Về cách đọc tên địa danh Hán Nôm khi dịch các văn bản Hán Nôm Việt Nam xưa

Brian Wu đang  cảm thấy Tiếng nước tôi tiếng mẹ ru từ thưở nằm nôi … cùng Lê Ngọc Quốc và 3 người khác.

Yêu thích  · 25 Tháng 12, 2018  · 

Về cách đọc tên địa danh Hán Nôm khi dịch các văn bản Hán Nôm Việt Nam xưa

hay là việc các dịch giả Việt Nam cần phải có một hệ thống dịch thuật về cách dịch tên địa danh xưa chứ không phải mạnh ai nấy dịch và đem con bỏ chợ làm đau đầu độc giả

Thứ nhất, nếu bạn đọc văn bản Hán Nôm, chắc bạn biết là tên địa danh Việt Nam nhất là ở miền Trung / Nam, thường được viết với 2 dạng. Dạng #1 viết theo ngữ pháp Hán ngữ, dạng #2 viết theo ngữ pháp Việt ngữ (Nôm). Ví dụ như địa danh ngả ba Nhà Bè ở Sài Gòn chẳng hạn, thì trong bộ Hoàng Việt của quan Lê Quang Định đã được viết là:

a. Dạng đọc theo ngữ pháp Hán ngữ – 桴家三岐 Phu Gia tam kỳ

b. Dạng đọc theo ngữ pháp Việt ngữ (Nôm) – ví dụ 我𠀧茄[舟+皮] ngả ba Nhà Bè

Như vậy khi dịch sang Quốc ngữ, chắc là chúng ta không ai phản đối trong trường hợp a (tên viết theo ngữ pháp Hán ngữ), tên địa danh 桴家三岐 Phu Gia tam kỳ cần dịch là ngả ba Phu Gia chẳng hạn, chứ không thể nào mà dịch thoát luôn thành ra ngả ba Nhà Bè như trong bộ dịch Hoàng Việt của thầy Phan Đăng.

Mà phạm lỗi dịch thẳng sang tên Nôm từ trường hợp a này thì nhiều lắm, nên mình nghĩ các thầy cô dịch giả nào mà có dịch, xin đừng phạm nữa làm phiền lòng độc giả.

***

Thứ hai, các dịch giả cần tránh đi sự chú thích mà không dẫn nguồn, làm độc giả nghi ngờ là dịch giả có thật sự tham khảo sách xưa nào không hay giảng bậy trong sách ?

Ví dụ như trong bộ Gia Định Thành Thông Chí bản dịch của thầy Lý Việt Dũng, thầy Dũng chú thích là tên Huồng của Thủ Huồng được đọc vậy do sự kỵ húy chữ Hoằng của vua Càn Long nhà Thanh bên Tàu. Mình đọc mà sửng sốt vì không biết thầy Dũng đã dựa vào đâu mà viết chú thích như trên ? Người Việt ở miền Nam thì làm thế nào mà có sự kỵ húy chữ Hoằng của vua Càn Long nhà Thanh bên Tàu nhỉ ?

Như vậy các dịch giả khi chú thích, phải nói có sách mách có chứng, chứ không thể nào ỷ y mà chú thích bậy. Hiện giờ, mình thấy vài mạng đã lấy sự giải thích này của thầy Dũng mà viết về chữ Huồng trong Thủ Huồng rồi đó. Vậy là đầu độc kiến thức độc giả rất tệ đúng không bạn ?

Nên xin các dịch giả nếu không thể “nói có sách mách có chứng” thì đừng chú thích dạng khẳng định như trường hợp trên, mà nên để dấu chấm hỏi sau khi giải thích để độc giả biết mà dò thêm.

***

Thứ ba, các dịch giả cần nêu ra hệ thống khi nào dịch một từ Hán theo ngữ pháp Nôm hay dịch một từ Nôm theo ngữ pháp Hán

Ví dụ như trong bản dịch Xiêm La Quốc Lộ Trình Tập Lục, trong phần chú thích, thầy Phạm Hoàng Quân trang 70 chép tên địa danh “茶 温 汛” rồi dịch là vàm Trà Ôn.

Mà địa danh “茶 温 汛” viết như vậy là viết theo ngữ pháp Hán ngữ, nên làm sao thầy Phạm Hoàng Quân dịch là vàm Trà Ôn mà không là tấn Trà Ôn như khi ta dịch tấn Phan Rang chẳng hạn ?

Nếu đúng chữ 汛 chỉ cho vàm ở miền Nam, thì như vậy nếu độc giả đọc các bản đồ xưa vẽ địa danh miền Nam, thì khi thấy có chữ 汛 ở miền Nam, có tự động nghĩ là “vàm” không ? Mình nghĩ chắc không đâu phải không bạn ? Ví dụ các cửa biển sông Cửu Long như Tấn Đại / Tấn Tiểu chẳng hạn ?

Nên mình đọc mà không hiểu tại sao địa danh ngữ pháp Hán ngữ “茶 温 汛” mà thầy Phạm Hoàng Quân dịch thẳng là vàm Trà Ôn mà không cho độc giả biết lý do tại sao ? Thầy có thể hiểu Trà Ôn không có tấn, chỉ có vàm chẳng hạn, nhưng chắc ít nhất thầy cũng nên có một bảng chú thích khi nào dịch vàm, khi nào dịch tấn chứ đúng không ?

Nên xin các dịch giả đừng đánh đố độc giả khi tự diễn Nôm hay dịch thẳng Hán ngữ, xin có hệ thống dịch thuật địa danh đàng hoàng và cho độc giả biết, đừng mỗi thầy dịch một kiểu và cho mình là đúng.

***

Thứ tư, các dịch giả cần dẹp đi sự tự ý dịch thẳng sang tên địa danh thông dụng ngày nay mà hoàn toàn chẳng liên quan gì tới câu Hán ngữ viết trong văn bản Hán Nôm cả

Ví dụ như trong bộ Gia Định Thành Thông chí bản dịch của thầy Lý Việt Dũng, thầy Dũng đọc ra sao mà lại dịch câu Hán ngữ “城前津舖市 Thành Tiền tân Phố thị” thành ra 3 chữ chợ Bến Thành ?

Mà không phải chỉ thầy dịch vậy, cả hai dịch giả trước là thầy Nguyễn Tạo và thầy Đào Duy Anh cũng dịch vậy.

Tại sao cả 3 dịch giả dịch kỳ vậy ? Mà sao chả ai lên tiếng cả chục năm nay dù ta có cả ngàn tiến sĩ Hán Nôm ? Ngược lại, ngày nay có bao nhiêu là mạng hay bài viết tung hô rằng là địa danh “Chợ Bến Thành” đã có trong bộ Gia Định Thành Thông Chí xưa. Làm gì có vụ này ? Mình đọc mà nghiến răng ken két. Dịch như vậy là giết địa danh đấy chứ.

Nên xin các dịch giả, dịch thì phải chính xác. Còn không dịch chính xác thì xin viết chú thích vào. Đừng tự ý dịch theo cách mình nghĩ làm độc giả tưởng thiệt rồi viết lên mây về các địa danh bị dịch bậy ấy.

Nếu sắp tới đây khi thầy Phạm Hoàng Quân dịch lại bộ Gia Định Thành Thông Chí, bạn để ý thầy dịch câu Hán ngữ 城前津舖市 Thành tiền Tân Phố Thị ra sao. Thầy mà dịch thành ra Chợ Bến Thành, thì bạn biết bản dịch này của thầy Quân chả khá hơn các bản trước mấy cả, đọc càng nhức đầu, mua thêm lãng phí.

****

Thứ năm, các dịch giả cần cẩn thận khi chú thích về địa danh

Ví dụ trong bản dịch Xiêm La Quốc Lộ Trình Tập Lục, trong phần chú thích, thầy Phạm Hoàng Quân trang 71 viết “Ốc Nha Mân, vàm, 喔 牙 斌 汛, tên Khmer là Prêk Okna Mẳn. Ốc Nha (Okna) là tên một chức quan của Cao Miên, theo mặt chữ trong Tập Lục đúng ra phải đọc Ốc Nha Bân, nhưng đã quen đọc Mân, lại lượt bỏ chữ Ốc nên nay gọi rạch Nha Mân, rạch này ăn thông với rạch Sa Đéc tại ngã ba Cồn Ông Chim”.

