Cá Vàng cùng với Lê Ngọc Quốc và 8 người khác.
Yêu thích · 22 Tháng 3, 2023 ·
PHÂN THỦ ĐẠO VÀM NAO
Trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (ở sau viết tắt là HVNTDĐC 1806) của Lê Quang Định, Phan Đăng dịch, Nxb Thuận Hóa 2005, có đoạn sau đây:
“300 tầm, phía bên phải của sông có hai cái cồn, một cái gọi là cù lao Lão Nghĩa, một cái gọi là cù lao Vàm Nao. Phía phải của cồn này có một cái cồn lớn, tục gọi là cù lao Tây, ở đó có dân cư và ruộng vườn, phía bắc của cồn này lại có bốn cồn nữa: Cái ở trên gọi là cù lao Chuột, cái ở giữa gọi là Cái Chùy Ba Răng, cái cuối gọi là cù lao Đao Lửa. Đến rạch Vàm Nao Thượng, rạch rộng 8 tầm, sâu 2 tầm, phía nam của rạch đi 16.318 tầm đến rạch Vàm Nao Hạ rồi thông vào bên trái của Hậu Giang, hai bên bờ là ruộng vườn của người Miên, bên trong là các súc [Súc: một thôn xóm, như bản làng – Phan Đăng chú] của người Cao Miên.” (tr.105)
Đối ứng cú đoạn “…16.318 tầm đến rạch Vàm Nao Hạ rồi thông vào bên trái của Hậu Giang, hai bên bờ là ruộng vườn của người Miên, bên trong là các súc của người Cao Miên”, trong nguyên tác chép là:
“…一萬六千三百十八尋, 志[氵凢][氵芾]下瀝分守道左邊後江, 两岸外華民田内高綿滀.” (Quyển 2, tờ 1549- (75b)
Tạm phiên âm: …nhất vạn lục thiên tam bách thập bát tầm, chí Vàm Nao hạ rạch phân thủ đạo tả biên Hậu Giang, lưỡng ngạn ngoại Hoa dân điền, nội Cao Miên sóc.
Tạm dịch: …16.318 tầm, đến phân thủ đạo ở vàm dưới rạch Vàm Nao bên bờ trái sông Hậu, 2 bên bờ, ngoài là ruộng của người Việt, trong là sóc của người Cao Miên.
Phân thủ đạo (分守道) nói trên chính là phân thủ của đạo Vàm Nao. Chúng tôi nói như vậy là vì trong HVNTDĐC 1806 (quyển 7) có đoạn sau đây: “Châu Định Viễn gồm các tổng Bình Dương, Tân An và Bình An, thống quản 15 đạo là Đông Khẩu, Tân Châu, Chiến Sai, Châu Đốc, Trấn Di, Trấn Giang, Tà Ôn, Tân Thắng, Cường Uy, Kiên Thắng, Quang Phục, Vũng Liêm (Rem), Cường Thành, Hùng Sai và Vàm Nao; 5 đồn cửa biển là Bãi Ngao, Băng Côn, Cỏ Chiên, Ba Thắc và Mỹ Thanh” (Lời dịch của Phan Đăng, tr.318)
Phân thủ của đạo Vàm Nao, Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí (quyển 2) gọi là “thủ ngự sở” (守禦所).