Cao Văn Nghiệp – NGÀY KHỞI CÔNG ĐÀO KINH VĨNH TẾ

Trong bài Kênh Vĩnh Tế – Dấu ấn lịch sử biên giới đất liền vùng Châu Đốc – Hà Tiên nửa đầu thế kỷ XIX[1] của 3 tác giả Bùi Hoàng Tân, Huỳnh Thị Ngọc Loan, Trần Minh Thư (Trường Đại học Cần Thơ) có đoạn sau đây:

“Công trình đào kênh này bắt đầu từ năm 1819 dưới triều vua Gia Long đến năm 1824 được hoàn tất dưới triều vua Minh Mạng. Tuy nhiên việc đào kênh không xuyên suốt mà có những thời kỳ gián đoạn. Tổng cộng thời gian đào kênh được chia làm 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: “Ngay trong đợt đầu, triều Nguyễn đã huy động tổng cộng 10.500 lượt người thay nhau đào kênh từ ngày 15 tháng Chạp năm Kỷ Mão (1819) đến ngày 15 tháng 3 năm Canh Thìn (1820)” [8, tr.227]. Kế hoạch dự định 3 tháng hoàn thành nhưng đến tháng 3 năm 1820 phải tạm dừng vì “Khi đó, ở Nam Kỳ bị dịch bệnh nặng nề nên triêu đình Huế phải hoãn việc đào sông, tạm kết thúc đợt đào sông Vĩnh Tế đợt một” [8, tr.227].

Giai đoạn 2: “Việc thi công tiếp tục kéo dài từ…” (tr.63)

Nhận xét:

Trong Gia Định thành thông chí (quyển 2) của Trịnh Hoài Đức, Phạm Hoàng Quân dịch, chú và khảo chứng (Nxb Tổng Hợp Tp.HCM, 2019) có đoạn sau đây nói về “Vĩnh Tế hà” 永濟河, tức kinh Vĩnh Tế[2]:

“Năm Kỷ Mão, niên hiệu Gia Long thứ 18 [1819]…, ngày 15 tháng 12 khởi công.”[2] (tr.106).

Từ đoạn lược trích ở trên chúng tôi tạm suy ra rằng, ngày khởi công đào kinh Vĩnh Tế là ngày 15 tháng 12 năm Kỷ Mão, niên hiệu Gia Long thứ 18. Rất có thể Bùi Hoàng Tân, Huỳnh Thị Ngọc Loan, Trần Minh Thư (Trưởng Đại học Cần Thơ) căn cứ vào sách Gia Định thành thông chí hoặc một tác phẩm nào đó mà tác giả của tác phẩm này cũng căn cứ vào sách Gia Định thành thông chí nên cho rằng, kinh Vĩnh Tế được khởi đào, trong giai đoạn 1, “từ ngày 15 tháng Chạp năm Kỷ Mão (1819)”.

Nhưng “ngày 15 tháng Chạp năm Kỷ Mão” có phải là năm 1819 [dương lịch] hay không? Xin thưa rằng “không”. Lý do:

Năm Kỷ Mão (năm Gia Long thứ 19), theo Âm lịch Việt Nam của Hồ Ngọc Đức, có 3 mốc thời gian sau đây:

– Ngày đầu năm, tức ngày mùng 1 tháng Giêng, nhằm ngày 26/1/1819.

– Ngày 15 tháng Giêng, nhằm ngày 31/12/1819, tức ngày cuối năm 1819.

– Ngày cuối năm, tức ngày 29 tháng Chạp[4] (tháng thiếu), nhằm ngày 13/2/1820.

Từ 3 mốc thời gian nêu trên, chúng ta có thể suy ra rằng, năm Kỷ Mão (năm Gia Long thứ 18) gồm khoảng 10 tháng rưỡi thuộc năm 1819 và khoảng 1 tháng rưỡi thuộc năm 1820. Do lẽ này mà năm Kỷ Mão đang xét thường được chú thêm “1819”. Có lẽ do lời chú “1819” đó mà một số người đọc hiểu lầm ngày “15 tháng Chạp năm Kỷ Mão (năm Gia Long thứ 18)” nhằm năm 1819 dương lịch. Nhưng, nếu căn cứ vào Âm lịch Việt Nam của Hồ Ngọc Đức, thì đang xét nhằm “ngày 30/1/1820”.

Tóm lại: Theo chúng tôi, ngày khởi công đào kinh Vĩnh Tế là “ngày 15 tháng 12 năm Kỷ Mão, Gia Long thứ 18”, nhằm ngày 30/1/1820 dương lịch (không phải năm 1819).

————

[1] Bài này in trong tập “Hội thảo Khoa học Quốc gia – 200 năm kênh Vĩnh Tế – Giá trị Lịch Sử và Tầm nhìn tương lai” (Châu Đốc, 24/11/2024)

[2] “Hà” 河, trong “Vĩnh Tế hà” 永濟河, có thể hiểu là “vận hà” 運河, nghĩa là kinh đào.

[3] Nguyên văn: “Gia Long thập bát niên Kỷ Mão… dĩ thập nhị nguyệt thập ngũ nhật khởi công.” 嘉隆十八年己卯… 以十二月十五日起工.

[4] Tháng Chạp, tức “Lạp nguyệt” 臘月, là tháng 12 âm lịch.