#1 – không hiểu thầy Quân đã dựa vào đâu để mà khẳng định có sự lượt bỏ chữ Ốc trong địa danh Ốc Nha Bân ? Trong cả hai bộ Hoàng Việt và Gia Định, đều viết Nha Bân cả. Bộ Xiêm La này chỉ viết là Ốc Nha Bân. Nên không hiểu có thật là có sự “lượt bỏ chữ Ốc” như thầy Quân suy đoán trong địa danh Nha Bân không ? Chắc thầy cần phải tìm thêm vài văn bản Hán Nôm trước khi khẳng định điều lượt bỏ này chứ đúng không ?

#2 – Chữ Bân tiếng Việt chắc không vần với chữ Mẳn tiếng Khmer đúng không bạn ? Mà Mẳn trong Nôm có thể dựa vào chữ Mãn 滿 mà viết như Mẳn 䊟 mà, tại sao đọc là Mẳn mà viết là Bân 斌 được nhỉ ? Chả lẽ ông cha ta không đủ chữ Nôm để phiên âm Mẳn thành 䊟, mà lại phải diễn âm Nôm là 斌 Bân ?

#3 – Các nhà nghiên cứu Việt Nam xưa nay cứ cho rằng Ốc Nha là một chức quan của Cao Miên, chả hiểu họ đã dựa vào sách nào mà khẳng định vậy ? Đây bạn đọc trang tiếng Anh này về Ốc Nha >> http://som-an.blogspot.com/2012/12/the-oknha.html. Mà theo mình biết, Ốc Nha là một tước như dạng Hầu thời Nguyễn, chứ làm gì là một chức như Tri Phủ hay Tổng đốc thời Nguyễn sau này ? Thế mà các học giả Việt Nam nào sao cũng viết Ốc Nha là một chức quan của Cao Miên bạn nhỉ ? Mình chưa đọc được học giả Việt Nam nào viết thử Ốc Nha là chức ra sao cả, còn cụ Trương Vĩnh Ký viết thì mình không bàn, có khi cụ giỏi ngôn ngữ chứ không hẳn cụ đã có đủ dữ liệu như thời nay mà hiểu Ốc Nha rõ ràng là gì vậy.

À mà đây luôn, theo bộ Đại Nam Thực Lục bản dịch tập 1, thì ở Thuận Thành (tức khu Phan Rang ngày nay), năm 1693 “Tháng 12, người Thanh là A Ban cùng với Hữu trà viên là óc Nha Thát ở Thuận Thành nổi loạn. Trước là A Ban đến ở Thuận Thành, vốn cùng óc Nha Thát đi lại rất thân”. Ốc Nha trong đoạn này của Đại Nam Thực Lục được viết là 屋牙, không là 喔牙 như được viết trong bộ Xiêm La. Quan trọng hơn, theo bạn thì tại sao có một chức quan của Cao Miên mà lại có chức coi bộ hơi lớn trong triều Chiêm Thành bạn nhỉ ? Bạn để ý là theo Đại Nam Thực Lục “Tháng 8, đổi trấn Thuận Thành làm phủ Bình Thuận, lấy Tả trà viên Kế Bà Tử làm Khám lý, ba người con Bà Ân làm Đề đốc, Đề lãnh và Cai phủ, bắt mặc quần áo theo lối người kinh và sai về để vỗ yên lòng dân.”. Như vậy ngài Kế Bà Tử là Tả trà viên, còn ngài Thát là Hữu trà viên của triều Chiêm Thành nên chắc 2 ngài này như dạng Tả Hữu Tể Tướng trong triều Việt Nam đúng không ?

Mà làm thế nào mà Hữu Tể Tướng của triều Chiêm Thành lại được viết là “Hữu Trà Viên Ốc Nha” bạn nhỉ ? Chả lẽ chức quan của triều Chiêm Thành lẫn lộn luôn cả chức quan Ốc Nha của Cao Miên trong ấy à ?

