ĐỊA DANH XA MÁT – Đào Thái Sơn

Đào Thái Sơn

1 giờ  · 

ĐỊA DANH XA MÁT

Cái tên Xa Mát quá quen thuộc với người dân Tây Ninh và các tỉnh thành lân cận, bởi nơi đây có cửa khẩu quốc tế cùng tên, thông với cửa khẩu Tropeang Phlong của vương quốc Camphuchia. Đặc biệt nơi đây còn có rừng Quốc gia Lò Gò – Xa Mát rất nổi tiếng của chốn địa đầu Bắc Tây Ninh.

Nói về địa danh Xa Mát, đầu tiên là tên của một con rạch. Con rạch này bắt nguồn từ hai con suối khác là suối Đa Ha và suối Tà Nốt bên nước bạn Camphuchia chảy qua biên giới đất Việt, cuối cùng thì đổ vào sông Cái Bắc. Sông Cái Bắc đến Vàm Trảng Trâu hợp với sông Cái Cậy hòa vào nhau thành sông Vàm Cỏ Đông. Cánh rừng rộng lớn có rạch Xa Mát chảy qua được gọi là rừng Xa Mát và cửa khẩu cuối đường Quốc lộ 22B cũng được gọi bằng tên này – Cửa khẩu Quốc tế Xa Mát. Vậy, Xa Mát nghĩa là gì? Thực ra đây là một từ gốc Khmer, là tên của cây tràm nước, người Khmer gọi là Smach, chẳng hạn như [đơm smach – ដើមស្មាច – cây tràm nước]; [prek smach – ព្រែកស្មាច – rạch tràm nước]; [prey smach – ព្រៃស្មាច – rừng tràm nước]… Nơi đây tuy là vùng phía bắc của tỉnh, nhưng lại có nhiều tràm nước mọc không khác mấy với vùng Bình Thạnh – Phước Chỉ của xứ Trảng Bàng.

Hiện nay, khu vực từ cửa khẩu Chàng Riệc đến cửa khẩu Xa Mát thuộc về ấp Tân Khai của xã Tân Lập. Nơi đây xưa thuộc làng Thung của tổng Chơn Bà Đen, lập từ năm 1865. Khoảng sau năm 1891 thì làng Thung sáp nhập vào làng Rung cho tới năm 1957 thì phần đất này thuộc về xã Khedol. Còn khu vực phía bắc rừng Xa Mát, trước đây là làng Tà Nốt thuộc tổng Tabelyul, lập từ đầu thời Pháp thuộc, từ sau năm 1958 được gọi là xã Phước Hòa, ngày nay phần nhiều thuộc về xã Tân Bình. Vào thời nhà Nguyễn toàn khu vực này được xem là “nguồn của Quang Hóa”.

Quang Hóa ngoài tư cách là một đạo còn là tên sông và tên rừng đầu nguồn của sông Vàm Cỏ Đông. Theo sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức mô tả: “Sông Quang Hóa: Ở thượng lưu sông Thuận An (Bến Lức), cách trấn về phía tây 160 dặm rưỡi. Thủ sở ở bờ phía bắc sông lớn nầy, có người nước ta, người Tàu và người Cao Miên ở chung làm ăn với nhau, có tuần ty coi việc thâu thuế cước và phòng giữ biên giới. Từ đây chảy 24 dặm rưỡi đến cửa sông Khê Lăng , 91 dặm rưỡi đến thủ sở Quang Phong giáp ranh giới Cao Miên. Đây là đường mà sứ thần Cao Miên sang công phải đi qua. Dọc theo sông ruộng đất mới vỡ, còn nhiều rừng rủ; ngược lên hướng tây sông chia làm 2 nhánh: nhánh phía bắc (tục gọi là Cái Bát) đi hơn 100 dặm đến cuối nguồn nhập rừng Quang Hóa, nhánh phía tây (tục danh Cái Cay (Cậy) đi hướng tây hơn 150 dặm cũng đến cuối nguồn. Tới đây đều là rừng núi Quang Hóa liền nhau. ….Rừng Quang Hóa: Ở đây gò đống trùng điệp, rừng rậm liên tiếp, cây gỗ cao lớn đứng chọc trời, che kín mặt trời, um tùm chừng vài trăm dặm. Ở đây có gỗ đóng ghe, đóng thuyền, nên thợ rừng, thợ mộc cất lều trại để đón gỗ, làm than củi, lấy dầu rái, mây cứng, mây nước (song) và săn bắn những loài tê, voi, hươu, nai, ngựa rừng, trâu rừng, chim, muông để lấy nanh, sừng, lông thú, lông chim, phơi khô thịt và da rồi đem bán kiếm rất nhiều lợi” (sđd, trang, NXB Tổng hợp Đồng Nai 2006 – Lý Việt Dũng dịch).

Hơn 150 năm trước, vùng này tuy chủ yếu là rừng, nhưng cũng có một số phum sóc Khmer sinh sống như phum Tà Nốt, Tapang Xúc, Đong Cà Đâc, Rùm Đuôn….chính vì vậy mà sau khi kiểm soát Tây Ninh, Pháp đã lập những làng lâm phần thuộc hai tổng Chơn Bà Đen và Tabelyul để khống chế mạn bắc của tỉnh cũng như biên giới giới Camphuchia. Và cũng chính vì địa thế hiểm yếu, rừng già che phủ, giáp ranh ba tỉnh Kampong Chàm (nay tách thành tỉnh Tbong Khmum), Prey Veng, Svay Riêng của Camphuchia, nên Trung Ương Cục Miền Nam đã dời về đây, thành lập Căn cứ Bắc Tây Ninh để lãnh đạo nhân dân kháng chiến cho đến ngày toàn thắng.

Có thể nói, cái làng Xa Mát hiu quạnh một thời luôn chất chồng đau khổ, nhất là giai đoạn Chiến tranh biên giới Tây Nam. Sách Lịch sử Đảng Bộ tỉnh Tây Ninh (1930-2005) có chép: “Ở đoạn biên giới của Tây Ninh, sau một thời gian tăng cường các hoạt động trinh sát, khiêu khích từng lúc xâm phạm vào đất ta, đêm 24 rạng ngày 25-9-1977, chúng dùng một lực lượng tương đối lớn gồm Sư đoàn 3, 4, Trung đoàn 306 đặc nhiệm và quân địa phương vùng 20, 21, 23 đồng loạt tấn công một số khu vực thuộc hai huyện Bến Cầu và Tân Biên. Chúng tàn sát, đốt phá, cướp bóc một cách dã man, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và của cho đồng bào ta. Riêng xã Tân Lập huyện Tân Biên, chúng đã sát hại 506 người, làm 135 người bị thương, trong đó có 20 gia đình bị chúng giết hại hoàn toàn. Những hành động của bọn cầm quyền phản động Pôn Pốt xâm phạm lãnh thổ nước ta diễn ra một cách có hệ thống từ thấp đến cao, ngày càng tăng trên toàn tuyến biên giới và thực sự chúng đã tiến hành một cuộc chiến tranh ở biên giới nhằm mục đích xâm chiếm nước ta” (sđd, trang 363-364, NXB Chính trị Quốc gia, Lê Minh Trọng – TS Hoàng Kim Thanh chủ biên – 2010).

Qua bao nhiêu năm gian khổ chất chồng, ngày nay Xa Mát đã vươn lên, thay đổi rất nhiều. Khẩu Xa Mát là một trong hai khẩu Quốc tế của tỉnh Tây Ninh, thông với cửa khẩu Tropeang Phlong [ត្រពាំងផ្លុង] thuộc huyện Ponhea Kraek [ពញាក្រែក] tỉnh Tbong Khmum [ត្បូងឃ្មុំ] của vương quốc Camphuchia. Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát được thành lập với diện tích hơn 34.000 ha gồm 2 xã Tân Lập, Tân Bình tới đây sẽ trở thành một khu kinh tế phát triển biên giới hai nước. Khu kinh tế này có vị trí phía Bắc và Tây giáp với biên giới Campuchia, phía Đông giáp với xã Thạnh Bình, phía Nam giáp với xã Thạnh Tây tỉnh Tây Ninh. Nơi đây cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 150 km, cách thủ đô Phnôm Pênh của Campuchia khoảng 200km nên rất thuận lợi cho sự phát triển kinh tế vùng biên. Từ nơi đây hoàn toàn có thể đi từ thành phố Hồ Chí Minh tới Phnôm Pênh bằng đường bộ. Nếu dự án phát triển khu kinh tế Xa Mát hoàn thành, đưa vào hoạt động, thì Xa Mát không khác gì một trung tâm đô thị loại mới.

Đặc biệt điểm du lịch sinh thái mới nổi trong những năm gần đây là Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát với diện tích 30.022 ha, trải qua các xã Tân Lập, Tân Bình, Thạnh Tây và Hòa Hiệp của huyện Tân Biên là nơi tìm đến của rất nhiều người yêu thích thiên nhiên kỳ thú. Trong vườn quốc gia có một số con suối nhỏ chảy vào sông Vàm Cỏ Đông như suối Đa Ha, Mẹc Mụ, Sa Nghe, Tà Nốt, Bà Diệc…làm nên diện mạo khu rừng hết sức đặc biệt. Nếu nhìn toàn cảnh khu vườn, có thể thấy đây vừa là rừng khộp mang dáng dấp của rừng Tây Nguyên và cả rừng ngập nước của Tây Nam Bộ. Trong rừng có rất nhiều khu trảng, mùa mưa nước từ những con suối đổ về mang theo lượng thủy sản cũng hết sức đặc trưng. Tại khu vườn Quốc gia này, hiện nay giới nghiên cứu đã tìm thấy nhiều loài sinh vật quý hiếm khác nhau. Về thực vật, các loại cây thân gỗ như vên vên, dầu nước, dầu cát, dầu chai, dầu song nàng, sao đen, sến mủ, căm xe, gõ cà te, gõ mật, xay, cẩm lai, giáng hương, bằng lăng, sến cát… Trong đó, có vài khu thuộc dạng đơn loài của các cây trong họ Dầu . Đặc biệt, vườn quốc gia này còn bảo tồn được một số loài có tên trong sách đỏ Việt Nam, như gõ cà te, giáng hương và mạc nưa…Về động vật có nhiều loài chim thú như voọc chà vá chân đen, voọc bạc Đông Dương, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, khỉ đuôi dài, culi nhỏ, gấu ngựa, sói đỏ, sói vàng, gà lôi hồng tía, hồng hoàng, hạc cổ trắng ,vẹt má vàng, cu gầm ghì lưng xanh, già đẫy nhỏ, quắm cánh xanh, quắm lớn… Khu sinh cảnh đất ngập nước có rừng đã ghi nhận nhiều loài chim nước quý hiếm như giang sen, già đẫy nhỏ và cò nhạn…Bên cạnh đó khu rừng còn có vô số những loài hoa cỏ và cây dược liệu quý. Có thể nói Vường quốc gia Lò Gò – Xa Mát là một khu du lịch lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá, tìm hiểu thiên nhiên vạn vật.

Trong cuộc sống, có những cái nhìn qua thì nó rất bình thường, nhưng một khi ta tìm hiểu nó mới thấy nơi đó chất chưa bao nhiêu là giá trị. Xa Mát là như vậy, một nơi địa đầu ẩn tàng biết bao di tích lịch sử của hai cuộc chiến tranh vệ quốc. Ngày nay, Xa Mát đang từng bước đổi mới, song song đó là việc bảo tồn lịch sử và thiên nhiên quý giá. Công việc này là hết sức hệ trọng, nhưng cũng hết sức gần gũi với tất cả mỗi con người chúng ta.

ĐÀO THÁI SƠN