Tản mạn về địa danh và truyền thuyết Búng Bình Thiên

vohungtuan

đăng lúc Apr 20 ’16 lúc 3:29 pm

Búng Bình Thiên là tên gọi của hồ nước ngọt tự nhiên lớn ở huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Hồ nước có cảnh quan đẹp, nước trong, quanh bờ có đông người Việt và người Chăm sinh sống.

Búng Bình Thiên có 2 hồ nước là Búng Lớn và Búng Nhỏ. Tuy nhiên, Búng Nhỏ hiện nay có rất ít nước nên khi nói tới Búng Bình Thiên, người ta thường chỉ nói đến Búng Lớn.

Bản đồ khu vực Búng Bình Thiên huyện An Phú tỉnh An Giang. Các làng Chăm ở khu vực quanh Búng Bình Thiên.
Bản đồ vệ tinh Búng Bình Thiên huyện An Phú tỉnh An Giang. Các làng Chăm ở khu vực quanh Búng Bình Thiên.

Mời xem cảnh quan Búng Bình Thiên tại bài viết Búng Bình Thiên – thương nhớ mùa bông điên điển

Truyền thuyết

Có một số truyền thuyết dân gian về Búng Bình Thiên. Đương nhiên, các câu truyện đều do người đời đặt ra, cốt để nói lên sự linh thiêng và kì bí của hồ nước.

Tây Sơn

Tương truyền, cuối thế kỷ18, tướng nhà Tây Sơn là Võ Văn Vương (hoặc Võ Duy Dương) kéo quân về An Giang và ông chọn khu vực Búng Bình Thiên hiện nay làm căn cứ để tích trữ lương thực và luyện tập binh sĩ. Thời điểm đó, khu vực này chỉ là một vùng đất khô cằn, Võ Văn Vương đã làm lễ tế cáo Trời – Đất xin ban nguồn nước để sinh hoạt. Sau khi khấn vái xong, ông rút gươm đâm xuống lòng đất trũng, cầu thủy dâng lên. Lạ thay, khi lưỡi gươm vừa cắm xuống mặt đất thì một dòng nước ngọt trong vắt phun lên rất cao. Theo thời gian nước tràn ngập thành hồ như ngày nay. Ông Võ Văn Vương đã đặt tên nơi này là Búng Bình Thiên.

Nguyễn Ánh

Xưa kia Búng bình Thiên có tên là Búng Bình Di vì là hồ nước có nguồn duy nhất dẫn từ sông Bình Di vào.

Nguyễn Ánh, trong lúc bôn ba chạy loạn Tây Sơn có đi ngang qua Búng và dừng lại nghỉ ngơi. Vào một đêm trăng sáng ông ngồi uống rượu, ngâm thơ bổng dưng trời nổi cơn giông tố, sông Bình Di sóng trắng xóa đôi bờ, thế mà mặt nước Búng Bình Di vẫn phẳng lặng in bóng trời xanh trên mặt hồ trong xanh không một gợn sóng, ông nhìn thấy hiện tượng lạ và đặt tên Búng Bình Thiên, tên gọi Búng Bình Thiên ra đời từ đó.

Cho đến bây giờ, vào mùa nước nổi, sông Bình Di mang đậm phù sa, nhưng nước ở Búng Bình Thiên vẫn trong xanh. Hiện nay, cư dân tại Búng Bình Thiên còn lưu truyền một huyền thoại là nơi Nguyễn Ánh ngồi ngâm thơ, uống rượu, lá cây khô trên cành không rơi trên mặt đất….nay tại vị trí nầy, nhân dân chuyển từ làm vườn sang trồng hoa màu nên không còn dấu vết).

Tương truyền, đây là bài thơ chúa Nguyễn Ánh đã làm:

Búng Bình Thiên là báu của trời
Công trình lừng lẫy khắp nơi nơi
Bốn mùa nước lắng trong như lọc
Tắc, trúc quanh co ngoài bãi lớn
Hòn Xà lặn hụp giữa dòng khơi
Tre xanh dờn dợn kề bên bãi
Rồng núp nguồn sâu vẫn đợi thời.

Hiện tại ở Nhơn Hội có một ấp tên Tắc Trúc nằm bên bờ Búng Lớn. Tắc, trúc có thể là tên 2 loại cây: cây tắc (cây hạnh) và cây (tre) trúc. Hoặc Tắc Trúc là tên gọi trại ra của cây chanh Thái, tiếng Việt gọi là trúc hoặc chúc, tiếng Khmer gọi là ក្រូចសើច [krooc saəc], tiếng Anh là kaffir lime. Có thể khi xưa ở quanh Búng Lớn, cây tắc, trúc, hoặc chanh Thái mọc nhiều? Vùng Bảy Núi có món gà hấp là trúc nổi tiếng, trong đó, lá trúc chính là lá chanh Thái.

Năm 1978 khi làm đường giao thông người ta đào lên 2 bao tiền từ thời trước Gia long. Hiện tại các nhà sử học đang nghiên cứu về lịch sử hình thành cộng đồng dân cư và tên gọi Búng Bình Thiên.

Chưa hết, có người còn cho rằng chỗ cửa Búng thông ra sông Bình Di là nơi Nguyễn Ánh đã cấm thanh gương xuống để xin nước. Nơi đó rất sâu, người ta định lấp lại làm đường (thay cầu C3) mà đổ xuống mấy xà lan cát đều bị hút hết. Lại thêm lời đồn rằng có người thử lấy 1 trái dừa khô, khắc chữ rồi bỏ cho chìm xuống Búng, mấy tháng sau người ta thấy trái dừa đó trôi ra tới tận biển Hà Tiên.

Địa danh

Búng Bình Thiên nghĩa là Hồ nước bình yên của ông Trời ban cho, Hồ nước Trời. Hoặc đơn giản theo cách gọi của người dân địa phương là Búng (hồ nước).

Búng hay Bưng?

  • Ý kiến của Cao Văn Nghiệp: https://nguoianphu.com/topic/64/tan-man-ve-dia-danh-va-truyen-thuyet-bung-binh-thien/1#post-645
    • Tóm lại, “Bung” trong địa danh “Bung Xăng” có thể là do tiếng Khmer là Kompung/ Kabung (កំពង់) nghĩa là Bến nước, còn “Búng” trong “Búng Bình Thiên” thì rất có thể là do tiếng Khmer Bâng/ Boeng (បឹង) nghĩa là “bưng, đầm nước rộng lớn”.
    • បឹង https://en.wiktionary.org/wiki/%E1%9E%94%E1%9E%B9%E1%9E%84
  • Thầy Sok Kha Mo Ni cho biết: “Tôi có đi thực tế với các bạn Chăm thì họ nói “búng” xuất phát từ com pung- ka bung/ កំពង់/ bến nước. Vùng kế cận có “bung xăng”/ bến nước có cây cây cần thăng.”
    • Tức là người Khmer, người Chăm gọi nơi này là Com-pung Bình Thiên hoặc Ka-bung Bình Thiên; người Việt gọi theo và giản lược thành Búng Bình Thiên
  • Theo bản đồ của Nha Địa Dư Quốc Gia (1965), cả hai địa danh Bình Thiên đều được ghi là Bưng, tức Bưng Bình Thiên Lớn và Bưng Bình Thiên Nhỏ. Ngoài ra, lân cận còn có các địa danh như Ấp Bưng Lớn, Bưng Môn, Bưng Ven.

Phỏng đoán ban đầu của tôi: tra trong sách Tự vị tiếng nói miền Nam của Vương Hồng Sển thì thấy có từ “bưng”. Từ này gốc Khmer (trapéang) lần hồi được Việt hóa (bưng), và nó có nghĩa là: “vùng đất sình lầy lấp xấp nước, cá tôm ở nhiều, cỏ lác mọc loạn xạ”…(nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 78). Vậy, “búng” ở đây có phải là do từ “bưng” nói trại ra hay không, cần phải truy cứu thêm.

  • ត្រពាំង ( n ) [trɑpeaŋ]: ao hồ, đầm lầy, vịnh

Bình Thiên hay Bình Tiên?

Về từ Bình Thiên thì hiểu nôm na Bình là bình yên, Thiên là trời, tự nhiên. Nên từ đó mới có cách nghĩ Búng Bình Thiên là Hồ nước Trời, hồ nước tự nhiên.

Chưa rõ chữ Thiên (trời, tự nhiên) có bị biến âm từ chữ Thiêng (linh thiêng) hay không. Nếu dựa theo truyền thuyết về vua Gia Long và sự trong trẻo kì lạ của nước trong hồ thì có thể đây là hồ nước linh thiêng, hay Búng Bình Thiêng.

Sách Gia Định Thành Thông Chí (xuất bản khoảng năm 1820) của Trịnh Hoài Đức có ghi rất rõ địa danh Bình Thiên Đãng (平天蕩) khi mô tả về sông Châu Đốc:

Theo Địa bạ triều Nguyễn năm 1832 (bản dịch của Nguyễn Đình Đầu) thì khu vực Búng Bình Thiên xưa kia được gọi là Bình Tiên 平仙 (chốn tiên cảnh bình yên).

Tuy nhiên, do chưa có được bản gốc Hán văn địa bạ các thôn liên quan nên không thể đưa ra căn cứ chắc chắn về tên gọi Bình Tiên 平仙. Có khả năng dịch giả đã đọc nhầm hoặc đánh máy nhầm Thiên thành Tiên.

Trong bài viết Huyện An Phú trong Địa bạ triều Nguyễn, đoạn nói về thôn Khánh An và Vĩnh Khánh có mô tả rõ như sau:

  • Khánh An thôn 慶安 ở xứ Bình Tiên
    • Đông giáp sóc Kỳ, lại giáp vũng nhỏ Bình Tiên
    • Tây giáp thôn Vĩnh Khánh, có rạch thông lưu Bình Tiên làm giới
    • Nam giáp địa phận sóc Đéc
    • Bắc giáp sông lớn
  • Vĩnh Khánh thôn 永慶 ở xứ Bình Tiên Thượng
    • Đông giáp thôn Khánh An, có rạch thông lưu Bình Tiên làm giới -Tây giáp rừng
    • Nam giáp sóc Thát Mây
    • Bắc giáp sông lớn

Thế nhưng, địa bạ thôn Vĩnh Phước cùng tổng lại mô tả “xẻo Mạc Bình Thiên Lấp” như sau:

  • Vĩnh Phước thôn 永福 ở 2 xứ Bãi Phụng Thượng và Bãi Phụng Hạ
    • Xứ Bãi Phụng Thượng
    • Đông giáp xứ Bãi Phụng Hạ
    • Tây giáp thôn Khánh An, có xẻo Mạc Bình Thiên Lấp làm giới
    • Nam giáp sóc Phủ Hội
    • Bắc giáp sông lớn

Như vậy, có khả năng (thấp) lúc lập địa bạ thời Minh Mạng, hồ nước có tên là Bình Tiên 平仙 .

Có nhiều nơi khác cũng mang tên Bình Tiên như cầu Bình Tiên và thôn Bình Tiên xưa ở tỉnh Đồng Tháp, chợ Bình Tiên ở quận 6, tp. Hồ Chí Minh; biển Bình Tiên ở tỉnh Ninh Thuận…

Ngoài ra ở An Phú còn có địa danh Cồn Tiên (xã Đa Phước). Chưa rõ Bình Tiên và Cồn Tiên có liên quan gì nhau hay không…

Bản đồ thời Pháp thuộc (1874) ghi rõ địa danh Lac Binh Thien tức Hồ Bình Thiên

Tuy nhiên có thể khẳng định từ năm 1965, địa danh Bình Thiên đã được xác định. Trong cuốn hồi kí của Daniel Marvin , một lính mũ nồi xanh Hoa Kỳ tham chiến ở An Phú năm 1965, ông đã ghi rất rõ tên gọi “Lake Thien Lon” (Hồ Bình Thiên Lớn), “Binh Thien lake” (Hồ Bình Thiên).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *