra từ một tiếng Cam-bốt là “meàth-chruk”, có nghĩa là mõm heo, là tên gọi trước đây của cù lao được hình thành bởi sông Tiền và sông Hậu, sông “Naréa” và sông “Vàm-nao”. Người Khmer cũng gọi cù lao này là “Sla-Két” (cây cau dại).
Một số người khác cho rằng tên Châu-đốc được tạo ra từ: 1. “Châu”, tên họ của bà Châu-thị-Tế, vợ của quan Nguyễn-ngọc-Thoại là người đã cho đào kinh Vĩnh Tế, và 2. “đốc” là danh hiệu nhà vua ban cho vị quan đầu tỉnh. Một vài người lại nghĩ rằng theo những ký tự dùng để viết chữ “Châu-đốc”, thì nguồn gốc thực sự có thể là 朱 (châu), có nghĩa là tỉnh và (đốc), có nghĩa là bất diệt.
“Đốc” là danh hiệu được ban chủ yếu cho những vị quan võ và tỉnh này do một vị đốc-bộ chỉ huy. Phải chăng đây là giả thuyết dễ chấp nhận nhất?
Các gọi này có cái gì đó tương tự như cách gọi một số vùng nào đó bên Pháp được đặt tên tùy theo đẳng cấp của người đứng đầu, như công quốc, thái ấp hầu tước…”[5] (tr.13-14)
Theo chúng tôi, thuyết thứ hai không đáng tin vì đạo Châu Đốc được thành lập từ năm 1757, còn Nguyễn Hữu Thoại (không phải Nguyễn Ngọc Thoại) thì mãi đến năm 1819 mới khởi công đào kinh Vĩnh Tế. Thuyết thứ 3 cũng không đáng tin vì chữ 朱 (châu) trong địa danh 朱篤 (Châu Đốc) có nghĩa là màu đỏ, nhưng các tác giả Monographie de la province de Châu Đốc (ấn bản 1902) đã lầm với chữ 州 (châu) là tên một đơn vị hành chính nên đã đối dịch “朱(châu)” là “province” (tỉnh).
Riêng thuyết thứ nhất chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm.
———-
[1] Prek Meat Chruk: Có thể là “Prek Mot Chruk” (ព្រែក មាត់ ជ្រូក), nghĩa là rạch Mỏ Heo. Theo Phạm Hoàng Quân, “đoạn thượng lưu [của sông Châu Đốc] mang tên Prek Meat Chruk trên đất Campuchia”, nhưng theo Google Map thì đoạn trên đất Campuchia được ghi tên là “Bourei Cholsa” (បូរី ជលសារ). (Bourei Cholsa cũng là tên tên huyện thuộc tỉnh Takeo)
[2] Tonlé mót cruk: Tiếng Khmer có thể là “Tonlé Mot Chruk” (តន្លេ មាត់ ជ្រូក), nghĩa là sông Mỏ Heo.
[3] Dinh Vĩnh Định: Trong HVNTDĐC chép là “dinh Vĩnh Trấn” (Vĩnh Trấn dinh 永鎮營) nhưng Phạm Hoàng Quân, trong các chú thích về đồn Oai Viễn (tr.228), thủ sở đạo Vàm Nao (tr.237) và thủ Châu Giang (tr.238) đều viết là “dinh Vĩnh Định”.
[4] Châu Đốc xứ [口朱][口篤]處): 2 chữ Nôm [口朱] (gồm bộ “khẩu” 口 bên trái và chữ “châu” 朱 bên phải) và [口篤] (gồm bộ “khẩu” 口 bên trái và chữ “đốc” 朱 bên phải) được ghi trong bản Hán Nôm GĐTTC của Viện Sử học, nhưng chúng tôi chưa tìm thấy từ điển chữ Nôm nào ghi nhận 2 chữ này.
[5] Các bạn có thể tham khảo nguyên văn tiếng Pháp in trong cuốn Annuaire général de l’Indochine 191, Hanoi-Haiphong, Imprimerie d’Extrême-Orient, 1910 (xin xem hình chụp đính kèm)
Chruk phiên thành Châu Đốc là quá hợp lẽ. Ta có Năng Gù từ Sừng Bò thì tại sao không có Châu Đốc là Mỏ Heo?
Lê Hậu theo Hùng nghĩ thì: Năng Gù là biến âm từ Sừng Bò = ស្នែងគោ phiên âm tiếng Pháp “Sneng Ko”. Sneng = Năng, Ko = Gù (âm K, C trong tiếng Hán khi phiên âm sang tiếng Pháp biến thành chữ G. VD: Prey N-kô (Sài Gòn), chữ Kô biến thành chữ Gon. Trân trọng.
Phi Hung Tang Sneng Ku là Năng Gù thì phải rồi, nhưng Prey Nkor mà thành Sài Gòn tui vẫn chưa tin
Lê Hậu Hùng xin mạn phép “múa rìu qua mắt thợ” giải thích về địa danh Sài Gòn như sau: Địa danh ព្រៃនគរ (tiếng Khmer đọc là Prey No Ko), người Khmer phiên âm chữ ព្រៃនគរ và viết sang tiếng Hán là 西貢, người Việt đọc chữ của người Khmer viết bằng tiếng Hán 西貢 là “Sây Cung” hoặc “Sy Cung” hoặc “Xây Cống”. Ngày nay người Hoa ở Chợ Lớn vẫn gọi Sài Gòn là Sây Cung hoặc Sy Cung (2 cách gọi này không biết cái nào là tiếng Phổ thông? cái nào là tiếng Quảng? nhưng Hùng nghĩ Sây Cung là tiếng Quảng, còn Sy Cung là tiếng phổ thông). Chữ 西貢 thì tiếng Hán Việt mình phát âm là Xây Cống, chắc có lẽ là do từ Xây Cống nghe không OK cho lắm nên người xưa “không thèm” xài từ này chăng? nếu như mà chữ 西貢 mà có âm Hán Việt nghe dễ thương hơn như: Xây Thành, Xây Ngọc, Xây Linh … thì chắc ngày nay sẽ không có cái tên Sài Gòn và lúc đó sẽ có vô số truyền thuyết “đẹp” tương tự như truyền thuyết về con “cá Linh” nào là “cá này nhảy lên thuyền cứu người nên gọi là cá Linh” nào là “cá này linh lắm nên gọi là cá Linh” nào là “cá này nó lên từ Biển Hồ nên gọi là cá Lên sau này gọi là cá Linh”… Cá Linh nó đẹp như vậy nên người ta tha hồ mà mơ mộng, diễn giải, đẻ ra sự tích này sự tích kia. Vậy 西貢 tiếng Hán Việt mình đọc là Xây Cống thì bạn đẻ ra sự tích cái địa danh này như thế nào? chẳng lẽ lại nói: ngày xưa nơi này người ta Xây một cái Cống khá lớn nên Hòn ngọc Viễn đông này gọi là Xây Cống ??? thật là lố bịch phải không các bạn? thôi thì khó quá mình bỏ qua Xây Cống mà nên tìm cách gọi khác có cái tên đẹp hơn. Vậy ព្រៃនគរ = 西貢 = Sây Cung. Theo nguyên tắc phiên âm tiếng Hán sang tiếng Pháp thì: âm “C-K” viết thành âm “G”, ví dụ: công chúa = cung chu = Gong Zhu. Cung hỷ = Cung xi = Gong Ying. Thành công = Chêng cung = Cheng Gong. Bên cạnh đó thì có một số địa danh hoặc tên cây có âm tiếng Khmer là K-C sẽ biến thành âm “G”, VD: Vũng Gù, Rạch Gòi, chùa Tắc Gồng, dây Gùi (một loại cây) … Những VD này Hùng sẽ ghi lần lượt theo thứ tự là: tiếng Việt – tiếng Khmer – phiên âm tiếng Pháp – phiên âm tiếng Việt – chữ Việt. Cụ thể:
-Vũng Gù = កំពង់គោ = Kampong Ko = Công Pông Kô = Vũng Gù (chữ គោ = Kô = Gù).
-Rạch Gòi = ព្រែកកុយ = Prek Koi = Prêk Côi = Rạch Gòi (chữ កុយ = Côi = Gòi).
-Chùa Tắc Gồng = ប្រាសាទគង់ = Prasat Kong = Pra Sát Kung = Chùa Tắc Gồng (chữ គង់ = Kung = Gồng).
-Dây Gùi = វល្ល៍គុយ = Voal Kuy = Voăn Kui = Dây Gùi (chữ គុយ = Kui = Gùi).
Vậy, với những nguyên tắc và VD cụ thể như trên thì có lẽ là 西貢 = Sây Cung khi phiên âm sang tiếng Pháp sẽ viết là “Sai Gong”, âm tiết Sây viết thành Sai, âm tiết Cung viết thành Gong và chữ “Sai Gong” phiên từ chữ Hán sang chữ Pháp này người miền Nam sẽ đọc là Sài Goòng, nhưng khi viết sang tiếng Việt sẽ là “Sài Gòn”, ví dụ: “con mèo” người miền Nam sẽ đọc là Coong mèo, “dài thòn lòn” sẽ đọc là “dài thoòng loòng”, vì vậy người miền Nam đọc là “Sài Goòng” thì chữ tiếng Việt sẽ viết là “Sài Gòn”. Nói tóm lại: ព្រៃនគរ = 西貢 = Sây Cung = Sai Gong = Sài Goòng = Sài Gòn. Trân trọng.
Phi Hung Tang về lịch đại thì Sài Gòn phải có trước trong ngôn ngữ tiếng Việt rồi mới phái sinh ra Hán Việt là Đề Ngạn, âm Quảng Đông là Thầy Ngoòng, từ đây lại phái sinh ra Tây Cống. Nếu suy luận ngược như trên thì ta chỉ có Đề Ngạn hoặc Tây Cống thôi, không có Sài Gòn
Lê Hậu Cám ơn Bạn, nhờ Bạn mà Hùng mới biết mình có sai sót chút xíu. Chữ 西貢 tiếng Hán Việt âm đọc là Tây Cống chứ không phải là Xây Cống. Sorry tất cả mọi người, mong mọi người bỏ qua sai sót này. Trân trọng cám ơn.
Theo thiển nghĩ chủ quan của em thì em thuận theo: Prek Mot Chruk” (ព្រែក មាត់ ជ្រូក), Kính Anh!
Nghe nói chruk – chu rút- chu đôc,
Chu – châu, né phạm húy nguyễn phúc chu.
Sok Kha Mo Ni hèn gì nhân vật Chu Bá Thông trong chuyện chưởng Kim Dung, không hiểu tại sao trước 75 lại nói ổng là Châu Ba Thông, bây giờ mới hiểu lý do.