NHỮNG ĐỊA DANH MANG YẾU TỐ “GÒ” Ở TÂY NINH

Địa danh ở Tây Ninh rất phong phú và đa dạng, một trong số đó là những địa danh được cấu tạo từ yếu tố địa hình cộng với đặc điểm của nó. Trong bài viết ngắn này, chúng tôi xin giới thiệu một số địa danh mang yếu tố “Gò” và những câu chuyện văn hóa xung quanh nó.

Hiện này ở địa bàn tỉnh Tây Ninh còn tồn tại khá nhiều các địa danh hành chính và địa danh dân gian với yếu tố “Gò + X”, chẳng hạn như Gò Dầu, Gò Chùa, Gò Ngải, Gò Kén, Gò Nổi, Gò Chẹt, Gò Chót Mạt…Trong số những cái gò này thì Gò Dầu hiện là địa danh hành chính cấp huyện. Theo Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ của Nguyễn Đình Tư cho biết: “Huyện thuộc Tây Ninh từ sau 30-4-1975 gồm có tt. Gò Dầu và 8 xã Phước Trạch, Hiệp Thạnh, Thạnh Đức, Cẩm Giang, Phước Thạnh, Thanh Phước, Bàu Đồn, Phước Đông. Cuối năm 2004, huyện Gò Dầu tỉnh Tây Ninh có các đơn vị hành chính trực thuộc trên đây” (sđd, trang 409, NXB Chính trị Quốc gia – 2008). Cũng xin nói thêm trước khi là huyện Gò Dầu hiện nay, nơi đây có tên là Gò Dầu Hạ gồm ba tổng Mỹ Ninh, Triêm Hóa và Giai Hóa. Năm 1954 Gò Dầu Hạ nhập vào Trảng Bàng. Năm 1955 lập trở lại và năm 1959 Gò Dầu Hạ chia thành hai quận là Hiếu Thiện và Khiêm Hanh. Ngoài Gò Dầu Hạ còn có Gò Dầu Thượng, đó chính là xã An Thạnh của huyện Bến Cầu ngày nay.

Gò Dầu Thượng – An Thạnh có địa danh Gò Dinh Ông tại ấp Voi. Nơi đây có ngôi miếu thờ, người dân quen gọi là Dinh Ông. Ngôi dinh thờ này gắn với câu chuyện chúa Nguyễn Ánh, trong một lần bôn ba tẩu quốc có ghé lại gò đất này dừng chân nghỉ ngơi. Nhưng vừa lúc ấy quân Tây Sơn truy đuổi tới nơi, chúa Nguyễn Ánh cùng tùy tùng bỏ tàu, băng rừng nhằm hướng núi Bà Đen để tìm nơi lánh nạn. Chúa Nguyễn Ánh thì chạy thoát nhưng ông thuyền trưởng của tàu thì đã tử trận. Tưởng nhớ vị chúa tàu này, nhân dân vùng Gò Dầu Thượng lập ngôi miếu thờ cho đến nay. Khu vực Gò Dinh Ông này còn trầm tích di chỉ khảo cổ học thời văn hóa hậu Óc Eo, nơi đây giới chuyên môn đã tìm được nhiều cổ vật có niên đại hàng ngàn năm về trước.

Cũng trong huyện Gò Dầu có một cái gò nổi tiếng khác là Gò Chùa hay còn gọi là Gò Cao Sơn bởi vì Cao Sơn Tự tọa lạc trên gò này sát bên bờ sông Vàm Cỏ Đông thuộc ấp Xóm Mía xã Phước Trạch. Có thể nói chùa Cao Sơn là một trong những ngôi chùa cổ có nhiều điểm lạ nhất của đất Tây Ninh. Về kiến trúc, chùa xây theo hình chữ “ Nhị 二 ”. Chùa có hai mặt gọi là “lưỡng tiền chi hậu”, nhưng mặt chính lại hướng ra bờ sông Vàm Cỏ Đông, còn mặt sau thì hướng về phía Quốc lộ 22B. Tại sao lại như vậy ? Để lý giải điều này cần phải lùi lại khoảng thời gian thành lập chùa, đó là vào giữa thế kỷ XIX, khi ấy phương tiện giao thông lên Tây Ninh chủ yếu là đường thủy, tức là theo dòng Vàm Cỏ Đông mà ngược lên, và Quốc lộ 22B thì chưa có mặt. Vì vậy mà mặt chính của chùa quay ra hướng bờ sông là điều hoàn toàn hợp lý. Căn cứ vào bảng giới thiệu lịch sử tại chùa, cho biết: “Chùa được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 19, Cao Sơn Tự mặt nhìn ra sông Vàm Cỏ Đông ( hướng Tây Nam), kiến trúc theo hình chữ Nhị, dài 22m, rộng 10m, cao 5,8m. Sự khác biệt của Cao Sơn Tự với các ngôi chùa khác trong tỉnh Tây Ninh là sự bày trí thờ phụng. Cao Sơn Tự thờ cả Phật và Thần. Tương truyền vào cuối thế kỷ 18, có một bộ phận nghĩa quân Tây Sơn truy đuổi Nguyễn Ánh tại đây và có một số quan đàng cựu đánh giặc, di dân lập ấp, nhân dân lập miếu đền rồi đưa vào chùa thờ. Từ ngoài nhìn vào, phía Đông thờ thần – quan đàng cựu. Ở giữa là bàn thờ Tổ Quốc, phía sau thờ Phật Chuẩn Đề, Tổ Đạt Ma – gian trung tâm có các tượng A Di Đà, Quan Âm Bồ Tát, Hộ Pháp. Tất cả đều là tượng cổ có giá trị mỹ thuật cao”.

Gò Chót Mạt ở ấp Xóm Tháp xã Tân Phong huyện Tân Biên, nơi đây còn ngôi tháp cổ Chót Mạt, một di tích văn hóa lịch sử thuộc về văn hóa hậu Óc Eo. Chót Mạt là tên của người Việt đọc chệch từ tiếng Khmer gốc Bali là Chatomok [ ចតុមុខ ] nghĩa là tháp bốn mặt. Tháp Chót Mạt, được xác định xây dựng khoảng thế kỷ thứ VIII sau Công nguyên thuộc nền văn hóa Óc Eo, và nó được phát hiện chính thức cùng tháp Bình Thạnh vào những năm đầu của thế kỷ XX. Và ngôi tháp này được trùng tu lần đầu vào năm 1938. Qua tài liệu báo cáo khảo cổ học Tây Ninh của Viện Nghiên cứu Khảo cổ Đông Dương thì kiến trúc tháp được xây bằng gạch có bình diện vuông 5m x 5m đỉnh tháp cao 10m, mỗi chiều kiến trúc tháp đều bị hư hại mất gần một nửa, hai mặt tường tháp ở phía tây và bắc hầu như bị sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn phần móng tường chân đế tháp, các hoa văn trang trí bị nứt nẻ chỗ còn chỗ mất. Năm 2003, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh quyết định phê duyệt dự án đầu tư trùng tu tôn tạo bảo tồn di tích tháp Chót Mạt và được tiến hành triển khai trùng tu tôn tạo phục hồi, trưng bày mở hố khai quật và đưa vào sử dụng. Cần phải nói thêm rằng, tháp Chót Mạt cũng không phải là dạng tháp đơn lẻ, mà vào thời điểm phát hiện ra nó, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một ngôi tháp khác ở hướng bắc đã hoàn toàn sụp đổ trong lòng đất. Vậy đây cũng chính là một cụm tháp, nếu ở cụm tháp Bình Thạnh là tam tháp thì ở Chót Mạt là tháp chính và tháp phụ. Có thể ngôi tháp bị sụp chôn vùi hoàn toàn kia là ngôi tháp phụ thờ Thần Lửa, còn ngôi tháp phía nam còn lại ngày nay là thờ Shiva vì người ta phát hiện khá nhiều biểu tượng sinh thực khí là Linga và Yoni.