Mà sao xưa nay các học giả Việt Nam đều cho rằng Ốc Nha là tên một chức quan của Cao Miên mà không thấy ai thử viết chức quan này ra sao làm gì bạn nhỉ ? Liệu các học giả Việt Nam có thật hiểu Ốc Nha là gì không ? Hay họ nghe đâu đó và cứ viết vậy ?

Nên khi dịch giả chú thích, có khi dịch giả cần đem luôn vài đoạn khác ở những quyển khác để chú thích nhằm giúp độc giả hiểu đúng sai, chứ mà dịch giả tự biên tự diễn như trên, có khi làm độc giả đọc chú thích của một dịch giả thì như vậy, còn dịch giả khác lại thế khác, thì có khác nào các thầy ai cũng tự cho mình phép chú thích hời hợt, nhưng không ai thấy mình có trách nhiệm phải chú thích chừng nửa trang giấy hay hơn cho những từ nguyên này ? Mình thật sự đọc đoạn chú thích này của thầy Phạm Hoàng Quân mà thấy băn khoăn lắm. Liệu bao nhiêu người đã lấy sự chú thích này của thầy để mà giải thích từ nguyên cho địa danh Nha Bân xưa ? Thầy Quân chú thích vậy, có khác nào thầy Dũng chú thích Huồng là kỵ húy chữ Hoằng của vua Càn Long bên nhà Thanh, đánh đố độc giả đâu nhỉ ?

****

Thứ sáu, và quan trọng nhất, xin các thầy ở một địa danh dịch, kèm theo một tên Hán ngữ hay Nôm mà các thầy dựa vào để dịch. Viết như vậy, để độc giả dễ dàng tra liền, mà khỏi phải đọc hết rồi dò trong dòng Chú thích footnote của các thầy rất bất tiện. Thưở VNCH, các học giả đã làm vậy, thế mà sau đến năm 2018, chúng ta vẫn còn tình trạng dịch một nơi, mà tên gốc Hán Nôm lại nằm đâu đó trong phần chú thích nào đó ? Xin các thầy vì sự tiện lợi của độc giả mà làm ơn viết kèm theo tên Hán Nôm kế bên

****

Cuối cùng, nếu các thầy có làm được bản PDF, xin bookmark từng trang Hán ngữ để độc giả có thể tự dò để tự biết các thầy dịch có đúng hay không ? Xin các thầy đừng quăng đại cả ngàn trang Hán ngữ rồi đánh đổ độc giả đi tìm đúng trang để đọc. Bộ Hoàng Việt 2005 bị như vậy. Bộ này quý mà nó vô dụng vì chả ai tra hay làm gì được cả. Xin đừng viết sách đánh đố độc giả.

****

Còn các NXB có những ban biên tập có đủ trình độ không thì mình xin chưa bàn tới. Xem ra, NXB có đủ anh chị em biên tập thừa khả năng cắt xén đoạn văn, nhưng xem ra hơi thiếu anh chị em đủ vốn Hán Nôm để mà đọc và chỉnh sửa những gì tác giả viết. Biết làm sao bây giờ ?

Và dĩ nhiên, xin các tác giả cũng hiểu cho độc giả, xin đừng cứ kẹp bậy luôn những nhân vật không biết Hán Nôm hay không đủ trình độ Hán Nôm mà đòi hiệu đính, dạng như thầy Huỳnh Văn Tới mà đòi làm hiệu đính cho bản dịch Gia Định Thành Thông Chí của thầy Lý Việt Dũng, hay ai đó muốn mời thầy Nguyễn Đình Đầu không biết Hán Nôm mà đòi hiệu đính văn thơ Hán Nôm miền Nam. Độc giả thời nay khó tánh chứ không phải là thời cách mạng không có sách để đọc. Các thầy viết cho các độc giả trí thức thế kỷ 21 đọc, chứ không phải viết cho bọn chăn vịt năm 1960 đi học lại địa lý Việt Nam đâu ạ.

Lẫn xin các thầy hiểu cho, độc giả mà quan tâm tới sách của các thầy, là do còn yêu mến các thầy, xin các thầy hiểu cho điều đó. Còn nếu các thầy nghĩ các thầy viết mà độc giả hỏi, các thầy lại sừng cổ lên mà đòi ăn thua với độc giả đọ sức học và kiến thức ra sao, thì xin các thầy đừng viết sách. Viết sách là để nâng cao kiến thức cho độc giả, chứ không phải để các thầy đọ sức học cùng độc giả làm gì. Vì có khi độc giả mà đam mê, đi học lại về văn hóa Việt Nam bài bản đàng hoàng, nhiều khi sẽ làm các thầy xấu hổ cho cả chữ thầy của các thầy đa.

Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi

Thanks

Brian

Tuan Vo

#1 桴家三岐 Phu Gia tam kỳ dịch thành ngã ba Nhà Bè có gì sai nhỉ? Phu gia nghĩa là nhà bè, dịch như vậy vừa đúng ý nghĩa do tác giả ghi chép, vừa dễ dàng cho độc giả. Chứ nếu ta dịch thành ngã ba Phu Gia thì rất giống như dịch máy, độc giả lại phải tra cứu thêm mất thời gian vô ích. Mà phải viết là ngã ba (dấu ngã) chứ không thể viết ngả ba.

#3 Cũng như trên, dịch 茶 温 汛 thành vàm Trà Ôn vừa ngắn gọn, vừa không sai ý nghĩa.

#4 “城前津舖市 Thành Tiền tân Phố thị mà không dịch thành “chợ Bến Thành” thì mới gọi là giết chết địa danh! “Chợ mới trước thành” không phải là “chợ Bến Thành” chứ chợ nào nữa? Không lẽ dịch máy là “chợ mới Thành Tiền”?

#5 Ốc nha rõ ràng là tên gọi một chức quan của Cao Miên hoặc Chiêm Thành. Còn việc các dịch giả không chú thích thêm về chức quan này ta cũng không thể trách cứ họ. Nếu ta muốn tìm hiểu thêm thì ta phải tìm tư liệu liên quan chứ không thể đòi hỏi ngoài phạm vi của đoạn dịch.

#5 Brian rất thích ghi dấu hỏi và dấu á? Mân chứ, sao lại ghi là Mẳn? Brian không đọc lại những ghì mình ghi?

Brian Wu

bạn Tuan Vo, mình đã viết rất rõ mà không hiểu tại sao bạn hỏi vậy nữa. Brian xin viết lại thêm 1 lần.

Nếu đúng như bạn nói là dịch giả có thể dịch “Phu Gia Tam Kỳ” là ngả ba Nhà Bè, thì chắc là trong các sách xưa như bộ Hoàng Việt, các quan đã không cần phải nhọc công mà viết đại khái “Phu Gia Tam Kỳ, tục gọi ngả ba Nhà Bè” rồi bạn ạ. Bởi vì chả ai lại dịch “Ngả ba Nhà Bè, tục gọi ngả ba Nhà Bè” bạn há. Còn tại sao không dịch như vậy, thì đơn giản, là độc giả khi nghiên cứu tên địa danh, họ muốn biết tên Hán ngữ là gì, tên tục Nôm là gì, chứ không phải độc giả chỉ đọc dạng đại khái.

Nên ví dụ với ban, Phu Gia Tam Kỳ hay Ngả ba Nhà Bè đều OK, thì dịch giả Phan Đăng đã thỏa mãn cho bạn vì bạn chỉ yêu cầu bao nhiêu đó, còn độc giả như mình thì nghĩ thầy chưa biết dịch thuật là gì, đơn giản là vậy. Nó cũng như bản PDF của bộ Hoàng Việt ra đời chắc cũng gần 13 năm đối với bạn, thời nay có text hóa hay bookmark cho từng trang bản Hán ngữ không quan trọng, vì bạn không hẳn hiểu Phu Gia Tam Kỳ khác Ngả Ba Nhà Bè ra sao, nhưng mình nghĩ chắc bạn nên đi hỏi thêm các bạn khác về tại sao text hóa và bookmark bản Hán ngữ lại quan trọng chăng ?

Ở đây dịch thuật địa danh không phải là ngắn gọn đâu bạn, mà là chính xác. Bạn đã thỏa mãn nhu cầu đọc dạng thường thức của bạn, còn mình thì chắc không rồi.

Thứ hai, làm thế nào mà bạn nghĩ “城前津舖市 Thành Tiền tân Phố thị mà không dịch thành “chợ Bến Thành” mới là giết chết địa danh ? Ơ hay, thế chữ 前 Tiền đem bỏ thùng rác à bạn ? Thế còn chữ 舖 Phố thì sao bạn ? Bạn có chắc chợ Bến Thành là từ địa danh này không ? Nếu đúng là chỉ cần chợ Bến Thành, chắc là người xưa đã viết 城津市 Thành Tân thị là đủ rồi đúng không bạn ? Làm thế nào mà bạn nghĩ cả cụm từ “城前津舖市 Thành Tiền tân Phố thị” có thể dịch là chợ Bến Thành được nhỉ ? Hay là bạn mời luôn vài thầy Hán Nôm vô đây giải thích thử xem ? Vâng, mình khẳng định 3 học giả dịch bộ Gia Định là dịch bậy đó. Đâu bạn nào nói các thầy dịch chuẩn xác, xin lên tiếng thử xem ?

Và không bạn ạ, dịch là chuẩn xác chứ không là dịch máy hay không dịch máy bạn ạ. Nếu có thầy Hán Nôm nào khẳng định 城前津舖市 cần dịch là chợ Bến Thành, xin bạn nói để mình xin được hầu chuyện thầy ấy.

Mà 城前津舖市 có thể dịch là phố chợ bến Thành Tiền hay phố chợ Bến trước Thành mà đúng không bạn ? Mà ở đâu bạn lại có cả chữ “mới” trong câu dịch vậy ?

Và nếu bạn khẳng định Ốc Nha là chức quan của Cao Miên hoặc Chiêm Thành, đâu xin mời bạn đưa sách ra để mình tham khảo được không ? Dĩ nhiên mình trách các dịch giả vì có khi họ cũng chưa bao giờ nghiên cứu gì về Ốc Nha là gì cả. Họ viết bậy thôi, đâu có khác gì thầy PGS TS Lê Trung Hoa viết Ô Cấp chữ Ô là nước. Và tại sao độc giả lại phải tìm hiểu để biết dịch giả đúng sai chứ ? Ủa kiến thức Ốc Nha quan trọng như vậy mà dịch giả viết bậy hay không dẫn nguồn vậy mà bạn OK và sẽ tự đi nghiên cứu à ? Mình công nhận bạn là độc giả dễ tính nhất mà mình biết đó. Có khi vì bạn dễ như vậy, nên các dịch giả và các NXB tha hồ mà cắt xén, mà viết bậy rồi sau đó lại tái bản để kiếm tiền từ các độc giả như bạn nữa chăng ?

Và theo Đại Nam Quốc Âm Tự Vị, ngả dấu hỏi ở đây nè bạn Tuan Vo (xem >> http://vietnamtudien.org/dnqatv/pic/bd2/b2s78.png), sao bạn biết ngả dấu hỏi là sai ? Mình thấy thầy Phan Đăng trong bộ Hoàng Việt đều viết ngả theo dấu hỏi, bạn có nghĩ thầy Phan Đăng và ban biên tập của NXB là sai không ?

Còn chữ Mẳn, hay bạn Tuan Vo đọc lại trong bài Xiêm La của thầy Phạm Hoàng Quân, thầy viết rõ “tên Khmer là Prêk Okna Mẳn”, nên mình hỏi làm thế nào là “Mà Mẳn trong Nôm có thể dựa vào chữ Mãn 滿 mà viết như Mẳn 䊟 mà, tại sao đọc là Mẳn mà viết là Bân 斌 được nhỉ ? Chả lẽ ông cha ta không đủ chữ Nôm để phiên âm Mẳn thành 䊟, mà lại phải diễn âm Nôm là 斌 Bân ?”. Nên mình đang so sánh tên Khmer Mẳn và tên Nôm Bân 斌, chứ không hề có vụ so sánh tên Mân gì ở đây cả, nên Tuan Vo đọc lại bài viết của mình một lần nữa xem ?

