ĐÍNH CHÍNH TÊN GỌI NĂNG GÙ

Vĩnh Thông

15 Tháng 12, 2021  · 

🌐 ĐÍNH CHÍNH TÊN GỌI NĂNG GÙ 🌐

Vĩnh Thông

Ngày nay, Năng Gù là một cái tên khá quen thuộc của người dân An Giang và cả vùng Tây Nam Bộ. Song nhiều người thắc mắc: bến phà từ huyện Châu Phú qua huyện Phú Tân (đều thuộc tỉnh An Giang) có tên là bến phà Năng Gù, ở huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) cách đó khoảng 8 km cũng có nhà thờ Thiên Chúa giáo mang tên Năng Gù, vậy Năng Gù thực sự ở đâu? Ít ai biết chính xác địa danh Năng Gù dùng để chỉ vùng đất nào, điều đáng buồn hơn, địa danh nầy đã bị dùng sai gần trăm năm qua mà chưa có đính chính lại.

Trước tiên, cần xác định rõ vị trí cụ thể của Năng Gù từng được ghi nhận trong nhiều tài liệu. Năng Gù là vùng đất ngày nay thuộc huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Cụ thể, đó là một cù lao nằm giữa ranh giới hai huyện Châu Phú và Châu Thành, có tên gọi hành chánh là xã Bình Thủy, ngày xưa từng mang tên là thôn Bình Lâm. Cù lao nầy chia sông Hậu thành hai nhánh, nhánh nhỏ cũng mang tên theo tên cù lao, gọi là xép Năng Gù (xép: sông nhỏ).

Cù lao Năng Gù được đề cập từ rất sớm trong các tác phẩm địa chí. Hoàng Việt nhất thống dư địa chí do Lê Quang Định biên soạn năm 1806 viết: “Giữa sông có cồn, gọi là cù lao Năng Cù, trên đó có dân cư, ở đây nước chia ra hai nhánh, hai bên sông đều có dân cư và ruộng cấy lúa, phía ngoài là rừng chằm, đến rạch Năng Cù, rạch ở phía bên phải, rộng 5 tầm, sâu 2 tầm, chảy đến cùng thì có dân cư” [Lê Quang Định 2005: 330].

Gia Định thành thông chí do Trịnh Hoài Đức biên soạn khoảng cuối triều vua Gia Long đề cập: “Ở phía trước hạ khẩu Vàm Nao thuộc Hậu giang dài 9 dặm, có thôn Bình Lâm ở đấy. Ở đây rừng tre um tùm, đầy dẫy ao cá, dân ở vùng thượng lưu Hậu giang nhờ khai thác tre và cá tôm làm nghề sinh nhai hàng ngày, ngoài ra còn trồng bông kéo sợi và lúa gạo” [Trịnh Hoài Đức 2006: 92].

Đến tác phẩm Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán biên soạn dưới triều vua Tự Đức, cũng cung cấp những thông tin khá tương đồng: “Ở trước cửa dưới vàm Thuận Châu của Hậu giang, dài 9 dặm, có thôn Bình Lâm, trên rừng nhiều tre, dưới sông lắm cá” [Quốc sử quán triều Nguyễn 2006: 215].

Tương tự, sau khi Nam Kỳ trở thành thuộc địa, Duy Minh Thị biên soạn Nam Kỳ lục tỉnh địa dư chí năm 1872 cho biết: “Cù lao Năng Cù (kêu trại Năng Gù) ở về phía trước vàm dưới Vàm Giao ở sông Sau, dài 9 dặm, cù lao quanh co, về hướng nam cù lao bằng phẳng cho nên ghe đi phần nhiều noi theo bờ hướng nam (tục danh xếp Năng Gù)” [Duy Minh Thị 1944: 87-88].

Những tác phẩm trên đều khẳng nhận Năng Gù là một cù lao trên sông Hậu. Địa danh Năng Gù không biết ra đời từ khi nào và nguồn gốc ở đâu, chỉ biết cách đây hàng trăm năm đã có người dân sinh sống trên cù lao và truyền nhau tên gọi nầy cho đến bây giờ. Hiện nay có nhiều lý giải khác nhau về địa danh nầy.

Ý kiến đầu tiên theo các vị cao niên ở địa phương cho rằng Năng Gù bắt nguồn từ Long Cù, nghĩa là con cù hóa rồng, sau nói trại ra thành Năng Gù [Tư liệu điền dã 2012]. Cù là con vật cổ trong văn hóa dân gian, thuộc họ rồng, không có thật. Tác giả An Chi [2011] cung cấp ba cách giải thích khác nhau trong thư tịch cổ Trung Hoa về con cù:

– Một là, “hữu lân viết giao long, hữu dực viết ứng long, hữu giác viết cù long, vô giác viết ly long”. Nghĩa là rồng có vảy gọi là giao long, có cánh gọi là ứng long, có sừng gọi là cù long, không sừng gọi là ly long.

– Hai là, “hùng hữu giác, thư vô giác, long tử nhất giác giả giao, lưỡng giác giả cù, vô giác giả ly”. Nghĩa là rồng đực có sừng, rồng cái không sừng, rồng một sừng là giao, hai sừng là cù, không sừng là ly.

– Ba là, “mẫu long viết giao, tử viết cù, kỳ trạng ngư thân như xà vĩ, bì hữu chu”. Nghĩa là rồng mẹ gọi là giao, rồng con gọi là cù, hình trạng như thân cá mà đuôi rắn, da nổi hạt châu.

Như vậy ngay cả trong thư tịch cổ Trung Hoa, việc ghi chép về con cù vẫn không thống nhứt. Ở Việt Nam, cù được giải thích là “loài rồng không sừng, tục hiểu nó thường nằm dưới đất, chỗ nó dậy thành sông” [Huỳnh Tịnh Của 1974: 194]. Dân gian cho rằng vùng đất nào bỗng lở thành sông là do có con cù ẩn mình bên dưới tu hành lâu năm và nó đang “dậy” để hóa rồng.

Cách lý giải thứ hai cho rằng Năng Gù nói trại từ Snèn Kô trong tiếng Khmer, nghĩa là sừng bò [Vương Hồng Sển 1999: 247]. Chưa biết giả thuyết nào chính xác hơn, tuy nhiên tên gọi Năng Gù đã ra đời từ rất sớm và nơi đây cũng là một trong những vùng đất được khai phá đầu tiên ở An Giang. Năm 1783, ông Dương Văn Hóa đến khai khẩn cù lao Năng Gù và lập nên thôn Bình Lâm (sau nầy đổi thành Bình Thủy như hiện nay).

Bên cạnh đó, ngoài cù lao chính thức mang tên Năng Gù thì trong dân gian còn tồn tại một miệt Năng Gù, có phạm vi không rõ ràng, nhưng chắc hẳn là rộng hơn cù lao. Chúng ta có thể xác minh điều nầy qua vài tư liệu:

– Đầu triều Nguyễn, quan Trấn thủ Vĩnh Thanh phong cho ông Dương Văn Hóa chức Trùm tri thâu Bình Lâm thôn. Song, theo hậu duệ họ Dương cho biết, khu vực mà ông quản lý không chỉ có cù lao Năng Gù mà bao gồm cả “vùng xép” từ Cái Dầu kéo dài xuống giáp ranh Chắc Cà Đao [Tư liệu điền dã 2012].

– Theo Sơn Nam [1959: 59] cho biết: “Năm 1845, vùng Năng Gù lại phồn thịnh nhờ sự khai thác của nhóm người Công giáo mới đến”. Chúng ta có thể hiểu “vùng Năng Gù” trong đoạn nầy không chỉ riêng cù lao Năng Gù mà cả khu vực rộng lớn hơn, có thể bao gồm địa bàn nay thuộc xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú) và xã An Hòa (huyện Châu Thành), vì ở cù lao Năng Gù tín đồ Công giáo không đông bằng những vùng xung quanh.

Như vậy, miệt Năng Gù bao gồm cả phần đất cù lao và một số khu vực lân cận, có thể tạm ước tính kéo dài từ giáp ranh rạch Cái Dầu (huyện Châu Phú) đến giáp ranh rạch Chắc Cà Đao (huyện Châu Thành).

Theo chúng tôi, sở dĩ có miệt Năng Gù vì ngày xưa vùng đất nầy còn hoang vu, dân cư thưa thớt, chưa thành lập thôn ấp chính thức. Do vậy, dân gian lấy cù lao Năng Gù làm hạt nhân, từ đó gọi bao quát cả một vùng đất rộng lớn xung quanh với cái tên chung là miệt Năng Gù, cũng là điều dễ hiểu.

Trở lại vấn đề về sự nhập nhằng giữa tên bến phà và tên nhà thờ, dù cả hai nơi cách nhau khoảng 8 km và không nằm trên cù lao Năng Gù. Tên nhà thờ Năng Gù (xã An Hòa, huyện Châu Thành) đồng thời là tên giáo xứ, mà giáo xứ Năng Gù bao gồm cả cù lao Năng Gù và vùng phụ cận, nên mặc dù không nằm trên cù lao nhưng nhà thờ vẫn mang tên Năng Gù cũng là điều hợp lý.

Trong khi đó, bến phà mang tên phà Năng Gù lại không hợp lý. Vùng / miệt hay giáo xứ là không gian rộng, một địa danh trung tâm có thể được dùng để chỉ toàn khu vực. Phà có vị trí được xác định rõ ràng hơn, với điểm đi và điểm đến cụ thể. Hai bờ của phà Năng Gù là xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú) và xã Bình Thạnh Đông (huyện Phú Tân), đường đi của phà không hề ghé vào hoặc đi ngang địa phận của cù lao Năng Gù, vậy mà phà lại mang tên một cù lao giữa sông!

Từ thời Pháp, chánh quyền thuộc địa đã xây dựng bến phà nầy, gọi là bắc Năng Gù. Trong tiếng Pháp, từ “bac” có nghĩa là phà sang sông, người miền Nam đã tiếp nhận từ nầy và đọc là “bắc”. Trường hợp bắc Năng Gù, có thể hiểu phà đã có từ lâu, trước là đò chèo, sau đến đò máy và đã được gọi là đò Năng Gù. Khi người Pháp mở rộng và nâng cấp thành bến bắc có quy mô lớn hơn, cũng vẫn giữ nguyên tên cũ. Ngày nay, chánh quyền hiện tại vẫn sử dụng Năng Gù làm tên cho bến phà nầy.

Một vị cao niên ở Bình Thủy, ông Huỳnh Ái Tông [2011: 8] lý giải: “Ở đầu làng có một ngôi chợ, nơi đó có một bến đò thường gọi là bến đò Năng Gù, về sau gần đó có một bến bắc (phà), những người phụ xế (lơ) xe đò, không rành về địa phương, thấy bến bắc gần bến đò Năng Gù, nên họ đặt tên là bắc Năng Gù, thật ra chiếc bắc nầy đưa người đi từ làng Bình Mỹ sang Hòa Hảo và ngược lại, không dính dáng chi đến cù lao Năng Gù cả. Đây là sự sai lầm mà chúng tôi muốn giải thích nguyên do vì sao có tên là bắc Năng Gù”.

Qua đoạn lý trên, chúng ta có thể nhận ra chi tiết “ở đầu làng có một ngôi chợ” chính là chợ Bình Thủy ở ấp Bình Phú của xã Bình Thủy ngày nay, người dân còn gọi là “chợ đầu vàm”. Chi tiết “nơi đó có một bến đò thường gọi là bến đò Năng Gù” chính là bến đò trước chợ ngày nay vẫn còn, nằm chếch góc với Trường Trung học phổ thông Bình Mỹ bên kia sông. Như vậy, qua lời giải thích nầy, chúng ta có thể biết thêm ngôi chợ và bến đò nói trên ngày xưa từng được gọi là chợ Năng Gù và đò Năng Gù. Sau đó, tên gọi Năng Gù bị “phiêu bạt địa danh” và dùng sai cho bến bắc ở xã Bình Mỹ cách đó khoảng 1 km.

Hàng trăm năm nay, tên gọi Năng Gù vẫn bị sử dụng không rõ ràng, khiến nhiều người hiểu sai lệch về địa phương. Thậm chí những thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên trên cù lao Năng Gù – con cháu của những bậc tiền nhân khai hoang lập làng ngày xưa cũng không biết Năng Gù là tên của cù lao quê mình. Địa danh Năng Gù không chỉ mang đậm dấu ấn về mặt lịch sử – văn hóa của một cù lao trên sông Hậu, mà còn là nỗi nhớ niềm thương của những người con quê nhà, họ luôn tự hào về tên đất – tên quê mà cha ông đã có công khai phá.

— VĨNH THÔNG

(Bài đăng trên Tạp chí Xưa & nay, số 407, 2012 & in trong sách Dấu ấn thượng châu thổ, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2021)

_________________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. An Chi (2011), “Cù dậy là gì?”, Tạp chí Người đô thị, số 105-106, 25/9/2011.

2. Duy Minh Thị (1944), “Nam Kỳ lục tỉnh địa dư chí”, Thượng Tân Thị dịch, Đại Việt tập chí, số 51-52-53.

3. Huỳnh Ái Tông (2011), “Làng tôi”, trong Truyện của tôi, Hiên Phật học.

4. Huỳnh Tịnh Của (1974), Đại Nam quấc âm tự vị, Nxb Khai Trí.

5. Lê Quang Định (2005), Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Phan Đăng dịch, Nxb Thuận Hóa.

6. Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, Tập 5, Phạm Trọng Điềm dịch & Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb Thuận Hóa.

7. Sơn Nam (1959), Tìm hiểu đất Hậu Giang, Nxb Phù sa.

8. Trịnh Hoài Đức (2006), Gia Định thành thông chí, Lý Việt Dũng dịch & Huỳnh Văn Tới hiệu đính, tái bản, Nxb Tổng hợp Đồng Nai.

9. Vương Hồng Sển (1999), Tự vị tiếng nói miền Nam, tái bản, Nxb Trẻ.

https://www.vinhthong.com/2012/10/inh-chinh-ve-ten-goi-nang-gu-vinh-thong.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *