Cá Vàng cùng với Nguyễn Thanh Lợi.
Yêu thích · 7 Tháng 4 lúc 11:11 ·
NĂM THÀNH LẬP 4 QUẬN TRỰC THUỘC TỈNH GIA ĐỊNH
Trong cuốn Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859-1954), chương VIII: Tỉnh Gia Định (Nxb Tổng Hợp Tp. HCM, 2017), tác giả Nguyễn Đình Tư viết về “Ngày thành lập các quận trực thuộc” như sau (xin lược trích):
“Giai đoạn 1913-1914 địa bàn tỉnh Gia Định đã được chia là 4 quận: Quận Gò Vấp do Nguyễn Văn Thám – Phủ hạng 1 làm Quận trưởng, quận Hóc Môn do Đỗ Cao Sô – Phủ hạng 2 làm Quận trưởng, quận Thủ Đức do Lê Bá Trang – Phủ hạng 1 làm Quận trưởng, quận Nhà Bè do Trần Văn Phương – Phủ hạng 2 làm Quận trưởng. Theo thống kê năm 1916, tỉnh Gia Định có các quận, tổng, làng như sau (xin lược trích):
Quận Gò Vấp
1. Tổng Bình Trị Thượng có các làng…
2. Tổng Bình Trị Trung có các làng…
3. Tổng Dương Hòa Thượng có các làng…
Quận Hóc Môn
1. Tổng Bình Thạnh Hạ có các làng…
2. Tổng Bình Thạnh Trung có các làng…
3. Tổng Long Tuy Trung có các làng…
4. Tổng Long Tuy Thượng có các làng…
5. Tổng Long Tuy Hạ có các làng…
Quận Thủ Đức
1. Tổng Long Vĩnh Hạ có các làng…
2. Tổng An Thành có các làng…
3. Tổng An Thổ có các làng…
3. Tổng An Điền có các làng…
4. Tổng An Thủy có các làng…
Quận Nhà Bè
1. Tổng Dương Hòa Hạ có các làng…
2. Tổng Cần Giờ có các làng…
3. Tổng Bình Trị Hạ có các làng…
4. Tổng An Thịt có các làng…” (tr.281-283)
VÀI NHẬN XÉT
1/. Chúng tôi chưa biết các quận (Poste administratif/ Circonscription) trực thuộc tỉnh Gia Định (Province de Gia-Dinh) được thành lập từ ngày nào, chỉ thấy trong cuốn Annuaire Général de l’Indochine 1909, Partie Administrative, Hà Nội – Hải Phòng, Imprimerie d’Extrême-Orient, 1909, có đoạn sau đây (tạm trích dịch):
Quận Thủ Đức
(Địa bàn các tổng An Bình, An Điền, An Thạnh, An Thủy, An Thổ và Long Vĩnh Hạ).
Ô. Silvestre (Achille), tham biện hạng năm, quận trưởng. Ô. Nguyên-dang-Khoa, huyện hạng nhì.
Quận Bà Chiểu – Gò Vấp
(Địa bàn các tổng Bình Trị Thượng, Bình Trị Trung và Dương Hòa Thượng).
Ô. Pham-công-So, Phủ hạng nhứt, quận trưởng.
Quận Hóc Môn
(Địa bàn các tổng Bình Thạnh Hạ, Bình Thạnh Trung, Long Tuy Hạ, Long Tuy Thượng và Long Tuy Trung).
Ô. Tran-quan-Sam, huyện hạng nhì, quận trưởng.
Quận Nhà Bè
(Địa bàn các tổng An Thịt, Bình Trị Hạ, Cần Giờ, và Dương Hòa Hạ).
Ô. Hô-ngoc-Nhon, huyện hạng nhì, quận trưởng.” (tr.299-300).
Như vậy, trễ lắm là vào năm 1909, tỉnh Gia Định có 4 quận: Thủ Đức, Bà Chiểu – Gò Vấp, Hóc Môn, Nhà Bè,
2/. Chúng tôi chưa biết tên quận Bà Chiểu Gò Vấp rút gọn thành Gò Vấp từ năm nào, chỉ thấy mãi đến cuốn Annuaire Général de l’Indochine 1917, Partie Administratif, quận đang xét được ghi là “Circoncription de Govap”. Lúc đó quận Gò Vấp cũng gồm 3 tổng Bình Trị Thượng, Bình Trị Trung và Dương Hòa Thượng; và quận trưởng lúc bấy giờ là ông Lê-quang-Nhut, phủ hạng nhứt. (tr.125),
3/. Cũng theo cuốn Annuaire Général de l’Indochine 1917, quận Thủ Đức gồm 6 tổng An Bình, An Điền, An Thành, An Thổ, An Thủy và Long Vĩnh Hạ (tr.126), tức cũng giống như năm 1909.
Còn Nguyễn Đình Tư, trong sđd, viết về tổng An Bình như sau: vào năm 1911, tổng An Bình có các làng An Phú, Bình Lợi, Bình Thạnh, Bình Trưng, Đông Phú, Mỹ Thủy, Phú Thọ, Tân Lập, Bình Thọ (tr.274), và theo một Nghị định ngày 27-11-1917, giải thể làng Phú Thọ tổng An Bình nhập vào làng Bình Thái tổng An Điền [BACF năm 1917, đệ nhị lục cá nguyệt, ký hiệu J.1420] (tr.276). Thế nhưng, trong sđd, vào năm 1916, tổng An Bình không được nêu tên trong danh sách các tổng thuộc 4 quận Gò Vấp, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè. Nói cụ thể hơn là Nguyễn Đình Tư không nêu tên tổng An Bình trong quận Thủ Đức.
4/. Gần đây có nhà cho rằng, “Tỉnh Gia Định từ ngày 1 tháng 1 năm 1911 chia thành 4 quận: Hóc Môn, Thủ Đức, Gò Vấp và Nhà Bè”, nhưng không dẫn chứng gì cả. Theo chúng tôi, lời đó cần xét lại vì tên 4 quận thuộc tỉnh Gia Định được nêu trong cuốn Annuaire Général de l’Indochine 1909. Riêng quận Gò Vấp, có cuốn ghi “Bà Chiểu – Gò Vấp”, có cuốn ghi là “Gò Vấp – Bà Chiểu”, lại có cuốn ghi là “Bà Chiểu (Gò Vấp)”.
Nói thêm: Theo chúng tôi, năm thành lập các quận trực thuộc các tỉnh Nam Kỳ được Nguyễn Đình Tư nêu trong “Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859-1954)” nói trên và cả trong “Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ” (Nxb Chính trị Quốc gia, 2008) đều chưa đáng tin!


