Cá Vàng
Yêu thích · 2 giờ ·
ĐÔI ĐIỀU VỀ ĐỊA DANH “CẦN BỘT/ CẦN VỌT”
Trong Gia Định thành thông chí (quyển 2: Sơn xuyên chí, mục Hà Tiên trấn) của Trịnh Hoài Đức, Phạm Hoàng Quân dịch, chú và khảo chứng, Nxb Tổng Hợp Tp. HCM, 2019 (ở sau gọi tắt là bản dịch PHQ 2019) có đoạn sau đây:
“Cần Bột cảng [cảng Kampot], cách trấn thự 165 dặm rưỡi về phía tây, rộng 49 trượng, sâu 5 thước, có sở thủ ngự Đồ Bà ở đó. Dòng suối tuôn dài, cây cối xanh tốt, trước là đất trống của người Man Lão, dân Việt đến ở lập thành xóm thôn Tiên Hương; hiện nay người Cao Miên, người Hoa, người Đồ Bà đông đúc, có phố chợ nhỏ[1]. Ở đầu nguồn, nơi sách [srok] An Phủ Ghê của Cao Miên có nhà công vụ ở chỗ giáp giới, là nơi dành cho sứ Xiêm La, Chân Lạp ghé họp nghỉ.” (tr.122)
Về Cần Bột cảng, PHQ 2019 chú thích như sau:
“Cần Bột cảng (芹渤港), cảng Kampot, cửa sông Kossla, cũng gọi là cửa biển Cần Bột, trên địa bàn tỉnh Kampot, Campuchia. Cần Bột là tên ký âm địa danh Kampot, chữ “渤” (Bột) cũng có nghĩa là vũng/ vịnh biển. XLQLTTL 1810 viết là “芹浡海門” (Cần Bột hải môn); TQDCHC 1840 chép là “芹浡海門” (Cần Bột hải môn) [với chữ “浡” (Bột) nghĩa là hưng khởi, vượt lên], Tập địa đồ Thế giới (Đài, 1965) ghi là “貢不” (Cống Bất); Trung văn hiện nay phiên âm là Kampot là “嗊吥” (Hong Pou/ Cống Bất). Hiệu khám, chữ “芹渤” (Cần Bột), bản dịch LVD 2006 phiên âm sai là “Cần Vọt” [do dựa theo các ghi chép sai lệch của Trương Vĩnh Ký và Vương Hồng Sển, bởi đây là tên ký âm, nên đọc Cần Bột thì cận âm với Kampot hơn là Cần Vọt, mặc khác Trịnh Hoài Đức chủ trương Hán hóa địa danh, nên sẽ không đọc Vọt là âm Nôm].” (tr.276).
(Các chữ viết tắt trong đoạn trên: XLQLTTL 1810: Xiêm La quốc lộ trình tập lục 1810, TQDCHC 1840: Thông quốc diên cách hải chử ( ~ 1820 – 1840) , bản dịch LVD 2006: bản dịch GĐTTC của Lý Việt Dũng xuất bản năm 2006)
Ở trên là chú thích của PHQ 2019. Dưới đây chúng tôi xin góp vài ý nhỏ:
1/. Hầu hết cách địa danh trong GĐTTC (quyển 2: Sơn xuyên chí) đều được Hán hóa, ví dụ như “Vũng Thơm” (淎𦹳) là tên ký âm địa danh Kompong Som (កំពង់សោម), trong quyển 2 Trịnh Hoài Đức ghi tên được Hán hóa là “Hương Úc” (香澳), tức “Vũng” > Úc, Thơm > Hương. Nhưng trong GĐTTC (quyển 3: Cương vực chí) lại có đoạn sau đây (lời dịch và chú của PHQ 2019):
“Đinh Sửu, năm thứ 20 [1757] (Lê Hiển Tông Cảnh Hưng thứ 18, Đại Thanh Càn Long thứ 22) (…) Nặc Ông Ton lại đem đất 5 phủ Vũng Thơm [Kompong Som], Cần Bột [Kampot], Chân Sum [Chean Chum], Sài Mạt [Panteay Meas] và Linh Quỳnh [Raung Veng][2] biếu Mạc Thiên Tứ để tạ ơn bảo toàn.” (tr.292)
Tên 5 phủ nêu trên được PHQ 2019 chú thích như sau:
“Vũng Thơm, Cần Bột, Chân Sum[3], Sài Mạt, Linh Quỳnh ngũ phủ (淎𦹳芹渤真森柴末靈瓊五府), 5 phủ này thuộc địa bàn thành phố Sihanoukville, tỉnh Kampot và tỉnh Takaev, Campuchia.” (tr.450).
Nếu để ý chúng ta sẽ thấy, “淎𦹳” (Vũng Thơm) là tên Nôm. Như vậy, nếu Trịnh Hoài Đức áp dụng chủ trương Hán hóa địa danh triệt để thì ông phải ghi là “香澳” (Hương Úc) như đoạn sau đây trong GĐTTC (quyển 3) (lời dịch của PHQ 2019):
“Hương Úc [Kompong Som], ở biên giới phía tây trấn, phát nguyên ở núi Ca Ba nước Cao Miên, chạy dài từ xa đến, làm thành hải cảng. Nơi đây người Việt và người Cao Miên cùng lập thôn xóm phố chợ.” (tr.123)
Chính vì trong cú đoạn “淎𦹳芹渤真森柴末靈瓊五府”, Trịnh Hoài Đức dùng tên Nôm “淎𦹳” (Vũng Thơm), nên theo chúng tôi, việc Lý Việt Dũng phiên âm địa danh “芹渤” (trong quyển 2 và quyển 3) là “Cần Vọt”, tức với “Vọt” là âm Nôm, không hẳn là sai.
