ĐỊA DANH SA ĐÉC

Cá Vàng cùng với Lê Ngọc Quốc và 9 người khác.

Yêu thích  · 28 Tháng 1, 2023  · 

ĐỊA DANH SA ĐÉC

Sa Đéc là tên sông/ rạch, tên chợ, tên xứ, tên hạt thanh tra, tên hạt tham biện, tên tỉnh, tên quận, tên thị xã, tên thành phố.

1/. Sông/ rạch Sa Đéc và Chợ Sa Đéc:

Sông/ rạch nầy được Lê Quang Định, trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí 1806 (ở sau viết tắt là HVNTDĐC 1806), quyển 1, quyển 2 và quyển 7 gọi là “沙[氵的]江” (Sa Đéc giang). Nếu chúng tôi không lầm thì chỉ có 1 lần duy nhất trên tờ 72b của quyển 2 chép là “沙[氵的]瀝” (Sa Đéc rạch). Chợ Sa Đéc, trong quyển 2 chép là “沙[氵的]市” (Sa Đéc thị).

Trong HVNTDĐC 1806, quyển 2, có đoạn sau đây (lời dịch của Phan Đăng, Nxb Thuận Hóa, 2005):

“…đạo Đông Khẩu. Phía trái của đạo này là sông Sa Đéc, sông này rộng 42 tầm[1], sâu 5 tầm 3 thước, phía tả ngạn có chợ, tục gọi là chợ Sa Đéc, phố xá liền nhau, thuyền buôn chi chít, hàng hóa đầy dẫy, nhân vật rất phồn thịnh, là nơi đô hội của Vĩnh Trấn.” (tr.103)

Trong quyển 7, Lê Quang Định còn cho biết (lời dịch cũng của Phan Đăng):

“Sông Sa Đéc, sông này ở phía bờ nam của Tiền Giang, rộng 42 tầm[2], sâu 5 tầm 3 thước, nhiệm sở đạo Đông Khẩu ở bên trái sông này.” (tr.238)

Vào năm 1806, sông/ rạch Sa Đéc, chợ Sa Đéc, đạo Đông Khẩu thuộc dinh Vĩnh Trấn; đến năm 1808 (năm Gia Long thứ 7), dinh Vĩnh Trấn đổi thành trấn Vĩnh Thanh.

Sông/ rạch Sa Đéc , chợ Sa Đéc, trong Gia Định thành thông chí 1820 (ở sau viết tắt là GĐTTC), quyển 2, của Trịnh Hoài Đức chép là “沙[氵的] 江” (Sa Đéc giang), “沙[氵的]市” (Sa Đéc thị) và mô tả như sau (lời dịch chú của Phạm Hoàng Quân, Nxb Tổng Hợp Tp. HCM, 2019):

“Sa Đéc giang[671] [rạch Sa Đéc], ở bờ nam sông Tiền, rộng 42 tấm, sâu 28 thước, cách trấn lỵ 56 dặm rưỡi về phía tây (trước chỗ này cách 4 dặm ở bờ nam có sông nhỏ Cái Sơn), rộng 9 tầm, sâu 10 thước, có cầu ngang thông với chợ Sa Đéc, về phía nam 7 dặm rưỡi đến ngã ba Nhị Nương Câu [rạch Nàng Hai], ở đây dân đều làm nhà sàn trêndòng rạch để ở, rạch nhỏ hẹp quanh co um tùm, ghe xuồng khó đi lại). Nước sông trong ngọt, vườn ruộng rất tốt, nhân dân đông đúc giàu có, có đồn đạo Đông Khẩu đóng ở phía nam, chợ phố liền nhau, thuyền bè đông đúc, là chỗ đô hội của trấn này…” (tr.102)

“[671] Sa Đéc giang (沙[氵的] 江), nay gọi là rạch Sa Đéc, trên địa bàn huyện Châu Thành, thành phố Sa Đéc và huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. HVNTDĐC 1806 (quyển 2, quyển 7) viết là “沙[氵的]瀝” (Sa Đéc rạch). Di cảo TVK chép tên tiếng Khmer là Tonlé phsar dek[3]; GPEHC – tỉnh Sa Đéc 1903 viết “Vùng đất Sa Đéc xưa có tên tiếng Khmer là Phsar-dek có nghĩa là Chợ Sắt”[4]. Hiệu khám, chữ “Đéc” cả 3 bản chữ Hán đều viết là “[氵的]” [chữ Đích này có bộ thủy], KCHNMH 2008 chưa ghi nhận chữ và âm này.” (tr.230).

Vào năm 1820, sông Sa Đéc, chợ Sa Đéc và đồn đạo Đông Khẩu đều thuộc trấn Vĩnh Thanh, thành Gia Định. Năm 1832 (năm Minh Mạng thứ 13), tỉnh An Giang được thành lập.

Trong Đại Nam nhất thống chí (ở sau viết tắt là ĐNNTC), An Giang tỉnh, Quốc sử quán triều Nguyễn viết về sông Sa Đéc như sau (lời dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Nha Văn hóa Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản 1959):

“Sa-đéc-giang 沙的江, ở phía bắc huyện Vĩnh An, rộng 21 trượng, sâu 28 thước. Sông trong, nước ngọt, hai bên vườn ruộng mở mang béo tốt, nhân dân giàu đông. Đạo Đông-khẩu khi trước đồn trú ở phía nam, chợ phố liên tiếp ở phía bắc, ghe thuyền tấp nập…” (tr.53).

Như vậy, thành tố “Đéc” được các tác giả ĐNNTC chép là “的” (âm Hán Việt là “đích”), tức không có bộ thủy “氵” như trong HVNTDĐC, GĐTTC và trong địa bạ thôn Vĩnh Phước 1836 (xin xem một đoạn ở dưới).

2/. Xứ Sa Đéc:

Theo GĐTTC (quyển 3), vào năm 1757, Thế Tông Hiếu Võ hoàng đế (Nguyễn Phúc Khoát) lấy xứ Sa Đéc (Sa Đéc xứ 沙[氵的]處) đặt làm đạo Đông Khẩu (Đông Khẩu đạo 東口道), xứ Cù lao Giêng ở sông Tiền đặt làm đạo Tân Châu, xứ Châu Đốc ở sông Hậu đặt làm đạo Châu Đốc.

Xứ Sa Đéc cũng được ghi nhận trong địa bạ thôn Vĩnh Phước (tổng An Trung, huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang) lập năm 1836 do thôn trưởng Nguyễn Văn Ký, dịch mục Võ Văn Phước khai bẩm. Địa phận của thôn này được mô tả như sau:

夲村地分沙[氵的]處 (Bổn thôn địa phận Sa Đéc xứ/ Địa phận của bổn thôn thuộc xứ Sa Đéc.

– 東近江 (Đông cân giang/ Đông giáp sông)

– 西近丐山沱, 又近本縣總新歸西村地分 (Tây cận Cái Sơn đà, hựu cận bổn huyện tổng Tân Qui Tây thôn địa phận/ Tây giáp rạch Cái Sơn, lại giáp địa phận thôn Tân Qui Tây của bổn huyện tổng).

– 南近丐山沱, 又近本縣總新富東, 新歸西貳村地分 (Nam cận Cái Sơn đà, hựu cận bổn huyện tổng Tân Phú Đông, Tân Qui Tây nhị thôn địa phận/ Nam giáp rạch Cái Sơn, lại giáp địa phận 2 thôn Tân Phú Đông, Tân Qui Tây của bổn huyện tổng).

– 北近良𠄩沱, 又近本縣總新歸西村地分 (Bắc cận Nàng Hai đà, hựu cận bổn huyện tổng Tân Qui Tây thôn địa phận/ Bắc giáp rạch Nàng Hai[5], lại giáp địa địa phận thôn Tân Qui Tây của bổn huyện tổng).

3/. Hạt thanh tra/ Hạt tham biện/ Tỉnh/ Quận/ Thị xã, Thành phố Sa Đéc:

Sau khi chiếm trọn các tỉnh miền tây, Pháp chia tỉnh An Giang (Pháp gọi là tỉnh Châu Đốc vì lỵ sở đặt tại Châu Đốc) thành nhiều hạt thanh tra (inspection), trong đó có hạt thanh tra Tân Thành, lỵ sở đặt tại Sa Đéc. Theo Nghị định ngày 16-8-1867, hạt thanh tra Tân Thành đổi tên thành hạt thanh tra Sa Đéc vì lỵ sở đặt tại Sa Đéc. Khoảng năm 1874-1876, hạt thanh tra đổi thành hạt tham biện (arrondissement), thường gọi tắt là hạt. Đầu năm 1900, hạt tham biện đổi thành tỉnh (province). Theo Nghị định ngày 9-2-1913, tỉnh Sa Đéc bị hạ xuống thành quận Sa Đéc (circonscription de Sadec) thuộc tỉnh Vĩnh Long. 11 năm sau, theo Nghị định ngày 29-2-1924, tỉnh Sa Đéc được tái lập.

Theo Sắc lệnh ngày 22-10-1956, tỉnh Sa Đéc lại bị sáp nhập vào tỉnh Vĩnh Long. Tháng 6 năm 1966, tỉnh Sa Đéc được tái lập. Tháng 2 năm 1976, tỉnh Sa Đéc và tỉnh Kiến Phong hợp nhất thành tỉnh Đồng Tháp, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Sa Đéc. Cuối năm 2013, thị xã Sa Đéc được nâng cấp thành thành phố Sa Đéc trực thuộc tỉnh Đồng Tháp.

4/. Nguồn gốc địa danh Sa Đéc:

Theo Di cảo của Trương Vĩnh Ký, sông/ rạch Sa Đéc có tên tiếng Khmer là “Tonlé phsar dek”. Theo chúng tôi, “Tonlé” (ទន្លេ) là sông, “Phsar” (ផ្សារ) là chợ, “Dek” (ដែក) là sắt. Nếu đúng như vậy thì rất có thể con sông này từng có một tên gọi nào đó, về sau, khi “phsar dek” (chợ Sắt) được thành lập bên bờ sông này thì nó được đổi gọi là “Tonlé phsar dek” (sông Chợ Sắt).

Vì lỵ sở của hạt thanh tra Tân Thành đặt tại chợ Sa Đéc nên hạt này đổi gọi là hạt thanh tra Sa Đéc (Inspection de Sadec). Về sau, hạt thanh tra Sa Đéc đổi thành hạt tham biện Sa Đéc (Arondissement de Sadec) và hạt tham biện Sa Đéc đổi thành tỉnh Sa Đéc (Province de Sadec), tức không phải từ thuở xa xưa, người Khmer đã từng gọi toàn bộ địa phận tỉnh Sa Đéc là “Phsar-Dek” như lời sau đây trong Annuaire général de l’Indochine 1910 (Hanoi-Haiphong, Imprimerie d’Extrême-Orient, 1910):

“Toute là région qui comprend la province de Sa-dec appartenait autrefois au Cambodge et portait la nom de “Phsar-Dek”, qui signifie “Marché aux fers”. (tr.736) (https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k5603696b/f794.highres)

—————-

[1] Sông này rộng 42 tầm: Nguyên văn là: “kỳ giang khẩu quảng tứ thập nhị tầm” (其江口廣四十二尋) (tờ 1554-(73a)), nghĩa là: vàm (hoặc cửa) sông này rộng 42 tầm.

[2] Rộng 42 tầm: Nguyên văn là: “giang khẩu quảng tứ thập nhị tầm” (江口廣四十二尋) (tờ 1011-(74a)), nghĩa là: vàm (hoặc cửa) sông rộng 42 tầm.

[3] Tonlé Phsar dek: Chữ Khmer có lẽ là ទន្លេ ផ្សារ ដែក, nghĩa là sông Chợ Sắt.

[4] Phsar dek: Chữ Khmer có lẽ là ផ្សារ ដែក, nghĩa là Chợ Sắt.

[5] Rạch Nàng Hai: Trong HVNTDĐC 1806 (quyển 7) chép là “Nàng Hai rạch” 娘𠄩瀝 (chữ Nàng gồm bộ “nữ” 女 bên trái và chữ “lương” 良 bên phải; chữ Hai gồm chữ “thai” 台 bên trái và chữ “nhị” 二 bên phải). Rạch nầy trong địa bạ thôn Vĩnh Phước chép là “Nàng Hai đà” 良𠄩沱, trong đó chữ Nàng bị lược bớt bộ “nữ” 女, chỉ còn lại chữ “lương” 良. Rạch Nàng Hai, trong GĐTTC 1820, quyển 3, gọi là “二娘溝” (Nhị Nương Câu).

[6] Tạm dịch: Toàn bộ địa phận tỉnh Sa-đéc từng thuộc Campuchia và được gọi là “Phsar-Dek”, có nghĩa là “Chợ sắt”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *