Cao Văn Nghiệp – CÀ RÒN

Cá Vàng

Yêu thích  · 4 giờ  · 

CÀ RÒN

Cà ròn, cũng gọi là bao cà ròn. Cà ròn là từ đọc trại từ tiếng Khmer là “ka rông/ ការុង”, nghĩa là cái bao. Hồi xưa, cỏ bàng (tên khoa học là Lepironia articulata) thường được dùng để đươn đệm, cà ròn, nóp, giỏ xách, nón… Theo Nguyễn Văn Nam, trong cuốn Liên Phân Bộ Công Kỹ Thương Việt Nam – Tỉnh An Giang 1959 (Nhà in Nguyễn Đ. Vượng, Sài Gòn, 1959), ở vùng Ba Chúc, Lạc Quới đến mùa nước lên, dân chúng dươn đệm và cà ròn, phần lớn chở lên bán tại Cao Miên (tr.32). Lúc đó Ba Chúc và Lạc Quới là 2 xã thuộc quận Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Liên quan đến “cà ròn”, khoảng năm sáu mươi năm trước, tôi từng được nghe má tôi kể đại khái như sau:

Ở một làng nọ có ông hương quản rất hống hách, hay hạnh họe dân làng nên có một bà nọ thường hát ru con như sau:

“Quản bao, quản bị là quản cà ròn,

Một trăm ông Hương quản chẳng còn một ông.”

Lời đó tới tai ông Hương quản. Khi ông ta tới hạch hỏi, bà ta bảo mình đã hát ru con như thế này:

“Quản bao quản bị là quản cà ròn,

Một trăm ông Hương quản vuông tròn một trăm.”

Bị là loại bao rộng đáy. Ông Hương quản thường được gọi tắt là ông Quản. Vỉ Hương quản là hương chức có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát hệ thống giao thông vận chuyển trong một làng ở Nam Kỳ thời Pháp thuộc, nên chúng tôi tạm đoán truyện trên được ai đó ở Nam Kỳ “sáng tác” vào thời Pháp thuộc.