“THỊ ĐEN SỐC” Ở TỔNG CHÂU PHÚ, HUYỆN TÂY XUYÊN, PHỦ TUY BIÊN, TỈNH AN GIANG NĂM 1836
Theo Nguyễn Đình Đầu, trong Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – An Giang (Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1995), tổng Châu Phú (huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang) gồm 29 thôn, trong đó:
– 25 thôn còn địa bạ: An Nông, An Thạnh, Bình Thạnh, Hưng An, Khánh An, Long Thạnh, Nhơn Hoà, Nhơn Hội, Phú Cường, Thân Nhơn Lý, Thới Hưng, Vĩnh Bảo, Vĩnh Điều, Vĩnh Hội, Vĩnh Khánh, Vĩnh Lạc, Vĩnh Nguơn, Vĩnh Phước, Vĩnh Tế Sơn, Vĩnh Thành, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Thọ, Vĩnh Thông, Vĩnh Trung, Vĩnh Trường.
– 4 thôn mất địa bạ: Châu Phú, Vĩnh Gia, Vĩnh Hoà Trung, Vĩnh Lạc Trung. (Sđd, tr.245)
Về địa bạ các thôn An Nông, An Thạnh, Phú Cường, Nguyễn Đình Đầu đã viết như sau:
“An Nông thôn, ở xứ Tà Biệt (bản đồ ghi là Tà Bẹc).
. Đông giáp địa phận 2 thôn An Thạnh, Phú Cường.
. Tây giáp địa phận thôn Vĩnh Lạc.
. Nam giáp vùng sơn cước, xa lộ và thôn Phú Cường.
. Bắc giáp sông Vĩnh Tế.
– Thực canh sơn điền 8.5.3.0[1] (BTĐC)[2]
– Đất hoang nhàn 2 khoảnh.” (tr.246)
“An Thạnh thôn, ở xứ Nha Giun.
. Đông giáp địa phận thôn Vĩnh Thạnh.
. Tây giáp địa phận thôn An Nông.
. Nam giáp sóc Thị Đen (Phnom Den).
. Bắc giáp sông Vĩnh Tế.
– “Nguyên hoang nhàn thổ, thủy khẩn câu tác gia cư”
(Nguyên đất bỏ hoang, mới bắt đầu xây dựng nhà cửa).” (tr.246)
“Phú Cường thôn, ở xứ Chân Tầm Son.
. Đông giáp sóc Thị Đen (Phnom Den)
. Tây giáp xa lộ và địa phận thôn Phú Cường.
. Nam giáp Miên địa.
. Bắc giáp gò Đất và địa phận thôn An Nông.
– (“Nguyên hoang nhàn thổ thủy khẩn câu tác gia cư”) (tr.248)
Vài nhận xét:
Trong số 25 thôn còn địa bạ có 16 thôn, do trước đây là đất hoang, nay mới khai khẩn, mới tạo dựng nhà ở, tức chưa các hạng ruộng đất thuộc diện phải nộp thuế, đều được các thôn trưởng và dịch mục ghi câu: “由原荒閒土始墾搆作家居” (Do nguyên hoang nhàn thổ, thủy khẩn câu tác gia cư). (Không rõ vì lý do gì mà Nguyễn Đình Đầu lược bỏ chữ “由” (Do)). Trong số 16 thôn “thủy khẩn” (始墾) đó có:
– 7 thôn “nam giáp sông Vĩnh Tế” (“Vĩnh Tế hà” (永濟河) [kinh Vĩnh Tế]): Hưng An, Long Thạnh, Thân Nhơn Lý, Vĩnh Bảo, Vĩnh Điều, Vĩnh Nguơn, Vĩnh Thông.
– 5 thôn “bắc giáp sông sông Vĩnh Tế”: An Nông, An Thạnh, Vĩnh Lạc, Vĩnh Tế Sơn, Vĩnh Thạnh.
Trong bản photo địa bạ thôn An Thạnh (安盛) có câu: “南近氏顛滀” (Nam cận Thị Đen sóc). Về “Thị Đen sóc”, chúng tôi phỏng đoán như sau:
“Thị Đen” có nghĩa là người phụ nữ tên Đen, ở đây có thể tạm hiểu là Bà Đen.
“Sóc” (các cụ hồi xưa thường viết là “Sốc”) là “Srok” (ស្រុក) nghĩa là xứ, ở đây có thể là “phum” (ភូមិ) nghĩa là thôn xóm.
“Thị Đen sóc” Nguyễn Đình Tư dịch và chú là “sóc Thị Đen (Phnom Den)”. Rất có thể sóc Thị Đen có liên quan đến “phnom” (ភ្នំ). nghĩa là núi, có tên là “Den”, nhưng viết “sóc Thị Đen (Phnom Den)” sẽ khiển người đọc hiểu lầm “Sóc” trong tiếng Khmer là “Phum”.
Theo địa bạ 3 thôn nêu trên, sóc Thị Đen ở phía bắc thôn An Thạnh (xứ Nha Giun) và ở phía tây thôn Phú Cường (xứ Chân Tầm Son). Mà 2 thôn này đều ở phía đông thôn An Nông (xứ Tà Biệt).
Rất có thể xứ Tà Biệt, nguyên văn là “斜別處” (Tà Biệt xứ), là “Phum Ta Bec” trên bản đồ Phum Pou – Cambodia (không rõ vẽ năm nào). “Phum Trabec”, tiếng Khmer có thể là “ភូមិ ត្របែក”, nghĩa là thôn xóm Cây Ổi.
Theo Wikipedia, ngày nay An Nông là xã thuộc thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang, gồm 3 ấp: An Biên, Phú Cường, Tân Biên. Rất có thể, xã An Nông và ấp Phú Cường ngày này, vào năm Minh Mạng thứ 17 [1836] là thôn An Nông và thôn Phú Cường.
Trên bản đồ nêu trên còn có một số “Phum” khác nữa, trong đó có “Phum Phdenh”. Chúng chưa biết “Phdenh” tiếng Khmer viết như thế nào, nghĩa là gì, cũng chưa biết Phum này có liên quan gì đến “Thị Đen sóc” đang xét hay không? Theo NNC Đào Thái Sơn, trong tiếng Khmer có từ “ផ្ដែង/ Phđeng” nghĩa là cây dầu tà beng.
Ngày nay, theo Wikipedia, “Bà Đen” là tên 1 trong số 6 ấp thuộc xã An Cư, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang. (5 ấp còn lại là Ba Xoài, Chơn Cô[3], Pô Thi[4], Vĩnh Thượng, Xoài Chếk[5]). Chúng tôi cũng chưa biết ấp Bà Đen này có có liên quan gì đến “Thị Đen sóc” đang xét hay không?
Rất mong quý vị và các bạn vui lòng góp ý. Xin chân thành cám ơn trước.
————-
[1] 8.5.3.0: Nghĩa là 8 mẫu 5 sào 3 thước 0 tấc.
[2] BTĐC: Bổn thôn đồng canh.
[3] Chơn Cô: Rất có thể ấp Chơn Cô là “Phum Chơng Cô” trên bản đồ.
[4] Pô Thi: Tiếng Khmer có thể là “ពោធិ/ Pôthi” nghĩa là cây bồ đề. Rất có thể ấp Pô Thi là “Phum Pô” trên bản đồ.
[5] Xoài Chếk: Tiếng Khmer có thể là “ស្វាយចេក/ svay chêk” nghĩa là xoài chuối (tên một giống xoài). Rất có thể ấp Xoài Chếk là “Phum Xoài Chết” trên bản đồ.


Pou còn có cách gọi là pothi