2/. Địa danh đang xét, tên tiếng Khmer là Kampot/ កំពត, người Việt thường gọi là Cần Vọt. Sự biến âm Pot > Vọt cũng tương tự như Pênh > Vang (Phnôm Pênh/ ភ្នំពេញ > Nam Vang); Pô > Vồ (Trey pô/ ត្រីពោ > Cá vồ); Poul > Vung (Sla tompoul/ ស្លាតម្ពុល > Cau tầm vung)…; tức phụ âm đầu “p” trong tiếng Khmer thường được Việt hóa thành phụ âm đầu “v”.
3/. Địa danh Cần Vọt (nguyên văn “Can-vot”) đã được ghi nhận trong cuốn Dictionnaire universel théorique et pratique, du commerce et de la navigation. Tome second (Librairie de Guilaumin et Cie, Paris, 1861). Và theo cuốn Excursions et Reconnaissances No 9 (Imprimerie du Gouvernement, Saigon, 1881) thì “Cái cảng nhỏ này (tức cảng Kampot) được người Việt đặt tên là Cần-vọt. Như vậy, rất có thể địa danh Kampot đã được Việt gọi là Cần Vọt từ trước năm 1861 rồi, còn cuốn Petit cours de géographie de la Basse-Cochinchine của Trương Vĩnh Ký (trong đó có ghi nhận địa danh Cần-vọt) thì mãi đến năm 1875 mới xuất bản. Theo Huình Tịnh Paulus, trong Đại Nam quấc âm tự (Tome II, xuất bản năm 1896), “Cần Vọt (竿𨁝) [là] Cái cần có thể hạ xuống cất lên, để mà kéo nước giếng. Tên cửa biển.” (tr.71). Như vậy, rất có thể PHQ 2019 đã hơi vội vàng khi cho rằng “LVD 2006 phiên âm sai là “Cần Vọt” [do dựa theo các ghi chép sai lệch của Trương Vĩnh Ký và Vương Hồng Sển…]”.
4/. Rất có thể Trịnh Hoài Đức dùng chữ “Bột” (渤) để ký âm Nôm là “Vọt” vì mối liên hệ B ~ V thể hiện trong các cặp: Bích (壁) ~ Vách (trong địa danh La Vách), chữ Bồn (盆 hoặc [氵+盆]) ~ Vồn (trong địa danh Cái Vồn), Bàn (板) ~ [tấm] Ván, Bái (板) ~ Vái [lạy], v.v…
5/. Theo Trịnh Hoài Đức, trong GĐTTC, “芹渤” (Cần Bột/ Cần Vọt) là tên cảng, tên phủ, tên xứ. Theo một số trang mạng tiếng Khmer, “Kampot”/ កំពត là tên tỉnh, tên thành phố, tên làng, tên cảng, tên kinh, tên chợ.
———
[1] Wikipedia tiếng Khmer cho biết: “Theo điều tra dân số của Pháp năm 1889, Kampot là nơi sinh sống của người Campuchia sống dọc theo kênh Kampot, phần lớn người Hoa sống ở bên trái kênh chính, còn có người Việt sống gần đó trong một ngôi làng tên là Tiên Thành và trên một hòn đảo. Một số người Mã Lai cũng sống trên đảo.” Làng Tiên Thành (ទៀនថាញ់), Trịnh Hoài Đức, trong GĐTTC (quyển 3), chép là “仙鄊村” (Tiên Hương thôn) và cho biết thôn này là 1 trong số 19 xã, thôn, thuộc của người Việt (chưa đặt tên phủ, huyện, tổng) chịu quản lý trực tiếp của trấn Hà Tiên. (tr.426-427)
[2] Tên 5 phủ này, Lý Việt Dũng 2006 phiên âm và chú là: “Vũng Thơm (Kompong som), Cần Vọt (Kampot), Chơn Giùm (Rùm) tức Chan Sum, Sài Mạt (Bantay mas), và Lình Quình (Raung veng). Trên một bản đồ đang lưu hành trên mạng ghi là: “Hương Úc, Chưng Rùm, Cần Bột, Linh Quỳnh, Sài Mạt.”
[3] Chân Sum ở đây là “真森府” (Chân Sum phủ). Trong GĐTTC (quyển 2), Trịnh Hoài Đức cho biết (lời dịch, chú của PHQ 2019): “Chơn Sum sơn ở địa phận phủ Chơn Sum Cao Miên.” (tr.96). Như vậy, tên phủ được Trịnh Hoài Đức ký âm là “真森”, PHQ 2019, trong GĐTTC (quyển 2) phiên âm là “Chơn Sum”, trong GĐTTC (quyển 3) phiên âm là “Chân Sum”. Theo PHQ 2019, “Chơn Sum sơn (…) TVK 1875 chép là “núi Chơn-giùm”.” (tr.216). Như vậy, rất có thể Lý Việt Dũng 2016 dựa vào lời của Trương Vĩnh Ký trong Tiểu giáo trình địa lý Nam Kỳ xuất bản năm 1875 nên phiên âm “真森” là “Chơn Giùm”.