Còn vụ vàm Trà Ôn, Tuan Vo đọc lại luôn rồi phản luận cũng chưa muộn

Thanks

Bria

Lê Minh Khiêm

Theo mình thì phần lớn tên Nôm các địa danh ở miền Trung và miền Nam có trước khi soạn các bộ sách mà Brian Wu đã dẫn trên. Trong quá trình Nam tiến, khi thiết lập việc quản lý hành chính, các địa danh này được Hán hóa một phần.Đến khi vua Gia long thống nhất sơn hà thì việc định bản đồ trên quy mô cả nước được đặt ra và các địa danh này được thống nhất trong các văn bản bằng chữ Hán. Cho nên việc dịch ra Nôm các từ như “ngã ba Nhà Bè” hay “Vàm Trà Ôn” thực chất chỉ là chuyện “trả lại tên em” thôi, chữ bây giờ mà nói “sông Phu Gia” thì chắc ít người biết tới.

Chuyện chữ “vàm” nghĩa là gì thì mình có một chú thích có lẽ là cũ nhất so với các sách “quấc âm tự vị” rất nhiều. Mình kèm theo đây để các bạn tham khảo.

Tạm dịch:

“Vàm Ông Chưởng tại Đông Xuyên huyện. Phía tây sông Tiền mở ra một cửa sông. Hồi Quốc sơ, Chưởng cơ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược đất Cao Miên đóng dinh ở đấy nên mới có tên này. Nay vẫn còn đền thờ tại đây (“vàm” thanh bằng, là tên người Nam Kỳ gọi nơi sông lớn và sông nhỏ phân hợp. Lại ở giữa dòng sông Hậu có một cái cù lao, Nguyễn Hữu Cảnh chinh phạt Cao Miên, khi trở về đóng binh ở đấy, sau dân lập đền thờ. Cũng có tên “cù lao Ông Lễ”).

Brian Wu

bạn Lê Minh Khiêm, ở đây, chúng ta không bàn lại việc “trả lại tên em” hay là không, mà ta đang bàn là dịch thuật ra sao.

Một ví dụ khác dễ hiểu hơn, là vụ các dịch giả cứ nhè cụm từ Hán nhân 漢人 mà dịch thẳng ra là người Kinh chẳng hạn. Dĩ nhiên người Việt mình ai mà chả biết Hán nhân trong văn bản Hán Nôm Việt Nam là chỉ cho người Việt chung chung ngày nay. Nhưng làm thế nào mà dịch Hán nhân 漢人 thẳng ra thành người Kinh mà không hề chú thích gì cả ? Chính vì vậy mà thầy Liam Kelly đã mất tôn trọng cho các học giả Việt Nam vậy. Đó là sự dịch bậy đấy chứ.

Và ở đây cũng vậy, việc có đúng là tên Nôm có trước hay không thì đó là một chuyện, nhưng ta ai cũng hiểu trong văn bản Hán Nôm có 2 cách viết tên địa danh, nên nếu có đoạn văn “Phu Gia tam kỳ tục gọi ngả ba Nhà Bè”, mà dịch giả nào dịch “ngả ba Nhà Bè tục gọi ngả ba Nhà Bè” đó là ngu vậy, còn dịch giả nào dịch “Phu Gia tam kỳ tục gọi ngả ba Nhà Bè” vì không muốn mang tiếng là dịch ngu, nhưng ở đoạn khác khi thấy chỉ có “Phu Gia tam kỳ” thì lại dịch thành “ngả ba Nhà Bè” đó là láo vậy.

Như Brian có trả lời cho bạn Tuan Vo bên trên, chúng ta đọc bản dịch để hiểu trong đó ông cha đã viết gì, chứ không phải muốn dịch giả viết cho bọn chăn vịt đọc. Chả ai cấm các dịch giả dịch Hán nhân là người Kinh, Phu Gia tam kỳ là ngả ba Nhà Bè, nhưng họ cần chú thích đầy vào đấy, khi nào thì bản Hán ngữ gốc Phu Gia tam kỳ hay là tục Nôm ngả ba Nhà Bè, họ cần chú thích rõ hoặc có một hệ thống, chứ không phải tự ý khi thì dịch vậy, khi thì dịch kia, dạng dịch thoát, làm cho độc giả chả biết trong văn bản Hán ngữ các quan đã viết gì trong ấy.

Một ví dụ chết người chính là sự dịch bậy Chợ Bến Thành vậy. Ai mà chả biết chợ Bến Thành, nhưng trong bộ Gia Định, có viết khỉ gì về “chợ Bến Thành” đâu. Đấy là do 3 dịch giả kia đã tự mình dịch bậy dạng “trả lại tên em” đấy chứ. Độc giả như mình đâu có cần các dịch giả “trả lại tên em”, mà chỉ cần họ làm đúng với chức năng mà họ đảm nhận, ấy tức là dịch cho chính xác vào, và dịch cho một độc giả trí thức đọc, chứ không phải dịch cho bọn chăn vịt đọc.

Còn bàn về chữ vàm, mình có viết rõ là không hỏi về chữ 汛 có nghĩa đúng là vàm hay tấn không, mà là hỏi tại sao thầy Phạm Hoàng Quân lại dịch “茶 温 汛” là vàm Trà Ôn mà không là tấn Trà Ôn ? Một ví dụ đơn giản là nếu ta đọc bộ Đại Nam Nhất Thống Chí, ở mỗi tỉnh có đoạn Cửa Quan và Tấn Sở với chữ Hán là 關汛 Quan Tấn, và nếu ta đọc về tỉnh Vĩnh Long đoạn Quan Tấn này, thì thấy có cả đoạn tấn Cổ Chiên dịch từ Hán ngữ 古𦍫汛. Chắc là ở đây có lý do gì đó mà các dịch giả Nguyễn Tạo hay Viện Sử Học dịch 古𦍫汛 là tấn Cổ Chiên. Xem qua bản đồ, sông Cổ Chiên chạy dài ra tới Biển Đông, nên chắc là 古𦍫汛 Cổ Chiên tấn là chỉ cho cửa biển Cổ Chiên đúng không LMK ? Nên dịch vàm Cổ Chiên là có vấn đề. Vậy chúng ta ai cũng điều hiểu vàm là gì, tấn là gì, v.v, nhưng vấn đề là dịch thì phải có hệ thống dịch thuật ra sao, chứ không phải mạnh ai nấy dịch rồi đánh đổ độc giả dạng phải hiểu tại sao dịch giả dịch như thế ? Thế nếu dịch giả dịch bậy thì sao ? Chả lẽ độc giả đọc sách mà phải làm luôn cả công việc nghiên cứu xem dịch giả dịch đúng hay sai sao LMK ?

Còn trong đoạn văn của ngài Trương Quốc Dụng, bàn về chữ 汛 thanh bằng thì mình xin miễn bàn, bởi vì vàm 汛 chữ Nôm thì đúng, chứ còn viết chung chung 汛 mà khẳng định là người miền Nam chỉ cho nơi phân hợp sông lớn, sông nhỏ thì sai quá xá trời đất. 古𦍫汛 Cổ Chiên tấn có phải đọc là vàm Cổ Chiên đâu LMK ? Mà nếu đúng là cửa Cổ Chiên mà có thể đọc là vàm Cổ Chiên, thì hóa ra cả Việt Nam, cửa tấn nào cũng đọc được vậy cả. Nên quan Trương Quốc Dụng bàn về chữ 汛, mà lại không chú là nếu đọc Nôm thì ở Nam Kỳ nghĩa là vậy, thì quan sai vẫn hoài sai thôi LMK, chứ không phải quan đi làm quan xưa nghĩa là quan giải thích đúng.

Và đoạn dịch của LMK thì chắc là như dạng đọc chơi, chứ nếu thật sự mà viết sách thì nó có đầy vấn đề. Ví dụ, trong bản Hán ngữ viết rõ ràng là Cao Man 髙蛮, mà LMK lại dịch thành Cao Miên 髙綿 là sao ? Như vậy có khác nào các cán bộ Viện Sử Học dịch bậy sử liệu đâu ?

Lẫn LMK dịch thiếu đoạn “Lại ở giữa dòng sông Hậu có một cái cù lao” vì Brian đọc lỏm bỏm thấy chắc là cần dịch “Lại ở giữa dòng sông Hậu, ở cửa dưới nhánh sông này [ Brian chú- tức vàm Ông Chưởng], có một cái cù lao”.

Thanks

Brian

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *