Tiếng Việt giàu đẹp đã thêm một ảnh mới vào album: Địa danh, văn hóa.
“CHÂU ĐỐC” VỐN CÓ NGHĨA LÀ “CÁI MÕM HEO”
Tỉnh An Giang, đúng như tên gọi, là một vùng sông nước thanh bình của miền Tây, được biết đến với lễ hội Bà Chúa Xứ cũng như những nét truyền thống giao thoa giữ Khmer, Chăm và Việt. Nơi đây có một thành phố mà tên của nó đôi lúc còn nổi bật hơn tên tỉnh nhà: thành phố Châu Đốc. Địa danh này đã đi vào văn học dân gian với nhiều câu ca dao như:
“Châu Đốc nổi tiếng nhà bè,
Núi Sam nổi tiếng hội hè quanh năm”.
“Ai vô Châu Đốc em thương,
Nước phèn, kinh cạn vấn vương tháng ngày”.
Và đến tận ngày nay, Châu Đốc với những đền tháp uy nghi cũng như làng bè độc đáo vẫn là nguồn cảm hứng bất tận cho bao tác phẩm thi ca. Tuy ghi đậm dấu ấn là thế nhưng không phải ai cũng hiểu rõ tên gọi tỉnh này.
Để hiểu rõ nguồn gốc địa danh Châu Đốc, ta cần ngược dòng lịch sử trở về thời Trịnh – Nguyễn phân tranh. Thời ấy lãnh thổ nước ta không mở rộng như bây giờ, và Châu Đốc chính là vùng đất giáp với xứ Cao Miên (Tiền thân của Cam-pu-chia). Đường biên giới chạy dọc Châu Đốc khi ấy quanh co khúc khuỷu trông như mõm của một con heo (lợn), vì vậy người Khmer đã gọi vùng đất này là “Mort Chrouk” (មាត់ជ្រូក – đọc như “Moọc – Churút”), tức “cái mõm heo”.
Trong quá trình lưu truyền, tên Mort Chrouk đã bị biến đổi đi, và đến Trịnh Hoài Đức thì ông đã dùng chữ Hán để phiên âm mấy tiếng này thành Chu Đốc (朱篤) rồi ghi vào sách Gia Định Thành Thông Chí. Vì sức ảnh hưởng của sách này mà tên Chu Đốc dần thay thế tên của người Khmer xưa. Sau này, do kiêng huý chúa Nguyễn Phúc Chu nên người ta đổi “Chu” thành “Châu” và gọi là “Châu Đốc”. Trường hợp tương tự cũng có thể thấy trong một vài tên riêng khác, như Phan Chu Trinh thành Phan Châu Trinh, Chu Thái thành Châu Thới…
Vậy là từ “cái mõm heo” thì sau nhiều lần biến đổi, nơi đây đã có một cái tên “nghe hay hơn” là “Châu Đốc”.
(Tham khảo bài viết của Trần Minh Tạo)