Ở huyện Tân Biên còn có địa danh ấp Gò Đá thuộc xã Mỏ Công. Nơi đây đá sa thạch đỏ từ dưới đất trồi lên theo từng lớp nên người dân quen gọi là gò đá. Cái Gò Đá này là tên thuần Việt, nhưng lại là nơi xuất phát của một địa danh hành chính cấp xã đó là Mỏ Công. Trước đây người ta không hiểu Mỏ Công là gì, nên mới bịa ra câu chuyện về đôi chim công sống ở khu vực này, về sau bị chết hóa đá, những mũi đá hình cái mỏ chim công nên gọi là Mỏ Công ! Thực ra Mỏ Công là từ gốc Khmer là [Thmo Cong – ថ្មកង់]. Theo Từ điển Khmer – Việt của Đại học Trà Vinh thì [Thmo – ថ្ម] nghĩa là đá; còn [Cong – កង់] nghĩa là khoanh, khứa, đoạn, lớp. Vậy [Thmo Cong] có nghĩa là đá trồi lên từng đoạn, từng lớp. Đúng y như đặc điểm của địa danh này. Bên cạnh Gò Đá, xã Mỏ Công còn có địa danh Gò Cát là cái gò có nhiều cát.

Ở xã Long Thành Nam (tx.Hòa Thành) có Gò Duối ở ấp Bến Kéo. Gò Duối là cái gò mọc nhiều cây duối. Hiện tại Gò Duối còn một cây duối rất to tại khu vực miếu thờ Huỳnh Công Nghệ. Tương truyền ngày xưa ngài Huỳnh Công Nghệ và binh lính của ông từng lưu lại vùng đất này, nên về sau này trở thành di tích, nhân dân lập đền thờ để tưởng niệm ngài. Điều đặc biệt là cách ngôi miếu thờ không xa còn có ngôi mộ voi. Ngôi mộ voi này tương truyền sau khi khi Huỳnh Công Nghệ mất, con voi của ngài về khu vực Gò Duối và chết ở đây, người dân chôn voi thành một gò đất, về sau được tôn tạo lại và xây tượng voi để thờ.

Cũng ở tx. Hòa Thành, xã Long Thành Trung còn có địa danh Gò Kén. Gò Kén là cái gò mọc nhiều dây kén, trên cái gò này có một ngôi chùa rất nổi tiếng là Thiền Lâm Tự, dân gian quen gọi là chùa Gò Kén. Chùa Gò Kén Tây Ninh được khởi công xây dựng từ năm 1904 với vật liệu chủ yếu là gỗ, tre, nứa. Ngôi chùa này có tên gọi như vậy là do phần đất xây chùa ngày trước khá cao, xung quanh chùa mọc rất nhiều dây kén. Kén là một họ của cây leo, quả chín có màu đỏ và vị chua chua, ngọt ngọt. Đến năm 1970 mới được trùng tu, sơn sửa lại nhưng mãi đến năm 2007 thì ngôi chùa này mới thực sự thay đổi với diện mạo khang trang như hiện nay. Cũng xin nói thêm, ngôi chùa Gò Kén này chính là nơi khai mở đạo Cao Đài. Cụ thể, ngày 15/10 Bính Dần (1926), là ngày lễ Hạ Ngươn và mở đầu ngày hội khánh thành Thánh thất tạm ở chùa Gò Kén, đồng thời là ngày Đại lễ ra mắt cơ đạo Cao Đài tại chùa Gò Kén Tây Ninh và đăng quang chứng vị của chư chức sắc Thiên phong, nhằm công bố với công chúng về một tôn giáo mới đã được khai mở ở miền Nam của nước Việt Nam.

Ở tx. Trảng Bàng, xã Phước Chỉ có địa danh Gò Quéo. Gò Quéo là cái gò mọc nhiều cây quéo cổ thụ, một loại cây rất giống với cây xoài, nhưng trái thì hơi cong. Trên Gò Quéo có ngôi đình Phước Chỉ thờ ngài Biện Văn Đống, một người có công quy dân lập ấp ngày xưa. Khoảng sau năm 1862, Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông. Lúc ấy triều vua Tự Đức đã án binh bất động. Ông Biện Văn Đống trở lại rạch Me tận dụng địa thế gò rừng, kênh rạch chỉ huy dân binh chống Pháp. Nhưng không đương nổi thế giặc mạnh trong một trận đánh không cân sức, ngài Biện Văn Đống đã tử tiết trên sông Vàm Cỏ Đông. Nhân dân nhớ ơn người vì dân vì nước lập đình thờ cho tới ngày nay. Khu Gò Quéo này cũng là một di tích đền tháp của Phù Nam xưa. Ngoài ra khu ba xã cánh Tây của Trảng Bàng còn có địa danh Gò Ngải là cái gò mọc nhiều cây ngải vậy.

Ngay trung tập thành phố Tây Ninh hiện nay cũng có địa danh mang yếu tố gò đó là Gò Chẹt, hay còn gọi là Gò Giữa tại KP2 phường 1. Gò Chẹt là cái gò có mũi đất lấn ra sông (rạch Tây Ninh). Tại Gò Chẹt này đã từng có một nhóm tao nhân mặc khách của Tây Ninh xưa sinh hoạt văn nghệ ở đây. Trong sách Tây Ninh xưa và Nay, tác giả Huỳnh Minh có kể đến nhóm văn thi sĩ tiêu biểu gồm các vị như: “Quốc Biểu Nguyễn Văn Hiến thành lập văn đàn Quốc biểu trong năm 1923, gồm các ông Thanh Vân, Nguyễn Toại Chí, Thanh Phong, Nguyễn Văn Trí, Lâm Tuyền, Võ Trung Nghĩa, Tân Sắc, Võ Văn Tấn, Sầm Sơn, Sầm Văn Đá, Hải Đảo- Nguyễn Văn Vàng, Du Tử, Mai Huệ, Cổ lệ Lê Văn Thành, Nhà Quê, Dương Văn Kim, Nhất Thiện, Huỳnh Long, Huỳnh Văn Cầu, tất cả chừng 15 người. Nhóm Quốc Biểu thường họp nhau mỗi chúa nhật tại một văn đàn cất nơi cù lao Gò Chẹt trên ngọn rạch Tây Ninh cách toà hành chánh 2 cây số đường sông” (s đd, trang 287, tác giả tự xuất bản – 1972).

Ngoài các gò kể trên Tây Ninh còn có Gò Tháp ở xã Biên Giới, nơi đây có di chỉ đền tháp hậu Óc Eo xưa. Xã Thanh Điền có Gò Chai, nay là cầu Gò Chai nối liền hai xã Thanh Điền và Long Vĩnh của huyện Châu Thành. Gần Gò Chai, xã Ninh Điền cùng huyện có ấp Gò Nổi. Xưa xung quanh khu vực ven sông này trũng thấp, ngập nước, chỉ có Gò Nổi là nhô lên cao. Gò Nổi nằm trong Vành đai diệt Mỹ, nhiều trận đánh ác liệt đã diễn ra nơi đây.

Có thể nói Tây Ninh có khá nhiều địa danh mang yếu tố gò, nhưng điều đáng lưu ý là những địa danh này đều gắn liền với những câu chuyện văn hóa hoặc trầm tích bên trong nó những lát cắt của lịch sử một thời. Hiểu được nó, càng hiểu thêm về quê hương xứ sở này, một miền phên dậu biên cương trải qua hơn ngàn năm lịch sử.

ĐÀO THÁI SƠN