LÀNG Ở LONG XUYÊN DƯỚI TRIỀU NGUYỄN

Hội Khoa học lịch sử An Giang

27 Tháng 7, 2019  · 

LỊCH SỬ 230 NĂM TỪ THỦ ĐÔNG XUYÊN ĐẾN TP LONG XUYÊN

+THAM LUẬN HỘI THẢO KHOA HỌC

+BÀI 26:LÀNG Ở LONG XUYÊN DƯỚI TRIỀU NGUYỄN

Trần Hoàng Vũ

Khu vực thành phố Long Xuyên ngày nay có lẽ đã được khai phá từ lâu, với tư cách là vùng phụ cận của đạo Đông Khẩu (thành lập năm 1757). Tuy nhiên, đến năm 1789, chúa Nguyễn Ánh mới thiết lập tại vùng này một thủ sở mà Đại Nam nhất thống chí gọi là thủ cũ Đông Xuyên.

Theo Monographie de la province de Long-xuyen: “Một đồn, dự kiến gồm các đội quân lấy từ Camau [Cà Mau] để chống lại người Cam-bốt, được xây dựng ở Binh-duc [Bình-Đức], tại cửa rạch Long-Xuyên. Công trình này được gọi là Thu-thao-don và đội quân nhỏ đóng ở đó được gọi là Long-xuyen-dao” . Đoạn văn không hề nhắc đến Nguyễn Cư Trinh mà đặt tiếp ngay sau câu về sự tiếp tục phát triển dưới thời hoàng đế Gia Long. Trong bản dịch tiếng Việt của nhóm Nguyễn Nghị, Nguyễn Thanh Long xuất bản năm 2017, nhóm dịch đã tự ý thêm ba chữ “Nguyễn Cư Trinh” vào đầu câu . Việc xử lý như vậy là rất nguy hiểm, vì nó khiến người đọc nhầm tưởng việc xây dựng đồn này là do Nguyễn Cư Trinh và vì thế phải diễn ra rất sớm, khoảng sau 1757 – nhưng sự thực không phải như vậy. Ba chữ Thu-thao-don cũng không có nghĩa là “Đồn thâu thuế” như nhóm dịch lý giải, mà thực ra là “Thủ Thảo đồn”. Thủ Thảo là một tên cũ của rạch Long Xuyên. Trương Vĩnh Ký có ghi nhận tên “Thủ-thảo đà, tức vàm Long-xuyên” . Ngoài ra, trong tư liệu Hội điển triều Nguyễn cũng có nhắc đến sở đánh cá có tên Thảo Đà Bích Động , đó có lẽ cũng là chỉ rạch Thủ Thảo.

Đến năm 1806, Lê Quang Định mô tả miền này đã ghi nhận từ cửa rạch Ông Chưởng Hạ cho đến rạch Lấp Vò đều có dân cư sinh sống ở cả hai bên sông Hậu. Ngoài ra, ở cuối ngọn rạch Cái Sơn, Cái Lao đều có dân cư . Năm 1820, Trịnh Hoài Đức thống kê các thôn ở huyện Vĩnh Định, trấn Vĩnh Thanh đã có nhắc đến ba thôn: Bình Đức, Mỹ Phước và Mỹ Thạnh. Cả ba đều là “mới lập” . Ngoài ra còn có thôn Mỹ Đức không có chữ “mới lập”, vì vậy hẳn nó là thôn có lịch sử lâu đời hơn các thôn kia. Đây là những thôn hạt nhân tạo nên thành phố Long Xuyên ngày nay. Hiện trạng khai hoang miền này vào thời Minh Mạng đươc mô tả kỹ hơn trong tài liệu địa bạ của các thôn mà ngày nay ta còn giữ được.

Thôn Bình Đức.

Địa bạ thôn Bình Đức do Thôn trưởng Võ Văn Yến, Dịch mục Nguyễn Văn Thành khai thời Minh Mạng cho biết địa bàn thôn Bình Đức trải dài trên năm xứ: Đông Xuyên, Trà Ôn, Cần Say (Cần Xây), Trà Mạn (Trà Mơn), cù lao Cau.

Xứ Đông Xuyên:

– Đông giáp sông lớn (sông Hậu).

– Nam giáp Đông Xuyên đà 東 川 沱 (rạch Long Xuyên).

– Tây giáp Tầm Vu đà 尋 于 沱 (rạch Tầm Vu) và địa phận thôn Vĩnh Thuận.

– Bắc giáp xứ Trà Ôn 茶 温 và rừng.

Đông Xuyên đà tức rạch Long Xuyên. Ở giáp ranh hai phường Bình Đức và Bình Khánh của thành phố Long Xuyên còn có rạch Tầm Vu và nhánh rạch Tầm Vu nhỏ. Xứ Đông Xuyên như vậy là tương ứng với hai phường Bình Khánh và Mỹ Bình của thành phố Long Xuyên.

Xứ Trà Ôn:

– Đông giáp sông lớn và giáp xứ cù lao Trà Mạn 茶 漫.

– Nam giáp rạch Đông Xuyên.

– Tây giáp rừng.

– Bắc giáp xứ Cần Say 芹 醝 và rừng.

Ngày nay vẫn còn địa danh cầu Cần Xây và rạch Cần Xây ở phường Bình Đức thành phố Long Xuyên. Nhưng địa bạ dùng chữ nôm “Dậu + Sai” thì có lẽ ám chỉ phải phát âm thành chữ “Say” trong từ “say rượu”. Địa danh này đôi khi còn biến thành Dần Xây. Bản đồ Long Xuyên năm 1886 của Camouilly và Bertaux ghi là “Rạch Càng Say”. Xứ Trà Ôn như vậy là bao gồm một nửa phía nam của phường Bình Đức, cộng với địa bàn phường Bình Khánh. Nay vẫn còn địa danh rạch Trà Ôn, cầu Trà Ôn, bến đò Trà Ôn là hạt nhân của xứ Trà Ôn xưa.

Xứ Trà Mạn:

– Đông giáp địa phận thôn Mỹ Hội Đông.

– Nam giáp sông lớn, lại giáp xứ cù lao Cau 岣 嶗 橰 (cây cau).

– Tây giáp sông lớn, lại giáp hai xứ Trà Ôn, Cần Say.

– Bắc giáp địa phận thôn Mỹ Hội Đông.

Địa bạ thôn này ghi Trà Mạn là xứ cù lao Trà Mạn. Ngày nay, ở giữa sông Hậu nổi lên một cù lao lớn gọi là cù lao Ông Hổ (còn gọi cù lao Mỹ Hòa Hưng). Giữa cù lao này còn có rạch tên Trà Mơn. Bản đồ năm 1886 ghi là “R. Tra Mong”. Bản đồ năm 1925 ghi là “r. Trà Mương”. Xứ Trà Mạn như vậy là nằm trên cù lao Ông Hổ, cụ thể là nửa phía tây của cù lao này, nay thuộc xã Mỹ Hòa Hưng thành phố Long Xuyên.

Xứ Cần Say:

– Đông giáp sông lớn, ngang mặt đối diện với xứ Trà Mạn.

– Nam giáp xứ Trà Ôn.

– Tây giáp rừng.

– Bắc giáp địa phận thôn Bình Hòa Trung và rừng.

Xứ Cần Say nay thuộc nửa phía bắc phường Bình Đức, với hạt nhân là khu vực rạch Cần Xây, cầu Cần Xây ngày nay.

Xứ cù lao Cau.

– Đông giáp sông lớn.

– Nam giáp Đông Xuyên đà.

– Tây giáp Trà Ôn đà.

– Bắc giáp sông lớn, ngang mặt đối diện xứ Trà Mạn.

Với vị trí giáp xứ Trà Mạn (cù lao Ông Hổ) về phía bắc thì xứ cù lao Cau có lẽ là cồn Phó Ba, nếu không phải là một cù lao khác mà nay đã biến mất.

Như vậy, ngay từ năm 1820, thôn Bình Đức đã kéo dài từ khoảng kênh Ranh Long Xuyên – Châu Thành cho đến tả ngạn rạch Long Xuyên, ăn lan qua một phần cù lao Ông Hổ và toàn bộ cồn Phó Ba (cù lao Cau). Thứ tự đúng theo tuyến đường từ Châu Đốc xuống Long Xuyên là: xứ Cần Say, xứ Trà Ôn, xứ Đông Xuyên, và xứ Trà Mạn, xứ cù lao Cau nằm trên sông Hậu.

Thôn Bình Đức ban đầu (khoảng năm 1820) thuộc huyện Vĩnh Định, trấn Vĩnh Thanh. Đến khi lập địa bạ thì thôn này thuộc tổng Định Thành, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Thống kê của người Pháp năm 1901 cho thấy thôn Bình Đức thuộc tổng Định Thành Hạ, hạt Long Xuyên. Dân số lúc này (1901) là 6.319 người.

Thôn Mỹ Phước.

Địa bạ thôn Mỹ Phước do Thôn trưởng Phạm Văn Niên, Dịch mục Bùi Văn Vân khai thời Minh Mạng cho biết thôn Mỹ Phước trải dài trên năm xứ: Rạch Gốc, Tầm Bột, Cái Sơn, Rạch Cốc, cù lao Cát.

Xứ Rạch Gốc 瀝 㭲:

– Đông giáp sông lớn (sông Hậu).

– Nam giáp địa phận thôn Mỹ Đức.

– Tây giáp rừng.

– Bắc giáp Tầm Bột đà 尋 浡 沱.

Địa bạ dùng chữ nôm “Mộc + Cốc” để ghi, chữ nôm đọc là rạch Gốc. Chữ Gốc này có nghĩa là “gốc cây” hoặc là “cây cóc”. Chưa rõ rạch này nay nằm ở vị trí nào.

Nay ở phường Mỹ Phước thành phố Long Xuyên còn địa danh rạch Tầm Bót, cầu Tầm Bót là tương ứng với Tầm Bột đà trong địa bạ. Bản đồ Long Xuyên năm 1886 ghi là “R. Tram Đốt”. Như vậy xứ Rạch Gốc là nửa phía nam phường Mỹ Phước.

Xứ Tầm Bột (Tầm Bót):

– Đông giáp sông lớn.

– Nam giáp Tầm Bột đà.

– Tây giáp rừng.

– Bắc giáp rừng.

Ta đã biết có rạch Tầm Bót chảy ngang giữa phường Mỹ Phước. Xứ Tầm Bột vì thế là tương ứng với nửa phía bắc phường Mỹ Phước, có lẽ ăn lan sang một phần phường Mỹ Long. Vào thời điểm lập địa bạ, xứ này có lẽ mới khai khẩn vì xung quanh nó vẫn chủ yếu là rừng.

Xứ Cái Sơn 蓋 山:

– Đông giáp sông lớn.

– Nam giáp Tầm Bột đà.

– Tây giáp rừng.

– Bắc giáp Đông Xuyên đà.

Nay ở phường Mỹ Xuyên còn địa danh rạch Cái Sơn, cầu Cái Sơn. Xứ Cái Sơn do đó là tương ứng với địa bàn phường Mỹ Xuyên hiện nay. Có thể ăn lan lên một phần phía bắc phường Mỹ Long giáp với Đông Xuyên đà (rạch Long Xuyên). Vào năm 1806, Lê Quang Định đã nhắc đến rạch Cái Sơn 丐 山 “rộng 2 tầm, sâu 1 tầm, chảy đến cùng thì có dân cư” .

Xứ Rạch Cốc 瀝 谷:

– Đông giáp sông lớn.

– Nam giáp rừng.

– Tây giáp địa phận thôn Phú Hòa.

– Bắc giáp Đông Xuyên đà.

Tuy chưa xác định được vị trí của rạch Cốc và tên gọi hiện tại, nhưng dựa vào vị trí giáp thôn Phú Hòa (nay còn địa danh thị trấn Phú Hòa) thì có thể suy đoán hạt nhân của xứ Rạch Cốc nằm ở phường Mỹ Hòa thành phố Long Xuyên ngày nay.

Xứ cù lao Cát 岣 嶗 葛 (chữ cát có nghĩa là dây sắn):

– Đông giáp sông lớn.

– Nam giáp sông lớn, đối diện ngang mặt với địa phận của bổn thôn.

– Tây giáp sông lớn.

– Bắc giáp địa phận thôn Bình Đức.

Xem bản đồ do người Pháp vẽ thì xứ cù lao Cát phải là tương ứng với cồn Phó Quế. Ngày nay cồn này đã sáp nhập vào nội địa, thuộc khóm Phó Quế, phường Mỹ Long, thành phố Long Xuyên.

Như vậy thôn Mỹ Phước xưa bao gồm địa bàn các phường Mỹ Long, Mỹ Xuyên, Mỹ Hòa, Mỹ Phước. Thôn Mỹ Phước vào khoảng năm 1820 thuộc huyện Vĩnh Định, trấn Vĩnh Thanh. Đến khi lập địa bạ thì thuộc tổng Định Phước, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Thống kê của người Pháp năm 1901 cho thấy thôn Mỹ Phước thuộc tổng Định Phước, hạt Long Xuyên. Dân số lúc này (1901) là 6.742 người.

Thôn Mỹ Thạnh.

Địa bạ thôn Mỹ Thạnh do Thôn trưởng Ngô Văn Sanh, Dịch mục Đinh Văn Miên khai thời Minh Mạng cho biết thôn Mỹ Thạnh trải dài trên ba xứ: Cái Sắn, Cái Lao, Cái Ngôi.

Xứ Cái Sắn 丐 [木產]:

– Đông giáp địa phận thôn Thới Thuận.

– Nam giáp rừng.

– Tây giáp Cái Sắn đà.

– Bắc giáp sông lớn.

Địa bạ thôn Mỹ Thạnh hình như dùng một hệ quy chiếu phương vị hơi khác. Địa bạ thôn này xem sông Hậu như là hướng bắc (trong khi địa bạ thôn Bình Đức, Mỹ Phước xác định đúng là ở hướng đông). Ngày nay ranh giới phường Mỹ Thạnh thành phố Long Xuyên tỉnh An Giang và phường Thới Thuận quận Thốt Nốt thành phố Cần Thơ chính là rạch Cái Sắn. Xứ Cái Sắn do đó là thuộc địa phận phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ ngày nay.

Xứ Cái Lao 丐 [木牢]:

– Đông giáp Cái Sắn đà.

– Nam giáp rừng.

– Tây giáp Cái Ngôi đà.

– Bắc giáp sông lớn.

Địa bạ dùng chữ nôm “Mộc + Lao” để ghi tên xứ Cái Lao, rõ ràng là tên của một loài cây. Tương tự xứ Cái Ngôi cũng là đặt theo tên một loại cây, vì có bộ mộc. Ngày nay còn có địa danh rạch Gòi, cầu Rạch Gòi Lớn, cầu rạch Gòi Bé và địa danh Cái Sao ở địa phận phường Mỹ Thạnh. Đại Nam nhất thống chí – Lục tỉnh Nam Việt gọi là Lao Đà 牢 沱 . Bản đồ năm 1886 ghi là “rạch Cay Sao”. Như vậy xứ Cái Sao là thuộc về phường Mỹ Thạnh và hạt nhân là khu vực rạch Cái Sao. Trước đó mấy chục năm, Lê Quang Định đã tả về rạch Cái Lao 丐 牢 (chữ Lao không có bộ mộc) “rộng 2 tầm, sâu 1 tầm, chảy đến cuối có dân cư, phía ngoài đều là rừng chằm” .

Xứ Cái Ngôi 丐 [木巍]:

– Đông giáp Cái Lao đà.

– Nam giáp rừng.

– Tây giáp Cái Ngôi đà, lại giáp địa phận thôn Mỹ Đức.

– Bắc giáp sông lớn.

Rạch Cái Ngôi trong địa bạ có lẽ là tương ứng với rạch Cái Đôi 丐 堆 trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí. Nay còn địa danh rạch Gòi rất có thể chính là rạch Cái Đôi – Cái Ngôi xưa. Bản đồ năm 1886 của Camouilly et Bertaux cũng vẽ rõ ranh giới phía bắc của thôn Mỹ Thạnh là “R. Goi”. Như vậy xứ Cái Ngôi là một phần phía bắc phường Mỹ Thạnh dọc rạch Gòi, nhưng hạt nhân của xứ này phải là khu vực phía nam phường Mỹ Thới. Vào năm 1806, Lê Quang Định cho biết khu vực rạch Đôi “rộng 3 tầm, sâu 1 tầm 4 thước, chảy đến cùng thì có dân cư và ruộng vườn” .

Như vậy, thứ tự thôn Mỹ Thạnh từ hướng Châu Đốc xuống Long Xuyên bao gồm các xứ: xứ Cái Ngôi (phường Mỹ Thới, Mỹ Thạnh), xứ Cái Lao (phường Mỹ Thạnh) và xứ Cái Sắn (phường Thới Thuận, quận Ô Môn, Cần Thơ). Thôn Mỹ Thạnh vào khoảng năm 1820 thuộc huyện Vĩnh Định, trấn Vĩnh Thanh. Đến khi lập địa bạ thì thuộc tổng Định Phước, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Thống kê của người Pháp năm 1901 cho thấy thôn Mỹ Thạnh thuộc tổng Định Phước, hạt Long Xuyên. Dân số lúc này (1901) là 1.687 người.

Thôn Mỹ Đức.

Địa bạ thôn Mỹ Đức ngày nay đã mất. Thậm chí tên thôn này cũng không thấy trong các thống kê trong địa chí của người Pháp về hạt Long Xuyên. Tuy nhiên, ta còn nhận ra được vị trí thôn này thông qua phần mô tả đông tây tứ cận của các thôn khác. Phía đông thôn này giáp sông Hậu, phía nam giáp Cái Đôi đà (rạch Gòi), phía bắc giáp xứ Rạch Gốc. Địa bàn của nó là tương ứng với các phường Mỹ Quý, Mỹ Thới. Trên bản đồ 1886 của người Pháp là tương ứng với thôn Mỹ Quới.

Thôn Mỹ Đức vào khoảng năm 1820 thuộc huyện Vĩnh Định, trấn Vĩnh Thanh. Đến khi lập địa bạ thì thôn này thuộc về tổng Định Phước, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Thống kê của người Pháp năm 1901 cho thấy thôn Mỹ Đức đã đổi thành Mỹ Quới thuộc tổng Định Phước, hạt Long Xuyên. Dân số lúc này (1901) là 547 người.

Khu vực cù lao Ông Hổ.

Đặc biệt khu vực cù lao Ông Hổ hiện nay được khai phá bởi ba nhóm khác nhau:

– Nhóm di dân từ thôn Bình Đức (nay thuộc phường Bình Đức, thành phố Long Xuyên) chiếm phía tây khu vực rạch Trà Mơn và gọi xứ đó là xứ cù lao Trà Mạn.

– Nhóm di dân từ thôn An Hòa (nay thuộc xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới) tới chiếm phía nam cù lao và gọi xứ đó là xứ Châm Ba châu 針 [氵巴] 洲 .

– Nhóm di dân từ thôn Mỹ Hội Đông (nay thuộc xã Kiến An và Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới) tới chiếm phía đông rạch Trà Mơn và gọi nó là xứ Mỹ Hưng châu 美 興 洲 .

Tình trạng chia ba chân vạc này vẫn còn tồn tại trên bản đồ năm 1886. Ngày nay cù lao Ông Hổ còn được gọi là cồn Trấn Ba 鎮 波 (ngăn sóng). Cách gọi này đã thấy chép trong Đại Nam nhất thống chí – Lục tỉnh Nam Việt, rõ ràng là mỹ hóa từ tên gọi Châm Ba. Đến lượt mình thì tên gọi Châm Ba lại liên đới với rạch Chàm Pha, bến đò Chàm Pha, chợ Tầm Pha ở bên phía Chợ Mới. Cái tên cù lao Châm Ba 岣 嶗 針 𠀧 và rạch Châm Ba cũng được ghi nhận rất sớm bởi Lê Quang Định.

Cách thức đặt tên các xứ hàm chứa rất nhiều thông tin về diện mạo vùng đất Long Xuyên từ thuở khai hoang. Rất nhiều địa danh xưa nay vẫn còn tồn tại, mặc dù có thể đã biến đổi về mặt ngữ âm. Việc nghiên cứu và xác định vị trí ngày nay cho phép ta hình dung được những địa điểm mà lưu dân đã lựa chọn định cư từ buổi đầu khai hoang lập ấp. Khi việc khai hoang đã phát triển, các “xứ” riêng rẽ này sẽ liên kết lại với nhau để tạo thành các thôn. Các thôn sẽ bắt đầu dựng đình, làm lễ Kỳ yên và nếu có điều kiện thì xin sắc phong của triều đình cho vị tôn thần của làng mình. Vị trí của đình cũng chính là trung tâm hành chính và tín ngưỡng của thôn, như đình Bình Đức, đình Mỹ Phước, đình Mỹ Thới vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *